Đặng Duy Hưng
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng
Mẹ mất khi nàng mới lên 8, cái tuổi bắt đầu biết một phần cuộc đời bị mất tình mẫu tử. Cha nàng tái hôn hai năm sau đó. Người mẹ ‘ghẻ’ có hai đứa con gái sinh đôi cùng hoàn cảnh (chồng bà hy sinh trên chiến trường). Mới đầu nàng hơi sợ khi nhìn thấy những thành viên mới mang va li to nhỏ dọn vào. Hai người ‘chị’ hơn nàng 1 tuổi rưỡi đem đủ thứ đồ chơi qua phòng chơi cùng nhau hôm đó sau bữa ăn tối. Nàng cũng hơi sốc lúc đầu bởi nghe đủ thứ lời đồn đãi dèm pha, nhất là đọc truyện đời xưa Tấm Cám. Trái lại mẹ ghẻ có khuôn mặt khả ái và hiền lắm! Bà dạy dỗ chỉ nàng bảo từ nấu ăn đến dọn dẹp nhà cửa. Bà phân chia đồng đều đâu vào đó. Ba cô con gái làm việc giúp đỡ một tay mọi việc trong nhà. Bà làm nghề giáo viên dạy Toán trường trung học lúc nào cũng bận rộn với công việc. Nhưng không bao giờ bà thiếu xót lo lắng cho 3 chị em của nàng. Nàng biết bản thân mình may mắn Ngay cả nhiều lúc ngủ dậy vẫn nghĩ là đang mơ. Đầu óc thơ ngây non nớt: “Chắc mẹ ruột của mình về nhập hồn vào mẹ ghẻ.”
Sự đời cứ ngỡ cuộc sống từ đó sẽ an vui hạnh phúc nhưng cho đến một ngày có việc xảy ra làm nàng nhớ mãi. Lần đầu tiên cả gia đình đi thăm bà ngoại (mẹ ruột của mẹ ghẻ). Đêm hôm trước nàng nằm mơ thấy bà ngoại biến thành bà tiên cầm cây phép biến đá cát thành kẹo, mứt ngọt cho nàng. Nhưng khi gặp bà lần đầu nàng mới hỡi ôi (dĩ nhiên không dám nói ra). Bà ngoại là một bà cụ có khuôn mặt khô khan và lối đối xử với con cháu khá lạnh lùng. Bà không chỉ có thái độ đó với nàng, mà còn đối với ba nàng nữa. Nàng trong bụng rất giận nhưng phía ngoài vẫn lễ phép đi thưa về trình. Dịp may đến, ba nàng xin phép dắt nàng đi phố để cho mẹ và hai chị có thêm thời gian riêng tư với bà ngoại.
Nàng không trả lời khi ba từ tốn hỏi: “Con có giận bà ngoại không?”
Ba nhẹ nhàng nói tiếp: “Ba ngày xưa làm quen với mẹ cũng nhận được cái đối xử lạnh lùng như vậy của bà! Bao năm tháng bà ấy vẫn vậy không thay đổi nhưng ba không phải vì lý do này mà ghét hay thù bà ta! Con biết tại sao không?”
Nàng lắc đầu hơi ngạc nhiên nhưng không lên tiếng.
Ba nàng tiếp: “Bởi ba biết mẹ là người có thể thay mẹ ruột dạy dỗ con thành người. Ba thương mẹ cũng như con thương mẹ đúng không?”
Nàng gật đầu.
Ba nói tiếp: “Sau này lớn lên con sẽ hiểu tại sao? Có thể một ngày nào đó mẹ sẽ tâm sự với con. Hãy nhớ bà ngoại là người lớn tuổi hơn chúng ta. Bốn chữ người xưa dạy “Kính lão đắc thọ”, chúng ta luôn luôn tôn trọng những người thân lớn tuổi trong gia đình. Có thể bà ngoại vì lý do nào đó không hợp với ba và con. Nhưng không có nghĩa vì nguyên nhân đó chúng ta thù ghét bà làm mẹ con khó xử.”
Lần đó đi về mẹ không nói gì nhưng trong ánh mắt bà rất buồn. Vài tháng sau đó là tuổi thọ bà ngoại 60. Mẹ vào phòng hỏi nàng: “Nếu con muốn ở nhà hay đi chơi với bạn bè mẹ hoàn toàn thông cảm.”
Nàng thẳng thắn: “Chúng ta là một đại gia đình vui buồn đều chia sẻ.”
Nàng đến vẫn vui vẻ lễ phép nói năng từ tốn với bà ngoại khi chúc thọ: “Chúc bà ngoại sống lâu trăm tuổi vui vẻ bên con cháu.”
Bà nhìn nàng hơi ngạc nhiên lắp bắp gì đó nàng không nghe rõ! Với nàng xong một nhiệm vụ cho ba mẹ vui là đủ rồi!
Mẹ nàng lần đó kéo nàng riêng ra tâm sự: “Trong ba đứa, con trưởng thành nhanh nhất. Hứa với mẹ sau này giúp đỡ hai chị của con trong tương lai.”
Mẹ là vậy đó, có thể đọc thấu đáo đa số ý nghĩ của người khác. Đôi khi nàng cảm thấy có lỗi với mẹ ruột bởi càng ngày nàng càng thương mẹ ghẻ nhiều hơn.
Ông Trời có lẽ đứng về phía bên nàng nên chỉ hơn ba năm sau đó bà ngoại bị bệnh qua đời. Mẹ và hai chị khóc tiếc thương nhiều lắm. Nàng cũng cố gắng nhưng chẳng ra giọt nước mắt nào!
Nàng nói thầm với mẹ sau khi xe rời nghĩa trang về nhà: “Con cố gắng nhưng không hiểu sao chẳng khóc được!”
Mẹ vỗ về: “Con chia sẻ tâm tư là mẹ an ủi.”
Dù sau này lấy chồng tuần nào hay tháng 2, 3 lần nàng đều về thăm mẹ. Nàng bắt đầu hiểu tại sao bà ngoại không thích ba và nàng. Giống như mẹ chồng nàng mới đầu cũng vậy nhưng lần lần hiểu nàng hơn!
Có một lần mẹ vừa chải tóc cho nàng vừa kể: “Ba của mẹ mê đào hát bỏ gia đình chạy theo tiếng gọi của con tim. Bà ngoại từ đó không tin tất cả đàn ông. Ngay cả người chồng đầu tiên của mẹ cũng gặp khá nhiều khó khăn.”
Mẹ sống, dạy dỗ nàng tính tổng cộng gần 40 năm. Mẹ mất sau ba nàng hai năm, đi nhẹ nhàng như trong giấc ngủ mê.
Hai chị và nàng khóc nhiều nhưng nàng hình như có cảm giác bản thân mình buồn nhiều hơn.
Ngày mở cửa mả ra mộ đốt vàng bạc thắp hương khấn vái mẹ mau siêu thoát.
Nàng không bao giờ quên ghé ngang mộ bà ngoại thắp giùm cho mẹ mấy cây hương. Nàng thì thầm: “Bao năm qua cháu thật có lỗi nhiều với bà. Cháu quên cám ơn bà đã sanh ra tặng cho cháu một người mẹ trên cả tuyệt vời.”
Đôi lúc trong tâm tư nàng đặt câu hỏi nhưng dĩ nhiên không bao giờ dám nói ra: “Sao một người đàn bà khô khan khó chịu như bà ngoại có thể sanh ra một cô con gái vẹn toàn như mẹ?”
Đặng Duy Hưng