Cái gốc của giáo dục

Thái Hạo

26-9-2023

Tôi thường thấy đa số mọi người hướng cái nhìn phê phán vào những chuyện như sách giáo khoa, chương trình giáo dục, thậm chí là những thứ li ti hơn như từng bài văn, bài toán trong sách giáo khoa và coi đó như nguyên nhân bao trùm, gây ra tình trạng vỡ trận nhức nhối hiện nay của giáo dục nước nhà. Tôi không nghĩ thế.

Chúng ta hãy hình dung rằng, với một nhà trường mà từ ban giám hiệu đến giáo viên đều chăm chăm kiếm tiền bằng cách nghĩ ra đủ các chiêu trò mánh khóe để tận thu của học trò, bày ra các “môn học” bát nháo nhằm móc túi phụ huynh, thì chương trình nào, sách giáo khoa gì có thể dạy cho con người ta nên người?

Với cái mảnh đất đầy cỏ dại gai góc và sâu trùng như thế, thử hỏi nếu mang sách của Mỹ, của Nhật, của Pháp, của Sing về mà đặt vào đấy thì nó sẽ ra cái kết quả giáo dục gì? Không một chương trình giáo dục nào, dù tiến bộ nhất thế giới, khi đưa vào cái hệ thống đã bị hư hỏng trầm trọng như thế, lại có thể thay đổi được nền tảng của giáo dục.

Chúng ta phê phán nhà trường lạm thu, ừ đúng. Nhưng không phải chỉ có thế, nếu đọc các văn bản hướng dẫn thu chi dành cho ngành giáo dục địa phương, do ủy ban huyện, tỉnh ban hành, thì ta sẽ thấy chính họ bật đèn xanh cho các trường thu trái quy định. Đơn giản như tiền trông giữ xe của học sinh, rõ ràng văn bản của Bộ Giáo dục cấm thu, nhưng mặc, Ủy ban vẫn “hướng dẫn” thu. Rất nhiều khoản khác như tiền sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất cũng cùng chung một lối hành xử như thế. Nếu có khoản nào không trong “hướng dẫn” của huyện, tỉnh mà nhà trường vẫn thu thì huyện, tỉnh làm lơ.

Rõ ràng, đây không phải là vấn nạn do một mình nhà trường gây ra, mà là đá quả bóng trách nhiệm. Việc xây dựng cơ sở vật chất và trả công cho nhân viên, giáo viên, phải là trách nhiệm của Nhà Nước, được thực hiện bằng cách lấy tiền ngân sách do dân đóng thuế ra để chi; nhưng không, họ chỉ làm một phần, phần còn lại bật đèn xanh và thậm chí phó mặc cho nhà trường tự xoay xở.

Thế là, nhân cơ hội được “cho phép” này, nhà trường vừa thu để phục vụ cho công tác giảng dạy, vừa tranh thủ kiếm tí. Nó tạo ra một tình trạng bát nháo, bầy hầy, phá vỡ hết các giá trị cơ bản phải có của một môi trường giáo dục, làm băng hoại quan hệ thầy trò, bứt tung tình cảm với phụ huynh, tạo ra một thế đối lập, kình địch với nhau.

Rồi dạy thêm. Việc thiếu nghiêm trong sự quản lý là một phần, phần còn lại là vừa ra lệnh cho các trường phải hợp tác, vừa “cấp phép” cho các trung tâm tràn vào nhà trường. Cứ thế, chương trình giáo dục bị cắt xén, bóp méo và hủy hoại. Chung quy, vẫn là câu chuyện tiền. Trong một “thương vụ bạc tỉ” như thế, mỗi người đều có phần, thế là trên cho phép dưới, dưới chia cho trên; trong đón tiếp ngoài, ngoài cắt phế cho trong, cộng sinh trên thân thể học trò và ký sinh vào nền giáo dục.

Xin hỏi, chương trình nào, sách giáo khoa gì có thể dạy con người ta nên người trong một môi trường như thế?

Tôi tin rằng, chỉ cần làm sạch cỏ, nhỏ bỏ hết gai góc, diệt hết sâu trùng, thiết lập lại kỷ cương và xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, tử tế, thì sách gì cũng chẳng còn quan trọng nữa. Thậm chí ở đó học sinh chỉ cần chơi với nhau thôi cũng thành người. Còn với tình trạng bây giờ, 210 nghìn tỉ chứ 210 triệu tỉ cũng sẽ không có kết quả, thậm chí còn khiến mức độ tranh giành trở nên khốc liệt hơn.

Dứt khoát phải làm một cuộc tổng vệ sinh. Việc trước mắt và đầu đầu tiên là ngăn chặn nạn thu tiền như trấn lột trong nhà trường và cấm hẳn tình trạng dạy thêm bát nháo hiện nay. Tiếp đó là thiết lập lại trách nhiệm của mỗi bên: nhà nước lo tiền, nhà trường lo dạy, nhà dân lo làm ăn đóng thuế. Nếu còn lẫn lộn, để nhà trường phải lăn ra kiếm tiền thì không một nền giáo dục tử tế nào sẽ được khai sinh.

Related posts