Hôm 29/11, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đảm nhận chức Quyền Chủ tịch Hội đồng Bảo an tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình hình Trung Đông và chiến tranh Israel−Hamas. (Ảnh: ANDREA RENAULT/AFP/Getty Images)
Gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc đã bùng phát dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân liên quan đến viêm phổi, các bệnh viện đều đang quá tải. Ngoại giới nghi ngờ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che giấu dịch bệnh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố tại Liên Hiệp Quốc rằng “dịch cúm” đã được kiểm soát hiệu quả, đồng thời nói điều này “cũng sẽ xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào.” Các chuyên gia cho rằng ông Vương đang cố gắng thoái thác mang tính chính trị, ĐCSTQ đang ra sức che đậy dịch bệnh; nếu cộng đồng quốc tế tin vào phát ngôn của ĐCSTQ thì sẽ dẫn đến thảm họa còn lớn hơn.
Ông Vương Nghị nói “dịch cúm” ở Trung Quốc đã được kiểm soát, chuyên gia phản bác
Hôm 29/11, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Gần đây, chúng tôi đã chứng kiến một số cụm ca cúm ở trẻ em tại một số khu vực của Trung Quốc”; “Đây là hiện tượng phổ biến ở rất nhiều quốc gia, và đã được kiểm soát hiệu quả ở Trung Quốc.” Ông Vương cũng cho biết ông hoan nghênh nhiều người hơn nữa từ các quốc gia khác đến thăm Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông Vương đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về cuộc xung đột Israel-Hamas tại New York vào cùng ngày.
Hôm 01/12, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), nhà bình luận thời sự sống ở Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng làn sóng dịch bệnh hiện tại ở Trung Quốc đã bùng phát ở vùng Đông Bắc ít nhất là từ hồi tháng Chín; đến nay đã gần ba tháng trôi qua mà chính quyền vẫn chưa đưa ra được dữ liệu thuyết phục nào để giải thích về dịch bệnh.
Ông Đường nói: “ĐCSTQ chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về đường cong đỉnh điểm là như thế nào, có bao nhiêu ca nhiễm, tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong là bao nhiêu, nguyên nhân gây bệnh là gì, v.v. Tại sao ông ấy [ông Vương Nghị] lại nói rằng dịch bệnh đã được kiểm soát?”
Cùng ngày 01/12, ông Vương Hách (Wang He), chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng tuyên bố của ông Vương Nghị là một kiểu thoái thác mang tính chính trị. Ông Vương Nghị nói rằng dịch bệnh COVID-19 đã qua thời điểm khó khăn, hy vọng người ngoại quốc sẽ đến Trung Quốc du lịch, v.v. Theo ông Vương Hách, với vị thế là Ngoại trưởng, vậy mà ông Vương Nghị chỉ đóng vai trò như một phát ngôn viên.
Ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà quan sát kinh tế và chính trị độc lập, cho rằng ông Vương Nghị không đủ tư cách để nói về dịch bệnh, vì ông ấy không phải là quan chức hay chuyên gia về lĩnh vực y tế. Lần này ông ấy đến trụ sở Liên Hiệp Quốc là để nói về vấn đề hòa bình ở Israel, nhưng lại chủ động nói về dịch bệnh ở Trung Quốc. Điều này chính là không đánh mà tự khai, cho thấy dịch bệnh ở Trung Quốc đang rất nghiêm trọng.
Ông Tần cho rằng ông Vương Nghị phát ngôn như vậy là do ĐCSTQ sợ phải chịu trách nhiệm ở ngoại quốc, ĐCSTQ xem dịch bệnh là một cuộc khủng hoảng ngoại giao hơn là một cuộc khủng hoảng dịch bệnh. “Ông Vương Nghị đã lợi dụng cuộc họp của Liên Hiệp Quốc để truyền bá những tin tức như vậy. Điều này ngược lại chứng tỏ rằng tình hình dịch bệnh hiện tại là có vấn đề, các khía cạnh khác như nguồn gốc của mầm bệnh, v.v. cũng có vấn đề,” ông Tần cho hay.
ĐCSTQ hạ thấp dịch bệnh, WHO tán thành, quốc tế vẫn tiếp tục nghi ngờ
Hôm 28/11, tờ Nhật Báo Thanh Niên Bắc Kinh đưa tin rằng, bệnh đường hô hấp trên khắp Trung Quốc đã bước vào thời kỳ cao trào, không ít trẻ em mắc bệnh sốt cao trên 38 độ, trường học và lớp học ở nhiều nơi như Chiết Giang và Giang Tô đều đóng cửa, nhiều người lớn cũng đã bắt đầu có các triệu chứng như sốt, v.v.
Trong cuộc họp báo ngày 27/11, ông Mễ Phong (Mi Feng), phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Trung Quốc, cho biết những đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm đường hô hấp gần đây ở Trung Quốc chủ yếu là do cúm gây ra, ngoài ra còn do virus rhino, mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp, virus adeno, v.v.
Tuần trước (20-26/11), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu ĐCSTQ cung cấp thêm thông tin chi tiết về sự gia tăng các bệnh đường hô hấp và viêm phổi ở trẻ em. Tuy nhiên, sau đó WHO lại dẫn lời ĐCSTQ nói rằng không tìm thấy mầm bệnh mới hoặc bất thường nào trong các trường hợp nhiễm bệnh gần đây. WHO hiện chưa khuyến nghị Trung Quốc hạn chế đi lại và giao thương với ngoại quốc.
Trái ngược với tuyên bố chính thức của ĐCSTQ với WHO rằng dịch bệnh này xuất phát từ “nhiều loại mầm bệnh đã biết,” cô Triệu Lâm (Zhao Lin) sống ở Bắc Kinh nói với tạp chí China Newsweek hôm 25/11 rằng, con gái cô bị sốt và ho, nhưng bệnh viện không tìm ra nguyên nhân, chỉ xác định không phải là do mycoplasma pneumoniae gây ra.
Mặc dù WHO và một số học giả quốc tế tán thành lý thuyết “mầm bệnh đã biết” mà ĐCSTQ tuyên bố, nhưng cũng có không ít học giả y tế công cộng ở quốc tế cho rằng khó có thể tin tưởng bất kỳ thông tin nào từ ĐCSTQ. Họ cho rằng, nguyên nhân là vì bốn năm trước, Bắc Kinh đã che giấu mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và số người tử vong khi COVID-19 bùng phát. Thời điểm đó, những thông tin thực tế do các bác sĩ và giới truyền thông đưa ra đều bị dập tắt, đại dịch toàn cầu phát sinh sau đó đã dẫn đến số người thiệt mạng lớn cho đến ngày nay.
Ông Eric Feigl-Ding, chuyên gia dịch tễ học và y tế công cộng người Hoa nổi tiếng ở Hoa Kỳ, cho biết trên nền tảng X (trước đây là Twitter) rằng: “Tôi nghe được rất nhiều người trong nội bộ nói rằng, chính quyền yêu cầu các bác sĩ Trung Quốc không báo cáo bất kỳ con số nào, không tiến hành xét nghiệm bệnh nhân và cũng không báo cáo bất kỳ xét nghiệm nào. Điều này nghe quen thuộc đến kỳ lạ.”
Bà Annie Sparrow, Phó giáo sư tại Trường Y khoa Icahn tại Mount Sinai, New York, đã đăng bài trên mạng xã hội X, cho biết bà thất vọng vì WHO lặp lại tuyên bố của Bắc Kinh và dường như không học được gì từ việc Bắc Kinh che đậy đại dịch thảm khốc COVID-19.
Ông William Schaffner, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt ở Tennessee, Hoa Kỳ, cảm thấy lo lắng về việc Trung Quốc có thể xuất hiện một tác nhân truyền nhiễm mới, một loại virus mới hoặc có thể là một biến thể mới của COVID-19. Ông nói với đài VOA rằng ông đề nghị phía Trung Quốc mời các chuyên gia của WHO và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ tới Trung Quốc, để cùng nghiên cứu dữ liệu chẩn đoán trong phòng thí nghiệm gần đây và các vấn đề dịch tễ học liên quan nhằm giảm bớt mối quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Hôm 30/11, bà Mandy Cohen, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đã làm chứng trước Tiểu ban Thương mại và Năng lượng của Quốc hội rằng, CDC không cho rằng có một loại virus mới. Tuy nhiên, các dân biểu của Đảng Cộng Hòa tham dự cuộc họp cho biết họ không tin vào luận điệu của ĐCSTQ về dịch bệnh; đợt bùng phát bệnh viêm phổi hiện nay khiến họ nhớ lại những cảnh tượng kinh hoàng trong giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19.
Ông Vương Hách nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng việc các chuyên gia Hoa Kỳ đề nghị đến Trung Quốc để khảo sát thực tế là điều hợp lý, bởi vì ĐCSTQ có thói quen nói dối, Hoa Kỳ cần phải rút ra bài học.
Ông nói rằng khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên hồi đầu năm 2020, một số bác sĩ có lương tâm ở Trung Quốc đã công bố một lượng lớn dữ liệu về virus ra ngoại quốc, nhưng sau đó ĐCSTQ đã thực hiện các biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt. Hiện tại, phương Tây rất khó có được dữ liệu liên quan đến dịch bệnh ở Trung Quốc, điều này có thể mang đến thảm họa rất lớn cho thế giới.
Ông Đường Tĩnh Viễn cũng cho biết, năm đó khi ĐCSTQ tuyên bố dịch COVID-19 có thể ngăn ngừa và kiểm soát được, rất nhiều chuyên gia từ cộng đồng quốc tế đã muốn đến Trung Quốc hỗ trợ và tìm hiểu nguồn gốc dịch bệnh, nhưng đều bị ĐCSTQ từ chối.
Ông Tần Bằng cũng cho rằng ĐCSTQ đã che đậy nguồn gốc của trận đại dịch lần trước và thậm chí là dịch SARS hồi năm 2003, gây ra những cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nếu không truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ thì chắc chắn chính quyền này sẽ ngày càng tệ hơn và tiếp tục nói dối. “Tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ nên chú ý hơn đến an ninh y tế và khủng hoảng xã hội, đồng thời gây áp lực nhiều hơn lên ĐCSTQ,” ông Tần nói.
Chuyên gia: Phát ngôn của ông Vương Nghị nhằm che đậy hai sự thật
Ông Vương Nghị đã nhấn mạnh tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc rằng “đây (dịch bệnh) là một hiện tượng rất phổ biến ở nhiều quốc gia.”
Sau khi dịch bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân bùng phát ở Trung Quốc và đã kéo dài ít nhất ba tháng, kênh truyền hình Fox News đưa tin rằng số lượng người đến các bệnh viện, phòng cấp cứu và phòng khám ở tiểu bang Washington đã tăng lên gần đây.
Viện nghiên cứu Dịch vụ Y tế Hà Lan (NIVEL) cho biết, từ ngày 13/11 đến ngày 19/11, cứ 100,000 trẻ em trong độ tuổi 5-14 thì có 103 em bị nhiễm viêm phổi, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm vẫn chưa được xác định. RFI đưa tin hôm 29/11, Bộ Y tế Pháp đã đưa ra cảnh báo cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe rằng, Pháp hiện đang quan sát thấy “sự gia tăng bất thường về số ca nhiễm trùng đường hô hấp” do vi khuẩn mycoplasma pneumoniae gây ra, mặc dù phần lớn các ca nhiễm đều ở mức độ nhẹ.
Các quốc gia xung quanh Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại. Hôm 26/11, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ đã đưa ra tuyên bố, cho biết Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ tình hình trong nước và chuẩn bị các biện pháp ứng phó. Hôm 30/11, ông La Nhất Quân (Luo Yijun), Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, cho biết các biện pháp phòng ngừa tại phi trường và bến cảng đã được tăng cường; đồng thời từ ngày 26/11, dịch vụ xét nghiệm tự nguyện đã được cung cấp cho hành khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, và Macao tại bốn phi trường quốc tế, bao gồm Đài Bắc.
Điều đáng chú ý là trước tình hình dịch bệnh bùng phát, hôm 24/11, ĐCSTQ lại quyết định cố gắng mở rộng phạm vi các nước được miễn thị thực đơn phương. Chính sách miễn thị thực đơn phương sẽ được thực hiện trên cơ sở thử nghiệm đối với những người mang hộ chiếu phổ thông từ sáu quốc gia Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, và Malaysia.
Ông Tần Bằng đặt câu hỏi, liệu ĐCSTQ có đang bắt đầu một âm mưu dịch bệnh khác bằng cách đột ngột đơn phương mở cửa với các quốc gia này hay không? Bởi vì trước khi ĐCSTQ bế quan tỏa cảng hồi đầu năm 2020, chính quyền này đã cho phép hàng trăm ngàn du khách Trung Quốc đi du lịch khắp thế giới, khiến virus COVID-19 lây lan từ châu Âu sang Mỹ.
Ông Đường Tĩnh Viễn cho biết mỗi khi dịch bệnh bùng phát, ĐCSTQ đều sẽ đẩy trách nhiệm cho ngoại quốc, và nói rằng đó là vấn đề của thế giới. Một mặt, ĐCSTQ đang cố gắng che đậy sự thật về virus Trung Cộng [COVID-19], bởi vì làn sóng dịch bệnh lần này cũng có thể có liên quan đến COVID-19, ĐCSTQ muốn trốn tránh trách nhiệm về nguồn gốc của virus. Ngoài ra, ĐCSTQ còn muốn che đậy một sự thật khác, đó là virus Trung Cộng lây nhiễm có chủ đích vào một nhóm người cụ thể; các thành viên của ĐCSTQ hoặc những người thân cận với ĐCSTQ đều có tỷ lệ lây nhiễm, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong đặc biệt cao. Ông Đường nói: “Tôi nghĩ ĐCSTQ đang vô cùng hoảng loạn về điều này. Đảng này đang ra sức để che đậy.”
Hôm 26/11, cô Dương Thanh (bí danh), một người thạo tin về Trung Nam Hải ở Bắc Kinh, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng lãnh đạo của ĐCSTQ đã ra lệnh cấm thổi phồng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, chỉ được nói đây là bệnh cúm thông thường hoặc một số bệnh khác, không được đề cập đến COVID-19.
Ninh Hải Chung, Lạc Á thực hiện
Toàn Phong biên dịch