Anders Corr
Sự tăng trưởng nóng của Trung Quốc dựa trên khoản nợ hàng nghìn tỷ USD không thể trả được và có thể khiến hệ thống tài chính Trung Quốc sụp đổ, ảnh hưởng đến hầu hết các nước ở châu Á. Một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 2.0 có thể sắp xảy ra.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ở trong tình thế khó khăn. Về mặt kinh tế, Trung Quốc đang rơi vào tình cảnh khốn khó sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh.
Sự tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên khoản nợ hàng nghìn tỷ USD không thể trả được và có thể khiến hệ thống tài chính Trung Quốc sụp đổ, ảnh hưởng đến hầu hết các nước ở châu Á. Một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 2.0 (AFC), lần này bắt đầu ở Trung Quốc thay vì Thái Lan, có thể sắp xảy ra.
Giống như AFC 1.0, bắt đầu ở Thái Lan vào năm 1997, Trung Quốc hiện có một đồng tiền mất giá so với đồng USD cùng với sự yếu kém trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Nếu dự trữ ngoại hối của nước này xuống thấp, nước này có thể gặp vấn đề về cán cân thanh toán và khủng hoảng ngân hàng.
Theo dữ liệu Bắc Kinh tự báo cáo, chúng ta vẫn chưa chạm tới thời điểm bước ngoặt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế đã hành động đề để phòng nguy cơ lây lan từ Trung Quốc đang gia tăng.
Vào ngày 24/8, Morgan Stanley đã hạ mức mục tiêu cho chỉ số chứng khoán MSCI Trung Quốc xuống 14% do kỳ vọng về lợi nhuận và mức định giá thấp hơn. Cùng ngày, Goldman Sachs cảnh báo về khả năng “lan tỏa” sang các quốc gia khác ở châu Á (trừ Nhật Bản), “cắt giảm” mục tiêu đối với chỉ số MSCI châu Á (gồm các nước trừ Nhật Bản). Chỉ số này bao gồm Úc, Malaysia và Hong Kong, tất cả đều có mối tương quan với Trung Quốc.
Ngoại trừ sự gia tăng nhẹ trong tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc, thậm chí không đạt mức thấp nhất trong tháng 4 và lợi nhuận ròng tốt đáng ngạc nhiên được báo cáo bởi nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, BYD, các tin tức kinh tế từ Trung Quốc, bao gồm giảm phát và thương mại quốc tế sụt giảm, đều là những tin xấu và u ám. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là các dấu hiệu cho thấy lượng trái phiếu ngầm trị giá hàng nghìn tỷ USD của chính quyền địa phương có thể trở thành nợ xấu.
Nguy cơ từ khoản nợ 9 nghìn tỷ USD
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ĐCSTQ đã cho phép chính quyền thành phố và tỉnh phát hành những khoản nợ ngoại bảng trị giá 9 nghìn tỷ USD để xây dựng cầu, đường, nhà máy nước và đường sắt cao tốc hào nhoáng, thúc đẩy tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc. Điều đó đã giúp ĐCSTQ khoe khoang về thành tựu phát triển, thu hút sự tán thưởng của quốc tế cùng các khoản đầu tư lớn vào Trung Quốc và thúc đẩy việc xuất khẩu mô hình này ra quốc tế theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
ĐCSTQ tự thể hiện mình trên toàn cầu như một người tạo ra phép lạ giúp 800 triệu người thoát nghèo. Nhiều người trên khắp thế giới đã ngờ nghệch tin vào lời tuyên truyền và vẫn hiện giờ vẫn đang lặp lại nó.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, người cao tuổi chỉ nhận được lương hưu từ 25 USD đến 410 USD mỗi tháng. Theo tác giả Keith Bradsher trên tờ The New York Times: “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng chi trả chưa đến một nửa chi phí của người dân”. “Bảo hiểm thất nghiệp cung cấp khoảng 220 USD một tháng; mức trung bình ở Mỹ là gần 1.700 USD”. Việc thiếu cơ sở phúc lợi xã hội đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc.
Vấn đề với tình trạng nghèo đói ngầm và nợ ngầm của Trung Quốc nằm ở sự thiếu minh bạch của chế độ cùng cái gọi là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Các dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương phần lớn được tài trợ bởi nợ ngoại bảng của các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Những dự án này hiếm khi mang lại lợi nhuận nhưng lại được cho là mang lại nhiều khoản hối lộ cho các quan chức địa phương.
ĐCSTQ đã cho phép nợ ngầm của địa phương tăng lên trong nhiều năm, điều này không gây ra cuộc khủng hoảng nào miễn là thị trường bất động sản vẫn còn sôi động và thuế của chính quyền địa phương có thể được sử dụng để trả lãi.
Tuy nhiên, với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế nợ ngầm địa phương vào năm 2020, thị trường bất động sản Trung Quốc sụt giảm và các nhà phát triển lớn rơi vào khủng hoảng. Evergrande nộp đơn xin phá sản tại Mỹ và Country Gardens đang loay hoay với việc thanh toán cho các trái chủ.
Chính quyền địa phương đã mất nguồn thu từ việc bán đất và nhà. Cùng với các chi phí bất ngờ do đại dịch gây ra, tất cả đã khiến việc trả lãi cho LGFV trở nên khó khăn. Các khoản thanh toán trái phiếu vẫn đang được thực hiện, nhưng những rạn nứt đang bắt đầu xuất hiện trong việc thanh toán nợ ngắn hạn. Năm ngoái, khoảng một nửa số thành phố ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thanh toán lãi vay.
Nếu LGFV vỡ nợ trái phiếu, đối tượng đầu tiên cảm nhận được thiệt hại sẽ là các nhà đầu tư ở Trung Quốc. Theo Bloomberg, “Tất cả các loại hình tổ chức tài chính đều có tiếp xúc với chúng: ngân hàng thương mại qua các đơn vị quản lý tài sản, công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ, công ty chứng khoán và quỹ phòng hộ”. “Phần lớn các nhà đầu tư của họ thuộc trong nước, vì người nước ngoài coi LGFV là không rõ ràng và khó phân tích”.
Nhưng theo ghi nhận của Goldman Sachs, các nhà đầu tư quốc tế cũng có những lo lắng, đặc biệt là những nhà đầu tư ở các nước châu Á có nền kinh tế gắn chặt với Trung Quốc. Theo Bloomberg vào ngày 23/08, “bất kỳ vụ vỡ nợ nào đối với lượng trái phiếu trị giá 2 nghìn tỷ USD của LGFV – chiếm gần một nửa thị trường nợ doanh nghiệp trong nước của đất nước – sẽ gây bất ổn cho hệ thống tài chính trị giá 60 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, tạo ra làn sóng chấn động toàn cầu”.
Các nhà kinh tế Thái Lan cảnh báo rằng chỉ riêng sự sụp đổ của Evergrande đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu vật liệu xây dựng và doanh thu du lịch của Thái Lan. Thị trường xuất khẩu và nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan là Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách cho phép các tỉnh đưa một số khoản nợ vào bảng cân đối kế toán của họ. Điều đó có thể mang lại niềm an ủi cho thị trường bằng cách giảm nguy cơ vỡ nợ ngầm và lây lan.
Nguồn gốc của sự vững mạnh kinh tế
Một số nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư quốc tế, đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn. Họ đe dọa sẽ không quay lại Trung Quốc nếu chính phủ không cung cấp thêm trợ cấp. Tuy nhiên, những khoản trợ cấp không tuân theo nguyên tắc thị trường chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề kinh tế của Trung Quốc ngay từ đầu.
Những nhà đầu tư này tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Họ không quan tâm đến sức khỏe kinh tế lâu dài của Trung Quốc. Sự vững mạnh kinh tế là thứ được tạo nên từ sự tự do chính trị và thị trường thay vì các khoản trợ cấp tập trung hoá từ chính phủ.
Về lâu dài, tự do, thay vì chế độ độc tài, nô lệ, thuế và trợ cấp, mới là thứ thúc đẩy thương mại quốc tế và tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ để nâng cao mức sống thấp đến kinh ngạc ở Trung Quốc. Những lợi ích hữu hình của tự do là những bài học tới từ các nền kinh tế thịnh vượng của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một Hong Kong tự do (vào giai đoạn trước đây). Tự do đi kèm với thịnh vượng.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).