Ông Pence: Giải pháp 24 giờ của ông Trump là ‘dâng Ukraine’ cho Tổng thống Nga

Ryan Morgan

Hôm thứ Hai (10/7), cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã bác bỏ tuyên bố mông lung ‘giải quyết chiến tranh Nga – Ukraine trong 24 giờ’ của cựu Tổng thống Donald Trump là ‘chỉ xảy ra khi nhượng bộ tất cả đòi hỏi của Tổng thống Nga Vladimir Putin’.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng với tư cách là Tổng thống, ông có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ bằng cách mời các bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox News hôm thứ Hai (10/7), ông Pence đã đặt câu hỏi về những lời hứa hòa bình của ông Trump. Cựu Phó Tổng thống Mỹ tin rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine đang tiếp diễn sẽ được giải quyết “bằng cách trao cho người Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng”.

Ứng viên Tổng thống 2024 Đảng Cộng hòa, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cho biết: “Người bạn tranh cử cũ của tôi thích nói về việc giải quyết chiến sự trong một ngày. Cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến này trong một ngày là trao cho ông Vladimir Putin những gì ông ta muốn”.

Cựu phó Tổng thống bày tỏ lo ngại rằng Ukraine cần được hỗ trợ không ngừng nghỉ, bằng không các lực lượng Nga sẽ tiếp tục hành quân về phía tây tới các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Liên minh NATO có một thỏa thuận phòng thủ chung, theo đó tất cả các quốc gia thành viên sẽ đứng ra bảo vệ một thành viên nếu họ bị tấn công.

Ông Pence cho rằng sau khi tiếp quản Ukraine, Nga có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với liên minh NATO gồm 31 quốc gia, trong đó bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp được trang bị vũ khí hạt nhân.

Ông Pence cảnh báo rằng ông Putin có thể xâm chiếm các nước láng giềng như Litva, Estonia hoặc Latvia, nếu Nga chiếm được Ukraine: “Nhưng nếu ba quốc gia đó lâm vào chiến tranh, NATO phải đưa quân đội Mỹ vào để chiến đấu theo hiệp ước NATO”.

“Do đó, tôi nghĩ rằng lợi ích của đất nước Mỹ nằm ở việc cung cấp cho người Ukraine những gì họ cần để ngăn chặn cũng như đẩy người Nga tại đó”, ông Pence cho hay.

Lập trường của ông Pence về cuộc chiến Ukraine cũng tương tự như lập trường của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố rằng nếu chính phủ Ukraine sụp đổ thì NATO sẽ bị đẩy vào một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga.

“Có ai sẵn sàng tham chiến nếu họ tin rằng việc hỗ trợ Ukraine là quá đắt đỏ không? Họ có sẵn sàng chiến đấu không? Họ có nên gửi con cái của họ [ra chiến trường không]? Đối mặt với cái chết?”, ông Zelenskyy đã nêu điều này trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC vào ngày 16/6.

“Nếu NATO can dự vào cuộc chiến này, họ sẽ phải làm điều đó bằng mọi giá, và nếu Ukraine thất bại và Nga chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, họ sẽ chuyển sang vùng Baltic, Ba Lan, hoặc một số thành viên NATO khác. Do đó, Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa việc duy trì NATO và tham gia vào cuộc xung đột”.

Ông Pence đã hội đàm với ông Zelenskyy trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine vào ngày 29/6.

Vấn đề Ukraine chia rẽ các ứng cử viên Tổng thống 2024

Ông Pence nói với đài Fox News rằng Nga không tấn công Ukraine dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump vì quân đội Mỹ lúc bấy giờ rất hùng mạnh và chính quyền ông Trump cũng nói rõ rằng họ sẵn sàng sử dụng hành động quân sự để ngăn chặn xung đột. Trong một cuộc tranh luận, ông Pence cho biết ông cũng sẽ đưa ra quan điểm tương tự với ông Trump.

Trong khi ông Trump thúc giục Nga và Ukraine nối lại đàm phán hòa bình thì Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục bơm vũ khí cho các lực lượng Ukraine, gần đây nhất là ủy quyền cho Ukraine sử dụng bom chùm – một vấn đề gây tranh cãi.

Chính quyền ông Biden đã trao cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí đáng gờm, bao gồm pháo phản lực HIMARS, tên lửa phòng không Patriot, xe tăng M1A1 Abrams và máy bay chiến đấu F-16.

Bất chấp việc Washington đang dần cấp phép bổ sung vũ khí cho Ukraine, ông Pence tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ phê duyệt các hệ thống quân sự đó với tốc độ nhanh hơn chính phủ hiện tại.

Trong khi đó, Thống đốc Florida Ron DeSantis và doanh nhân Vivek Ramaswamy, cả hai đều là ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, đã bày tỏ sự phản đối việc kéo dài cuộc chiến ở Ukraine. Lập trường này cũng tương tự như lập trường của ông Trump.

Trong cuộc phỏng vấn với đài Nikkei Asia vào tháng 4, ông DeSantis cho rằng nếu Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn thì tất cả các bên đều có lợi.

Ông Ramaswamy lập luận rằng đề xuất hòa bình của ông sẽ bao gồm việc giao các phần lãnh thổ của Ukraine cho Nga, loại trừ vĩnh viễn Ukraine khỏi việc gia nhập NATO, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và NATO đối với Nga, đồng thời dỡ bỏ các căn cứ của NATO ở Đông Âu.

Đổi lại, ông Ramaswamy sẽ tìm kiếm các cam kết của Nga trong việc chấm dứt mọi liên minh quân sự với Trung Quốc, tái tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân New Start trước năm 2023 với Mỹ, rút tất cả vũ khí hạt nhân khỏi Belarus, Kaliningrad và tất cả các khu vực bị Nga sáp nhập ở Ukraine, đồng thời rút tất cả các lực lượng quân sự Nga khỏi Cuba, Venezuela và Nicaragua.

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Robert F. Kennedy Jr. đã đề xuất kế hoạch hòa bình của riêng mình về vấn đề Ukraine.

“Chúng tôi sẽ đề xuất rút quân đội và tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ra khỏi biên giới Nga. Nga sẽ rút quân khỏi Ukraine, đảm bảo nền tự do và độc lập của nước này”, theo trang web chiến dịch của ông Kennedy.

“Lực lượng gìn giữ hòa bình [của Liên Hợp Quốc] sẽ đảm bảo hòa bình ở khu vực phía đông nói tiếng Nga của Ukraine. Chúng ta sẽ đưa trận chiến này đến hồi kết. Chúng ta sẽ chấm dứt sự đau khổ của người dân Ukraine. Đây sẽ là khởi đầu của một chương trình phi quân sự hóa lớn hơn cho tất cả các quốc gia”.

Theo NTD News

Lam Giang biên dịch

Related posts