Tin thế giới sáng thứ Bảy: Ông Trump bị truy tố 37 tội về tuyên bố sai, che giấu tài liệu

Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ cho thế giới tự do dân chủ nếu Trung Quốc vượt Mỹ về AI

Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhanh chóng vào cuộc cạnh tranh để giành quyền thống trị về trí tuệ nhân tạo (AI), có cảnh báo tự do và dân chủ của thế giới sẽ gặp nguy nếu Trung Quốc thắng Mỹ trong lĩnh vực AI này.
Logo AI khổng lồ tại Smart China Expo ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 27/8/2019 (Ảnh: helloabc / Shutterstock)

Theo Fox News, nhà phân tích chính sách cấp cao James Czerniawski tại tổ chức tư vấn “Người Mỹ vì sự thịnh vượng” (Americans For Prosperity) của Washington, cho biết: “Hiện nay bên nào có bước đột phá trong lĩnh vực AI thì có thể kiểm soát quy tắc cho sự phát triển của lĩnh vực này trong một thời gian dài”.

Ông giải thích rằng để vượt lên trên Mỹ, ĐCSTQ đã sử dụng vốn nhà nước để đầu tư mạnh vào AI, cho thấy rõ lập trường của họ về AI. “Họ muốn sử dụng AI để kiểm soát tự do ngôn luận trực tuyến, và tôi nghĩ đó là điều chúng ta phải hết sức lưu ý và quan tâm sâu sắc… do đó sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với người Mỹ”, ông Czerniawski lưu ý.

Ông tin rằng dưới ảnh hưởng của ĐCSTQ, sẽ rất khó để có được thông tin toàn diện về bất kỳ chủ đề nào. Ông nói: “Tôi nghĩ đó thực sự là rủi ro lớn nhất đối với người Mỹ. ĐCSTQ có thể tận dụng vị thế thống trị [AI] của họ để gián tiếp đưa qua Mỹ văn hóa kiểm soát ngôn luận và thông tin”.

Chuyên gia Czerniawski cho biết, ở Mỹ hiện nay, doanh giới công nghệ thông qua internet thúc đẩy mạnh mẽ tự do thông tin và tư tưởng, đây là điều không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nếu Trung Quốc có được vị trí thống trị, họ có thể thúc đẩy kiểm soát vấn đề quan trọng này, đồng thời sử dụng chính sách đối ngoại để khiến các nước khác áp dụng mô hình tương tự họ.

Giám đốc điều hành Michael Capps của công ty khởi nghiệp AI Diveplane, cho biết nếu Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua AI, rất khó để dự đoán thế giới sẽ như thế nào trong 5, 10 hay 15 năm tới. Ông Capps nói rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là một cách để Bắc Kinh thiết lập cơ sở quyền lực ở nước ngoài.

TikTok là một trường hợp sản phẩm của Trung Quốc sử dụng AI. Với sự trợ giúp của AI, TikTok đã thu thập dữ liệu người dùng và phân tích tình hình của người dùng, nhờ đó mà có được sức hút mạnh mẽ. Nếu Trung Quốc dẫn đầu thế giới về AI, sẽ có nhiều công ty như TikTok hơn.

Ông chỉ ra một số chủ đề phim nhất định sẽ bị cấm nếu Netflix được điều hành bởi một công ty Trung Quốc, điều đó sẽ phá hoại quyền tự do ngôn luận.

Giám Đốc Truyền Thông Christopher Alexander của Liberty Blockchain cũng cho hay, Mỹ và các công ty tư nhân khác cần nhận ra ĐCSTQ có thể đánh cắp bí mật công nghiệp về công nghệ AI, qua đó họ có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh và giành lấy thị phần. “Họ sẽ dễ dàng đánh cắp bí mật công nghiệp của bạn ở Trung Quốc hoặc nước ngoài, đây thực sự là một vấn đề ở Trung Quốc hiện nay”, ông Alexander nói.

Chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả của cuốn “Trước bên bờ sụp đổ” (The Coming Collapse of China), ông Gordon Chang, cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ vượt qua Mỹ trong cuộc đua AI thì hậu quả sẽ rất thảm khốc [cho nhân loại]“. Ông nói: “Một thế giới do Trung Quốc thống trị, hầu hết mọi người sẽ không muốn sống trong đó…. Đó sẽ là một thế giới mà Trung Quốc (ĐCSTQ) thống trị thế giới, và họ (ĐCSTQ) đã tuyên bố rõ đó chính là mục tiêu của họ”. Ông nói thêm: “Đó là một thế giới không có tự do, không có dân chủ đại diện. Đó là một thế giới chỉ do ĐCSTQ cai trị. Đó không phải là thế giới mà chúng ta muốn”.

Theo Trần Đình / Epoch Times

Ông Trump bị truy tố 37 tội về tuyên bố sai, che giấu tài liệu

Bộ Tư pháp liên bang Mỹ hôm thứ Sáu (9/6) đã công bố bản trạng cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump xử lý sai tài liệu mật.

Bản cáo trạng dày 49 trang được một đại bồi thẩm đoàn tại Florida phê duyệt và do Biện lý Đặc biệt Jack Smith ký.

Bản cáo trạng cho thấy ông Trump phải đối mặt với tổng cộng 37 tội, trong đó có cáo buộc tuyên bố sai, âm mưu cản trở, phá hủy và làm giả hồ sơ.

Theo bản cáo trạng, ông Trump đã vi phạm luật liên bang khi chuyển nhiều hộp trong đó có chứa tài liệu mật tới dinh thự nghỉ dưỡng của ông tại Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021.

Khu nghỉ dưỡng không phải là địa điểm được phép cất giữ tài liệu nhưng ông Trump đã để tài liệu ở đó trong nhiều phòng khác nhau, trong đó có phòng khiêu vũ, phòng ngủ, theo bản cáo trạng.

Một bức tranh trong bản cáo trạng cho thấy những chiếc hộp được xếp rải rác theo hàng trên sân khấu phòng khiêu vũ.

Những bức ảnh khác kèm trong bản cáo trạng cho thấy những chiếc hộp cất giữ được gắn nhãn “MẬT/Liên quan tới Mỹ, Tình báo Ngũ nhãn”. Nhãn này có nghĩa rằng thông tin trong những tài liệu này chỉ có thể được gửi tới các thành viên trong liên minh tình báo Ngũ nhãn gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh Quốc và Mỹ.

Ông Trump cũng bị cáo buộc đã cho những người khác xem những chiếc hộp chứa tài liệu mật trong một số dịp khác nhau, trong đó ông đã cho một nhà văn xem tại Câu lạc bộ Golf ở New Jersey.

Ông Trump cũng bị cáo buộc đã trình bày một “kế hoạch tấn công” của Lầu Năm Góc và trưng ra “một bản đồ mật liên quan tới một hoạt động quân sự” cho một đại diện từ ủy ban hành động chính trị của ông.

Ông Trump nhiều lần nói rằng ông đã giải mật các tài liệu trước khi ông chuyển chúng từ Nhà Trắng tới tư dinh của ông ở Florida.

Cũng theo bản cáo trạng, các mật vụ FBI đã tiến hành cuộc điều tra ông Trump liên quan đến các tài liệu mật từ ngày 30/3/2022. Ông Trump đã nỗ lực cản trở cuộc điều tra đó, trong đó có việc đề nghị một trong những luật sư của ông rằng vị luật sư này hãy nói với FBI là ông Trump không có tài liệu mật và ra lệnh cho trợ lý Nauta chuyển các hộp chứa tài liệu để che giấu chúng.

Ông Trump hôm 8/6 loan báo trên Truth Social rằng ông đã bị Bộ Tư pháp truy tố và đó là “ngày đen tối” trong lịch sử Mỹ.

Ông Trump cho biết ông đã sa thải hai luật sư John Rowley và Jim Trusty ngay sau khi Bộ Tư pháp chính thức công khai bản cáo trạng. Cựu Tổng thống Mỹ sẽ phải trình diện tại một tòa án liên bang ở Miami, Florida vào thứ Ba tuần tới (13/6). Ông Trump tuyên bố rằng ông không làm gì sai và ông sẽ không nhận tội.

Xuân Thành

Giao tranh ác liệt ở miền nam Ukraine

Lính cứu hỏa làm việc tại khu vực có các ngôi nhà dân cư bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, trong bối cảnh Nga tấn công tại thị trấn Zviahel, vùng Zhytomyr, Ukraine. Ảnh ngày 9/6/2023. (Nguồn: Dịch vụ báo chí của Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine tại vùng Zhytomyr)

Tóm lược chiến sự hôm Thứ Sáu (9/6), Reuters đưa tin rằng đã có giao tranh ác liệt ở dải chiến tuyến phía Nam Ukraine, với thông tin từ phía Nga nói lần đầu tiên giao chiến với xe tăng và thiết giáp của Đức và Mỹ, và các con số đưa ra cho thấy quân Kyiv đã thất bại nặng nề. Trong khi đó hầu như không có chiến báo độc lập từ phía Kyiv, và rất khó nói được họ có thành công chọc thủng hàng phòng ngự của quân Nga như đã kỳ vọng nhiều tháng qua hay không.

Đã là chiến dịch phản công?

Reuters dẫn lời đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “chiến dịch tấn công này đã bắt đầu” và “Quân đội Ukraine đã không đạt được mục đích của họ trong bất kỳ lĩnh vực nào.”

Reuters cho hay quân Kyiv có 12 lữ đoàn với tổng số 50.000–60.000 quân sẵn sàng tham chiến. Trong đó có 9 lữ đoàn được phương Tây vũ trang và huấn luyện. Không đưa ra số quân sẵn sàng tham chiến của Nga, nhưng tờ báo cho rằng Nga đã liên tục hoàn thiện hệ thống phòng thủ của mình.

Moskva và các blogger phe Nga đưa tin về các trận chiến dữ dội vào thứ Sáu trên mặt trận Zaporizhzhia gần thành phố Orikhiv, xung quanh điểm giữa của “cây cầu đất liền” nối Nga với bán đảo Crimea. Nơi đây được coi là một trong những mục tiêu khả dĩ nhất của quân Kyiv trong chiến dịch tấn công lần này.

RT dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga rằng quân Kyiv trong 24 giờ qua đã mất 1.240 lính, 39 xe tăng, cùng với 30 xe quân sự, 38 xe bọc thép, cùng nhiều vũ khí như xe và pháo các loại; trong đó có các vũ khí của Âu Mỹ đưa vào chiến trường Ukraine. Trên không, 13 máy bay không người lái và 2 chiếc tên lửa tàng hình Shadow Storm (của Anh) cũng bị bắn rụng.

Hồi đầu tuần, Kyiv đã cho nã pháo vào các nơi hậu phương của Nga, trong đó có khu vực Belgorod.

Trong khi đó, Kyiv hầu như không nói gì về mặt trận phía Nam. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar chỉ nói rằng các trận chiến ở Velyka Novosilka vẫn đang tiếp diễn và quân đội Nga đang tiến hành “phòng thủ tích cực” tại Orikhiv.

Ở chiến tuyến phía Đông, trấn Bakhmut, phe Kyiv đã báo cáo giành được lãnh thổ xung quanh Bakhmut, mà lực lượng Nga đã chiếm được vào tháng trước. Chính quyền Kyiv thường cấm các nhà báo tiếp cận chiến tuyến của họ trong các hoạt động tấn công.

Nhật Tân

Vỡ đập Kakhovka: Đặc vụ SBU công bố ghi âm lén và nói Nga là thủ phạm

Reuters đưa tin, cơ quan đặc vụ SBU của Ukraine vừa đăng một đoạn khi âm, được miêu tả là cuộc nói chuyện giữa những người Nga, và SBU nói rằng đoạn hội thoại đó chứng minh rằng một “nhóm phá hoại” người Nga là thủ phạm làm đập thủy điện Nova Kakhovka bị vỡ hôm Thứ Ba 6/6.

Đoạn thu âm do SBU công bố Thứ Sáu 9/6:

Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã đăng một đoạn ghi âm dài một phút rưỡi lên mạng xã hội. Trong đó có hai người đàn ông dường như đang thảo luận về hậu quả của thảm họa Kakhovka bằng tiếng Nga.

“Không phải họ [người Ukraine] tấn công nó. Đó là nhóm phá hoại của phe chúng ta,” theo giọng nói mà SBU miêu tả là của một người lính Nga. “Họ muốn làm gì đó như để dọa [mọi người] với con đập đó. Nhưng sự việc đã không diễn ra đúng kế kế hoạch của họ, và đã quá trớn hơn những gì họ dự định.”

SBU không cung cấp thêm chi tiết về cuộc trò chuyện hoặc những người tham gia. Phía Ukraine tuyên bố họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về tội ác chiến tranh và “diệt chủng sinh thái.”

Sự việc mới diễn ra, và Reuters chưa có báo cáo về phản ứng của phía Nga (nếu có).

Trong một diễn biến khác trước đó, khi được hỏi về chuyện Thổ Nhĩ Kỳ muốn đứng ra làm trung gian và mời các bên độc lập như Liên Hợp Quốc vào điều tra vụ việc con đập Nova Kakhovka, RT báo cáo, thì Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã nói trên kênh truyền hình 1+1 của Ukraine rằng ông đã phát chán những cái mà ông gọi là “trò chơi công lý vờ vịt” đó rồi.

“Hiển nhiên rõ ràng ai là ai,” ông Kuleba bác bỏ mọi ý kiến ​​cho rằng Ukraine cũng đang nằm trong đối tượng bị nghi ngờ có thể phải chịu trách nhiệm, và miêu tả việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ “chỉ là một trò chơi để chiều lòng người Nga.”

Đập thủy điện Nova Kakhovka thuộc vùng Kherson đã bị vỡ hôm Thứ Ba 6/6, và được coi là tai nạn lớn nhất Châu Âu kể từ tai nạn Chernobyl. Công trình thủy điện này có từ năm 1956 thời Liên Xô. Hiện nay đập Kakhovka thuộc lãnh địa phe Nga kiểm soát.

Khi nhiều chục ngàn người phải sơ tán, với hơn chục ngàn ngôi nhà của người dân bị chìm trong lũ – thiệt hại mà cả 2 phe đều đang phải gánh chịu – kèm với các hậu quả lâu dài cho sinh thái địa phương, việc làm vỡ đập hiện bị cả trong và ngoài nước lên án.

Hiện rất khó nói chắc việc đập Kakhovka bị vỡ sẽ có lợi về phương diện quân sự cho phe nào. Nếu Kyiv đang tiến hành chiến dịch phản công, thì tai nạn này đang cản trở kế hoạch của họ. Một số địa điểm mà quân Nga đóng quân đã bị trúng dòng nước lũ và bị buộc phải di chuyển.

Trong họp báo mới nhất của Lầu Năm Góc (diễn ra trước sự kiện SBU công bố đoạn ghi âm nói trên), tướng Patrick Ryder vẫn nói rằng Hoa Kỳ chưa có kết luận ai là thủ phạm vụ phá đập Kakhovka.

Nhật Tân

Số lượng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ thấp nhất trong 17 năm

Cảng Diêm Điền (Yantian) thuộc Khu mậu dịch tự do Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 29/5/2022 (Ảnh” asharkyu / Shutterstock)

Dữ liệu mới nhất cho thấy Mỹ đã nhập khẩu nhiều hàng hóa từ nước ngoài hơn trong tháng 4, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc. Tỷ lệ các lô hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm nước ngoài từ các quốc gia khác (ngoài Trung Quốc) ở châu Á.

Ngày 7/6, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các doanh nghiệp Mỹ đã nhập khẩu nhiều ô tô, điện thoại di động và vật tư công nghiệp hơn trong tháng Tư. Xuất khẩu đã giảm cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Nhập khẩu của Mỹ đã tăng 1,5% lên mức 323,6 tỷ USD được điều chỉnh theo mùa trong tháng Tư. Số liệu thương mại của Mỹ tính bằng đô la và không được điều chỉnh theo lạm phát, vì vậy chúng phản ánh những thay đổi về nhu cầu và giá cả.

Các nguồn cung cấp công nghiệp như ô tô và phụ tùng, các sản phẩm kim loại và vàng phi tiền tệ, cũng như điện thoại di động và các mặt hàng gia dụng khác là những động lực chính của tăng trưởng nhập khẩu.

Nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm, cũng như các ngành dịch vụ, bao gồm vận tải và du lịch.

Xuất khẩu của Mỹ đã giảm 3,6% xuống còn 249 tỷ USD trong tháng 4, với các lô hàng cung ứng công nghiệp, bao gồm cả dầu thô, là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm. Xuất khẩu hàng tiêu dùng cũng giảm, trong đó có xuất khẩu dược phẩm, kim cương và đồ trang sức.

Mỹ đã xuất khẩu nhiều đậu nành, gạo và nước trái cây đông lạnh hơn. Xuất khẩu dịch vụ tăng nhẹ.
Thị phần của Trung Quốc giảm

Tỷ trọng thương mại của Trung Quốc với Mỹ tiếp tục xu hướng giảm. Trung Quốc chiếm 15,4% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2006.

Trong những năm gần đây, các công ty Mỹ đã tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các sản phẩm của Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal đưa tin, ông Lawrence Werther, nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Capital Markets America, cho biết: “Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa các kênh thương mại của mình.”, “Vài năm qua, mối quan hệ này (Mỹ-Trung) đã trở nên thù địch hơn.”

Tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn, có nghĩa là Mỹ đang nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ các nước châu Âu, Mexico và các nước châu Á khác. 25 quốc gia châu Á và Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, chiếm 24,7% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng Tư.

Theo tờ Financial Times đưa tin 4/6, theo chỉ số Reshoring hàng năm của công ty tư vấn quản lý Kearney có trụ sở tại Chicago, do Chính phủ Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và cả nhu cầu của những người mua Mỹ nhạy cảm đối với giá cả, nên hàng nhập khẩu của Mỹ đang được chuyển dịch đến các sản phẩm có chi phí thấp hơn bên ngoài Trung Quốc, do đại dịch gây ra.

Chỉ số Reshoring là chỉ số biểu thị % thay đổi hằng năm của tỷ lệ hàng nhập khẩu từ 14 Quốc gia Châu Á có chi phí sản xuất thấp bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Bangladesh, Pakistan, Hồng Kông, Sri Lanka và Campuchia so với tổng sản lượng sản xuất nội địa (MRI – manufacturing import ratio).

Theo ông Patrick Van den Bossche, một trong những tác giả của báo cáo, “đến cuối năm 2023, hàng hóa Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm xuống 50% trong tỷ trọng hàng nhập khẩu của Mỹ từ ‘các nước châu Á có chi phí thấp trừ Nhật Bản và Hàn Quốc’”.

Động lực ban đầu cho việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là thuế quan của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc, cũng như tình trạng thiếu lao động ở Trung Quốc khiến tiền lương và chi phí tăng cao. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Biden, việc tách rời thương mại Mỹ – Trung đã tăng tốc, chính quyền Biden đang theo đuổi một chương trình nghị sự về an ninh kinh tế trong bối cảnh căng thẳng về các vấn đề từ cuộc chiến chip đến việc Trung Quốc (ĐCSTQ) nhìn Đài Loan như hổ đói.

Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 5, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư (7/6) rằng các chuyến hàng ra nước ngoài đã giảm 7,5% trong tháng 5 so với một năm trước đó, sau khi tăng 8,5% trong tháng 4.

Theo Hạ Vũ / Epoch Times

Related posts