Phỏng vấn người địa phương: Nhà hỏa táng Trùng Khánh chật kín, có người đột tử
Dịch bệnh lại bùng phát ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Người dân địa phương cho biết nhà tang lễ kín chỗ và có người chết đột ngột trên xe buýt, nhưng tin tức liên quan đã bị chặn.
Người dân Trùng Khánh: Lò hỏa táng chật kín, có người đột tử trên xe buýt
Ông Trần Tân (hóa danh), một người dân ở quận Nam Ngạn, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, gần đây nói với phóng viên của Epoch Times: “Một nửa số người trong đơn vị nơi cháu gái tôi làm việc bị sốt và cảm lạnh”.
“Lò hỏa táng có nhiều thi thể hơn bình thường, phòng tưởng niệm ở nhà hỏa táng chật kín. Người già qua đời thường xuyên hơn. Một người bạn của tôi đã qua đời cách đây vài ngày, tôi đã đến Nhà hỏa táng Giang Nam để tiễn ông ấy. Chúng tôi cách Nhà hỏa táng Thạch Kiều Phố tương đối gần, vì sao lại phải đến Nhà hỏa táng Giang Nam xa xôi để làm tang lễ. Bởi vì phòng tưởng niệm của Nhà hỏa táng Thạch Kiều Phố đã đầy và không còn chỗ trống,” ông Trần Tân nói.
Ông cho biết tình trạng thể chất của nhiều người cao tuổi đã xấu đi sau khi tiêm chủng. Một số người gặp hiện tượng lạ nhưng không có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin là nguyên nhân.
Ngoài ra, ông cũng nói với các phóng viên rằng vào ngày 11/12, một người phụ nữ khoảng 30 tuổi chạy được vài bước để bắt xe buýt thì ngã xuống đất và tử vong sau khi lên xe. “Tôi không biết chuyện gì xảy ra lúc đó, chỉ thấy rất đông người vây quanh xe buýt, còn có cảnh sát giao thông. Có khoảng hơn trăm người đứng xem tại hiện trường. Vợ tôi đã tận mắt chứng kiến và kể lại cho tôi nghe sau khi cô ấy về nhà.”
Ông Trần nói, sự việc này không thể được truyền thông báo cáo. Các phương tiện thông tin đại chúng đã vạch ra rất nhiều ranh giới đỏ và không thể đưa tin về nhiều thứ, chẳng hạn như bất động sản, quan chức tham nhũng, v.v. Khi đưa tin những điều này, các phóng viên, biên tập viên sẽ mất việc và chỉ có thể đưa tin về những điều không liên quan.
Người dân Trùng Khánh: Nhiều người có triệu chứng mắc COVID-19 và dương tính
Ông Vương, một công dân Trùng Khánh, nói với phóng viên tờ Epoch Times rằng ông cũng bị nhiễm virus cách đây một thời gian và mất vị giác, cảm giác giống như khi bị nhiễm loại virus corona mới (virus viêm phổi Vũ Hán) trước đây, ăn gì cũng không có mùi vị và cũng không ngửi được gì.
Ông nói chưa bao giờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Ông nghe được từ những người bạn ở Sơn Đông rằng Thanh Đảo thuộc tỉnh này đang tái thực hiện mã y tế.
Ông Quách, một công dân Trùng Khánh, nói với các phóng viên rằng có nhiều người dân địa phương bị sốt và cảm lạnh, đặc biệt là trẻ em trong trường học. Nhiều người nói rằng các triệu chứng giống với người nhiễm COVID-19, bao gồm sổ mũi, nhức đầu, đau nhức cơ thể, sốt nên mọi người đều gọi là nhiễm COVID-19.
Ông Phùng, một công dân Trùng Khánh, nói với các phóng viên rằng người dân ở nhiều nơi tại một số quận ở Trùng Khánh đã bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ: Bệnh viện nhi Trùng Khánh rất đông người
Ông Đào Nguyên, bác sĩ phó khoa của Khoa mắt tại Bệnh viện nhân dân số 2 Tế Nam, đã đăng một đoạn video vào ngày 10/12 cho biết khoa nhi của Bệnh viện Trùng Khánh thực sự rất đông, trẻ em phải xếp hàng để được khám, rất nhiều nơi đều xuất hiện vấn đề giống như thế này.
Vào ngày 11/12, “Mẹ của Linxi” ở Trùng Khánh đã đăng một đoạn video ngắn lên kênh truyền thông cá nhân của mình, nói rằng cô con gái 10 tuổi của cô bị sốt và cô đã đưa bé đến Khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân Trùng Khánh số 5 để điều trị. Phí đăng ký là 15 nhân dân tệ, sau đó phải chờ rất lâu mới được gọi, con gái cô trông rất khó chịu. Cuối cùng tôi đợi cho đến khi số của mình được gọi, và sau khi trao đổi với bác sĩ, tôi quyết định đi xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy con gái cô có nhiều triệu chứng bị cúm. Sau khi lấy 4 hộp thuốc, tổng chi phí là mà cô phải trả là 223,86 nhân dân tệ (hơn 700 ngàn đồng). Cô nói: Chi phí như thế này mà con còn dám bị bệnh sao?
Theo Phương Hiểu, Hùng Bân / Epoch Times
Nhật Bản siết chặt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga
Ngày 15/12, Nhật Bản công bố các lệnh trừng phạt mới liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, theo đó bổ sung hàng chục cá nhân và tổ chức Nga vào danh sách trừng phạt, theo hãng tin AFP.
Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết chính phủ đã bổ sung vào danh sách trừng phạt 57 tổ chức ở Nga và 6 tổ chức khác ở các quốc gia bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Armenia, Syria và Uzbekistan.
Theo đó, Nhật Bản cấm các doanh nghiệp nước này xuất khẩu cho 63 công ty và tổ chức trên. Như vậy, đến nay, Nhật Bản áp dụng lệnh cấm xuất khẩu cho tổng cộng 494 tổ chức của Nga, 27 tổ chức của Belarus và 6 tổ chức ở các quốc gia khác.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng thông báo chính phủ nước này sẽ đưa ra lệnh cấm sử dụng kim cương của Nga cho mục đích phi công nghiệp như một phần của các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này.
Trong nhiều thập kỷ, Nga đã cố gắng xây dựng mối quan hệ bình thường với Ukraine “bằng mọi giá”, nhưng điều này đã không thể thực hiện được sau cuộc đảo chính năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia phiên hỏi đáp marathon hàng năm hôm 14/12. Khi được hỏi liệu ông có thể thấy trước việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây trong tương lai gần hay không. Ông Putin đáp lại bằng cách nhấn mạnh rằng Nga chưa bao giờ cố tình hủy hoại hay cắt đứt quan hệ với bất kỳ quốc gia nào. Thay vào đó, chính phương Tây đã làm hỏng mối quan hệ với Nga khi liên tục cố gắng đẩy nước này sang một bên và bỏ mặc lợi ích quốc gia của nước này.
Theo tổng thống, đỉnh điểm của điều đó là cuộc đảo chính ở Ukraine do các “đối thủ” địa chính trị của Nga dàn dựng vào năm 2014, cuối cùng đã dẫn đến tình hình hiện tại.
Ông Putin mô tả cuộc xung đột đang diễn ra là một “thảm kịch lớn” mà về cơ bản là một “cuộc nội chiến” giữa anh em với nhau. Ông nhấn mạnh rằng về cốt lõi, bất chấp tình trạng thù địch hiện nay, người Nga và người Ukraine là một dân tộc.
Tổng thống lưu ý rằng Moscow luôn có quan hệ tốt với Đông Nam Ukraine, nơi có xu hướng thân Nga vì những vùng lãnh thổ này trong lịch sử thuộc về Nga.
Phan Anh
Mỹ lần đầu xác định sử dụng AI gây rủi ro cho hệ thống tài chính
Trong báo cáo công bố ngày 14/12 vừa qua, các cơ quan quản lý Mỹ lần đầu xác định việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là một lỗ hổng trong hệ thống tài chính, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) nhấn mạnh cần phải theo dõi sự phát triển nhanh chóng của AI để đảm bảo rằng các cơ cấu giám sát có thể theo kịp hoặc đón đầu các rủi ro mới đối với hệ thống tài chính.
Với công nghệ hiện đại, các phần mềm AI có thể nhanh chóng tạo ra văn bản, hình ảnh và âm thanh từ những câu lệnh đơn giản trong ngôn ngữ hàng ngày.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch FSOC, cho biết trong bối cảnh các tổ chức tài chính tiếp tục ứng dụng các công nghệ tiên tiến, việc sử dụng AI có thể gia tăng mạnh mẽ. Do đó, bà tin rằng các bên cần đổi mới có trách nhiệm để cho phép hệ thống tài chính tăng trưởng hiệu quả, cũng như triển khai những quy tắc hiện có để quản lý rủi ro.
FSOC được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các thành viên khác bao gồm Giám đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang cũng như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.
Báo cáo thường niên cho thấy hệ thống tài chính Mỹ vẫn vững mạnh và hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động tốt, bất chấp tình trạng hỗn loạn hồi đầu năm nay liên quan đến sự sụp đổ của một số tổ chức cho vay của Mỹ.
Các khuyến nghị khác của FSOC gồm thúc đẩy thu thập dữ liệu để theo dõi các mối đe dọa tài chính liên quan đến khí hậu, cũng như thông qua luật quản lý stablecoin.
Phan Anh
Indonesia yêu cầu quân đội giúp nông dân trồng lúa do hạn hán làm giảm sản lượng
Indonesia đã ra lệnh cho quân đội giúp nông dân trồng lúa bởi vì hạn hán nghiêm trọng đã làm giảm sản lượng loại lương thực thiết yếu ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này, dẫn đến việc tăng giá lương thực, tăng nhập khẩu và đe dọa an ninh lương thực.
Do việc trồng trọt bị chậm tiến độ vì khô hạn do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu các sĩ quan giám sát quân đội ở các làng, được gọi là sĩ quan Babinsa, giúp nông dân tận dụng các cơn mưa gần đây để trồng lúa.
Theo đoạn video được đăng trên kênh YouTube của tổng thống, hôm thứ Tư (13/12) trong chuyến thăm huyện Pekalongan ở miền trung Java, Tổng thống Widodo, còn được gọi là Jokowi, lưu ý: “Bởi vì ở một số tỉnh đã có mưa, nên chúng tôi muốn khuyến khích nông dân trồng lúa.”
Khi đứng cạnh các đồng lúa mới được cấy, ông kêu gọi: “Vụ trồng trọt đã bị trì hoãn do El Nino, nhưng chúng tôi muốn trồng, trồng, trồng ngay.”
Nguồn cung gạo toàn cầu đã bị thắt chặt trong năm nay do hiện tượng El Nino, vốn thường gây ra thời tiết nóng hơn và khô hơn ở Đông Nam Á, làm giảm sản lượng lúa gạo ở những quốc gia sản xuất và tiêu thụ lớn. Giá gạo tại các trung tâm xuất khẩu quan trọng của châu Á đã tăng khoảng 45%, lên mức cao nhất trong 15 năm sau khi Ấn Độ, nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, hạn chế xuất khẩu.
Hạn hán đã làm trì hoãn việc trồng trọt cho vụ thu hoạch năm 2024 của Indonesia, sau khi sản lượng gạo của quốc gia này đã giảm xuống mức 30,9 triệu tấn từ mức 31,35 triệu tấn một năm trước.
Theo đoạn video, phát biểu với Tổng thống Jokowi, ông Sugiono, một sĩ quan Babinsa tham gia sự kiện, thông báo rằng ông đã tham gia khóa đào tạo kéo dài cả tháng về trồng lúa để giúp đỡ nông dân.
Đầu tháng này, bộ trưởng nông nghiệp Indonesia và người đứng đầu các lực lượng vũ trang nước này đã ký một thỏa thuận hợp tác, trong đó quân đội sẽ điều các quân nhân tham gia giúp trồng trọt và sử dụng đất quân sự nhàn rỗi để trồng trọt, trong khi bộ nông nghiệp cung cấp hạt giống và máy móc.
Phát ngôn viên quân đội, Tướng Julius Widjojono giải thích: “Một số nông dân có đất nhưng thiếu nhân lực bởi vì nông dân ngày càng già đi trong khi thế hệ trẻ thích làm việc trong các nhà máy, vì vậy lực lượng vũ trang có thể giúp hỗ trợ công cụ và nhân lực [cho nông dân].”
Mặc dù thông thường chỉ có một sĩ quan Babinsa được cử đến một ngôi làng, nhưng Tướng Widjojono nhấn mạnh rằng sĩ quan này có thể phác thảo nhu cầu nhân lực cần cho trồng trọt và những quân nhân sẽ được triển khai từ các đơn vị quân đội gần đó.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman lưu ý rằng trong quá khứ, sự tham gia của lực lượng vũ trang đã giúp Indonesia đạt được mục tiêu tự cung tự cấp lương thực và sự hợp tác trở lại này có thể giúp quốc gia Đông Nam Á này giảm việc nhập khẩu gạo.
Indonesia đã nổi lên là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu sau khi công ty mua sắm nhà nước Bulog được giao nhiệm vụ nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo trong năm nay.
Theo các thương nhân châu Âu, tuần này Bulog bắt đầu mua gạo thông qua đấu thầu quốc tế lên đến 534.000 tấn, dự kiến các chuyến hàng sẽ đến Indonesia vào cuối tháng Một.
Theo dữ liệu của bộ nông nghiệp Indonesia, diện tích đất trồng lúa của quốc gia Đông Nam Á này từ tháng Chín đến tháng Mười Một đã giảm khoảng 53,61% so với một năm trước. Vụ mùa được trồng vào quý cuối của năm thường tạo ra vụ thu hoạch chính cho năm tiếp theo.
Tuy nhiên Indonesia cho biết họ dự kiến sản lượng gạo sẽ tăng lên mức 32 triệu tấn trong năm 2024, trong khi vụ thu hoạch chính vào tháng Ba và tháng Tư sẽ đóng góp 10,07 triệu tấn, tăng 14% so với năm nay.
Gia Huy (Theo CNA)