Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc sau vụ va chạm tàu ở Biển Đông

Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc sau vụ va chạm tàu ở Biển Đông
Bức ảnh này chụp vào ngày 22/8/2023 cho thấy tàu bảo vệ bờ biển Philippines BRP Sindangan (giữa) hộ tống các tàu dân sự (trái) do hải quân Philippines thuê để chuyển hàng tiếp tế cho tàu hải quân Philippines BRP Sierra Madre ở Biển Đông đang tranh chấp. (Ảnh: Ted ALJIBE/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Hai (23/10), Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc sau vụ va chạm ở Biển Đông do tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện “các hành động nguy hiểm” đối với một tàu Philippines hoạt động trong khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Philippines cáo buộc rằng động thái này của Trung Quốc đã xâm phạm vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Vụ va chạm xảy ra vào khoảng 6h04 sáng ngày 22/10 theo giờ địa phương, khi một tàu Philippines đang cố gắng vận chuyển hàng tiếp tế cho quân đội đóng tại bãi Cỏ Mây thì bị chặn đường và va chạm với một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.

Trong một vụ việc tương tự, một tàu Cảnh sát biển Philippines hộ tống chiếc tàu thuê đã bị tàu dân quân biển Trung Quốc “đụng phải”, theo Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Philippines.

Mặc dù không có báo cáo về thương vong nhưng Lực lượng đặc nhiệm Philippines tuyên bố rằng hành vi của tàu Trung Quốc gây nguy hiểm cho sự an toàn của thủy thủ đoàn trên tàu Philippines. Lực lượng này cũng lên án mạnh mẽ “những hành động khiêu khích, vô trách nhiệm và bất hợp pháp” của tàu Trung Quốc.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza tuyên bố Manila sẽ sử dụng mọi kênh ngoại giao sẵn có với Trung Quốc, bao gồm cả việc triệu tập Đặc phái viên Trung Quốc và gửi công hàm phản đối chính thức.

Bà Daza nói với các phóng viên rằng chính phủ Philippines trước đây đã cố gắng giải quyết các vấn đề hàng hải với Trung Quốc thông qua đường dây nóng liên lạc, nhưng cơ chế này tỏ ra “khá hạn chế”.

“Như chúng tôi đã làm trong quá khứ, chúng tôi có ý định truyền đạt rõ ràng quan điểm của mình rằng chúng tôi có mọi quyền theo UNCLOS [Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển] để thực hiện các hoạt động hợp pháp của mình trong các vùng biển của chúng tôi và chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hình thức can thiệp nào”, bà nói, theo một hãng thông tấn nhà nước Philippines.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã quy định các khu vực biển trong phạm vi 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ biên giới các quốc gia ven biển là một phần vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Trong phán quyết năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã công nhận lập trường của Philippines. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án La Hay không khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay đổi hành vi của mình, và các tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên xâm chiếm các vùng biển của Philippines.

Bãi Cỏ Mây (bãi cạn Ayungin), còn được Trung Quốc gọi là Bãi cạn Thomas thứ hai hay Rạn san hô Renai, nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý (khoảng 195 km), khiến bãi Cỏ Mây thuộc quyền tài phán của nước này.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho biết về vụ việc “trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Philippines”. Họ đổ lỗi cho các tàu Philippines đã coi thường các cảnh báo vô tuyến của nước này về hành động của Philippines và gây ra các vụ va chạm.

Cuộc đối đầu căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây là đợt bùng phát mới nhất trong các tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei.

Tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, từ lâu được coi là điểm nóng ở châu Á và là đường đứt gãy mong manh trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ lên tiếng ủng hộ Philippines

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố vào ngày 22/10 rằng Hoa Kỳ sát cánh cùng đồng minh của mình là Philippines trước “những hành động nguy hiểm và phi pháp” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng vũ trang, tàu công cộng và máy bay của Philippines “ở bất kỳ đâu trên Biển Đông” sẽ gây ra phản ứng theo hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Philippines.

“Hoa Kỳ lên án động thái mới nhất của [Trung Quốc] đối với sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Philippines tới Bãi cạn Ayungin, khiến tính mạng của các quân nhân Philippines gặp nguy hiểm”, bà MaryKay Carlson, Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines, phát biểu trên X.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt đối với các tuyên bố của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và các đảo nằm chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines.

Tháng trước, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã dỡ bỏ một hàng rào nổi dài 300 mét do Cảnh sát biển Trung Quốc xây dựng gần bãi cạn Scarborough để ngăn cản người Philippines vào bên trong. Bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham) nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc.

Hôm 25/9 Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines tuyên bố họ đã thực hiện một “hành động quyết đoán”, đó là dỡ bỏ hàng rào nổi dài 300 mét ở bãi cạn Scarborough theo lệnh của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Ngày 26/9 phản ứng về động thái của Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định rằng Bắc Kinh “kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền và tài phán ở đảo Hoàng Nham”.

Vào ngày 10/10, Cảnh sát biển Trung Quốc báo cáo rằng tàu của họ đã đẩy lùi một tàu chiến hải quân Philippines khỏi Bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Philippines đã bác bỏ tuyên bố này, gọi đó là “tuyên truyền” của ĐCSTQ và tuyên bố rằng tàu chiến của họ sẽ không rời khỏi khu vực vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Related posts