Alex Wu
Trong bối cảnh phương Tây ‘giảm thiểu rủi ro’ liên quan đến Trung Quốc, một chuyên gia cảnh báo rằng ‘trục ma quỷ’ đã thành hình, đe dọa hòa bình toàn cầu.
Chính sách ngoại giao năm 2023 của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc liên tục vướng phải những trở lực và sự kiềm chế từ các nền dân chủ tự do trên thế giới vì các hành động và lập trường của chính quyền này đối với các vấn đề then chốt — như Eo biển Đài Loan, Biển Đông, chiến tranh Nga–Ukraine, chiến tranh Israel–Hamas, và các hành vi vi phạm nhân quyền — đặt ra mối đe dọa đối với các giá trị phổ quát và nền hòa bình của thế giới.
Một trở ngại ngoại giao lớn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gặp phải trong năm 2023 là việc các nước phương Tây đã liên tục áp dụng biện pháp “giảm thiểu rủi ro” nhằm giảm sự phụ thuộc và mối liên hệ về kinh tế với Trung Quốc cộng sản.
Khái niệm giảm thiểu rủi ro lần đầu tiên được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đề xướng hồi tháng Ba và được các quốc gia như Đức, Pháp, và Hoa Kỳ ủng hộ. Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng Năm cũng đặt ra quan điểm về việc đáp trả sự cưỡng bách kinh tế của ĐCSTQ bằng cách “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” hoàn toàn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chỉ trích phương Tây về chính sách giảm thiểu rủi ro của họ. ĐCSTQ cầm quyền luôn xem châu Âu là thị trường xuất cảng quan trọng. Ad
Ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), giám đốc khoa ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Khái niệm giảm thiểu rủi ro đã trở thành một biện pháp tiếp cận và thái độ nhất quán đối với ĐCSTQ ở các quốc gia dân chủ trên thế giới.”
Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đến việc giảm thiểu rủi ro và giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, tập trung vào chuỗi cung ứng và công nghệ.
Dưới tác động của chính sách giảm thiểu rủi ro của nhiều quốc gia, vào năm 2023, Trung Quốc lần đầu tiên phải đối mặt với tình trạng thâm hụt đầu tư ngoại quốc. Đầu tư trực tiếp vào trong nước (khoản mục Direct investment liabilities trên cán cân tài chính), một thước đo về đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI), đã thâm hụt 11.8 tỷ USD trong quý ba năm nay.
Một lý do chính để các quốc gia thực hiện chính sách giảm thiểu rủi ro là để ứng phó với các nỗ lực cưỡng bách kinh tế của chính quyền Trung Quốc. Những quốc gia này bao gồm Lithuania, Nhật Bản, và Úc. Họ bị cưỡng bách kinh tế vì các lý do chính trị như ủng hộ chủ quyền của Đài Loan, lên án hành vi đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ, và hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Sự cưỡng bách kinh tế của ĐCSTQ không chỉ được chứng minh là không hiệu quả mà còn gây ra làn sóng phẫn nộ lớn ở phương Tây, kể cả trong Liên minh Âu Châu.
Các vấn đề nhân quyền
Năm nay, các quốc gia Âu Châu và Hoa Kỳ tiếp tục lên án công khai các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Ngày 10/12 là Ngày Nhân quyền Quốc tế. Phái đoàn Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố nhắc lại mối lo ngại của họ về tình hình nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, liệt kê các hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền khác nhau của ĐCSTQ, đồng thời lên án “những vi phạm có chủ ý và có hệ thống” của ĐCSTQ đối với quyền dân sự và quyền chính trị.
Hôm 08/12, Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức ĐCSTQ liên quan đến hoạt động đàn áp nhân quyền ở Tân Cương, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, và ba công ty Trung Quốc, trong đó có COFCO Sugar.
Vào ngày 20/07, Ủy ban Điều hành-Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố trên X, trước đây gọi là Twitter, bằng tài khoản chính thức của mình, lên án “những hành vi vi phạm nhân quyền kinh khủng nhất” của ĐCSTQ trong cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, và kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.
Ông Trịnh nói: “ĐCSTQ luôn đàn áp quyền tự do và vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đặc biệt là cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống [của các học viên Pháp Luân Công] và thực hiện cấy ghép, hành vi này đúng là vô nhân tính và quá là vô liêm sỉ. Tôi nghĩ rằng nhiều người trên thế giới đã thức tỉnh [trước sự tà ác của ĐCSTQ].”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên các nguyên lý là chân, thiện, và nhẫn. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã đàn áp tàn bạo những người theo học môn này kể từ năm 1999.
ĐCSTQ là một phần trong ‘trục ma quỷ’
Lập trường của ĐCSTQ về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ các nền dân chủ phương Tây.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, ĐCSTQ chưa hề lên án Nga. Khi cộng đồng quốc tế áp đặt các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Nga, ĐCSTQ tuyên bố rằng “tình hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc là không có giới hạn,” đồng thời còn âm thầm chi viện cho Nga về thương mại và vũ khí.
Hôm 12/12, Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bổ sung một số tổ chức và cá nhân Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì bán vũ khí và công nghệ của Trung Quốc cho Nga.
Đến khi chiến tranh Israel–Hamas nổ ra sau khi những kẻ khủng bố Hamas tràn vào Israel và tàn sát 1,200 người Israel vào ngày 07/10, ĐCSTQ cũng không hề lên án Hamas vì các hành vi tàn bạo và kích động chiến tranh; mà thay vào đó, họ lên án Israel vì đã phản công lại Hamas, nói rằng các hành động quân sự của Israel ở Gaza đã gây ra một thảm họa nhân đạo.
Hầu hết nguồn cung cấp vũ khí của Hamas đều đến từ Iran, và Hamas tuyên bố rằng họ cũng được trợ giúp bởi một quốc gia lớn nhưng không tiết lộ tên của nước này. Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ Iran.
Ông Trịnh nói, “Việc mọi người nghi ngờ rằng [quốc gia lớn đó] chính là ĐCSTQ cũng là lẽ tự nhiên. Trên thực tế, tất cả các loại bằng chứng đều cho thấy đó là ĐCSTQ, bởi vì công nghệ của Iran về cơ bản đều đến từ ĐCSTQ.”
“Trục tà ác này — ĐCSTQ, Nga, Iran, và Bắc Hàn — đã thực sự thành hình và không ngừng thách thức trật tự thế giới. Điều này cũng khiến thế giới, đặc biệt là các nền dân chủ phương Tây, nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của ĐCSTQ.”
Hôm 13/09, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên chính thức thiết lập liên hệ ngoại giao với một chế độ khủng bố: Taliban ở Afghanistan.
Ông Trịnh cho hay, “Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng ĐCSTQ là bên ủng hộ chính cho các tổ chức khủng bố trên thế giới. Sự hỗn loạn và khủng hoảng trên thế giới là do chế độ tà ác của ĐCSTQ gây ra.”
Trong năm 2023, ĐCSTQ đã tăng cường các hành động đe dọa quân sự đối với Đài Loan và trên toàn khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Trong những tháng gần đây, đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Hoa Kỳ đã cảnh báo ĐCSTQ không được thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan và nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với chủ quyền của Đài Loan.
“Các cuộc tập trận chung và hợp tác quân sự gần đây giữa Hoa Kỳ, Philippines, và Việt Nam tất nhiên là nhằm mục đích ngăn chặn ĐCSTQ gây rắc rối ở Biển Đông,” ông Trịnh nói. “Tôi nghĩ tình trạng này sẽ tiếp tục được củng cố và sự kiềm chế của thế giới tự do đối với ĐCSTQ về cơ bản đã được hình thành.”
Bản tin có sự đóng góp của Lan Tân và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch