Gió Bấc (RFA)
16-10-2023
Cải biến tiểu thuyết lịch sử Việt, con người Việt thành câu chuyện, nhân vật Tàu không có thực. Hư cấu, gán ghép bọn du thủ du thực hết thời thành anh hùng Tàu yêu nước Việt. Bác Ba Phi Việt rặt ri, hào sảng, trào lộng của đất phương nam cũng bị ép mặc áo Tàu. Đảng luôn nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu của văn học, nghệ thuật, vậy tính Đảng trong chuyện đầu tư 50 tỷ đồng để Tàu hóa lịch sử Việt này là gì? Bao nhiêu phim từng bị Cục Điện Ảnh săm soi lên bờ xuống ruộng từng chi tiết nhỏ như lỗ kim, sao lỗ voi Tàu hóa, sống sượng lại được ve sầu thoát xác, đổi tên Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn?
10 tỷ đồng tiền đầu tư Phim Đất Rừng Phương Nam của Trấn Thành đã tạo hiệu ứng đặc biệt. Báo chí, truyền thông lề phải dành cho phim những lời có cánh, nhưng ngược lại, người cả tin đi xem đã phản ứng dữ dội. Bất bình không vì chuyện hay dở, đẹp xấu mà vì việc Tàu hóa các nhân vật trong phim. Câu chuyện về nông dân miền nam yêu nước biến thành chuyện anh hùng của những bang hội Tàu lưu vong.
Nhà văn, tiến sĩ Hà Thanh Vân đã có bài viết trên Facebook rất uyên bác, công phu dẫn chiếu tài liệu từ nhà văn Sơn Nam, GS. Trần Văn Giàu nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, thống kê của Sở Mật thám Đông Dương ở Nam Kỳ và các nhà nghiên cứu phương tây. Hà Thanh Vân chứng minh rằng ở Miền Nam thời trước có hội kín người Hoa, mục đích phản Thanh phục Minh. Từ sau cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long 1913 họ đã chuyển hóa thành những băng đảng du côn, trộm cướp, dần tàn lụi, không có vai trò trong xã hội. Phân tích sự đậm đặc yếu tố Tàu trong phim, Hà Thanh Vân “Đề nghị đổi tên phim ‘Đất rừng Phương Nam’ thành phim ‘Thiên địa hội ở Nam Kỳ‘.” (1)
Tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi không đề cập đến các băng đảng Tàu. Ông đặc tả về những người phương nam yêu nước theo sự dẫn dắt của Việt Minh. Phim Đất Rừng Phương Nam không chỉ hư cấu mà còn đề cao quá mức vai trò, khả năng của các băng đảng Tàu này lấn át tuyến nhân vật Việt.
Thẳng thắn mà nói, dư luận bất bình vì phim đã đánh tráo giá trị nhân văn, tính cách người Việt ở vùng đất phương nam thành của người Tàu, tạo ra sự ngộ nhận, tình cảm lệch lạc về người Tàu ở Việt Nam. Sự cố ý Tàu hóa không chỉ thể hiện trong nội dung mà chi ly đến phục trang nhân vật. Nhân vật Tàu mặc y phục Tàu đã đành. Chiếc áo Bác Ba Phi, áo bà ba các nhân vật nữ trong phim, đều biến thành áo Tàu nút thắt. Người Việt nào từng biết chiếc áo bà ba nhìn thấy phục trang áo Tàu này đều xốn xang khó chịu.
Khăn rằn đặc trưng của Nam Kỳ bị khoác lên gượng gạo giả tạo. Đạo diễn Trần Chí Kông đã đưa lên Facebook hình ảnh chân thực cách vấn khăn thoải mái tự nhiên của người Nam Kỳ như sự dẫn chứng cho sự lệch lạc này (2).
Dư luận phản ứng do tình cảm dân tộc bị xúc phạm, giá trị lịch sử bị chà đạp
Các cơ quan quản lý văn hóa xứ “chiều nay” vốn nổi tiếng nhạy cảm về chính trị khi kiểm duyệt. Chuyện Tử Tế bị cầm lên đặt xuống nhiều lần, suýt bị trùm mền. Áo Lụa Hà Đông từng bị đánh lên bờ xuống ruộng, xét nét từng chi tiết nhỏ. Dù đạo diễn ý tứ quay cận cảnh chữ US Army trên trái bom, vẫn bị Tuyên Giáo cật vấn “Bom trong phim là của ai?”. Xích lô của Trần Anh Hùng đoạt giải quốc tế hàng chục năm qua, vẫn chưa được công chiếu ở Việt Nam.
Ấy vậy mà trước sai trái tai hại nghiêm trọng của Đất Rừng Phương Nam, Cục Điện Ảnh lại rộng vòng tay bảo bọc. Trong khi dư luận bức xúc việc Tàu hóa, ông Cục trưởng Vi Kiến Thành đánh trống lảng sang chuyện luật pháp. Che chắn rằng ngày 29-9, hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã thẩm định, phân loại phim Đất rừng phương Nam. Kết quả 100% thành viên hội đồng thống nhất kết luận phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi, với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Không rõ có bị ảnh hưởng bởi bom tấn 10 tỷ đồng chi phí PR hay không, ông Vi Kiến Thành hết lời ca ngợi “đây là tác phẩm điện ảnh được xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ”.
Với chức năng quản lý nhà nước, với vai trò đảng viên cao cấp trong ngành văn hóa, lẽ ra phải cân nhắc xem xét nghiêm túc ý kiến phê bình của công chúng, Cục trưởng Cục Điện ảnh lại làm chức năng luật sư bảo vệ cho những sai trái mười mươi của phim. Ông Thành bao biện, phim Đất Rừng Phương Nam muốn kể chuyện bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội, cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau… Thông qua đó, gợi lên được miền Nam là mảnh đất giao thoa văn hóa của người bản địa Việt Nam và người Khmer, người Hoa. “Một vùng đất hòa hợp có những dân tộc, văn hóa khác nhau cùng khai hoang và gìn giữ, đấu tranh cho vùng đất này“, ông nói thêm.
Ông Thành mở toang cánh cửa quản lý khi xác định rằng, “bộ phim hư cấu, không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Phim cũng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết chứ không bê y nguyên” (3).
Luật điện ảnh của các ông đặt ra, vi phạm hay không, quyền của các ông nhưng nếu mồ ma nhà văn Đoàn Giỏi hay hương hồn Bác Ba Phi linh thiêng, chắc hẳn sẽ không dùng Điều 331 Bộ luật hình sự, kiện các nhà làm phim đã Tàu hóa tác phẩm và nhân cách của họ. Theo luật “trượng nghĩa” của Nam Kỳ, họ sẽ tự ra tay.
Xin lưu ý ông Thành, không ai phủ nhận sự giao thoa văn hóa cộng cư ở Miền Nam nhưng tinh thần kháng chiến chống Pháp, chống ngoại xâm nói chung, xuyên suốt từ 1859 đến 1945, từ Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Cố Quản Thành, Ngô Lợi, đạo Tưởng, Nguyễn An Ninh… đều do người Việt đứng ra, không hề có một bang hội Tàu nào tổ chức. Ngay Phan Xích Long mang danh Thiên Địa Hội nhưng cũng là nhóm thanh niên người Việt.
Nói phim ca ngợi tinh thần yêu nước, vì sao không dàn dựng những hội kín thật của người Việt như Ngô Lợi, Đạo Tưởng, Nguyễn An Ninh, mặc tình hư cấu cho ly kỳ hấp dẫn?
Nếu muốn hư cấu không gian lịch sử, tuyến nhân vật chính, thì cứ lấy tên phim khác, cớ gì lôi tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam Việt rặt ri ra, treo đầu dê để mở quán bán thịt chó phim Tàu?
Dư luận càng lên tiếng, Cục Điện Ảnh càng bảo vệ che chắn cho phim lộ liễu hơn. Ngày 15.10, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đại diện nhà sản xuất phim Đất Rừng Phương Nam đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim này trong cuộc đối thoại với Cục Điện ảnh. Nhà sản xuất sẽ bỏ tên và lời thoại “thiên địa hội” và “nghĩa hòa đoàn”. Từ “nghĩa hòa đoàn” sẽ đổi thành “nam hòa đoàn”, còn “thiên địa hội” sửa thành “chính nghĩa hội”. “Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc” (4).
Một lần nữa ông Thành lại đánh bùn sang ao để phim Tàu Đất Rừng Phương Nam được ve sầu thoát xác. Dư luận không dị ứng với cái tên Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn, nếu nó không phải là những băng đảng của Tàu được hư cấu, đề cao thành các tổ chức yêu nước Việt Nam. Dù có được thay thế bằng trăm vạn cái tên Đình Đoàn gì đi nữa thì nó vẫn là hội kín của Tàu, mặc y phục Tàu, là người yêu nước Việt.
Thế hệ trẻ Việt Nam, học lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chỉ có mấy dòng, không biết chống ai, mù mờ về lịch sử. Được báo Nhà nước ca ngợi, cắm đầu xem phim Đất Rừng Phương Nam, chúng chỉ có một cách hiểu, ở đất phương nam này cha ông chúng là người Tàu. Người Tàu bảo bọc và giành độc lập cho Miền Nam và Việt Nam. Điều đáng sợ mà ông Cục Trưởng cố tình né tránh là như vậy đó.
“Tác phẩm của tác giả Đoàn Giỏi về tình người, tình dân tộc của phương nam, bỗng chốc biến thành bộ phim người dân phương nam mang ơn Hội người Hoa cứu giúp. Bộ phim như một sự nhắc nhở người việt về sự hỗ trợ của Tưởng Giới Thạch/Trung Hoa trong thời kỳ đánh đổ quân pháp 1945.
Bộ phim này tui cho là rất mang tính thời sự “ơn Hoa”, dù nói về chuyện xưa, rất đáng hoan nghênh và nên trao giải Hoaben vì hoà bình. Người miền nam chân chất luôn chào đón người mọi nơi đến ở, và luôn trân trọng tất cả những người đã góp sức cho mảnh đất này, tuy nhiên không nên cải tác một tác phẩm được nhiều người yêu mến thành tư tưởng Ơn Hoa như thế.
Nhà sản xuất phim Trấn Thành nên xin lỗi nhà văn Đoàn Giỏi và đổi tên phim để tôn trọng tác giả truyện, vì thông điệp nội dung chính đã thay đổi quá xa rồi.
Nên đổi tên phim thành: “ơn hoa trên đất rừng nam bộ”
Không viết hoa” (5).
Nhà biên kịch Võ Đắc Dự, cha và hai anh ruột là liệt sĩ, mẹ là Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, chôn nhau cắt rún và lớn lên từ đất Cà Mau đã phẫn uất viết trên Facebook cá nhân.
“Bị cộng đồng mạng phản đối, chúng “hư cấu” lại hai cái tên tổ chức lưu manh du thủ du thực đó thành “Nam hoà Đoàn và Chính nghĩa Hội”…
Song, mất dạy nhất là chúng chống chế rằng:”bộ phim không đề cao ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân…”
Câu này, chúng đã ngang nhiên đùa cợt lịch sử Nam kỳ…
Thế tao hỏi chúng mầy người dân “yêu nước chống ngoại xâm” ở đây dưới ngọn cờ của ai?…
Quá mất dạy!
Tôi đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét một cách nghiêm túc về quan điểm lịch sử của êkip làm phim, nội dung phim này!!!” (6)
Với gia thế dòng giõi cách mạng ba đời đỏ như son, với gốc gác Cà Mau rặt ri trực tính, với tình cảm quê hương nồng cháy, anh bức xúc và kiến nghị như vậy rất ư là chính đáng. Nhưng rất tiếc, anh quên rằng Tập Cận Bình sắp Nam Du. Vòng kim cô 16 chữ vàng sẽ thêm siết chặt. Muốn bình yên tổ chức Đại hội Đảng 14 thì Đất Rừng Phương Nam là món quà lý tưởng kính dâng “Tập Đế”.
Nếu bề trên thật lòng hun đúc sĩ khí, nhiệt huyết yêu nước của muôn dân thì bố bảo anh Cục Trưởng Điện ảnh cũng không dám láo toét bô lô ba la như vậy.
Đừng ngạc nhiên nếu Bộ Trưởng Văn Thể Du tạm ứng vài ngàn trong số ngân sách 350 ngàn tỷ đồng chấn hưng văn hóa để mua đứt Đất Rừng Phương Nam cho dân đen xem miễn phí. Khẩu hiệu “Dân ta phải biết sử ta. Muốn biết lịch sử phải xem Đất Rừng Phương Nam” là chân lý không có gì thay đổi được.
__________
Tham khảo: