Ông Biden cam kết đảm bảo an ninh ‘kiểu Israel’ cho Ukraine

Emel Akan

Hôm 12/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp các nhà lãnh đạo Nhóm G7 tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đề nghị hỗ trợ an ninh ‘kiểu Israel’ cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng tham dự hội nghị, trong đó các nhà lãnh đạo G7 đã ra “Tuyên bố chung về sự ủng hộ cho Ukraine”.

Ông Biden tuyên bố sau khi kết thúc hội nghị rằng tuyên bố chung này sẽ “làm rõ rằng sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ kéo dài trong tương lai”.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc có năng lực trên bộ, trên không và trên biển”, ông nói, đồng thời cho biết hành động này sẽ duy trì an ninh khu vực và ngăn chặn mọi mối đe dọa.

“Tôi nghĩ đó là một tuyên bố mạnh mẽ, một tuyên bố mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi với Ukraine, trong bối cảnh nước này bảo vệ nền tự do của mình ngày hôm nay cũng như khi nước này tái xây dựng tương lai. Chúng tôi sẽ sát cánh với Ukraine cho đến khi nào điều đó xảy ra”, ông Biden kết luận.

Trước hội nghị thượng đỉnh, Nhà Trắng cũng gợi ý rằng Ukraine sẽ nhận được đảm bảo an ninh “kiểu Israel” trong cuộc chiến chống lại Nga.

Phát biểu trước báo giới hôm 9/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói rằng Mỹ sẽ “cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ quân sự, chia sẻ thông tin và tình báo, hỗ trợ mạng và các hình thức hỗ trợ vật chất khác để Ukraine có thể vừa tự vệ vừa ngăn chặn các hành vi gây hấn trong tương lai”.

Là một phần của tuyên bố này, ông Biden nói rằng mỗi quốc gia sẽ tự mình đàm phán các thỏa thuận an ninh song phương dài hạn với Ukraine.

“Phái đoàn Ukraine đang mang về nước một chiến thắng an ninh quan trọng cho Ukraine, cho đất nước chúng tôi, cho người dân chúng tôi và trẻ em của chúng tôi”, ông Zelenskyy cho biết sau hội nghị thượng đỉnh.

Con đường gia nhập NATO của Ukraine

Cam kết đảm bảo an ninh ‘kiểu Isreel’ được đưa ra sau khi ông Zelenskyy bày tỏ sự thất vọng trước tuyên bố chung của NATO hôm 11/7, bởi tuyên bố này không ấn định khung thời cho tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh quân sự này.

Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Zelenskyy đã chỉ trích liên minh NATO, gọi quyết định này là “chưa có tiền lệ và vô lý”.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh ngày 11/7, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã ra một thông cáo chung, nêu rõ rằng Ukraine có thể tham gia liên minh quân sự “khi các đồng minh nhất trí và các điều kiện được đáp ứng”.

Thông cáo (pdf) nói rằng “Tương lai của Ukraine nằm trong NATO”. Tuy nhiên, trước khi Kyiv gia nhập liên minh quân sự này, NATO mong đợi Ukraine sẽ thực hiện những cải cách bổ sung về dân chủ và an ninh.

Ukraine là một chủ đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, trong đó các đồng minh tranh luận về tư cách thành viên trong tương lai của nước này và giúp đỡ nhiều hơn cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, trong những tháng trước hội nghị, đã có nhiều ý kiến trái chiều giữa các đồng minh về việc kết nạp Ukraine vào NATO.

Hoa Kỳ, Đức và các đối tác phía nam NATO tỏ ra thận trọng hơn về tư cách thành viên của Ukraine, trong khi các quốc gia Baltic và các quốc gia Đông Âu như Ba Lan giữ lập trường diều hâu và quyết đoán nhất.

Nhà Trắng bảo vệ thông cáo của NATO

Đáp lại thông điệp của ông Zelenskyy, Nhà Trắng hôm 12/7 đã bảo vệ quyết định của NATO, nhấn mạnh rằng điều này gửi một “thông điệp rất mạnh mẽ, hướng tới tương lai” cho Ukraine.

“Tôi đồng ý rằng thông cáo này là chưa từng có tiền lệ, nhưng tôi nhìn điều đó theo hướng tích cực”, bà Amanda Sloat, giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng phụ trách châu Âu, nói với các phóng viên vào ngày 12/7.

“Ngày hôm qua, chúng tôi đã cùng với các nước đồng minh đồng thuận với một thông điệp rất mạnh mẽ và tích cực. Chúng tôi tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của Liên minh NATO”, bà nói.

Các đồng minh đã tái khẳng định lập trường của họ tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 và nhấn mạnh rằng Kyiv đã đạt được “tiến bộ đáng kể trên con đường cải cách”.

Đồng thời, NATO cũng bỏ yêu cầu Ukraine thực hiện Kế hoạch hành động thành viên (MAP) khỏi thông cáo của mình, qua đó loại bỏ một rào cản trên đường tiến tới gia nhập khối.

Thay vào đó, các thành viên đã quyết định thành lập “Hội đồng NATO – Ukraine”, một tổ chức chung mới trong đó các đồng minh và Ukraine sẽ là thành viên bình đẳng để thúc đẩy thảo luận và hợp tác chính trị.

Họ cũng đã phát triển một “Chương trình quốc gia thường niên” để theo dõi các diễn biến một cách thường xuyên.

“Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một thông điệp rất mạnh mẽ, hướng tới tương lai vượt xa những gì đã được nói trước đây về Bucharest”, bà Sloat tiếp tục.

Bà tuyên bố rằng các đồng minh G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine cả trên chiến trường cũng như trong các vấn đề kinh tế và nhân đạo.

Tuy nhiên, ông Zelenskyy không hài lòng với quyết định này.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Zelenskyy đã chỉ trích các nhà lãnh đạo NATO trên Twitter: “Đây là điều chưa từng có tiền lệ và vô lý khi khung thời gian không được ấn định, cả lời mời lẫn tư cách thành viên của Ukraine. Đồng thời, từ ngữ mơ hồ về ‘điều kiện’ cũng được thêm vào ngay cả khi mời Ukraine”.

Ông Zelenskyy tuyên bố thêm rằng Ukraine “đáng được tôn trọng” và chỉ trích cách diễn đạt của thông cáo chung là “được thảo luận mà không có Ukraine”.

Trong khi đó, cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng lặp lại quan điểm của ông Biden rằng kết nạp Ukraine vào NATO sẽ dẫn đến đối đầu với Nga.

Ông nói với đài CNN vào ngày 12/7: “Tôi hiểu mong muốn gia nhập NATO càng sớm càng tốt của Ukraine. Họ hoàn toàn có quyền xin gia nhập, gây sức ép và vận động cho điều đó”.

Ông cảnh báo: “Nhưng mọi đồng minh NATO, kể cả Mỹ, phải đối mặt với thực tế không thể tránh khỏi rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO vào thời điểm này đồng nghĩa với việc gây chiến với Nga”.

Liên quan đến tư cách thành viên của Ukraine trong NATO, ông Sullivan cũng lập luận rằng các đồng minh không thể “đặt ra một công thức máy móc vì chiến tranh luôn biến đổi và cục diện luôn xoay chuyển”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Related posts