Michael Wilkerson
Có thể có những lo lắng cho các ngân hàng cộng đồng với những vấn đề về thị trường bất động sản thương mại. Nhưng chính các ngân hàng lớn của Mỹ mới là đối tượng đang gặp nhiều rủi ro hơn. Có thể chỉ cần những đồn đoán tiêu cực nào đó được lan truyền, hiện tượng rút tiền hàng loạt sẽ xảy ra. Và khi ấy, không có gì có thể đảm bảo an toàn cho các ngân hàng này.
Ngoài việc lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật, các ngân hàng thường sụp đổ theo một trong hai cách: mất khả năng thanh toán hoặc mất thanh khoản (hoặc cả hai). Mất khả năng thanh toán xảy ra khi ngân hàng không có đủ tài sản để trang trải các khoản nợ. Mất khả năng thanh toán có xu hướng xuất hiện dần dần; chẳng hạn, nó có thể phát triển dựa trên điều kiện kinh tế xấu đi của thị trường kinh doanh nhỏ lẻ. Mặt khác, tính thanh khoản kém nhanh chóng dẫn đến mất khả năng thanh toán. Tình trạng mất thanh khoản xảy ra khi ngân hàng không có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và điều này có thể diễn ra nhanh chóng. Rút tiền gửi là một trong những cách chính có thể khiến ngân hàng đột nhiên rơi vào khủng hoảng thanh khoản. Cuối cùng nó dẫn đến việc mất khả năng thanh toán.
Hãy xem xét trường hợp nhiều người gửi tiền lớn đồng loạt xuất hiện để đòi lại tiền của họ. Đây là trường hợp của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và First Republic. Lúc này, ngân hàng, vốn chỉ có một lượng tiền mặt hạn chế tại một thời điểm, có thể buộc phải bán các tài sản khác, chẳng hạn như chứng khoán đầu tư hoặc các khoản vay. Việc bán lại vội vàng và hoảng loạn trong điều kiện thị trường khó khăn dẫn đến việc ngân hàng buộc phải bán tài sản với giá thấp hơn giá trị sổ sách hoặc giá trị nội tại của chúng. Khi điều này xảy ra, sự khác biệt giữa giá trị sổ sách và giá trị thực tế khi bán dẫn đến thua lỗ, cạn kiệt vốn. Cuối cùng, ngân hàng trở nên thiếu vốn, hoặc thậm chí tệ hơn, rơi vào tình trạng thâm hụt, nợ nhiều hơn những gì nó sở hữu. Cơ quan quản lý sau đó sẽ can thiệp.
Và đây là điều biến khủng hoảng thanh khoản thành khủng hoảng khả năng thanh toán. Với các chi tiết khác nhau trong từng trường hợp, đó là điều đã xảy ra hết lần này đến lần khác trong hai tháng qua, dẫn đến ba trong số bốn vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản ngân hàng năm 2008 phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chúng có tác động tổng thể tương tự như vậy. Thay vì mất tiền gửi, các ngân hàng đầu tư như Bear Stearns, Lehman Brothers, Citigroup và những ngân hàng khác đã mất khả năng tiếp cận các dòng tài trợ bán buôn. Thay vì nguồn tiền từ các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nguồn tài trợ này lại đến từ các ngân hàng khác, quỹ phòng hộ, quỹ thị trường tiền tệ, các công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác. Kết quả là tương tự. Với thanh khoản cạn kiệt trong bối cảnh sợ hãi tột độ trong những ngày đó, các ngân hàng buộc phải bán tài sản với giá rẻ, tạo ra một vòng xoáy đi xuống.
Khi các nhà tài trợ bán buôn trở nên lo lắng, họ rút lui. Điều này xảy ra chỉ trong vài giờ và vài ngày, thường ở dạng các khoản vay repo qua đêm không được gia hạn. Các ngân hàng đầu tư “quá lớn để đổ vỡ” (too big to fail – TBTF) còn tồn tại như Goldman Sachs, Morgan Stanley và các ngân hàng khác đã nhanh chóng trở thành các tổ chức thu nhận tiền gửi do Cục Dự trữ Liên bang quản lý. Họ được phép tiếp cận ‘cửa sổ chiết khấu’ của Fed. Trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể cầm cố tài sản chất lượng để đổi lấy tiền mặt một cách nhanh chóng. Và bây giờ họ cũng có thể kêu gọi các doanh nghiệp và cá nhân gửi tiền.
Các khoản tiền gửi của khách hàng này thường ở dạng tiền gửi môi giới (không phải từ khách hàng của chính ngân hàng) hoặc “tiền nóng” không được bảo hiểm. Đây là lượng tiền có thể bị rút từ ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng. Cho dù dưới hình thức hạn mức cấp vốn bán buôn hay tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng, các ngân hàng TBTF hiện nay đều đang phải đối mặt với rủi ro thanh khoản giống như năm 2008. Điều đó có nghĩa là, một khi nỗi sợ hãi và hoảng loạn xuất hiện, không gì có thể ngăn cản các nguồn cấp vốn này tháo chạy.
Các ngân hàng lớn đang chịu nhiều rủi ro
Đây là điều quan trọng bạn cần chú ý: Không có ngân hàng nào an toàn trước tình trạng rút tiền gửi hàng loạt một khi nó thực sự diễn ra – ngay cả các ngân hàng TBTF cũng không, thậm chí là cả JP Morgan hùng mạnh. Việc rút tiền gửi hàng loạt thường được thúc đẩy bởi các hiện tượng tâm lý phi lý, cái gọi là “sự điên rồ của đám đông”, chứ không phải các dữ liệu liên quan đến tình hình tài chính cơ bản của ngân hàng. Chúng tạo ra những lời tiên tri tự ứng nghiệm bằng cách khởi động vòng xoáy mà trong đó, việc mất thanh khoản phát triển thành mất khả năng thanh toán.
Chính các TBTF lớn nhất và các ngân hàng khu vực là các đối tượng có thể gặp rủi ro cao nhất. Là công ty đại chúng, chi tiết về kết quả tài chính của họ được các nhà đầu tư kiểm tra kỹ lưỡng hàng quý. Mỗi mẩu thông tin tiêu cực trong hồ sơ hoặc thông cáo báo chí của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đều khiến người ta phải đặt câu hỏi. Điều này có nghĩa là gì? Có chuyện gì không? Tất cả các ngân hàng ở bất kỳ quy mô nào đều được yêu cầu lập hồ sơ pháp lý hàng tuần để công khai thông tin cho nhà phân tích hoặc nhà nghiên cứu, những người sẵn sàng điều tra những thông tin đó. Tuy nhiên, TBTF và các ngân hàng khu vực, do quy mô và tầm quan trọng, dễ gây chú ý và được xem xét kỹ lưỡng hơn nhiều.
Điều này có nghĩa là họ cũng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các quan điểm trên các blog đầu tư, mạng xã hội và mạng lưới xã hội ngoài đời thực. Ngân hàng Thung lũng Silicon đã sụp đổ như thế nào? Không phải vì nó mất khả năng thanh toán, hay – ít nhất là tại thời điểm ban đầu – mất thanh khoản. Mà đó là vì các khách hàng đầu tư mạo hiểm của SVB đã lan truyền tin đồn rằng có vấn đề về thanh khoản tại ngân hàng. Và đây chính là một ví dụ về lời tiên tri tự ứng nghiệm. Điều này cũng đã xảy ra với First Republic. Nếu không có những tin đồn lan truyền dẫn đến việc những người bán khống và những người gửi tiền đều nhắm mục tiêu vào ngân hàng, First Republic có thể vẫn có cơ hội.
Và đây là điểm mấu chốt: Khi con mắt săm soi thị trường quyết định – vì bất kỳ lý do gì, lý tính hay không lý tính – chuyển trọng tâm sang một (hoặc một số) ngân hàng TBTF hoặc ngân hàng khu vực tiếp theo, vốn đang đối mặt với các vấn đề và thách thức, thì điều gì có thể cản trở một vụ sụp đổ ngân hàng với quy mô khổng lồ nữa?
Trong kịch bản này, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang gần như là vô dụng. Quỹ bảo hiểm tiền gửi 128 tỷ USD của nó có giá trị ít hơn 10% tổng số tiền gửi. Nó cũng đã hấp thụ khoảng 35 tỷ USD các khoản lỗ dự kiến từ các vụ sụp đổ ngân hàng gần đây. Chỉ cửa sổ chiết khấu của Cục Dự trữ Liên bang và các khoản tài trợ khẩn cấp mới tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa. Nếu Fed bắt đầu mua tài sản trở lại, lạm phát sẽ lại bùng lên, xóa bỏ thành quả trong việc kiềm chế sự tăng giá mà chúng ta đã thấy trong vài tháng qua. Bảng cân đối kế toán của Fed đã đạt hơn 8 nghìn tỷ USD, tăng gấp 10 lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng là hơn 17 nghìn tỷ USD. Một tổ chức trong số đó, JPMorgan Chase, hiện nắm giữ 1 USD trong mỗi 10 USD tiền gửi.
Gần đây có rất nhiều lời bàn tán về việc các ngân hàng cộng đồng nhỏ có nguy cơ rủi ro cao hơn do khả năng gặp phải các vấn đề trong thị trường bất động sản thương mại. Điều này là đúng. Tuy nhiên, có lẽ rủi ro thực sự nằm ở các TBTF và các ngân hàng khu vực, những đối tượng rõ ràng đang là tâm điểm chú ý. Chúng có thể là nạn nhân của sự thay đổi thất thường của tâm lý thị trường và một tâm lý đầu tư nghiêng về sợ hãi và hoảng loạn.
Mặt khác, như chính tên gọi của mình, các ngân hàng cộng đồng được hưởng lợi từ lòng trung thành vô hình và các liên minh địa phương mà các ngân hàng lớn hơn không có. Các ngân hàng cộng đồng thường được sở hữu bởi các cổ đông địa phương, quỹ tín thác hoặc quỹ tương hỗ. Đây cũng chính là lực lượng gửi tiền cốt lõi của các ngân hàng này. Chúng thực sự có thể là bến cảng an toàn hơn trong cơn bão ngân hàng vốn vẫn chưa thực sự chấm dứt.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch