Phan Quang
Đông Nam Á là nơi mà loài người dồn toa. Những lớp dân cũ mới tràn lấp lên nhau, cạnh tranh, hợp tác, phát động chiến tranh với nhau. Lần lượt ta có lớp người bản địa cổ xưa nhất là Negrito cư trú cách đây trên 4000 năm trước. Người Nam Á cách đây khoảng 4000 năm, người Nam Đảo, rồi tổ tiên người thuộc ngữ hệ Tày – Thái cách đây chừng 3000 – 3500 năm. Tiếp đó là dòng di cư mang tên Hán dạt cách đây khoảng 1500 – gần 2000 năm.
Chuyến tàu cuối muộn màng, việc dồn toa như thế, đã biến Đông Nam Á thành nơi đa sắc màu, ta sẽ gặp trong cùng một không gian sống lại hội đủ những nền kỹ nghệ từ cuội ghè, kim khí tới công nghệ AI với đủ các sắc dân các nền văn hóa: từ săn bắt hái lượm, chọc lỗ tra hạt, đến ruộng lúa nước và thành thị, thương cảng, khu công nghiệp.
Nhưng dồn toa cũng khiến Đông Nam Á liên tục phải đặt trong mâu thuẫn sắc tộc. Mà mâu thuẫn ấy đến từ va đập văn hóa, cạnh tranh không gian sinh tồn. Cho nên không phải đương nhiên mà cả Miến Điện, Thái Lan, Indonesia, và cả Việt Nam nữa cũng phải vướng bận vào mối âu lo này. Mà mâu thuẫn sắc tộc lại rất dễ làm thương tổn tới tính toàn vẹn của quốc gia.
Trở lại với Tây Nguyên.
Tây Nguyên cũng là một trong những điểm dồn toa của dòng di cư đến với Đông Nam Á. Những người bản địa còn hồi ức về một giống người rừng, có thể đó là Negrito chăng? Và chắc rằng giữa họ với giống người bản địa xưa cũ nhất cũng đã từng xảy ra việc tranh chấp, việc cạnh tranh không gian sinh tồn.
Người đốt rẫy làm nương sẽ lùa người săn bắt hái lượm ra khỏi khu rừng của họ. Người săn bắt hái lượm sẽ bị đẩy đến những nơi mà hoạt động hỏa canh không tiến hành được và cố gắng sinh tồn ở đó.
Đến Tây Nguyên thời tiền Cận hiện đại là một Tây Nguyên rất khác với những gì chúng ta tưởng tượng ra. Một Tây Nguyên đa sắc tộc, đa phương thức canh tác. Ở đó buôn này phát động chiến tranh với buôn kia đôi khi chỉ vì một lý do rất đơn giản: đó là kẻ thù của… bạn mình. Thành ra đến cả thời Hiện đại khi Nam – Bắc đánh nhau, thì hai buôn làng Tây Nguyên anh em nhưng người theo Cộng Sản, người theo Cộng Hòa thế là tấn công lẫn nhau, tấn công luôn cả Cộng Sản hay Cộng Hòa.
Tây Nguyên thời tiền Cận hiện đại, cũng là một Tây Nguyên với biên giới rất mềm – không rõ ràng – không bị fix cứng bởi hộ chiếu, bởi quốc tịch. Các sắc dân cứ thế di trú từ Nam Lào mà đến, rồi từ Krong Anna mà sang tới vùng Champasack. Họ sống tự do, nói như anh bạn tôi là: họ là rừng!
Cả cái đại ngàn mênh mông, với biên giới mềm dẻo, linh hoạt như vậy nên mới có bản Đôn vốn là dòng người di cư từ Lào sang. Người bản địa mới có thể đuổi theo con nai, con hươu, chọc lỗ tra hạt, dựng bản và di trú theo những vòng lặp thời gian.
Về mặt kỹ nghệ, có thể nói người Tây Nguyên ngoại trừ một số sắc dân từ miền cửa bể di cư lên, thì phần đa mới bước qua thời đại đá mới. Họ không có thời gian để hồi tỉnh, để ngần ngừ và tái định vị mình trong xã hội Hiện Đại. Văn minh là thước đo giá trị vật chất (tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới giá trị tinh thần) nhưng Văn hóa lại đi theo hình sin và không thể dùng đó để làm thước đo tới cộng đồng, tới con người.
Nhiều buôn làng Tây Nguyên trước đây vẫn lựa chọn lối sống thế này: Họ chọn một khoảng đất tương đối bằng phẳng giữa núi và sông để lập buôn làng. Sống một chu kỳ tầm 10 năm rồi di trú đến nơi đất mới. Mười hai mươi năm sau họ quay lại, làng cũ lại thành rừng. Lại chặt cây đó dựng lên buôn làng.
Dân bản địa đốt rẫy làm nương. Nhưng canh tác của họ, cuộc sống buôn làng của họ gắn chặt với rừng – họ là rừng – họ là con hổ của đại ngàn. Cái văn hóa đó là đặc trưng của họ, chắc khoảng ngàn năm nay họ sống như thế. Tổ tiên họ nuôi dạy con cái truyền lại cái đặc tính đại ngàn của mình cho con cháu.
Họ làm ra trường ca, ra sử thi và cứ thế truyền nối mãi về sau.
Vào tiền cận hiện đại, thủ lĩnh bản Đôn vẫn săn voi bán cho Siam. Nhờ đó mà trở nên giàu có, có ảnh hưởng khắp vùng. Người Tây Nguyên vẫn đổi lâm sản lấy cồng chiêng, thỉnh thoảng vào cống Đại Nam gọi là cho có lệ mà thực ra là để đổi lấy mấy món đồ xa hoa từ triều đình.
Nhưng rồi mọi thứ thay đổi quá nhanh. Người vừa đánh đàn đá, vừa gép tre trúc làm đàn Tơ Rưng ấy, vừa bước qua khỏi thời đá mới đã bước ngay vào xã hội hiện đại. Giờ đây bước ra khỏi buôn họ không gặp rừng, gặp ma suối mà là gặp chợ, gặp thành phố, gặp đồn điền trang trại. Đó là cú sốc thời đại, cú sốc của văn hóa, văn minh.
Họ thậm chí còn không đủ thời gian để hiểu ra điều gì đang diễn ra. Rồi những sắc dân từ đâu kéo tới, chật kín cả Tây Nguyên. Những sắc dân này đều có kỹ nghệ cao hơn họ, giỏi săn thú hơn, phá rừng tốt cũng tốt hơn. Nhiều nhóm dân được sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền.
Cách di dân làm kinh tế mới hầu như là một truyền thống rất đỗi Hán-Annam. Và người Kinh Việt đã tiến hành những việc này nhuần nhị cả ngàn năm. Thêm nữa tư duy Hán đã biến cuộc sống hồn nhiên của Tây Nguyên thành cuộc sống cố định, trong những buôn làng để có thể đăng ký hộ tịch, quản lý đất đai, thu thuế và …
Thế là Tây Nguyên thương tổn. Cái thương tổn không thể tránh khỏi!
So với những sắc thực dân ấy, người bản địa yếu thế hoàn toàn. Họ bị đẩy ra khỏi cỗ xe thời đại. 6000m2 đất không thể thay thế rừng mà cha ông họ đã sống, tất nhiên canh tác 6000m2 ấy để sống cũng trở thành bài toán quá khó với người của Đại Ngàn.
Cái anh sống ở rừng, giờ sống với nương cà phê, với cao su và những loại cây mà với họ nhiều khi vẫn còn trời ơi đất hỡi.
(Tất nhiên những cộng đồng Nam Đảo, di cư từ miền cửa bể lên, hoặc chịu ảnh hưởng mạnh của Nam Đảo họ có kỹ thuật canh tác vượt trội, thiết chế xã hội vững chắc. Trong một chừng mực nào đó nhóm cư dân này sẽ thích ứng tốt hơn với xã hội hiện đại).
U hoài nhìn về quá khứ! U hoài với Đại Ngàn với những truyền thống đang bị công phá dữ dội, và thực sự bị đẩy ra khỏi nghề chính của mình, người bản địa mượn rượu giải sầu. Điều này ta sẽ bắt gặp ở bất cứ một bản nào vốn là người rừng được cán bộ – bộ đội đưa về lập bản, lập mường (và coi đó là tiến bộ nhân văn).
Và rượu càng làm cho người ta yếu thế hơn. Rồi thì 6000m2 đất kia cũng chẳng còn nữa. Rừng hết, thú hết, họ có smartphone nhưng là kẻ bơ ngơ lạc điệu giữa thời hiện đại. Mặc thế, máu huyết đại ngàn vẫn còn đó. Những tục lệ ngàn xưa vẫn được cha, mẹ, già làng truyền lại. Vẫn kẻ thù của bạn mình là kẻ thù của mình. Và có thù thì phải báo!
Nhưng thế lực của những nhóm di cư mới đến mạnh hơn họ hàng chục, hàng trăm lần. Thế là có ẩn ức. Ẩn ức cũng vì thế được nối truyền. Càng lâu càng tích tụ lại, mỗi lúc một dày thêm. Có đường chia ô, nhưng mạng xã hội lại xoá nhoà đi tất cả. Thế là thành động loạn. Cá nhân tôi nhìn nhận cuộc bạo động mới đây là cuộc phản kháng của văn hóa Đại Ngàn với những nền văn hóa mới đang áp đặt lên người bản địa (chứ không phải là cộng đồng thiểu số). Những kẻ đến sau luôn nhân danh sự tinh khôn, tiến bộ lấy mình làm thước đo và áp đặt thước đo ấy cho cộng đồng bản địa.
Nhưng những người được coi là tiến bộ hơn kia, cũng hành xử trong một chừng mực nào đó có thể nói thẳng ra rằng… kém văn minh và kém văn hóa. Họ lùa đuổi bắt giữ người bản xứ nhân danh… nhà nước và nhân dân, cùng làm… cùng bảo vệ an ninh trật tự. Họ không hề biết đến rằng cái hành động ngỡ như anh hùng ấy chỉ làm khắc sâu thêm những ẩn ức nơi cộng đồng bản địa. Và nguy cơ mâu thuẫn sắc tộc càng thêm chất chứa.
Vậy thì bài giải nào cho Tây Nguyên. Hầu như là rất rất khó. Chúng ta ngay từ đầu đã áp đặt tư duy Hán Annam lên một một vùng đất, một xã hội phi Hán quyển. Ngay từ đầu đã triệt để ứng dụng những kinh nghiệm tổ truyền của người Hán Annam trong việc mở cõi bằng di dân. Và trong một chừng mực nào đó, chúng ta vẫn ứng dụng tư duy thực dân kiểu cũ lên đất Tây Nguyên đương đại.
Việc đã qua thì không thể kéo lại, nhưng nếu cả hai phía mà nói thẳng ra là các nhóm dân di cư không thấu hiểu văn hóa bản địa, không biết trọng thị, tương lai Tây Nguyên vẫn mãi bất ổn. Sự bất ổn đó sẽ kéo dài cho đến khi người Bản địa biến mất hoặc phải di cư tìm mảnh đất khác, hoặc tan vào cộng đồng Kinh. Đến lúc ấy chúng ta sẽ tiếc nuối vì chính mình đã làm mất đi một phần của vẻ đẹp Việt Nam.