Nghiên cứu phát triển chỉ bằng 1/3 so với TQ, VN khó tăng năng suất lao động

Nguyễn Minh

Người dân làm muối đang thu hoạch muối ở ruộng muối Quỳnh Thuận dưới cái nắng hè oi bức. Ảnh chụp tại xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam, chiều ngày 3/7/2023. (Ảnh: Truong Dinh Anh/Shutterstock)

Hiện chi phí cho việc nghiên cứu phát triển ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia. Chuyên gia kinh tế UNDP cho rằng điều này đáng lo ngại, vì chi phí này là một trong những thước đo quan trọng đánh giá khả năng tăng năng suất bằng việc đổi mới công nghệ.

Khi chính sách kìm hãm doanh nghiệp

Ngày 19/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023, các chuyên gia kinh tế quốc tế và trong nước thảo luận bàn tròn về chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”.

Ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho hay hiện Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn khiến năng suất thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia…

Ông Felix Weidencaff cho hay Việt Nam không nằm ngoài xu hướng “chững” năng suất lao động, song quy mô doanh nghiệp khiến việc cải thiện năng suất khó khăn. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại diện ILO nhận định thách thức liên quan đến năng suất của Việt Nam khá đa dạng theo từng phân khúc doanh nghiệp: Năng suất của khu vực nhà nước và FDI cao hơn so với khu vực tư nhân trong nước và hộ kinh doanh. Với việc chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, Việt Nam cần tạo ra các mặt hàng có giá trị cao, là động lực để tăng năng suất.

Ông Weidencaff cho hay Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm; thay đổi bản chất của thất nghiệp; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Điều này đòi hỏi sự can thiệp từ cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Lê Hoa – Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam nêu thực tế Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Theo bà Hoa, dù cũng có nhiều chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo, nhưng trên thực tế, thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Lê Hoa nhận định chính sách cần đồng bộ để khu vực tư nhân phát triển, thúc đẩy tăng năng suất lao động. (Ảnh: quochoi.vn)

Dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế (có tác động tích cực đến tăng năng suất) nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn.

Theo bà Hoa, thời gian tới, để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, Việt Nam cần tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động; tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Thúc đẩy chất lượng doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa

Đưa ra ý kiến thảo luận, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay để phát triển, Việt Nam cần nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động.

Hiện Việt Nam có 900 nghìn doanh nghiệp, có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Ông Lộc cho rằng số lượng doanh nghiệp không ít nhưng chất lượng không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng cần mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo ông Lộc, thời gian tới, cần có chính sách thức đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là các dự án có tiềm năng lớn. Ông Lộc cho rằng đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật Phát triển công nghiêp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động. Ông Lộc nhận định cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, là cơ sở để khơi dậy nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tiêu quá ít vào nghiên cứu phát triển, bỏ phí nhân tài ra quốc tế

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu và phần lớn các quốc gia là ở châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành cả công nghiệp và nông nghiệp.

Đối với khu vực Đông Nam Á, ông Jonathan Pincus dẫn câu chuyện tại Thái Lan và Malaysia đạt được mức tăng trưởng năng suất ấn tượng là 5,6-16,3% mỗi năm giai đoạn 1989-1999. Tuy nhiên, hai quốc gia này lại không duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á.

“Rất khó để một quốc gia có thể tăng trưởng năng suất nhanh trong một giai đoạn dài, đó chính là bẫy năng suất trung bình”, ông Pincus nói.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Pincus cho hay nguyên do là các quốc gia này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp mà không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay không? Theo chuyên gia của UNDP, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.

Ông Jonathan Pincus lo lắng về thực trạng đầu tư nghiên cứu và lãng phí chất xám của Việt Nam. (Ảnh: quochoi.vn)

Hiện nay, Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp nhất ở khu vực công, các viện nghiên cứu tư nhân thì chưa được khuyến khích phát triển. Chi phí cho việc nghiên cứu phát triển ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia. Theo ông Pincus, điều này đáng lo ngại, vì chi phí này là một trong những thước đo quan trọng, đánh giá khả năng tăng năng suất bằng việc đổi mới công nghệ.

Lý do đầu tư nghiên cứu bị bỏ trống là do các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển.

Hai vấn đề nổi cộm trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ngoài ra là công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Theo chuyên gia của UNDP, hiện nay Việt Nam chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học nhất là các ngành khoa học, kĩ thuật.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp tập trung đầu tư tại Việt Nam chú trọng đến các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội này. Với lợi thế có nhiều du học sinh học tập ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích nguồn nhân lực này trở về các viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này, nâng cấp năng lực quản trị Quốc gia, tăng năng suất lao động từ động lực của khoa học công nghệ.

Nguyễn Minh

Related posts