Sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau thực hiện bước đi bất thường, đó là công khai cáo buộc chính phủ Ấn Độ liên quan đến vụ sát hại một người Canada ở British Columbia, hai đồng minh thân cận nhất của Ottawa đã tỏ ra không đứng về phía ông Trudeau.
Ngày 18/9, ông Trudeau nói với Hạ viện Canada rằng có “những cáo buộc đáng tin cậy” cho thấy các đặc vụ làm việc cho New Delhi đã nhúng tay vào vụ sát hại bằng súng ông Hardeep Singh Nijjar – thủ lĩnh của cộng đồng người theo đạo Sikh toàn cầu – vào ngày 18/6 ở Surrey, British Columbia.
Ấn Độ đã phủ nhận mọi sự liên quan và gọi tuyên bố của ông Trudeau là “vô lý, lố bịch và mang theo động cơ”.
‘Đơn thương độc mã’
Phản ứng trước vụ việc, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những cáo buộc mà Thủ tướng Trudeau đề cập vào ngày hôm qua. Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với Canada. Điều quan trọng là Canada đang tiến hành cuộc điều tra và thủ phạm phải được đưa ra công lý”.
Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly cũng đưa ra một tuyên bố gần giống với tuyên bố của Hoa Kỳ. Ông Cleverly viết trên mạng xã hội: “Tất cả các quốc gia cần phải tôn trọng chủ quyền và pháp quyền. Chúng tôi đang trao đổi với các đối tác Canada về những cáo buộc nghiêm trọng được đưa ra tại Quốc hội Canada. Điều quan trọng là cuộc điều tra của Canada phải diễn ra theo đúng tiến trình và thủ phạm sẽ bị đưa ra công lý”.
London hiện đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với New Delhi. Phố Downing khẳng định rằng những diễn biến gần đây sẽ không làm hỏng kế hoạch của họ.
“Công tác đàm phán thương mại sẽ tiếp tục như trước”, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết vào hôm 19/9. “Khi chúng tôi lo ngại về các quốc gia mà chúng tôi đang cùng đàm phán các thỏa thuận thương mại, thì chúng tôi sẽ nêu vấn đề đó trực tiếp với chính phủ liên quan. Về các cuộc đàm phán hiện tại với Ấn Độ, đây là những cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại, và chúng tôi không muốn liên kết chúng với các vấn đề khác”.
Trước khi ông Trudeau tới Ấn Độ hồi đầu tháng này để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, Ottawa đã tạm dừng các cuộc đàm phán thương mại với New Delhi nhưng không đưa ra lời giải thích nào. Lý do của động thái đó bây giờ đã trở nên rõ ràng.
Sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine, vì nhiều nguyên nhân, các nước phương Tây đã và đang tìm cách rời xa Trung Quốc; một số nước chuyển sang hợp tác kinh tế với Ấn Độ. Ấn Độ là đối trọng lý tưởng trong khu vực với tư cách là nền dân chủ lớn nhất thế giới.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nỗ lực vun đắp mối quan hệ với ông Modi, mặc dù giữa hai người có rất ít điểm tương đồng về hệ tư tưởng, cũng như có quan điểm khác nhau về cuộc chiến Nga – Ukraine.
Trước hội nghị thượng đỉnh G20, Mỹ và Ấn Độ đã đưa ra tuyên bố chung vào ngày 8/9, trong đó “tái khẳng định mối quan hệ đối tác chặt chẽ và lâu dài” giữa hai nước.
Ở Ấn Độ, ông Modi đã tiếp đón ông Biden tại tư dinh thay vì tại văn phòng, điều mà cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng là điều “bất thường”. Ông Sullivan nói: “Đây không phải là chuyến thăm song phương thông thường tới Ấn Độ khi mà các cuộc gặp đáng lẽ sẽ diễn ra tại văn phòng thủ tướng”.
Trong khi đó, ông Trudeau không tham dự bữa tối dành cho các nhà lãnh đạo mà ông Modi tổ chức, và đã có cuộc gặp song phương ngắn với ông Modi. Sau đó, Ấn Độ đưa ra một tuyên bố ngắn gọn chỉ trích việc Canada ‘chứa chấp’ những người ly khai theo đạo Sikh.
Vào thời điểm đó, rõ ràng là mối quan hệ giữa Canada và Ấn Độ đã xuống mức thấp mới. Sự việc này xảy ra trước tuyên bố bất ngờ của ông Trudeau tại Quốc hội Canada.
Trên bờ vực đổ vỡ
Mối quan hệ Ấn Độ – Canada hiện đang trên bờ vực đổ vỡ. Ngày 18/9, Canada trục xuất ông Pavan Kumar Rai – người đứng đầu cơ quan tình báo Ấn Độ tại Canada. Ấn Độ phản ứng vào ngày hôm sau bằng cách trục xuất một nhà ngoại giao cấp cao của Canada.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng do thông báo của mình gây ra, ông Trudeau đã lùi lại một bước. Thủ tướng Canada nói rằng tuyên bố trước đó của ông không nhằm mục đích khiêu khích Ấn Độ.
“Chính phủ Ấn Độ cần phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc nhất. Chúng tôi đang làm điều đó, chúng tôi không tìm cách khiêu khích hay leo thang, chúng tôi chỉ đơn giản đưa ra sự thật theo cách chúng tôi hiểu”, ông Trudeau nói vào hôm 19/9.
Việc công bố bằng chứng đang được thảo luận sôi nổi, vì chính phủ Canada chưa chia sẻ thông tin chi tiết với công chúng về bằng chứng hay tin tức tình báo mà họ có trong vụ giết ông Nijjar.
Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Pierre Poilievre đã kêu gọi chính phủ Đảng Tự do cung cấp thêm thông tin.
“Nếu những cáo buộc này là đúng, thì chúng cho thấy sự xúc phạm trắng trợn đối với chủ quyền của Canada”, ông nói vào hôm 18/9 ngay sau thông báo của ông Trudeau.
Nhưng ông Poilievre đã có giọng điệu khác vào ngày 19/9 khi được hỏi liệu Canada có nên thay đổi mối quan hệ với Ấn Độ hay áp đặt các lệnh trừng phạt hay không. Ông Poilievre nói rằng Thủ tướng cần “làm rõ tất cả sự thật. Chúng ta cần biết tất cả bằng chứng có thể có, để người dân Canada có thể đưa ra phán quyết”.
Ông Poilievre khẳng định rằng ông Trudeau mới chỉ đưa ra thông báo, chứ chưa cung cấp bằng chứng. “Tôi nhấn mạnh rằng ông ấy không nói gì đó riêng với tôi nhiều hơn những gì ông ấy nói với người Canada, trước công chúng. Vì vậy, chúng tôi muốn có thêm thông tin”.
Ông Poilievre nói thêm rằng thật “thú vị” khi ông Trudeau đã biết về sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào Canada trong một thời gian dài, kể cả khi họ bắt giữ công dân Canada làm con tin, nhưng “không làm gì cả”.
Ngày ông Trudeau đưa ra cáo buộc liên quan đến Ấn Độ cũng là ngày cuộc điều tra công khai về sự can thiệp từ nước ngoài vào Canada được khởi động, sau nhiều tháng truyền thông nước này lên án sự can thiệp trên diện rộng của Bắc Kinh vào nền dân chủ Canada.
Nhiệm vụ của cuộc điều tra là xem xét cẩn thận các động thái của Trung Quốc, Nga, cũng như các quốc gia và chủ thể phi nhà nước khác.
Mối quan hệ giữa ông Nijjar với CSIS
Cơ quan tình báo Canada dường như có liên quan chặt chẽ đến vụ cáo buộc Ấn Độ. Bộ trưởng An ninh Công cộng Dominic Leblanc cho biết trong tuần này rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) David Vigneault và Cố vấn Tình báo và An ninh Quốc gia Jody Thomas đã tới Ấn Độ “vài lần” trong những tuần gần đây để gặp những người đồng cấp Ấn Độ.
Ông Balraj Singh Nijjar – con trai của ông Nijjar – cho hay cha ông bắt đầu có các cuộc gặp với CSIS vào tháng 2; tần suất gặp gỡ đã tăng dần trong 3 hoặc 4 tháng sau đó. Ông cũng cho biết các sĩ quan CSIS đã gặp cha ông 1-2 lần một tuần trước khi cha ông bị giết.
Ông Phil Gurski – một cựu chiến binh đã có 30 năm làm việc tại CSIS và Cơ quan An ninh Truyền thông – tin rằng điều này cho thấy ông Nijjar có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan gián điệp Canada.
Theo ông Gurski, nếu ông Nijjar cảm thấy bị đe dọa, ông ấy có thể tiếp cận Cảnh sát Quốc gia Canada (RCMP) hoặc CSIS hoặc cả hai, nhưng nó không đủ để giải thích cho những cuộc gặp thường xuyên như vậy.
“Như người con trai đã nói, nếu ông ấy thường xuyên gặp gỡ [các cơ quan Canada], điều đó cho thấy ít nhất ông ấy là một người cung cấp thông tin từ cộng đồng. Ông ấy có phải là gián điệp hay không, đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác”.
Ông Gurski nói thêm rằng CSIS sẽ không tiêu tốn thời gian và sức lực vào các cuộc gặp gỡ nếu không thu được gì từ đó. “Điều đó chắc chắn cho thấy rằng ông ấy có thông tin có thể hữu ích cho [CSIS] hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Nijjar là người theo đạo Sikh, cũng là người đứng đầu một ngôi đền của đạo Sikh ở Surrey. Ông bị Ấn Độ truy nã vì tội khủng bố. Trước đó, ông đã phủ nhận các cáo buộc liên quan đến bạo lực. Vào thời điểm trước khi qua đời, ông đang tổ chức một dự án trưng cầu dân ý về độc lập cho vùng Khalistan.
Ông Gurski tin rằng CSIS có thể đã tìm kiếm từ ông Nijjar thông tin liên quan đến nhiệm vụ chống khủng bố hoặc phản gián của họ.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch