Nathan Worcester
Trong vài năm qua, sự kiểm soát mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các nguyên tố đất hiếm đã thúc đẩy hành động của Quốc hội và nhiều tổng thống Mỹ.
Hàng triệu USD tài trợ của chính phủ đã được chuyển đến một nhà máy tinh chế đất hiếm và khoáng sản quan trọng của Mỹ và một nhà máy tách đất hiếm.
Mới tuần trước, các Dân biểu Guy Reschenthaler (Cộng Hòa-Pennsylvania) và Eric Swalwell (Dân Chủ-California) đã giới thiệu lại một dự luật sẽ tạo ra một tín thuế cho ngành sản xuất nam châm đất hiếm trong nước.
Tuy nhiên, một bài phân tích sắp được phát hành lập luận rằng các nhà lãnh đạo Mỹ đã không giải quyết những gì họ mô tả là “độc quyền chủ quyền, từ trên xuống của Trung Quốc.”
Một đồng tác giả của bài phân tích đó, chủ sở hữu mỏ và là nhà tư vấn James Kennedy, đã chỉ trích dự luật này.
Ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/04: “Tín thuế này sẽ dẫn đến việc sản xuất nam châm nhiệt độ thấp với số lượng lớn và độc quyền.”
Phân tích của ông Kennedy nêu bật sự kiểm soát của Trung Quốc đối với việc phân tách một số loại đất hiếm quan trọng cho thương mại – cụ thể là holmium, terbi, và dysprosium.
Ba nguyên tố đó rất quan trọng để tạo ra nam châm neodymium nhiệt độ cao trong xe hơi điện, hệ thống vũ khí, và các ứng dụng khác.
Ông Kennedy nói rằng nếu không tiếp cận được những nguyên tố đó ở một dạng đã được phân tách, các công ty Mỹ sẽ chỉ có khả năng sản xuất nam châm nhiệt độ thấp.
Ông Kennedy nói với The Epoch Times: “Sẽ không ai sản xuất nam châm nhiệt độ cao vì tín thuế sẽ không bù đắp được chênh lệch chi phí.”
Ông nói thêm, tín thuế này sẽ “bảo đảm Trung Quốc duy trì quyền kiểm soát đối với các nam châm nhiệt độ cao và do đó [kiểm soát cả] các EV [xe điện], phong năng, và các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ.”
Thậm chí, ông còn đưa ra quan điểm rõ ràng hơn trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 17/04. Xét về nam châm nhiệt độ cao, Mỹ thậm chí còn không bằng Trung Quốc.
Ông nói, “Đây không phải là một sự nhầm lẫn – Trung Quốc kiểm soát 100%.”
Công ty khai thác đất hiếm quyền lực của Trung Quốc
Ông Kennedy là đồng tác giả bài phân tích của ông cùng với các chuyên gia về đất hiếm từ khắp nơi trên thế giới. Một số chuyên gia ẩn danh vì việc thu hút sự chú ý đến sức mạnh thị trường của Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho sự nghiệp của họ.
Bài phân tích này cảnh báo người Mỹ không nên phớt lờ tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc về đất hiếm, lập luận rằng những đánh giá trước đây của Hoa Kỳ và các đồng minh đã sai lầm khi cho rằng nước này chủ yếu chỉ nghĩ về lợi ích tài chính.
Bài phân tích cho biết, “Các động cơ của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là kinh tế theo nghĩa truyền thống. Thay vào đó, các tài nguyên khoáng sản này đang được tận dụng như một điểm tựa địa chính trị cho lợi thế kinh tế và sự thống trị về mặt công nghệ của Trung Quốc đối với các công nghệ hạ nguồn và các ngành liên quan.”
Khi các nguyên tố đất hiếm trở thành một điểm nóng địa chiến lược, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã tăng cường trợ giúp cho các công ty khai thác và chế biến bên ngoài Trung Quốc.
Chẳng hạn, hồi năm 2022, Bộ Quốc phòng đã trao cho công ty Lynas Rare Earths của Úc 120 triệu USD để xây dựng một nhà máy tách đất hiếm có trụ sở tại Texas.
Ông Pavel Molchanov, một nhà phân tích năng lượng của công ty dịch vụ đầu tư Raymond James, lưu ý rằng mới đây, thị phần khai thác đất hiếm của Trung Quốc đã suy giảm.
Đánh giá năng lượng mới nhất của BP cho thấy năm 2021 Trung Quốc sản xuất 59% đất hiếm của thế giới. Theo số liệu thống kê do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ thu thập được, con số này giảm so với mức gần 100% vào năm 2010.
Ông Molchanov nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/04: “Trong lịch sử, không hề có mối lo ngại chính trị nào về nguồn cung cấp đất hiếm bên ngoài Trung Quốc.”
“Do đó, nếu các nền kinh tế ở cấp độ dự án không hấp dẫn lắm, thì điều này hoàn toàn sẽ không được thực hiện.”
Ông cho rằng sự thay đổi trong thái độ của phương Tây là do “sự hiếu chiến và thiếu khả năng dự đoán của Trung Quốc trên trường thế giới,” trích dẫn lập trường của nước này đối với Đài Loan và sự ủng hộ của họ dành cho Nga chống lại Ukraine.
Ông Molchanov cũng cho thấy rằng Mỹ không đơn độc trong việc tìm cách tách khỏi Trung Quốc ngay cả khi nước này theo đuổi các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng (hoặc tích cực) sẽ làm tăng nhu cầu đối với các khoáng sản do Trung Quốc thống trị. Liên minh Âu Châu cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với đất hiếm.
“Khi chúng ta nhìn về cuối thập niên này, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chỉ còn dưới một nửa nguồn cung đất hiếm của thế giới,” ông Molchanov nhận định.
Ông Kennedy thì cho rằng còn quá sớm để Hoa Kỳ và các đồng minh ăn mừng.
Ông nói với The Epoch Times, “Khi Trung Quốc chuyển từ sản xuất 97% đất hiếm của thế giới xuống còn khoảng 60% như hiện nay, mọi người đã thổi kèn mừng chiến thắng. Chúng ta không hề chiến thắng. Chúng ta là một thằng hề. Chúng ta đang bị chơi xấu.”
Ông Kennedy tin rằng Trung Quốc đang cố tình di chuyển hoạt động khai thác ra bên ngoài biên giới của mình đồng thời mở rộng quyền kiểm soát đối với nam châm và các sản phẩm hạ nguồn có giá trị khác.
Ông nói: “Trung Quốc không muốn gây ô nhiễm cho đất nước của mình nữa hoặc làm cạn kiệt tài nguyên, vì vậy họ đã tạo ra một cơ hội lợi nhuận cho các nhà sản xuất, và đó là tình huống mà chúng ta gặp phải vào thời điểm này.”
Ông nói thêm, “Nếu họ có thể làm được, thì họ cũng có thể đảo ngược điều đó.”
Điểm yếu quân sự
Ngày nay, đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác thường xuất hiện trong chu kỳ tin tức liên quan đến cái gọi là “quá trình chuyển đổi xanh” từ nhiên liệu hóa thạch và động cơ đốt trong sang phong năng, quang năng, và EV.
Ông Guillaume Pitron, một nhà báo người Pháp nổi tiếng với các bài viết về đất hiếm và các khoáng sản thô khác, nhận định: “Quá trình chuyển đổi năng lượng này chỉ vừa mới bắt đầu và Hoa Kỳ nhận thấy mình ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác.”
Tuy nhiên, ông Molchanov lại nhấn mạnh rằng xe điện và các công nghệ tương tự là một phần tương đối nhỏ trong câu chuyện về đất hiếm này.
Ông nói, “Neodymium được sử dụng trong những chiếc xe điện, nhưng tôi chắc chắn không muốn miêu tả điều này hoàn toàn là một câu hỏi về tính bền vững hoặc truyền năng lượng. Đây thực sự là một vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến các ứng dụng hàng không vũ trụ và quân sự.”
Một cố vấn khoáng sản quan trọng ẩn danh đã đồng ý với ông Molchanov về tầm quan trọng của đất hiếm đối với quốc phòng.
Vị cố vấn này, người đã tham gia soạn thảo bản phân tích của ông Kennedy, nói với The Epoch Times về việc Hoa Kỳ đã sử dụng sai các khoáng sản quan trọng như thế nào, mở ra một cơ hội cho Trung Quốc: sau sự kiện ngày 11/09 và cũng như cuốn sách có nhan đề “End of History” (Kết thúc lịch sử) của tác giả Francis Fukuyama, nước Mỹ đã làm tất cả để chống khủng bố.
Vị cố vấn cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/04, “Trong khi Trung Quốc đang bành trướng ở các khu vực khác nhau, thì Hoa Kỳ đã không tập trung vào quốc gia này. Cuối cùng, khi ngăn chặn được chủ nghĩa khủng bố, họ nhận ra rằng, ‘Xem nào, họ ở khắp nơi trên thế giới. Họ ở khắp châu Phi.’ Họ đang thu thập tất cả những tài nguyên này – giống như chơi trò Độc quyền với ai đó, và họ thậm chí còn mua cả Đại lộ Baltic và Đại lộ Địa Trung Hải, thậm chí cả những mảnh vụn nhỏ xíu.”
Ông nói thêm: “Cạnh tranh chiến lược luôn là một cuộc cạnh tranh về các nguồn tài nguyên chiến lược.”
Các công nghệ quân sự hiện tại đã khiến đất hiếm trở thành một điểm yếu. Ngoài ra, các chính phủ phương Tây đang theo đuổi các chính sách điện khí hóa quốc phòng có thể gây thêm căng thẳng cho điểm yếu đó.
Trong phiên điều trần mới đây của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm khẳng định sự ủng hộ của bà đối với việc chính phủ ông Biden thúc đẩy điện khí hóa nhanh chóng các loại xe quân sự.
Quân đội Anh đã công bố các kế hoạch “điện khí hóa chiến trường,” trong đó có việc thông qua mở rộng sử dụng xe điện.”
Ông Molchanov lưu ý rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng lớn kim loại đất hiếm.
Theo đánh giá mới nhất về năng lượng của BP, Brazil và Nga cũng đặc biệt giàu các nguyên tố này, với trữ lượng vượt trội hơn so với Úc và Hoa Kỳ.
Cuộc chiến Nga-Ukraine chỉ củng cố mối liên hệ chặt chẽ của Nga với Trung Quốc.
Vị cố vấn về khoáng sản quan trọng ẩn danh này đã mô tả sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine là “một sự phân tâm hoàn toàn,” kể cả khi nói đến các khoáng sản quan trọng.
Trong khi đó, Brazil đã ký kết nhiều thỏa thuận mới với Trung Quốc dưới thời tổng thống cánh tả mới của nước này, ông Luiz Inácio Lula da Silva.
Sự kiêu ngạo và sự khiếm khuyết trong giáo dục
Theo quan điểm của ông Kennedy, vấn đề đất hiếm này phù hợp với một xu hướng kiêu ngạo rộng lớn hơn của phương Tây. Ông nói rằng những người trong cuộc ở Hoa Thịnh Đốn thường cho ông biết rằng họ không thèm đọc các báo cáo bằng Anh ngữ của chính quốc gia đó về các chiến lược “Một vành đai, Một con đường” (One Belt, One Road) hay “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” (Made in China 2025).
Trao đổi với The Epoch Times, ông nhận định rằng người phương Tây “kiêu ngạo đến mức nếu họ đọc các báo cáo này, họ chỉ nghĩ rằng đó là sự hiểu biết của người Trung Quốc. Nhưng không phải vậy. Họ đang thực hiện rất nhất quán các mục tiêu của mình. Quý vị hãy nhìn chúng tôi đây. Chúng tôi không hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào của mình nhưng chúng tôi tạo được một tiếng vang lớn, rất nhiều tín hiệu đầy đạo đức.”
Đối với nhiều nhà phân tích đã nói chuyện với The Epoch Times, các vấn đề về chất lượng giáo dục STEM ở Hoa Kỳ là một vấn đề nghiêm trọng đối với quốc gia này khi họ cạnh tranh với Trung Quốc về đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác.
Phân tích của ông Kennedy nhấn mạnh đến nhiều chương trình đại học, phòng thí nghiệm quốc gia và các nỗ lực nghiên cứu khác dành cho đất hiếm của Trung Quốc. Ngược lại, Hoa Kỳ và phương Tây hầu như không cạnh tranh.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với The Epoch Times, ông David P. Goldman tại Viện Claremont đã mô tả giáo dục kỹ thuật ở Hoa Kỳ là “yếu kém một cách đáng báo động.”
Ông nói: “Những đứa trẻ thông minh nhất đến với các đại công ty công nghệ này, nơi các em hy vọng trở thành triệu phú vào năm 26 tuổi.”
Vị cố vấn về khoáng sản quan trọng ẩn danh này nói với The Epoch Times: “Rất nhiều bằng cấp khoa học lại dành cho những người ngoại quốc.”
Ông Kennedy nói, “Sự khiếm khuyết trong giáo dục này có lẽ sẽ là một trong những điều đau đớn nhất mà một đất nước như chúng ta phải đối mặt,” đồng thời cho biết thêm rằng nhiều giáo sư có thể dạy các kỹ năng liên quan cách đây bốn thập niên đã nghỉ hưu hoặc qua đời.
Dân biểu Reschenthaler từ chối bình luận với The Epoch Times. Nhật Thăng biên dịch