Bảo Nguyên
Bốn năm trước, một nhà phân tích đã dự đoán về một loạt cuộc khủng hoảng đối với các ngân hàng khu vực Trung Quốc. Giờ đây, nhà phân tích này đang đưa ra cảnh báo tương tự về ngành tín thác trị giá 3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Bloomberg hôm 3/12 đưa tin, ông Jason Bedford, người từng là nhà phân tích tại Bridgewater Associates và UBS Group AG, cho biết nhiều công ty tín thác đang gặp khó khăn và có vấn đề về khả năng thanh toán.
Ông Bedford nổi tiếng vì đã cảnh báo về rắc rối mà các ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc gặp phải sau khi phân tích gần 250 báo cáo tài chính. Hiện ông đang đưa ra cảnh báo tương tự đối với các công ty tín thác của Trung Quốc.
Theo tính toán của ông Bedford, 14 trong số 55 quỹ tín thác công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã báo cáo hơn 1/3 tổng tài sản của họ là các tài sản thuộc diện đáng lo ngại. Theo ông Bedford, một số lượng đáng kể trong số 13 công ty không báo cáo cũng có thể đang gặp rắc rối.
Năm 2016, ông Bedford, khi đó là nhà phân tích tại UBS Securities, đã nghiên cứu hàng loạt ngân hàng chiếm gần 87% tài sản ngành ngân hàng Trung Quốc và cảnh báo điểm bùng phát của ngành ngân hàng Trung Quốc có thể xảy ra vào năm 2019. Năm 2019, sau khi xem xét báo cáo tài chính của gần 250 ngân hàng Trung Quốc, ông một lần nữa khẳng định rằng các ngân hàng mà ông xem xét phải đối mặt với mức thiếu vốn lên tới 2,4 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 349 tỷ USD).
Tính đến cuối tháng 6/2023, ngành tín thác của Trung Quốc quản lý lượng tài sản trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD. Ngành công nghiệp tín thác từ lâu đã là nguồn tài chính quan trọng cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, nhưng những rạn nứt đã xuất hiện trong ngành này.
Vào tháng 8 năm nay, một số nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng về việc mất tiền đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Zhongrong International Trust, một công ty con của Zhongzhi Enterprise Group (ZEG), và lớn tiếng biểu tình. Nhiều sản phẩm tài chính của Zhongrong Trust đã sụp đổ. Vào tháng 5 năm nay, Công ty Tín thác Xinhua sụp đổ, trở thành công ty tín thác đầu tiên phá sản kể từ khi Luật Tín thác được ban hành năm 2001.
Các quỹ tín thác thường nhận tiền gửi từ các nhà đầu tư cá nhân giàu có và các công ty rồi đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác, bao gồm cả việc cung cấp các khoản vay cho các công ty không có khả năng tiếp cận các ngân hàng truyền thống. Theo Bloomberg Economics, các quỹ tín thác, hoạt động với ít sự giám sát theo quy định hơn so với các ngân hàng, chiếm gần 10% tổng số khoản vay của Trung Quốc.
Ông Bedford cho biết mặc dù Zhongrong không có những dấu hiệu căng thẳng điển hình, với tài sản xấu chỉ chiếm 3,7% tổng tài sản vào năm ngoái, nhưng các vấn đề của nó dường như xuất phát từ công ty mẹ là ZEG, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn.
Vào tháng trước, gã khổng lồ ngân hàng ngầm này [ZEG] đã tiết lộ khoản thiếu hụt tài chính 36,4 tỷ USD (khi so sánh nợ và tài sản) trên bảng cân đối kế toán. Sau đó, Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh quản lý vốn của ZEG.
Ông Bedford cho biết: “Trong khi một số quỹ tín thác vẫn còn tương lai, thời kỳ cho các nhà phát triển bất động sản vay với lãi suất cao, vốn từ lâu đã trở thành xương sống của nhiều quỹ tín thác, dường như đã kết thúc”.
Tình thế nguy hiểm của Zhongzhi Enterprise Group
Cuộc khủng hoảng tài chính đang tàn phá công ty quản lý tài sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, ZEG, đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc.
Thường được mệnh danh là “Blackstone” của Trung Quốc, ZEG quản lý khối tài sản vượt quá khoảng 516,7 tỷ USD. Nhưng khi thông tin vào tháng 8 cho thấy rằng ZEG đang phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản, sự hoảng loạn trên thị trường đã xảy ra sau đó. Người ta lo ngại rằng cuộc khủng hoảng của ZEG có thể nghiêm trọng tương đương hoặc còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng Evergrande hoặc Country Garden, gây ra mối đe dọa tài chính đáng kể cho Trung Quốc.
Nền tảng quản lý đầu tư cốt lõi của ZEG, Zhongrong International Trust và các công ty con, cụ thể là Hengtian Wealth, Datang Wealth, Xinhu Wealth và Gaosheng Wealth, đều đang trải qua những vụ vỡ nợ nghiêm trọng.
Các sản phẩm trả lãi cố định được cung cấp bởi bốn công ty quản lý tài sản thuộc ZEG này đã liên tiếp bị vỡ nợ, dẫn đến việc tạm dừng việc mua lại tất cả các sản phẩm kể từ tháng 7. Chỉ riêng trong tháng 7, việc gia hạn trái phiếu đã đạt xấp xỉ 31,94 tỷ USD. Các khoản nợ chưa thanh toán và trái phiếu quá hạn mới tiếp tục tích lũy chồng chất.
Vào tháng 8, một số sản phẩm của Zhongrong Trust đã vỡ nợ, với ước tính khoảng 48,3 tỷ USD trong các sản phẩm ủy thác bị đình chỉ mua lại. Cho đến nay, có 15 công ty niêm yết đại chúng đã tiết lộ khoản đầu tư vào các kế hoạch bị vỡ nợ.
Nhà kinh tế vĩ mô Đài Loan Wu Chia-lung đã ví cuộc khủng hoảng ZEG với “khoảnh khắc Lehman phiên bản Trung Quốc” trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Nhà bình luận độc lập Gia Cát Dương Minh đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 30/10 rằng cuộc khủng hoảng của ZEG là điềm báo về sự sụp đổ sắp xảy ra của khu vực tài chính Trung Quốc.
Kể từ năm 2017, các cơ quan quản lý – tuân theo chính sách “Nhà ở để ở, không phải để đầu cơ” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – đã tăng cường kiểm soát nguồn tài chính trong ngành bất động sản, áp đặt các hạn chế trực tiếp đối với các khoản vay ngân hàng. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn tài chính từ các công ty nằm dưới sự bảo trợ của ZEG, bao gồm cả Zhongrong Trust. Với nguồn vốn đáng kể, ZEG nổi lên như một nhà hỗ trợ tài chính lớn cho nhiều công ty bất động sản trên khắp Trung Quốc.
Về cốt lõi, hoạt động kinh doanh chính của ZEG có thể được chia thành hai thành phần chính.
Một thành phần xoay quanh việc tài trợ và tìm kiếm vốn, chủ yếu được hỗ trợ thông qua các công ty con bao gồm quỹ tín thác, công ty vốn cổ phần tư nhân, công ty quản lý tài sản và bốn công ty quản lý tài sản lớn. Các khoản vốn có được này sau đó được chuyển vào việc mua cổ phần, đầu tư vốn cổ phần, các hoạt động về vốn nhằm tăng giá cổ phiếu và cuối cùng thực hiện chiến lược rút lui thông qua chuyển nhượng vốn cổ phần, mang lại lợi nhuận đáng kể.
Cách tiếp cận này cho kết quả tốt trong điều kiện thị trường vốn thuận lợi. Tuy nhiên, chiến lược rút lui của ZEG gặp phải một loạt những trở ngại: các cơ quan quản lý Trung Quốc ban hành các quy định mới về thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán trì trệ, áp lực suy giảm mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải gánh chịu và hậu quả của các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch. Trong khi đó, nguồn vốn cổ phần tư nhân phải đối mặt với những hạn chế, dẫn đến thách thức về thanh khoản.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang suy thoái, các sản phẩm tài chính của ZEG cuối cùng đã vỡ nợ.
Việc vỡ nợ của ZEG cũng có tác động đáng kể đến tài sản cá nhân của nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
Ông Liang Liang, giám đốc quản lý tài sản tại Hengtian Wealth, cho biết trong số các khách hàng có khoản đầu tư cá nhân vượt quá 417.000 USD, có tới 150.000 người bị ảnh hưởng, trong đó khoản đầu tư cá nhân lớn nhất lên tới 694 triệu USD.
ZEG, cùng với các đơn vị do nó kiểm soát, đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao với lãi suất cạnh tranh. Đáng chú ý, ZEG không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhà nước mà còn nắm giữ tất cả 6 giấy phép hoạt động tài chính quan trọng, khiến nó trở thành một lựa chọn rất hấp dẫn cho các hoạt động gây quỹ.
Bảo Nguyên tổng hợp