Các công ty Trung Quốc chuyển sang niêm yết tại Thụy Sĩ để huy động vốn khi thị trường IPO của HKEX suy giảm

Logo của Hong Kong Exchanges & Clearing Ltd. (HKEX) tại khu tài chính Trung tâm ở Hồng Kông, Trung Quốc, hôm 14/09/2020. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters)

Các công ty cổ phần hạng A của Trung Quốc đã bắt đầu niêm yết tại Thụy Sĩ, trong khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) chứng kiến một ​​mức huy động vốn thấp kỷ lục trong các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Thị trường IPO yếu kém của Hồng Kông

Theo kết quả tạm thời mới nhất (pdf), trong nửa đầu năm 2022, HKEX đã chứng kiến ​​lợi nhuận giảm 27% và doanh thu và các thu nhập khác giảm 18% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Mức huy động vốn cho IPO tại HKEX đã giảm mạnh từ 211.7 tỷ HKD (khoảng 27.5 tỷ USD) xuống còn 19.7 tỷ HKD (khoảng 2.6 tỷ USD), giảm 91% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Với tâm lý thị trường yếu kém kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, HKEX đã rơi khỏi top 5 [thị trường] toàn cầu về huy động vốn IPO. Trong 13 năm qua, Hồng Kông đã bảy lần là địa điểm tổ chức IPO hàng đầu thế giới, và xếp hạng toàn cầu thấp nhất của HKEX là đứng thứ tư vào năm 2012 và 2021.

Sự sụt giảm này của thị trường IPO đã ảnh hưởng đến hoạt động của HKEX. Theo các kết quả giữa niên độ năm 2022, doanh thu hoạt động kinh doanh cốt lõi đã giảm 11% so với nửa đầu năm 2021. Doanh thu giảm phản ánh “phí giao dịch và thanh toán thấp hơn do giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trên sàn (Headline ADT) thấp hơn và phí lưu ký từ thấp hơn từ các hồ sơ IPO điện tử.”

Theo định nghĩa của Liên đoàn các Sở giao dịch Thế giới, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày (ADT) được tính bằng cách chia tổng giá trị giao dịch cổ phiếu cho số ngày giao dịch trong năm. Headline ADT có nghĩa là ADT được giao dịch trên HKEX.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn tài chính nhà nước Trung Quốc CLS, HKEX tiếp tục là “sự lựa chọn hàng đầu cho các đợt IPO trở lại trong bối cảnh có sự bất ổn ngày càng tăng đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ.”

Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Thụy Sĩ

Trong khi đó, bốn công ty cổ phần hạng A của Trung Quốc đã phát hành Chứng chỉ Lưu ký Toàn cầu (GDR) tại Thụy Sĩ (còn gọi là Swiss GDR) hồi tháng Bảy. Kể từ đó, nhiều công ty Trung Quốc đã tiếp bước họ để huy động vốn ở hải ngoại.

Theo Investopedia, GDR là một chứng chỉ do một ngân hàng đại diện cho cổ phiếu của một công ty cổ phần ngoại quốc trên hai hoặc nhiều thị trường toàn cầu phát hành.

Người dân đi ngang qua màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng bên ngoài Sở giao dịch Hồng Kông, ở Hồng Kông, hôm 19/07/2022. (Ảnh: Lam Yik/Reuters)

Bốn công ty Trung Quốc đã huy động được 1.6 tỷ HKD bằng cách niêm yết ở GDR Thụy Sỹ hôm 28/06. Các công ty này là Keda industrial Group, Ningbo Shanshan, GEM, và Gotion High-tech.

Theo SIX Swiss Exchange (SIX): “Để các công ty Trung Quốc niêm yết GDR ở Thụy Sĩ, khuôn khổ quy định hiện hành đối với GDR đã được xem xét, sửa đổi, và có hiệu lực từ hôm 25/07/2022.” 

Hôm 19/08, tờ Securities Daily thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đưa tin cho hay 9 công ty Trung Quốc hiện đang nộp đơn đăng ký niêm yết GDR Thụy Sĩ, trong khi hai công ty Joincare Pharmaceutical và Lepu Medical Technology đã nhận được các chấp thuận có điều kiện từ SIX.

Trước xu hướng GDR Thụy Sĩ đối với các công ty Trung Quốc, ông Albert Song, nhà bình luận các vấn đề thời sự và là chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng các công ty Trung Quốc tìm kiếm nguồn tài chính ở hải ngoại chủ yếu là để huy động vốn và mở rộng tầm ảnh hưởng của các công ty này ra ngoại quốc.

Ông Song nói: “Với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát dự trữ ngoại hối, các công ty Trung Quốc ngày càng khó kiếm được ngoại tệ để mở rộng kinh doanh ở ngoại quốc, vì vậy nguồn tài chính ở ngoại quốc là một giải pháp.” 

“Triển vọng niêm yết cổ phiếu ra công chúng ở Hoa Kỳ ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi các quy định chặt chẽ hơn do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ ban hành, và các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với việc hủy niêm yết vì gian lận tài chính và miễn cưỡng đưa ra các báo cáo kiểm toán. Do đó, Âu Châu đã trở thành một lựa chọn thay thế được ưa chuộng, và tôi tin rằng các công ty Trung Quốc sẽ đổ dồn về niêm yết tại London trong tương lai.”

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc (pdf) là 3.1041 ngàn tỷ HKD vào cuối tháng Bảy, đã giảm 117.561 tỷ HKD kể từ hồi tháng Một. Để duy trì tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, Trung Quốc đã giảm lượng nắm giữ các Trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ trong 7 tháng liên tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái, với tổng trị giá 113 tỷ USD, khiến mức nắm giữ Trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ xuống mức thấp nhất trong 12 năm.

Ông Song nói và cho biết thêm rằng việc huy động vốn ngoại quốc cũng giúp các công ty Trung Quốc huy động vốn trong nước: “Các công ty Trung Quốc huy động vốn ở ngoại quốc nhằm góp phần gây dựng hình ảnh của họ. Một số công ty có thể nhận được nhiều tín dụng hơn từ các ngân hàng, khiến cho việc huy động vốn dễ dàng hơn. Một số công ty cũng có các mối quan hệ với chính quyền sở tại, đồng thời có tài sản và nguồn tài chính ở ngoại quốc có thể giúp giải quyết các vấn đề pháp lý ở ngoại quốc.” 

Ông Song nói thêm khi được hỏi về tương lai của HKEX: “Tình hình hiện tại của HKEX phản ánh môi trường kinh doanh và chính trị đang xấu đi của Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia. Thành phố này không còn là một trung tâm tài chính quốc tế. Nhiều công ty rời khỏi [để niêm yết tại Thụy Sĩ], mặc dù ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] mong muốn các công ty Trung Quốc sẽ niêm yết trên HKEX.”

Hình ảnh và vị thế đang suy yếu của Hồng Kông

Hồng Kông đang phải đối mặt với tình trạng di cư của những người lao động có chuyên môn và người ngoại quốc trên quy mô chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1990 do việc thực thi luật an ninh quốc gia (NSL) của Bắc Kinh và các biện pháp chống COVID hà khắc kéo dài hai năm tại thành phố này.

Những người biểu tình hô khẩu hiệu và ra hiệu trong một cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông vào ngày 01/07/2020. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)

Kể từ khi có hiệu lực vào năm 2020, NSL được cho là đã dẫn đến việc bắt giữ hơn 200 người, trong đó có 12 thanh niên. Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc về tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Hồng Kông và thúc giục chính quyền Hồng Kông hủy bỏ luật này cũng như trả tự do cho những người bất đồng chính kiến ​​mà chính quyền này đã bắt giữ, kể cả những người bị cầm tù trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019.

Tình trạng nhân quyền xuống cấp nhanh chóng và sự di cư ồ ạt của những người lao động có trình độ học vấn đã ảnh hưởng đến quyền tự chủ và nhiều chức năng của thành phố, khiến trung tâm tài chính quốc tế từng phát triển mạnh mẽ này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nguồn vốn ngoại quốc.

Theo Hội đồng Báo cáo Tài chính (FRC), cơ quan quản lý kiểm toán của Hồng Kông, việc di cư của các nhân viên có kinh nghiệm đã dẫn đến sự thiếu hụt các kiểm toán viên đủ năng lực tại thành phố này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kiểm toán của cơ quan này.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy những người ngoại quốc sống ở Hồng Kông không hài lòng với các vấn đề về tài chính cá nhân, chi phí sinh hoạt, và môi trường đô thị.

Cô Kathleen Li đã đóng góp bài viết cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.

Vân Du biên dịch

Related posts