Các nhà tài trợ cho Đảng Quốc gia của New Zealand có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh

Cindy Li

Bà Vicky Lu (đứng thứ 2 từ trái sang) được ông Wang Xiaolong (đứng thứ 2 từ phải sang) – Đại sứ Trung Quốc tại New Zealand – tiếp đón. (Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại New Zealand)

Hai ‘đặc vụ’ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt tại New Zealand đã bị vạch trần. Họ là những nhà tài trợ hàng đầu cho đảng đối lập lớn của New Zealand.

Hồ sơ về các khoản quyên góp của Ủy ban bầu cử New Zealand — được công bố vào cuối tháng 4 — tiết lộ rằng trong số các nhà tài trợ cho Đảng Quốc gia (National Party) năm 2022, có 3 nhân vật cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong 3 nhân vật này, có 2 nhà hoạt động truyền thông có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ.

Một trong các nhà tài trợ thân thiết với Bắc Kinh là bà Lu Xinyan (Vicky Lu). Bà đã quyên góp khoảng 20.000 đô-la New Zealand (tương đương 18.800 đô-la Úc và 12.732 đô-la Mỹ) cho Đảng Quốc gia.

Bà Lu Xinyan là quyền trưởng văn phòng Úc và New Zealand của tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) ấn bản hải ngoại. Bà cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn truyền thông Atlantic (Atlantic Media Group) ở New Zealand.

Tập đoàn truyền thông Atlantic sở hữu một nhà xuất bản, hệ thống truyền thông kỹ thuật số và một tờ tạp chí tài chính. Tại một hội nghị chuyên đề kỷ niệm 95 năm thành lập ĐCSTQ được tổ chức tại Auckland (New Zealand) vào năm 2016, bà Lu cho biết tập đoàn này đã mua và nắm giữ cổ phần của một số tờ báo tiếng Trung ở hải ngoại, bao gồm ở Thái Bình Dương, châu Á và Hoa Kỳ.

“Là một thành viên của New Zealand Channel [thuộc Nhân dân Nhật báo], [chúng tôi] có nghĩa vụ truyền tải tiếng nói và bày tỏ lập trường của Trung Quốc”, bà Lu nói với khán thính giả New Zealand tại hội nghị chuyên đề. “[Chúng tôi] truyền tải thông tin theo cách thức dễ dang tiếp cận để thế giới có thể biết về Trung Quốc và hiểu về Trung Quốc”.

Bà Vicky Lu xếp hạng thứ 31 trong số các nhà tài trợ lớn cho Đảng Quốc gia New Zealand; bà Lili Wang xếp thứ 35. (Ảnh: The Epoch Times chụp màn hình)

Ngoài ra, Đảng Quốc gia còn nhận được hơn 17.000 đô-la từ bà Lili Wang. Bà Wang là người đứng đầu tờ Herald ấn bản tiếng Trung ở New Zealand. Đăng ký trụ sở tại Bắc Kinh, tờ Herald được điều hành bởi một công ty thuộc sở hữu của ĐCSTQ.

Năm 2018, bà Wang đến Trung Quốc để tham dự “Diễn đàn hợp tác truyền thông” về Vành đai và Con đường ở tỉnh Hải Nam. Tại đây, chính quyền Trung Quốc và các tổ chức liên đới đã kêu gọi các phương tiện truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài thúc đẩy các kế hoạch của ĐCSTQ, theo newsroom.

Trong phong trào chống Luật dẫn độ ở Hong Kong năm 2019, tờ Herald gây chú ý vì đã công bố và sau đó rút lại một bài báo gây hiểu lầm. Bài báo đưa ra một số nhận định xấu về các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Ngoài ra, trong danh sách các nhà tài trợ cho Đảng Quốc gia của New Zealand còn có ông Steven Wong, cựu chủ tịch chi nhánh New Zealand của Hội đồng Trung Quốc về Thúc đẩy Thống nhất Quốc gia Hòa bình. Ông Wong đã quyên góp 16.161 đô-la; hiện là Chủ tịch Hiệp hội người Hoa ở New Zealand.

Chuyên gia: New Zealand thiếu Luật về đặc vụ nước ngoài

ĐCSTQ có lịch sử lâu dài trong việc thâm nhập các đảng phái chính trị ở New Zealand thông qua các khoản quyên góp cá nhân, nhờ đó, Bắc Kinh có thể can thiệp vào chính sự nước này. Đây là nhận xét của ông Chen Weijian – tổng biên tập tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (tờ tạp chí có trụ sở tại New Zealand).

“Những chiếc găng tay trắng [- những doanh nhân làm việc cho giới chính trị] của ĐCSTQ và những khoản quyên góp ủy nhiệm này vẫn chưa dừng lại”, ông Chen nói với Đài Á Châu Tự Do. “Người đại diện ở nước ngoài của Nhân dân Nhật báo không phải là một người bình thường. Đây rõ ràng là một khoản quyên góp không chính đáng, nhưng không có vấn đề pháp lý nào có thể được tìm thấy. Quý vị không thể làm gì nếu bà ấy [người đại diện] tuân theo Đạo luật Quyên góp. Cho đến tận bây giờ, New Zealand vẫn không có Luật về đặc vụ nước ngoài”.

“Vấn đề quan trọng nhất là toàn bộ chính phủ New Zealand rất ủng hộ ĐCSTQ và sẽ không bận tâm đến những vấn đề như vậy, miễn là chúng không bất hợp pháp một cách dễ thấy”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bắt tay trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 01/04/2019. (Ảnh: Kenzaburo Fukuhara/Pool/Getty Images)

Ông Feng Chongyi, phó giáo sư môn Trung Quốc học tại Đại học Công nghệ Sydney, đồng tình với mối quan ngại của ông Chen.

Ông Feng lập luận rằng trái ngược với Úc, New Zealand vẫn chưa ban hành luật để khắc phục lỗ hổng. Nước này vẫn để ĐCSTQ tham gia các hoạt động quyên góp chính trị mà không bị hạn chế.

“Không có luật nào như vậy ở New Zealand”, ông cho biết. “Kẽ hở trong luật pháp ở đây quá lớn đến nỗi những đặc vụ của ĐCSTQ, những người đại diện này, trắng trợn đến mức họ đang tích cực thực hiện các khoản quyên góp chính trị hơn bao giờ hết”.

Theo The Epoch Times

Thủy Tiên biên dịch

Related posts