Trung – Mỹ đồng ý đối thoại về kiểm soát xuất khẩu; Chuyên gia dự đoán Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ

Dorothy Li

Trung - Mỹ đồng ý đối thoại về kiểm soát xuất khẩu; Chuyên gia dự đoán Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, tại Bộ Thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/8/2023. (Ảnh: Andy Wong/Pool/AFP qua Getty Images)

Ngày 28/8, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào, Bắc Kinh và Washington đã đồng ý thành lập một nhóm mới để làm việc về “các vấn đề thương mại”, đồng thời bắt đầu thảo luận thường xuyên về việc thực thi kiểm soát xuất khẩu.

Theo một tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, nhóm mới sẽ có sự tham gia của các quan chức Hoa Kỳ, Trung Quốc và đại diện khu vực tư nhân. Mục tiêu của nhóm là “tìm kiếm giải pháp về các vấn đề thương mại và đầu tư, cũng như thúc đẩy lợi ích thương mại của Mỹ tại Trung Quốc”. Nhóm công tác sẽ họp 2 lần mỗi năm và cuộc họp sẽ diễn ra ở cấp thứ trưởng.

Theo tuyên bố, một thỏa thuận khác cũng đã đạt được trong cuộc gặp của vị hai bộ trưởng. Theo đó, hai bên sẽ bắt đầu “trao đổi thông tin về thực thi kiểm soát xuất khẩu”, từ đó cung cấp “một nền tảng để giảm bớt sự hiểu lầm về chính sách an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.

Phát biểu sau cuộc gặp ngày 28/8 với ông Vương, bà Raimondo cho biết Hoa Kỳ sẽ không thỏa hiệp với chính quyền Trung Quốc về an ninh quốc gia.

“Bây giờ tôi muốn nói rõ: Chúng tôi không thỏa hiệp hay đàm phán trong các vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng đây là một cuộc đối thoại mà tại đó chúng tôi tăng cường tính minh bạch và làm rõ về những gì chúng ta đang làm liên quan đến việc thực thi kiểm soát xuất khẩu”.

“Hoa Kỳ cam kết minh bạch về chiến lược thực thi kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi. Để quý vị thấy điều này thực sự như thế nào, cuộc họp đầu tiên về việc trao đổi thông tin sẽ diễn ra vào ngày mai [29/8] tại Bắc Kinh. Chúng tôi không lãng phí thời gian”.

Kinh tế suy thoái, chính quyền trấn áp doanh nghiệp nước ngoài

Bà Raimondo đến Bắc Kinh vào đêm 27/8, trở thành Bộ trưởng Thương mại Mỹ đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc sau 7 năm. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn với nền kinh tế suy thoái. Các nhà phân tích tin rằng giới chức Bắc Kinh không còn phương án nào để có thể giải quyết vấn đề và họ đang hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể giúp một tay.

“Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta có mối quan hệ kinh tế ổn định, điều này mang lại lợi ích cho cả hai nước”, bà Raimondo đã nói như vậy trước khi cuộc gặp diễn ra. “Đó là một mối quan hệ phức tạp. Đó là một mối quan hệ đầy thách thức. Tất nhiên, chúng ta sẽ không đồng tình về một số vấn đề nhất định, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được tiến bộ nếu chúng ta thẳng thắn, cởi mở và thực tế”.

Khi mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng xấu đi, căng thẳng giữa hai bên leo thang, thì chính quyền Biden đã tìm cách mở lại đường dây liên lạc cấp cao với Trung Quốc và đã cử 4 quan chức nội các đến Bắc Kinh trong vòng 3 tháng.

Về phía Trung Quốc, không có quan chức cấp cao nào của họ đến thăm Washington kể từ khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh phong tỏa Covid-19 vào cuối năm 2022. Hoa Kỳ đã chính thức gửi lời mời tới nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị – người vừa được tái bổ nhiệm chức vụ ngoại trưởng vào tháng 7 sau khi người tiền nhiệm đột ngột bị sa thải. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi đầu tháng này nói rằng họ không nhận được phản hồi từ Trung Quốc.

Ông Vương Văn Đào nói với bà Raimondo rằng mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rất quan trọng, không chỉ đối với hai nước mà còn đối với toàn thế giới.

Ông cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington để “thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi hơn” cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước nhằm “thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương một cách ổn định và có thể dự đoán được”.

Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần đảm bảo với các doanh nghiệp nước ngoài rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa và chào đón đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Thương mại Vương phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh hồi tháng 3 như sau: “Các bạn không phải là người nước ngoài, mà là gia đình”.

Tuy nhiên, kể từ đó, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc trấn áp chống gián điệp, đột kích văn phòng của công ty tư vấn Capvision, thẩm vấn nhân viên tại công ty thẩm định Bain & Company của Hoa Kỳ, và bắt giữ nhân viên của nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản Astellas.

Bắc Kinh đã phạt Mintz, một công ty thẩm định khác của Hoa Kỳ, khoản tiền 1,5 triệu USD sau khi cảnh sát đột kích văn phòng Bắc Kinh của công ty này và bắt giữ 5 nhân viên địa phương.

Môi trường cũng ngày càng trở nên thù địch đối với người Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc khi luật chống gián điệp cập nhật có hiệu lực vào tháng 7. Chẳng hạn, phạm vi của thứ được coi là “bí mật” được mở rộng sang “các tài liệu, dữ liệu, tư liệu, vật phẩm khác liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia”; tuy nhiên, luật không xác định rõ những gì thuộc về an ninh quốc gia hay lợi ích của Trung Quốc.

Vấn đề về môi trường kinh doanh đang xấu đi nằm trong danh sách các chủ đề mà bà Raimondo dự định sẽ giải quyết trong chuyến công du 4 ngày. Chuyến đi của bà bao gồm các cuộc gặp với các quan chức cấp cao Trung Quốc và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Hoa Kỳ đang có động thái hạn chế đầu tư vào công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc, bao gồm lĩnh vực điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Lệnh này sẽ cung cấp cho Washington một công cụ tốt hơn để cấm vốn cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ chảy vào Trung Quốc – dòng vốn mà sẽ giúp Bắc Kinh nâng cao năng lực quân sự và tình báo của họ.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo phát biểu tại một khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/8/2023. (Ảnh: Andy Wong/Pool/AFP qua Getty Images)

Những lo ngại xung quanh chuyến công du của bà Raimondo

Trước chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo, một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về việc thành lập nhóm làm việc chung Mỹ – Trung về kiểm soát xuất khẩu.

Nhóm các nhà lập pháp, bao gồm ông Mike Gallagher (Cộng hòa – Wisconsin) – Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc tại Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố ngày 18/8: “Chính sách kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không nên được đưa ra để đàm phán. Các quyết định về bản chất và phạm vi kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ nên được đưa ra ở Washington, chứ không phải ở Bắc Kinh”.

Trong khi đó, các nhà quan sát bên ngoài cảnh báo rằng việc Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Mỹ không phải là điều tốt đẹp.

Bà Nazak Nikakhtar – cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Hoa Kỳ – nhận định: “Mục đích của họ là đánh cắp công nghệ, nâng cao năng lực của chính họ và cuối cùng là kiểm soát Hoa Kỳ…”.

“Khi chúng ta nhìn lại sự tăng trưởng của Trung Quốc trong hơn 20 năm qua, có bằng chứng cho thấy việc chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ đã giúp ĐCSTQ và Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA tăng cường sức mạnh”.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) – nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney – tin rằng chính quyền Trung Quốc không có ý định thay đổi ý định của họ, chẳng hạn như ý định về thay thế trật tự thế giới và giành quyền kiểm soát Đài Loan.

“Chừng nào ông Tập Cận Bình còn nắm quyền, ông ấy sẽ cố gắng thực hiện ‘Giấc mộng Trung Hoa’ và trở thành nhà lãnh đạo thế giới”, ông Phùng nói với The Epoch Times vào ngày 28/8, khi hai bộ trưởng thương mại đang gặp nhau tại Bắc Kinh.

“Ông Tập sẽ không nhượng bộ Hoa Kỳ về các vấn đề cơ bản, đặc biệt là về Đài Loan. Ông ấy sẽ không thay đổi mục tiêu chiếm lấy Đài Loan”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Related posts