Tin VN trưa thứ Sáu: Phó trưởng ban Ủy ban MTTQ Huế cởi quần áo ‘quậy’ khi say xỉn

Phó trưởng ban Ủy ban MTTQ Huế cởi quần áo ‘quậy’ khi say xỉn

Hình ảnh ông T.B.T có dấu hiệu say xỉn, cởi áo quần dài, ngồi bệt giữa đường bị người dân ghi lại. (Ảnh cắt từ clip)

Ông T.B.T, Phó trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa bị tổ chức này đưa ra hình thức kỷ luật do say xỉn, cởi quần áo “quậy” ngay khu du lịch.

Ngày 8/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết hội đồng kỷ luật của đơn vị này vừa họp và đưa ra kết luận xử lý đối với ông T.B.T. – Phó Trưởng Ban Phong trào – vì có hành vi say xỉn, hành động phản cảm nơi công cộng.

Trong bản tường trình, ông T. thừa nhận do uống rượu bia quá chén dẫn đến say xỉn, không làm chủ được hành vi của mình nên đã để xảy ra sự việc trên.

Ông T. bị kỷ luật cảnh cáo, đồng thời yêu cầu ông này cam kết không tái phạm. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông T. lần đầu vi phạm và rất hối lỗi.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông trung niên nôn ói, nghi say xỉn, cởi áo và quần dài rồi ngồi bệt xuống đường, la ó, chửi bới.

Sự việc được xác định xảy ra vào khoảng 22h ngày 31/5 tại khu vực bến thuyền du lịch Tòa Khâm trên sông Hương, đoạn giáp đường Lê Lợi (phường Phú Hội, TP. Huế). Người trong clip là ông T.B.T, Phó Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Được biết, sau suất biểu diễn ca Huế trên du thuyền, ông T. được chủ thuyền và người dân đưa từ thuyền rồng dưới sông Hương lên bờ trong tình trạng say xỉn. Khi lên taxi, một người dùng điện thoại chụp ảnh khiến ông T. nổi nóng. Hai bên có lời nói qua lại, ông này đã quá say nên có những hành vi phản cảm như cởi đồ, chửi bới nơi công cộng.

Sự việc bị nhiều người chứng kiến, quay lại, không chỉ người dân địa phương, nghệ sĩ biểu diễn ca Huế mà còn có nhiều du khách qua lại. Nhân viên bến thuyền cùng mọi người xung quanh khuyên can ông này không được nên đã tìm cách liên lạc với người thân để đưa về nhà.

Nguyễn Sơn

Lưu lượng nước giảm 10 lần, thủy điện Thác Bà có nguy cơ tê liệt

Lòng hồ thủy điện Thác Bà ngày càng cạn kiệt. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) phải dừng hoạt động của 2 tổ máy vì mực nước hồ còn 45,5 m, dưới mực nước chết 0,5 m. Nếu mực nước xuống dưới 45 m, tổ máy số 3 có khả năng cũng phải dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, cho biết theo số liệu từ đơn vị khí tượng thủy văn, vào tháng 5-6 sẽ có lũ, nhưng năm nay không có.

Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, có những ngày nước về hồ thủy điện chỉ đạt 7-10 m3/s, trong khi đó bình thường vào những thời điểm này như các năm trước phải lên vài chục m3/s, như vậy lưu lượng nước giảm đi khoảng 10 lần.

Tính đến thời điểm này, mức nước tại hồ thủy điện Thác Bà chỉ đạt 45,5 m, dưới mực nước chết 0,5 m.

Do đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã phải dừng hoạt động của 2 tổ máy (công suất mỗi tổ máy 40MW); tổ máy số 3 tiếp tục phát điện ở mức tối thiểu (15MW) nhằm đảm bảo cung cấp nước cho hạ du và duy trì cung cấp điện cho người dân.

Trong tháng 5, sản lượng điện của nhà máy chỉ bằng 1/10 cùng kỳ của năm 2022 (chỉ đạt 2 triệu kWh trong khi tháng 5/2022 là 20 triệu kWh).

“Đây là lần đầu tiên Nhà máy Thủy điện Thác Bà phải dừng hoạt động của 2 tổ máy do thiếu nước”, ông Cường nói.

Các tàu khách tại bến cảng Hương Lý do nước cạn nên đi lại gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

Ông Cường cho hay hiện công ty đang tiếp tục theo dõi tổ máy số 3, vì khi chạy dưới mực nước chết, độ an toàn kỹ thuật của tổ máy ảnh hưởng rất lớn, có thể xảy ra các nguy cơ nứt cánh tuabin, hiện tượng xâm thực…. Do vậy, công ty phải bố trí lực lượng kỹ sư ứng trực 24/24h.

“Nếu mực nước xuống dưới 45m, tổ máy số 3 có khả năng phải dừng, không thể duy trì được vì nó sai lệch về giá trị cho phép rất lớn”, ông Cường nói thêm.

Đến nay, có 9 hồ thủy điện ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ và Trị An. Cùng với đó, 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh và Plei Krông.

Bị tàu chưa rõ số hiệu đâm chìm, 6 ngư dân trên tàu cá rơi xuống biển

Sáu ngư dân tàu cá Bình Định tại cầu cảng huyện Côn Đảo. (Ảnh: vov.vn)

Trong lúc đang khai thác tại vùng biển Côn Đảo, một tàu cá Việt Nam bị tàu chở hàng chưa rõ số hiệu đâm chìm khiến thuyền trưởng cùng 5 ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển.

Chiều ngày 8/6, Đồn Biên phòng Côn Đảo, Bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết vừa tiếp nhận 6 ngư dân trên tàu cá Bình Định bị một tàu hàng đâm chìm trên vùng biển Côn Đảo.

Trước đó, vào ngày 5/6, tàu cá BĐ 30093 TS do ông Đặng Văn Tèo (SN 1977, trú tại Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân xuất bến tại Cảng Bến Đá, TP. Vũng Tàu.

Khoảng 2h ngày 7/6, trong lúc đang khai thác tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 40 hải lý về phía Đông thì bị tàu hàng chưa rõ số hiệu đâm chìm.

Trước khi tàu chìm, thuyền trưởng Tèo đã kịp thời bật máy nhận dạng trên tàu cá BĐ 30093 TS, phát hiện phương tiện trên có chữ BAR – LLI hoặc PAR – LLI hiển thị trên máy nhận dạng tàu cá.

Đến khoảng 7h cùng ngày, ông Tèo đã được một tàu cá Tiền Giang cứu vớt. Sau đó 1 giờ, 5 ngư dân con lại được tàu cá BĐ 31159 TS cứu vớt.

Đến 9h ngày 7/6, toàn bộ 6 ngư dân bị nạn được chuyển qua tàu cá BĐ 10922 TS do ông Nguyễn Văn Đông (SN 1985, trú tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng đưa vào bờ để bàn giao cho lực lượng chức năng.

17h cùng ngày, tàu cá BĐ 10922 TS đã cập cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo bàn giao 6 ngư dân trên cho Đồn Biên phòng Côn Đảo, Bộ đội Biên Phòng Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sáu ngư dân bị nạn đã được Quân y chăm sóc sức khỏe và lực lượng biên phòng hỗ trợ nơi ăn, nghỉ.

Hiện, Đồn Biên phòng Côn Đảo đang tiếp tục lấy lời khai các thuyền viên trên tàu cá BĐ 30093 TS để xác minh vụ việc.

Bảo Khánh

Cà Mau: Vi phạm nồng độ cồn, Phó Chủ tịch xã khai là lao động tự do

Trụ sở UBND xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau (Ảnh: Thông tin phòng chống thiên tai xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau/Facebook)

Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bị công an lập biên bản, Phó Chủ tịch xã Thạnh Phú khai làm lao động tự do.

Chiều ngày 8/6, lãnh đạo UBND xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho hay đã có báo cáo gửi Phòng Nội vụ huyện về trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông của Phó Chủ tịch xã Nguyễn Minh Khuôl.

Theo lãnh đạo UBND xã, Chi bộ ấp Nhà Phấn, nơi ông Khuôl sinh hoạt đã kiểm điểm khiển trách ông Khuôl.

Theo đó, khoảng 20h40 ngày 21/3, Tổ tuần tra kiểm soát, Công an tỉnh Cà Mau kiểm tra và phát hiện ông Khuôl điều khiển xe mô tô mang BKS 69L1-5345 không có giấy phép lái xe và vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở (0,299mg). Tổ tuần tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Khuôl.

Sau đó, ông Khuôl đã chấp hành xong quyết định xử phạt số tiền 6 triệu đồng của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cà Mau.

Thời điểm bị kiểm tra, Phó Chủ tịch xã này tự khai tên là Nguyễn Văn Khuôl, nghề nghiệp là lao động tự do.

Đến ngày 12/4, qua xác minh, công an phát hiện người vi phạm là ông Nguyễn Minh Khuôl, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú.

Biết được sự việc, ngày 17/4, Phòng CSGT Công an tỉnh đã thông báo đến UBND huyện Cái Nước về việc vi phạm hành chính, trật tự an toàn giao thông của ông Nguyễn Minh Khuôl.

Thạch Lam

EVN bị yêu cầu thanh tra về cung ứng điện giữa lúc thiếu điện trầm trọng

Mất điện luân phiên, người dân phải mua máy phát điện để sử dụng. (Ảnh: vov.vn)

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra về quản lý, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ đầu 2021 đến tháng 6/2023.

Nội dung này được nêu tại công điện về đảm bảo cung ứng điện được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, ban hành hôm 6/6.

Bộ Công Thương được giao rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh và hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản để ứng phó với những khó khăn về điện, hoàn thành trước 10/6.

Bộ Công Thương phải hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện 2023 – 2025; chỉ thị về đảm bảo cung ứng, cấp than, khí cho sản xuất điện. Các công việc này cần báo cáo trước ngày 8 và 15/6.

Với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT (đã hết hạn), Bộ phải nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền trong tháng 6/2023.

EVN được giao trực tiếp tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất; thực hiện biện pháp tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.

Các tập đoàn khác gồm Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được yêu cầu đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo đề nghị của EVN; phối hợp để bảo đảm cung ứng điện, khắc phục sự cố các nhà máy điện thuộc thẩm quyền, sớm đưa vào vận hành trong tháng 6/2023.

Trước đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi…, theo báo VOV.

Ông Vân cho rằng để ngăn tránh cơ chế độc quyền, khả năng lộng hành giá và thao túng thị trường điện, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm tách EVN ra làm 2 Tổng công ty độc lập, gồm: Tổng công ty truyền tải điện, quản lý hệ thống truyền tải 220 KV trở lên theo đúng Luật Điện lực và 1 Tổng công ty phân phối điện trên cơ sở cổ phần hóa các công ty phân phối trực thuộc Tổng công ty phân phối điện.

Ông cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định cổ phần hóa các nhà máy điện hiện nay do EVN đang hạch toán phụ thuộc, để lấy tiền đầu tư cho hệ thống đường dây truyền tải, nhằm giảm áp lực về truyền tải.

Ông còn đề nghị Chính phủ “sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện, để chấm dứt tình trạng độc quyền như hiện nay, bởi độc quyền sẽ dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện”.

Hoàng Minh

Hai nghi phạm người Lào vận chuyển trái phép 18.000 viên ma túy vào Việt Nam

Hai nghi phạm mang quốc tịch Lào cùng số tang vật của vụ án. (Ảnh: Hải quan cung cấp/dẫn qua vtc.vn)

Hai nghi phạm quốc tịch Lào vận chuyển trái phép 18.000 viên ma túy tổng hợp vào Việt Nam rồi bị bắt tại khu vực thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Sáng ngày 8/6, thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho hay Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Trị vừa bắt vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Theo đó, vào lúc 13h45 chiều ngày 7/6, các lực lượng chức năng đã bắt 2 nghi phạm quốc tịch Lào tại khu vực thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua Việt Nam.

Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ tang vật hơn 18.000 viên ma túy tổng hợp.

Hiện, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Trị đang tạm giữ hình sự 2 nghi phạm trên để tiếp tục mở rộng điều tra.

Trước đó, vào chiều ngày 1/6, tại xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đội kiểm soát ma túy Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt giữ Phùng Thanh Thịnh (SN 1991) và Hoàng Phi Hùng (SN 2005, cùng trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế), thu giữ 1kg ma túy tổng hợp.

Ngọc Mai

Related posts