Nhiều cán bộ, công chức là giám đốc, trưởng phòng vi phạm nồng độ cồn

Nhiều cán bộ, công chức là giám đốc, trưởng phòng vi phạm nồng độ cồn

Cục CSGT phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh: csgt.vn)

Qua kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông ở một số tỉnh thành trên cả nước, cơ quan chức năng phát hiện có nhiều cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn.

Cục CSGT Bộ Công an cho biết ngày 23/9/2023, các tổ công tác của Cục CSGT đã phối hợp với công an 5 địa phương trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông tại các tỉnh Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Được biết, kế hoạch trên được thực hiện đến hết ngày 15/10 tới.

Qua công tác kiểm soát, Tổ công tác đã phát hiện xử lý 199 trường hợp (54 ôtô, 144 xe mô tô, 1 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn, 1 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Đáng nói, trong đó có 3 trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo (có trường hợp xuất trình thẻ nhà báo cho tổ công tác) và nhiều cán bộ, công chức.

Tại Bắc Giang, kiểm soát trên các tuyến đường Hùng Vương, 398, Tân Mỹ, Xương Giang, TP. Bắc Giang, các tổ công tác phát hiện xử lý 100 trường hợp vi phạm, trong đó có 92 trường hợp (25 ôtô, 66 mô tô, 1 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn.

Đặc biệt, trong số vi phạm nồng độ cồn có Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất TP. Bắc Giang và Trưởng phòng TN&MT TP. Bắc Giang.

Tại tỉnh Đắk Lắk, các tổ công tác đã phát hiện xử lý 45 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Trong số đó có Giám đốc Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột; Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Ea Kar; Phó phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Ea Kar; Giám đốc Trạm đăng kiểm số 4703D (xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Đắk Lắk.

Tại tỉnh Trà Vinh, kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường km69, quốc lộ 53, 148, Tổ công tác phát hiện, xử lý 35 trường hợp, trong đó 33 người điều khiển phương tiện (1 ô tô, 32 xe máy) vi phạm về nồng độ cồn, 1 trường hợp xe máy không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Tại tỉnh Nghệ An, kiểm tra nồng độ cồn tại quốc lộ 1A, thuộc khối 5, thị trấn Diễn Châu, Tổ công tác phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Kiểm tra nồng độ cồn tại đường Trần Phú, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh, Tổ công tác phát hiện, xử lý 20 trường hợp vi phạm, trong đó có 19 trường hợp (8 ôtô và 11 xe máy) vi phạm nồng độ cồn, một người vi phạm là phóng viên một tạp chí.

Lãnh đạo Cục CSGT cho biết tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều được cảnh sát gửi thông báo về cơ quan, đơn vị chủ quản của người vi phạm.

Cục CSGT Bộ Công an cho biết từ ngày 31/8 đến ngày 22/9, các Tổ công tác chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Qua đó, các Tổ công tác đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó, đa số là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe…

Một số lái xe khi vi phạm được xác minh là bí thư, chủ tịch huyện hoặc một số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu…

Thạch Lam

Cổ phiếu Tập đoàn Vingroup mất 40% giá trị từ khi VinFast niêm yết

Cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup giảm sâu từ khi VinFast niêm yết hôm 15/8. (Ảnh chụp màn hình: CafeF.vn)

Cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) đã mất 40% kể từ khi Công ty con của tập đoàn này – VinFast (mã VFS) niêm yết trên thị trường Nasdaq (Mỹ) hôm 15/8. Phiên giao dịch ngày 25/9 cũng chứng kiến tình trạng “đỏ sàn” của hơn 165 mã cổ phiếu, kéo chỉ số VN-Index giảm gần 40 điểm.

Kết phiên hôm nay (25/9), chỉ số đại diện VN-Index giảm 39,8 điểm xuống còn 1.153 điểm, tương ứng mức giảm 3,34%. Sắc đỏ bao phủ hai sàn và thị trường UPCom, trong đó gần 90% cổ phiếu trên sàn HoSE giao dịch dưới mức tham chiếu.

Hiện tượng cổ phiếu bị xả tại mức giá sàn xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành, trong đó tập trung nhiều nhất ở nhóm bất động sản, chứng khoán, thép. Lực bán sau đó lan rộng ra nhiều nhóm ngành giao dịch tích cực cuối tuần trước như dệt may, thủy sản, hóa chất.

Mã cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup giảm sàn còn 46.500 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2017.

Trước thời điểm hãng ô tô VinFast niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq (hôm 15/8), mã VIC từng nổi sóng tăng giá từ quanh 50.000 đồng cuối tháng 7 lên vùng đỉnh 75.000 đồng/cổ phiếu trung tuần tháng 8.

Sau 1 tháng, cổ phiếu VinFast (VFS) giảm sâu từ mức đỉnh gần 88 USD về còn hơn 15 USD/cổ phiếu hôm 22/9. (Ảnh chụp màn hình: finance.yahoo.com)

Sau đó, cổ phiếu VIC bước vào giai đoạn giảm sâu, giá cổ phiếu giảm từ vùng đỉnh xuống còn 46.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mất gần 40% giá trị.

Từ khi niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua một công ty “rỗng”, VinFast đã cho thấy biên độ lên xuống giá cổ phiếu thất thường do tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do rất thấp (khoảng 1%), 99% còn lại do ông Phạm Nhât Vượng và 2 công ty liên quan nắm giữ.

Mã VFS cũng sụt giảm sâu về mức giá 15 USD/cổ phiếu vào phiên cuối tuần trước (22/9), đỉnh cao nhất của mã này đạt được gần 88 USD vào hôm 25/8.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 của Tập đoàn Vingroup niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Theo đó, VinGroup đã phân phối 6.924.155 trái phiếu (tương đương với mệnh giá 692, 4 tỷ đồng).

Số tiền huy động được ít hơn dự kiến và Vingroup sẽ cho VinFast vay thông qua việc phát hành trái phiếu này.

Đức Minh

Đậu mùa khỉ xuất hiện tại Đồng Nai

Đồng Nai vừa ghi nhận một nam bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa: Berkay Ataseven/Shutterstock)

Nam thanh niên 25 tuổi quê Đồng Nai, sống tại TP.HCM làm kinh doanh, thường xuyên phải di chuyển và tiếp xúc với nhiều người, vừa trở thành ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên trong năm 2023.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), bệnh nhân là anh L.V.T. (SN 1998, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; tạm trú tại TP.HCM). Anh T. làm nghề kinh doanh, thường xuyên phải di chuyển và tiếp xúc với nhiều người (không có yếu tố nước ngoài). Ngoài ra, nam bệnh nhân hàng ngày tiếp xúc với bố, mẹ, bà nội chị gái ở Đồng Nai.

Ngày 17/9, bệnh nhân khởi phát bệnh và có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi khám, điều trị tại phòng khám tư (chưa rõ địa chỉ) nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 22/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, ghi nhận hết sốt, còn ngứa, thêm các triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ. Trong ngày 22/9, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TPHCM, tới sáng ngày 23/9 nhận kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút đậu mùa khỉ.

Đáng lưu ý, trước khi phát bệnh, ngày 16/9, bệnh nhân T. có tiếp xúc với bạn gái N.T.L (SN 2001, tạm trú tại TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), là lao động tự do. Ngày 22/9, chị L. khởi phát bệnh. Hiện tại, chị L. bị phát ban dạng mụn mủ xung quanh cơ quan sinh dục. Từ ngày 17-22/9, khi trong giai đoạn ủ bệnh, chị L. tiếp xúc với 4 người thân.

Theo CDC Đồng Nai, bệnh nhân L.V.T là ca đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại tỉnh Đồng Nai, trước mắt chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

CDC Đồng Nai đã kiến nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và CDC Bình Dương tiếp tục điều tra, xử lý đối với nam bệnh nhân và bạn gái của bệnh nhân, đặc biệt lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân với các đồng nghiệp, người thân xung quanh trong khoảng thời gian từ ngày 17/9 đến nay để đưa ra các biện pháp xử trí kịp thời.

Ngoài ra, 4 trường hợp người thân có tiếp xúc gần với bệnh nhân (từ ngày 2/9 đến hết ngày 23/9) đang được Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc giám sát, theo dõi y tế.

CDC Đồng Nai khuyến nghị cần tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhập cảnh, giám sát cộng đồng và tại các cơ sở y tế để sớm phát hiện các trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ trên toàn tỉnh.

Bệnh nhân ở Đồng Nai là ca bệnh mắc đậu mùa khỉ thứ 3 tại Việt Nam được ghi nhận đến nay. Hai ca đầu tiên được xác định vào tháng 9/2022, là hai bệnh nữ (SN 1988 và SN 1985, ngụ TP.HCM) có tiền sử đi từ Dubai về TP.HCM, có tiếp xúc với nhau.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, bệnh ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô.

Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong).

Vi-rút gây bệnh lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.

Các triệu chứng thường thấy là: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Nguyễn Sơn

TP.HCM: Phụ huynh tập trung, căng băng rôn đòi nợ chủ trường quốc tế

Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ bà Út Em ngay trước cổng trường. (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Ký hợp đồng cho Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) vay vốn theo gói đầu tư học tập lên đến hàng tỷ đồng, những ngày qua, nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên vì không liên lạc được với chủ trường.

Mấy ngày gần đây, rất nhiều phụ huynh tập trung trước cổng Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) tại Nhà Bè, TP.HCM, mang theo băng rôn có nội dung yêu cầu bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch HĐQT trường, trả nợ.

Công an huyện Nhà Bè đã đến trường này vãn hồi trật tự.

Qua làm việc với trường, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc là do trường chậm trả lại tiền cho phụ huynh theo hợp đồng vay vốn theo gói đầu tư học tập.

Hiện nay, trường này là một trong những trường có học phí cao nhất tại TP.HCM.

Một số phụ huynh cho biết mấy ngày qua họ không cách nào liên hệ được với Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) này. Gọi điện, vị lãnh đạo này không bắt máy, nhắn tin cũng không hồi đáp.

Gọi đến số tổng đài của trường, các số kết nối nội bộ như hỗ trợ phụ huynh, tuyển sinh… đều không có người nghe máy.

Có một số phụ huynh trước đó cũng nhiều lần đến trường, nhà riêng hy vọng gặp bà Út Em để hỏi cho rõ cũng không có kết quả.

Anh T. cho biết đã ký hợp đồng cho trường này vay vốn hơn 5 tỷ đồng, nhiều ngày qua, anh gọi điện cho chủ trường mà người này không hề nghe máy, gửi email cũng không thấy phản hồi.

Gọi vào trường cho kế toán, anh T. cũng chỉ nhận được câu trả lời “chủ trường không có mặt ở đây”.

Đây là một trong số nhiều phụ huynh đã ký hợp đồng cho Trường quốc tế Mỹ Việt Nam vay vốn với số tiền hàng tỷ đồng mỗi người. Phụ huynh cho trường vay nhiều nhất được ghi nhận đến thời điểm này là hơn 8 tỷ đồng, thông qua nhiều hợp đồng cho vay.

Bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã phản hồi với báo chí qua văn bản về khoản tiền phụ huynh đến đòi là số tiền đầu tư giáo dục mà nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua “Hợp đồng đầu tư giáo dục”. Khoản này trường sẽ hoàn trả sau khoảng thời gian 5-15 năm học sinh theo học tại trường.

Theo hợp đồng vay vốn này, con của họ sẽ được đào tạo chính khóa và miễn học phí trong suốt thời gian học tại trường. Sau khi con em học xong – có thể kéo dài vài năm theo chương trình học phổ thông – những phụ huynh này được cam kết trả lại đúng số tiền đã đóng.

Bà cho biết trước đây trường đã thực hiện rất tốt về cung cấp chương trình đào tạo chính khóa miễn phí cho học sinh và hoàn trả số tiền đầu tư giáo dục đúng hạn. Nhưng thời gian

sau này, trường gặp nhiều khó khăn nên có chậm trễ trong việc hoàn trả cũng như chưa có thông tin trao đổi kịp thời đến phụ huynh.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các phụ huynh đến trường đòi quyền lợi từ chủ trường quốc tế. Một số phụ huynh đã đóng học phí tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) một khoản tiền lớn từ đầu, thường lên đến tiền tỷ.

Nhiều phụ huynh cho biết đến nay đã quá thời gian thanh toán hợp đồng vay vốn, con họ đã hoàn tất thủ tục kết thúc việc học tại trường từ lâu. Trường nhiều lần cam kết, hứa hẹn nhưng vẫn không thấy chi tiền ra trả nợ.

Chủ trường cho biết việc chậm trả tiền cho phụ huynh vì gặp khó khăn trong những năm đại dịch COVID-19. Hiện trường đang đẩy mạnh việc tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hoạt động tài chính, dự kiến hoàn tất chậm nhất trong quý 1 năm 2024. Sau đó, sẽ xây dựng phương án hoàn trả gói đầu tư giáo dục cho phụ huynh với phương thức trả dần.

Vị này nói sẽ chủ động liên hệ, thương lượng và đối thoại trực tiếp với từng phụ huynh; đồng thời, cũng đã gửi thư xin lỗi các phụ huynh vì chậm trễ trong việc lên kế hoạch và phản hồi những thông tin liên quan đến quá trình thực hiện hoàn trả theo hợp đồng đầu tư giáo dục trong thời gian qua.

Ngọc Mai

Related posts