Đổi tên, chuyển trụ sở, công ty Trung Quốc cố giấu gốc gác để phát triển ra nước ngoài

Liên Thành

Binance, nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Công ty này được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2017. (Ảnh: AFP).

Do mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng căng thẳng, để tránh những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn, sau khi có được chỗ đứng ở nước ngoài và muốn phát triển hơn nữa ở thị trường Âu – Mỹ, một số công ty Trung Quốc đã thay đổi tên công ty và rời trụ sở sang các nước khác nhằm che giấu ‘thân phận’ đến từ Trung Quốc.

CNN gần đây đăng bài đề cập đến việc một số công ty Trung Quốc đã phát triển thành công ở nước ngoài và sau đó nỗ lực giữ khoảng cách với ‘nơi phát tích’ ở Trung Quốc.

Một trong những ví dụ khá nổi bật là Binance, nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Công ty này được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2017 và tạo ra một hệ thống giao dịch tần suất cao cho các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi thành lập, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu giám sát nghiêm ngặt và đàn áp ngành công nghiệp tiền điện tử ở nước này.

Vào tháng 3/2018, công ty Binance công bố thành lập văn phòng mới ở Malta – một quốc gia ở châu Âu. Kể từ đó, Binance đã cố gắng hết sức để làm mờ mối quan hệ giữa công ty này với Trung Quốc, và không mong muốn giới truyền thông gọi họ là “công ty Trung Quốc”.

Bài báo tiết lộ rằng, Giám đốc Binance Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao) từng viết trên blog cá nhân vào tháng 9 năm ngoái như sau: “Những nhân vật ở phương Tây phản đối chúng tôi đã cố gắng mô tả chúng tôi là ‘công ty Trung Quốc’, họ làm vậy là không có ý tốt”.

Gần đây khi trả lời câu hỏi của CNN, Binance cũng nhấn mạnh rằng công ty này “không hoạt động ở Trung Quốc, chúng tôi không có bất kỳ công nghệ nào được đặt tại Trung Quốc, bao gồm cả máy chủ hoặc dữ liệu”.

Ngoài ra, trên trường quốc tế, các doanh nghiệp Trung Quốc khác như nền tảng thương mại điện tử Temu và Shein cũng đang cố gắng giữ khoảng cách với ‘gốc gác’ của họ. Các công ty này không chỉ thay đổi tên của công ty ở nước ngoài, di chuyển trụ sở của công ty sang các quốc gia khác, mà còn thuê người nước ngoài làm người đứng đầu công ty với hy vọng rằng mọi người sẽ không nhận ra họ là công ty đến từ Trung Quốc.

Trong đó, Temu quảng cáo rằng họ là một công ty Hoa Kỳ có trụ sở tại Boston và công ty mẹ của họ là PDD đặt trụ sở chính ở Dublin, Ireland. Nhưng trên thực tế, công ty mẹ của Temu – PDD (Pinduoduo) – lại là một công ty Trung Quốc chính hiệu và trụ sở nguyên gốc vẫn luôn ở Thượng Hải.

Các doanh nghiệp Trung Quốc khác như nền tảng thương mại điện tử Temu và Shein cũng đang cố gắng giữ khoảng cách với ‘gốc gác’ của họ.

Shein là một nền tảng mua sắm rất thành công ở Mỹ. Hồi năm 2021, trên trang web của công ty này không đề cập một chữ nào tới việc nó được thành lập ở Trung Quốc mà chỉ nói rằng là một “công ty đa quốc gia”. Hiện nay, trang web của công ty lại ghi rằng trụ sở đặt tại Singapore và “trung tâm hoạt động chính là ở Hoa Kỳ và các thị trường lớn toàn cầu khác”, nhưng cũng không có một chữ nào nhắc đến Trung Quốc.

Về hiện tượng trên, bài báo đã trích dẫn phân tích của ông Scott Kennedy, một cố vấn cấp cao tại “Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế” (CSIS) của Mỹ, rằng nếu “[thừa nhận] là một công ty Trung Quốc, nó có thế sẽ không có lợi cho việc kinh doanh trên toàn cầu và dẫn tới nhiều rủi ro”.

Ông Kennedy cho rằng, việc các công ty Trung Quốc không sẵn lòng thừa nhận rằng họ đến từ Trung Quốc là vì, nó có thể sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh mà công ty xây dựng trên trường quốc tế, ảnh hưởng đến cách đối xử của các cơ quan quản lý giám sát trên toàn cầu đối với công ty, thậm chí là gây tác động đến sự tín nhiệm, thị trường, các đối tác hợp tác, cho đến cả việc mua đất đai và nguyên liệu, v.v.

Ông Ben Cavender, Giám đốc tại Thượng Hải của công ty cố vấn China Market Research Group (Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc), cũng nói: “Khi một thực thể doanh nghiệp được coi là có liên quan tới Trung Quốc, họ sẽ tự gây ra tình huống rắc rối và khó khăn. Điều này gần như sẽ khiến chính phủ Hoa Kỳ tự động coi các công ty này là rủi ro tiềm ẩn”. Chính phủ Mỹ có thể sẽ suy luận rằng các công ty này có khả năng chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc hoặc kinh doanh bằng các thủ đoạn xấu.

Điều đáng nói là vào tháng 12/2022, Tạp chí Phố Wall cũng đưa tin về tình huống tương tự: Để phát triển ở Hoa Kỳ, một số công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc đã đưa trụ sở ra khỏi Trung Quốc, hoặc thành lập một thực thể độc lập ở Singapore và các nước khác để che đậy sự thật rằng họ đến từ Trung Quốc.

Theo đó, sau khi thay đổi tên, các công ty này không còn đề cập đến nguồn gốc Trung Quốc của họ; hoặc là phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Trung Quốc và quốc tế, và nhấn mạnh rằng dữ liệu hoặc mảng quản lý sản phẩm của họ ở thị trường trong và ngoài nước được phân tách rõ ràng.

Bài báo này cũng chỉ ra rằng, sở dĩ nhiều công ty Trung Quốc làm như vậy, một phần là vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, môi trường quản lý giám sát bị siết chặt và chính sách Zero Covid bất định; một lý do quan trọng khác là để tránh gặp phải vấn đề nan giải như TikTok trong quá trình mở rộng.

Bài báo cho biết đã phỏng vấn hơn 20 người sáng lập, giám đốc điều hành hoặc nhà đầu tư của hơn 20 doanh nghiệp Trung Quốc. Họ đã chia sẻ tóm tắt về chiến lược nhằm giúp các công ty thành lập ở Trung Quốc có thể có được nguồn tài nguyên và tiếp cận thị trường tại Hoa Kỳ, cũng như tránh bị “quan tâm” đặc biệt vì cái mác công ty Trung Quốc.

Related posts