Jenny Li and Olivia Li
Vị tỷ phú bị bắt sau các giao dịch chuyển nhượng tài sản mờ ám và nộp đơn khai phá sản tại Hoa Kỳ
Hai tuần sau khi chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) nộp đơn khai phá sản tại Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh bắt giữ ông. Hành động khai phá sản tại tòa án Hoa Kỳ được cho là phương tiện giúp ông Hứa bảo vệ tài sản ở ngoại quốc của mình khỏi bị truy tố và tiếp tục chuyển nhượng tài sản.
Ông Hứa, còn được gọi là Xu Jiayin trong tiếng Quan Thoại, đã bị công an Trung Quốc bắt giữ hồi đầu tháng Chín và được cho là đang bị quản thúc tại một địa điểm “được chỉ định.”
Evergrande đã nộp đơn khai phá sản theo Luật Phá sản Hoa Kỳ vào ngày 18/08, hành động này đã đánh động đến các quan chức Trung Quốc có liên quan. Hồi đầu tháng Chín, chính quyền Trung Quốc đã mở cuộc điều tra và bắt giữ ông Hứa cùng một số giám đốc điều hành khác nhằm ngăn chặn nguồn vốn của Evergrande chảy ra khỏi đất nước, theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA).
Từ một người bần hàn trở thành tỷ phú
Ông Hứa sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng nông thôn miền trung tỉnh Hà Nam. Có lần ông hồi tưởng về trường tiểu học của mình, nơi chỉ có vài túp lều tranh không có cửa sổ và không thể chắn được những cơn mưa. Những tấm bảng đen được làm từ xi măng và được phủ lên bằng một lớp sơn đen. Sàn lớp học trông rất bẩn. Khi trời mưa, khắp nơi đều lầy lội. Mùa đông chẳng có gì ngoài rét buốt thấu xương.
Ngày nào cũng vậy, ông đều ăn những món ăn đặc trưng của vùng nông thôn Trung Quốc những năm 1960. Ông từng được đưa đến bệnh xá trong làng vì bị đau bụng do ăn bánh ngô bị mốc.
Câu chuyện của ông đã được truyền thông Trung Quốc quảng bá như một câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ, đồng thời ẩn sau đó là một thông điệp rằng ở Trung Quốc, mọi người đều có thể phát đạt từ hai bàn tay trắng nếu họ làm việc chăm chỉ.
Rõ ràng đó là một lời nói dối trắng trợn.
Ở Trung Quốc, đằng sau mỗi ông trùm kinh doanh đều có nhân vật chính trị chống lưng, đặc biệt là trong lĩnh vực địa ốc. Nếu không có sự trợ giúp của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một nhà phát triển địa ốc đừng nói đến chuyện có được một mảnh đất hoặc một khoản vay xây dựng.
Vậy quan chức ĐCSTQ nào đã đứng đằng sau giúp cho ông Hứa phất lên như diều gặp gió?
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), cựu giáo sư luật từ Đại học Bắc Kinh, hiện đang sống lưu vong ở Úc, nói với The Epoch Times rằng ông Hứa là quân tốt của gia đình ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), và những người tiếp xúc trực tiếp với ông Hứa chủ yếu là anh trai của ông Tăng Khánh Hồng là ông Tăng Khánh Hoài (Zeng Qinghuai), và con trai của ông Khánh Hồng là ông Tăng Duy (Zeng Wei).
Năm 1996, ông Hứa thành lập Evergrande tại Thâm Quyến. Sau đó, ông quen biết ông Tăng Khánh Hồng, một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vào thời điểm đó, và hoạt động kinh doanh của Evergrande nhanh chóng mở rộng từ Thâm Quyến ra cả nước.
Chỉ trong hai thập niên, Evergrande đã trở thành một trong 500 công ty hàng đầu thế giới, và ông Hứa trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.
Tranh đấu quyền lực trong Đảng
Vì ông Tăng Khánh Hồng giúp ông Hứa trở nên giàu có và nổi tiếng, nên ông Hứa sẵn sàng làm việc cho ông Tăng.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Tăng Khánh Hồng luôn tìm cách hạ bệ ông Tập để bảo đảm an toàn cho bản thân. Ông Hứa, với tư cách là nhân vật hàng đầu trong ngành địa ốc, đã gây ra rất nhiều rắc rối cho ông Tập.
Năm 2016, để hạ nhiệt thị trường nhà ở cạnh tranh quá khốc liệt, ông Tập nhấn mạnh “nhà ở là để ở chứ không phải để đầu cơ.”
Tuy nhiên, Evergrande hoàn toàn phớt lờ cảnh báo này và tiếp tục đầu tư số tiền lớn để đẩy giá nhà đất lên cao.
Cùng năm đó, nợ phải trả lãi suất của Evergrande tăng 80% so với năm trước (2015), đạt 535.1 tỷ nhân dân tệ (73.4 tỷ USD).
Con đường nợ nần cao này chắc chắn là không bền vững. Evergrande lần đầu tiên vỡ nợ trên giấy tờ thương mại của mình vào tháng 11/2020. Một thất bại khác xảy ra vào tháng 09/2021 khi Evergrande Wealth vỡ nợ. Tình hình lên đến đỉnh điểm vào ngày 03/12/2021, khi Evergrande công khai thừa nhận không có khả năng thanh toán các cam kết nợ của mình, khiến vấn đề nợ của họ trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.
Chuyển tài sản một cách lén lút
Trong hai năm qua, ông Hứa đã bảo đảm với chính quyền của ông Tập về việc hoàn thiện và giao những ngôi nhà mới của Evergrande, thậm chí còn nói rằng ông sẽ bán tài sản của mình ở Hồng Kông và ngoại quốc để bảo đảm việc bàn giao những dự án này.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Hứa thậm chí còn thề thốt trước công chúng tại một cuộc họp của công ty rằng, “Tôi có thể ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng các nhà đầu tư không thể ra đi với hai bàn tay trắng như vậy được.”
Tình hình nợ của Evergrande dường như cũng được cải thiện trong hai năm đó. Tính đến ngày 31/12/2022, số tiền gốc và lãi chưa trả của Evergrande Wealth đã giảm từ hàng trăm tỷ USD xuống còn khoảng 34 tỷ USD, chỉ bằng 30% tổng nợ ban đầu. Ngoài ra, các dự án cao tầng của Evergrande cũng đang dần được hoàn thiện và bàn giao cho từng người mua nhà một.
Sau đó người ta phát hiện ra rằng gia đình ông Hứa bề ngoài thì tích cực giải quyết vấn đề nợ nần nhưng thực tế đằng sau lại là âm thầm chuyển nhượng tài sản.
Âm mưu của họ bao gồm việc thành lập một quỹ tín thác gia đình để chuyển hàng triệu dollar cho con trai ông Hứa là ông Peter Hứa. Việc này được thực hiện bằng cách sử dụng một mô hình sở hữu đặc biệt (Variable interest entity, VIE) để ủy thác cổ phần của Evergrande cho công ty ngoại quốc ở Cayman; thu cổ tức lãi suất cao từ trái phiếu doanh nghiệp; nộp đơn ly hôn vào đầu năm nay và sau đó đưa “vợ cũ” rời Trung Quốc vào khoảng thời gian đâu đó trước tháng Tám.
Vào thời điểm Evergrande bị chôn vùi dưới một khoản nợ khổng lồ, gia đình ông Hứa lại bỏ túi tổng cộng 53 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.26 tỷ USD) tiền cổ tức. Thậm chí đến năm 2021, khi kỳ phiếu đã quá hạn, ông Hứa vẫn kiên trì chia cổ tức cho mình.
Những chiến thuật này không chỉ giúp gia đình ông Hứa chuyển tài sản ra ngoại quốc mà còn đục khoét Evergrande để trục lợi cá nhân.
Vào ngày 18/08, ông Hứa, người đã thao túng chính quyền ông Tập Cận Bình với một lời hứa hão huyền trong gần hai năm, đã nộp đơn khai phá sản tại tòa án Hoa Kỳ. Nếu được chấp thuận, ông sẽ có thể giữ một lượng tài sản vô cùng lớn cho bản thân và để lại khoản nợ 2.4 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 329 tỷ USD) cho các công ty, ngân hàng, và công chúng Trung Quốc nói chung.
Chính quyền ông Tập đã ra lệnh bắt giữ ông Hứa vào tháng Chín, điều này có thể sẽ cản trở quá trình khai phá sản của ông tại Hoa Kỳ.
Theo thông báo ngày 24/09 của Evergrande, công ty này không thể đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện để phát hành trái phiếu mới vì đang bị điều tra. Việc phát hành trái phiếu mới là một phần quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nợ ngoại quốc của Evergrande.
The Epoch Times không thể liên lạc với Evergrande hoặc các chủ nợ của công ty này để đề nghị bình luận.
Hồng Ân biên dịch