Tin thế giới sáng thứ Bảy

Ukraine phản công mạnh, áp sát phòng tuyến ‘răng rồng’ của Nga

Ukraine phản công mạnh, áp sát phòng tuyến 'răng rồng' của Nga
Slavian (trái), cựu trung sĩ lực lượng đặc biệt Nga, hiện đang chiến đấu cho Ukraine chụp ảnh với những người lính gốc Nga khác khi họ rời tiền tuyến vào ngày 27 tháng 10 năm 2022 tại tỉnh Zaporizhzhia, Ukraine. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)

Chiến sự Ukraine tiếp tục có những diễn biến leo thang mới. Ukraine tung hàng nghìn binh sĩ thuộc lực lượng dự bị vào trận, áp sát phòng tuyến “răng rồng” ở tuyến phòng ngự đầu tiên của Nga.

Hôm 27/7, các video xuất hiện trên mạng xã hội được hãng tin CNN phân tích cho thấy, thiết giáp Ukraine tiến gần đến phòng tuyến răng rồng của Nga gần làng Nove ở tỉnh Zaporizhzhia.

Sau gần 2 tháng mở cuộc phản công giành lại lãnh thổ, đây là lần đầu tiên lực lượng Ukraine áp sát được tuyến phòng thủ chính đầu tiên của Nga.

Trong video đăng tải trên tài khoản Twitter MyLordBebo, thiết giáp Ukraine di chuyển nhanh trên cánh đồng, lao về phía bãi răng rồng màu trắng kéo dài. Tuy nhiên, chiếc xe gặp phải hào chống tăng và ngóc mũi lên cao, sau đó tụt xuống hào. Một số binh sĩ Ukraine, dường như là kíp điều khiển, đã nhảy khỏi xe trước đó và chạy về phía rặng cây.

“Răng rồng” là những khối bê tông giống kim tự tháp, được bố trí liên tiếp nhau trên mặt đất, cản trở đà tiến của xe tăng, thiết giáp. Khi đối mặt phòng tuyến này, xe tăng thường phải tìm đường vòng tránh và có thể sa vào trận địa mai phục của đối phương.

Quân đội Nga đã dùng những lớp phòng tuyến răng rồng này để đối phó khá hiệu quả trước đợt phản công của Ukraine.

Hồi tháng 4, những hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Nga đã xây hàng loạt chiến hào và phòng tuyến “răng rồng” ở tỉnh Zaporizhzhia, bao gồm cả chiến hào và trận địa pháo binh.

Tình báo Anh nhận định: “Nga đã hoàn tất ba tuyến phòng thủ với bề ngang khoảng 120 km tại khu vực này. Tuyến đầu gồm nhiều cứ điểm chiến đấu tiền phương, trong khi hai tuyến còn lại là các công trình phòng thủ phức tạp. Mỗi phòng tuyến nằm cách nhau khoảng 10-20 km”.

Nga đã dành nhiều công sức đại tu, sửa chữa và xây dựng phòng tuyến Zaporizhzhia trước nguy cơ nơi này bị quân đội Ukraine tấn công và gây nguy hiểm cho trung tâm hậu cần tại Melitopol.

Theo nhiều nguồn tin, cuộc phản công chính của Ukraine đã được bắt đầu. Nhưng hiệu quả của nó chưa được xác định rõ ràng. Người Ukraine sẽ còn rất nhiều việc phải làm khi bắt đầu phải đối mặt với những phòng tuyến kiên cố mà Moscow đã dựng sẵn từ lâu.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 17/7 nói Kiev đã giành lại hơn 210 km2 lãnh thổ. Tốc độ tiến quân của Ukraine chậm hơn nhiều so với đợt phản công chớp nhoáng hồi mùa thu năm ngoái, thời điểm Kyiv giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ chỉ sau hai tuần.

Viên Minh (Tổng hợp)

TQ: Mưa lớn ở Lô Châu, Tứ Xuyên, ô tô bị cuốn trôi, chất đống

Ngày 27/7/2023, TP. Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên hứng chịu trận mưa lớn, xe cộ lưu thông trên đường bị lũ cuốn trôi. (Ảnh ghép Epoch Times)

Gần đây, TP. Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên hứng chịu lượng mưa cực lớn, khu đô thị bị ngập lụt. Video đăng tải trên mạng cho thấy ô tô cũng bị cuốn trôi. Sau lũ, thành phố ngổn ngang. Truyền thông Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế đưa tin.

Ngày 27/7, mưa lớn xảy ra ở TP. Lô Châu (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) và gây ra lũ lụt. Video do người dân địa phương đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, một lượng lớn ô tô không kịp thoát thân và bị nước lũ cuốn trôi, thậm chí cả xe tải hạng nặng cũng chịu chung số phận. Tình hình vô cùng nghiêm trọng.

Trong video, một số xe vẫn sáng đèn, một số xe bị chướng ngại vật chặn lại khi đang trôi trên phố. Những chiếc xe phía sau bị lũ cuốn trôi đè lên nhau. Sau khi nước rút, những chiếc ô tô này đã chất thành đống.

Một số xe bị cây lớn chắn ngang khi đang trôi dạt và mắc kẹt giữa các cành cây.

Thậm chí, một số xe tải trọng lớn còn bị lũ kéo lùi lại phía sau chỉ trong vài giây, rồi lật nhào chìm trong dòng nước. Sau lũ, cả thành phố như một đống đổ nát.

Một cư dân của quận Cổ Lận, TP. Lô Châu cho biết trên Weibo rằng ông chưa bao giờ thấy mưa lớn như vậy.

Hiện tại, tỉnh Tứ Xuyên đang đến gần thời khắc cuối cùng chuẩn bị cho Đại hội thể thao sinh viên thế giới mùa Hè lần thứ 31 sẽ khai mạc tại TP. Thành Đô. Từ hôm qua đến sáng hôm nay (28/7), Weibo chính thức của Tân Hoa Xã tràn ngập các báo cáo khác nhau về Đại hội thể thao ở Thành Đô, mà không báo cáo về lũ lụt xảy ra tại Lô Châu.

Các kênh truyền thông khác cũng hạn chế đưa tin. “Câu chuyện trang bìa” trên Weibo cho biết có mưa lớn và ngập úng ở Lô Châu. “3h40 sáng ngày 27/7, huyện Cổ Lận, TP. Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và ngập úng xảy ra ở một số khu vực.” Nhưng thông tin chi tiết về thảm họa không được báo cáo.

Tin trang nhất của Thành Đô chỉ nói rằng có mưa vừa đến mưa to ở Lô Châu và mưa lớn ở một số nơi, bao gồm mưa lớn ở phía tây bắc của quận Cổ Lận. Lượng mưa tích lũy là 201,5 mm trên Phố Rượu Cổ Lận.

Chỉ có một số tin tức đề cập đến mức độ nghiêm trọng của thảm họa trong báo cáo. “Quận Cổ Lận ở Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã phải hứng chịu mưa rất to, mất điện trên diện rộng, đường bị ngập lụt nghiêm trọng và giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng. Nhiều ô tô trên đường phố bị lũ cuốn trôi như thùng carton.”

Nhưng những kênh truyền thông này đều đưa tin rằng một cô gái bị mắc kẹt đã được cảnh sát giải cứu. Suốt nhiều năm, người dân Trung Quốc luôn phàn nàn rằng dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), truyền thông Trung Quốc sẽ không đưa tin về các vấn đề hoặc tin tức mà công chúng quan tâm, hoặc đưa tin theo kiểu tang sự coi như hỷ sự.

Trên mạng xã hội, chỉ có một số bản tin về mưa lớn ở Lô Châu và các bình luận về cơ bản đều bị đóng. Những tiếng nói không hài lòng của cư dân mạng chỉ thỉnh thoảng mới được bộc lộ. Một số cư dân mạng bày tỏ không hài lòng vì lũ lớn như vậy nhưng thậm chí không thể tìm thấy thông tin trên Weibo?

Theo Lạc Á / Epoch Times

Tòa án Hồng Kông bác đề nghị của chính quyền cấm bài hát “Vinh quang Hương Cảng”

Vận động viên Susanna Lin của Hồng Kông đã làm thế tay hình chữ “T” để biểu thị rằng bản nhạc đại biểu Hồng Kông đã bị phát nhầm. (Ảnh chụp màn hình video)

Tòa án Tối cao Hồng Kông hôm Thứ Sáu (28/7) đã bác bỏ đề nghị của Chính phủ cấm bài hát “Vinh quang Hương Cảng” (Glory to Hong Kong), nói rằng nó có thể làm suy yếu quyền tự do biểu đạt và gây ra “hiệu ứng ớn lạnh” tiềm ẩn. Đề nghị lệnh cấm được chính quyền Hồng Kông đưa ra sau khi bài “Vinh quang Hương Cảng” được phát trong một số sự kiện thể thao quốc tế, thay vì bài quốc ca của Trung Quốc Đại Lục, làm trái với kỳ vọng của chính quyền Bắc Kinh, Reuters đưa tin.

Trước yêu cầu của chính quyền muốn thông qua lệnh cấm bài hát “Vinh quang Hương Cảng”, Tòa án Tối cao Hồng Kông hôm 27/6 đã có một phán quyết bằng văn bản bác bỏ lệnh cấm. Thẩm phán Tòa án Tối cao Anthony Chan viết: “Tòa án công nhận quyền tự do ngôn luận có liên quan đến việc xem xét đơn này,” đồng thời lưu ý “hiệu ứng ớn lạnh” có thể xảy ra nếu lệnh cấm được thông qua — ám chỉ việc lòng người nguội lạnh khi bị chèn ép và đối xử bất công.

“Sẽ không phải là nói quá đi khi hình dung rằng những người hoàn toàn vô tội sẽ tránh xa những gì có thể là hành vi hợp pháp nhưng lại liên quan đến bài hát, chỉ vì họ sợ vi phạm lệnh cấm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng,” Ông Chan viết. “Tôi không thể hài lòng rằng việc ban hành lệnh này là công bằng và thuận tiện. Cho nên đơn này bị bác bỏ.”

Hồng Kông —với tư cách là một đặc khu “1 quốc gia 2 chế độ” thuộc lãnh thổ của Trung Quốc Đại Lục— là không có ‘quốc ca’ của riêng mình. Tuy nhiên, Hồng Kông có lá cờ riêng, và đặc biệt ở chỗ trong nhiều sự kiện thể thao quốc tế, Hồng Kông có tư cách tham gia như một đội tuyển quốc gia.

Khi vận động viên của đội tuyển Hồng Kông đoạt giải —điều không thường xuyên xảy ra ở các giải quốc tế danh tiếng— thì lúc nhận giải sẽ dẫn tới vấn đề là bật bản nhạc đại biểu cho Hồng Kông.

Chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh nhận định rằng kể từ khi ‘trở về’ Trung Quốc năm 1997, thì bài quốc ca của Trung Quốc Đại Lục là bản nhạc thích hợp cho sự kiện này. Trước năm 1997, như là một thuộc địa của Anh quốc, thì bản nhạc đại biểu cho cho Hồng Kông trong những sự kiện này là bài “God Saves The King” (Chúa Cứu rỗi Nhà Vua/Nữ Hoàng), bài nhạc đại biểu của Vương quốc Anh.

Nhưng vì một số lý do nào đó, bài “Vinh quang Hương Cảng” đã được phát tại một số sự kiện thể thao quốc tế, bao gồm các cuộc thi bóng bầu dục và khúc côn cầu trên băng, thay vì quốc ca của Trung Quốc Đại Lục.

Bài “Vinh quang Hương Cảng” được hát và phát rộng rãi trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của nhân dân Hồng Kông vào năm 2019. Từ đó, bài hát này được chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh coi là sự thách thức uy quyền của họ, và coi đó là bài hát của những người bất đồng chính kiến. Người ta cũng gọi bài hát này là “bài hát chống dẫn độ”.

Cuối năm ngoái, nếu tìm “Quốc ca Hồng Kông” bằng Google (tiếng Anh hoặc tiếng Trung) thì sẽ thấy bài “Vinh quang Hương Cảng”. Đây được coi là 1 trong những lý do dẫn tới bản nhạc này được phát trong một số sự kiện thể thao quốc tế (ảnh chụp màn hình 12/2022). Thời điểm bấy giờ, Google đã từ chối yêu cầu của chính quyền Hồng Kông muốn đổi bản nhạc này thành bài quốc ca của Trung Quốc Đại Lục. (Ảnh chụp màn hình)


Khi chính quyền lần đầu tiên nộp đơn lên tòa án về lệnh cấm hoàn toàn bài hát vào tháng 6, bài hát đã sớm bị gỡ xuống khỏi một số nền tảng phát nhạc trực tuyến bao gồm iTunes và Spotify.

Các quan chức Hồng Kông cũng đã chỉ trích Google vì đã từ chối thay đổi kết quả tìm kiếm của mình để hiển thị quốc ca của Trung Quốc thay vì “Vinh quang Hồng Kông” khi người dùng tìm kiếm quốc ca của Hồng Kông.

Một quan chức cấp cao của Hồng Kông, Sun Dong, nói hồi đầu tháng này rằng Google đã yêu cầu chính quyền Hồng Kông trước hết phải chứng minh rằng bài hát vi phạm luật pháp địa phương — do đó dẫn đến việc chính quyền muốn cho thông qua lệnh cấm.

Công ty mẹ của Google, Alphabet không đưa ra phản hồi ngay lập tức đối với yêu cầu bình luận của Reuters về phán quyết. Hiện chưa rõ liệu chính quyền có kháng cáo quyết định này hay không.

Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông (HKJA) đã phản đối lệnh cấm của Chính phủ, đã hoan nghênh quyết định này của tòa án.

“Việc thực thi quyền lực công cộng sẽ tạo ra hiệu ứng ớn lạnh, đe dọa những người vô tội,” Ronson Chan, người đứng đầu HKJA, nói với các phóng viên bên ngoài tòa án. “Tôi nghĩ rằng phán quyết là rất hợp lý.”

Theo một văn bản mà Reuters có được, Chính phủ đã tìm cách cấm biểu diễn và phổ biến bài hát, bao gồm cả phần chuyển thể, giai điệu, lời bài hát và trực tuyến, bao gồm cả trên YouTube, cho rằng đó là một sự xúc phạm đối với quốc ca của Trung Quốc.

“Vinh quang Hồng Kông” được sáng tác vào năm 2019 khi thành phố này đang bị chấn động bởi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng thu hút hàng triệu người phản đối việc thắt chặt kiểm soát của Trung Quốc đối với thành phố tự do này.

Nhật Tân

Related posts