Để đáp lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9, trong tuần này lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội – Việt Nam.
Theo Capitol Hill, ông Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng đã ký 36 thỏa thuận hợp tác liên quan nhiều lĩnh vực. Như ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng cộng đồng Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, an ninh và phi chính phủ”.
Thật vậy, thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo đạt được trải rộng trên mọi lĩnh vực, từ đầu tư vào các tuyến đường sắt nối hai nước đến hợp tác viễn thông và kỹ thuật số cho đến nâng cấp quan hệ an ninh. Sau này bao gồm các kế hoạch tuần tra quân sự chung tại Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông và thiết lập đường dây nóng để giải quyết “các sự cố bất ngờ phát sinh từ hoạt động đánh bắt cá trên biển”.
Trên thực tế, kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh thực chất không gì khác hơn là sự tiếp nối “quan hệ đối tác an ninh toàn diện” được thiết lập giữa hai nước cách đây 15 năm. Nhưng nhìn lại, những thỏa thuận trước đó hầu như không làm giảm bớt căng thẳng giữa hai kẻ thù lịch sử, vốn đã nổ ra cuộc chiến năm 1979 và tiếp tục xung đột dọc biên giới và ở Biển Đông trong suốt những năm 1980.
Việc năm 1991 Bắc Kinh và Hà Nội bình thường hóa quan hệ và xây dựng “quan hệ đối tác an ninh” cũng không ngăn được Trung Quốc bắt nạt Việt Nam ở Biển Đông và tiếp tục khẳng định chủ quyền trên vùng biển này. Năm 2014, ĐCSTQ gây khủng hoảng nghiêm trọng mối quan hệ khi di chuyển giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Ba năm sau đe dọa sử dụng vũ lực nếu Việt Nam khoan dầu ở Biển Đông. Năm 2019, Trung Quốc một lần nữa gây căng thẳng trên biển bằng việc điều tàu khảo sát hải dương học vào vùng biển Việt Nam.
Trả lời về xích mích giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Tranh chấp biển chỉ là một phần trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Tôi tin rằng cả hai bên có thể giải quyết thỏa đáng trên tinh thần tin cậy, tôn trọng lẫn nhau”.
Nhưng thiện cảm tốt đẹp mà ông Tập Cận Bình cố gắng tạo ra trong chuyến thăm đã không khiến Trung Quốc từ bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” bao quanh Biển Đông. Rõ ràng, ĐCSTQ có những hạn chế trong việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng phía Nam. Những hạn chế này sẽ tiếp tục mang đến cho Mỹ những cơ hội mới để tăng cường mối quan hệ ngày càng được cải thiện với Việt Nam.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 9, Việt Nam giờ đây không chỉ có “quan hệ đối tác an ninh toàn diện” với Trung Quốc mà còn có “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ. Việc thúc đẩy cùng hai hiệp định chắc chắn phản ánh nỗ lực của Hà Nội trong việc duy trì lập trường trung lập giữa hai siêu cường. Nhưng Việt Nam vẫn cảnh giác trước xâm lược của Trung Quốc hơn là sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Hà Nội đã tăng cường mua vũ khí từ Mỹ và đón tiếp các tàu chiến Mỹ, gần đây nhất là vào tháng 7 khi tàu USS Ronald Reagan cùng với các tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Antietam và Robert Smalls thực hiện chuyến thăm cảng. Trước đó một năm, tàu Reagan cũng đã đến thăm Việt Nam, đánh dấu chuyến viếng thăm thứ ba của tàu sân bay Mỹ trong vòng 4 năm. Washington nên tiếp tục cử các tàu sân bay đến thăm Việt Nam hàng năm hoặc thậm chí thường xuyên hơn.
Việt Nam đã cam kết không thiết lập căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của mình, điều này Việt Nam gọi là “một trong bốn không”. Vì vậy, Hà Nội sẽ không bao giờ cho phép Mỹ triển khai quân ở Vịnh Cam Ranh. Dù vậy thì vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện các hoạt động hải quân của Mỹ tại Việt Nam.
Về vấn đề này, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Singapore có thể là hình mẫu cho Việt Nam. Năm 1990, Mỹ và Singapore lần đầu tiên ký một biên bản ghi nhớ cho phép tàu Hải quân Mỹ sử dụng cơ sở tại Căn cứ Hải quân Changi. Các thỏa thuận sau đó đã mở rộng thỏa thuận ban đầu, đến nay Hải quân Mỹ đã có ban chỉ huy hậu cần ở Singapore, có thể từ hòn đảo này luân phiên hoạt động các tàu chiến đấu ven biển và máy bay P-8.
Chắc chắn ĐCSTQ sẽ chỉ trích bất kỳ nỗ lực nào của Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ. Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc còn vi phạm lãnh hải của Việt Nam và tuyên bố rằng chúng thực sự thuộc về Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ có mọi lý do để tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ nhằm tăng cường khả năng răn đe chống lại nước láng giềng hùng mạnh phương Bắc.
Bằng cách áp dụng kiểu tiếp cận tương tự với thành công của Singapore, Hà Nội thực sự có thể tăng cường khả năng răn đe của mình, trong khi Washington có thể nhấn mạnh chính sách lâu dài của mình trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Lộ Khắc, Vision Times