Bảo Nguyên
Có thể nói chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, các doanh nghiệp Nhật đang có một cái nhìn thiếu tích cực về đất nước này.
Những diễn biến gần đây đã làm nổi bật sự hoài nghi ngày càng tăng trong các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc, với kỳ vọng về triển vọng kinh doanh trong tương lai giảm mạnh. Tâm lý này phù hợp với những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản và Đài Loan sẽ tăng cường các nỗ lực hợp tác về kinh tế và các mặt khác.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 16/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về đầu tư quốc tế vào Trung Quốc, miêu tả Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một đối tác “đáng tin cậy”. Tuy nhiên, tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với chiến lược về tài chính do giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ vạch ra cùng ngày, thứ về cơ bản khác với các mô hình phương Tây.
WEF năm nay, với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, chứng kiến ông Lý nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế ổn định của Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 5,2% vào năm 2023. Ông nhấn mạnh cam kết của ĐCSTQ trong việc “mở cửa” hơn nữa và tạo ra một môi trường kinh doanh “định hướng thị trường, hợp pháp và quốc tế” hơn.
Bất chấp những đảm bảo này, lời kêu gọi đầu tư toàn cầu vào Trung Quốc của ông Lý phần nào bị lu mờ bởi những tuyên bố trái ngược từ giới lãnh đạo ĐCSTQ, ủng hộ một con đường tài chính riêng biệt khác với các chuẩn mực phương Tây và kêu gọi đề ra các quy định tài chính nghiêm ngặt để tăng cường ảnh hưởng trong việc xây dựng quy tắc quốc tế.
Ông Gia Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc và một cây bút độc lập, đã phê phán cách tiếp cận kép này như một ví dụ kinh điển về phong cách lãnh đạo của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, thứ mà ông mô tả là “cố gắng đạt được cả hai đường lối”, dẫn đến các chiến lược mâu thuẫn và cuối cùng là tự làm hại chính mình.
Kết quả khảo sát
Một ngày trước đó, kết quả “Khảo sát môi trường hoạt động doanh nghiệp thành viên” lần thứ hai do Phòng Thương mại Nhật Bản tại Trung Quốc (JCC) thực hiện từ ngày 23/11 đến ngày 13/12/2023 đã được công bố. Các phát hiện của cuộc khảo sát đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, cho thấy kỳ vọng cho năm tài chính 2024 bị hạ thấp.
JCC, đại diện cho 8.000 thành viên doanh nghiệp ở Trung Quốc, đã nhận được phản hồi từ 1.713 công ty, bao gồm 1.037 công ty sản xuất, 665 công ty phi sản xuất và 11 doanh nghiệp và đơn vị công.
Tỷ lệ phản hồi này, cao hơn đáng kể so với cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện từ ngày 8/9 đến ngày 22/9/2023, nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhật Bản về môi trường kinh doanh của Trung Quốc.
Cuộc khảo sát nhằm đánh giá tình hình kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc và ủng hộ việc cải thiện môi trường hoạt động. Sự tham gia phản hồi ngày càng tăng và tần suất của các cuộc khảo sát này phản ánh tính cấp bách và nghiêm trọng trong cách nhìn nhận của các công ty Nhật Bản về bối cảnh kinh tế ở Trung Quốc.
Theo kết quả khảo sát, một tỷ lệ đáng kể 48% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đầu tư của họ vào Trung Quốc giảm trong năm 2023, với các lý do từ triển vọng kinh tế không chắc chắn và lợi nhuận đầu tư không rõ ràng cho đến sự phức tạp của các quy định mới như đạo luật chống gián điệp.
Trong khi đó, sức hấp dẫn đầu tư ở các khu vực như Đông Nam Á và Ấn Độ đang tăng lên, dẫn đến việc phải đánh giá lại chiến lược kinh doanh ở Trung Quốc. Xu hướng này còn phức tạp hơn bởi các vấn đề như hạn chế đối với hoạt động tiếp thị sau những lo ngại về môi trường, thúc đẩy các cuộc thảo luận trong nội bộ doanh nghiệp về tương lai hoạt động tại Trung Quốc.
Về triển vọng kinh tế năm 2024, 39% dự đoán tình hình sẽ xấu đi, so với 25% cho rằng sẽ có sự cải thiện. Mặc dù vậy, hơn một nửa vẫn coi Trung Quốc là thị trường quan trọng sau năm 2024.
Cuộc khảo sát cũng đi sâu vào mức độ hài lòng với môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Trong khi 54% công ty bày tỏ sự hài lòng với lý do tiện ích ổn định, nguồn nhân lực nói tiếng Nhật sẵn có và thị trường tiêu dùng rộng lớn, thì 46% bày tỏ mong muốn có sự cải thiện.
Những sự cải thiện này bao gồm các vấn đề như quy trình nhập cảnh thị thực, liên kết phát triển nhân tài, đối xử bình đẳng như với các doanh nghiệp Trung Quốc, sự nhất quán trong giải thích các quy định và tính minh bạch trong thực thi pháp luật.
Những thách thức về quản lý được những người được hỏi xác định là rất đáng chú ý, với 65% chỉ ra chi phí lao động ngày càng tăng, 42% bị ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế và 51% phải đối mặt với sự sụt giảm giá bán.
Môi trường ngày càng khó khăn
Bất chấp phản hồi từ hơn 1.700 công ty Nhật Bản ở Trung Quốc, hơn 6.000 công ty đã không tham gia. Sự im lặng này có thể cho thấy những thách thức tương tự hoặc nghiêm trọng hơn, có thể là do họ ngại tiết lộ tình hình thực sự của mình.
Cuộc khảo sát nhấn mạnh những mối lo ngại chính cản trở việc tiếp tục đầu tư: dự báo kinh tế không rõ ràng, những bất ổn về pháp lý và những khó khăn trong hoạt động sau các vấn đề môi trường. Những yếu tố này mâu thuẫn với các nguyên tắc tự do hóa, cởi mở và quốc tế hóa thị trường, thúc đẩy sự bi quan về triển vọng năm 2024 trong các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhà bình luận Shi Ping, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nhấn mạnh những rủi ro chính trị. Những sự cố như lệnh cấm đột ngột đối với hải sản của Nhật Bản là minh chứng cho sự khó lường và những mối nguy hiểm tiềm tàng ở Trung Quốc. Ông Shi cảnh báo về những rủi ro ngày càng tăng đối với sự an toàn và nhân quyền của nhân viên, đồng thời gợi ý rằng các công ty hiện nên xem xét chiến lược rút lui.
Tương tự, các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ đang gặp phải những thách thức ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Các báo cáo từ Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải vào tháng 9/2023 cũng cho thấy những góc nhìn tương tự.
Các tổ chức này nhấn mạnh môi trường pháp lý ngày càng nghiêm ngặt và phức tạp dưới sự quản lý của ĐCSTQ, trong đó ưu tiên an ninh quốc gia hơn đầu tư nước ngoài. Gần 2/3 số công ty châu Âu nhận thấy những thay đổi về quy định là rào cản đáng kể đối với tăng trưởng kinh doanh.
Các chuyên gia đồng ý rằng tính khó lường trong các chính sách của ĐCSTQ gây ra rủi ro đáng kể, khi các công ty phương Tây thường thấy mình dễ bị tổn thương trước những thay đổi chính sách đột ngột. Sự khó lường này, cùng với bối cảnh pháp lý đầy thách thức, cho thấy môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn đối với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Nhật và Đài Loan chuẩn bị tăng cường hợp tác kinh tế
Khi các doanh nghiệp Nhật Bản đang loay hoay với môi trường pháp lý đầy thách thức ở Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi luật chống gián điệp được thực thi vào tháng 7 năm ngoái, xu hướng đa dạng hóa và “phi Trung Quốc hóa” đang nổi lên. Với bối cảnh đó, Nhật Bản và Đài Loan đang sẵn sàng cho việc tăng cường hợp tác kinh tế, báo hiệu sự thay đổi trong sự vận động của kinh tế khu vực.
Các công ty Nhật Bản, vốn có truyền thống lạc quan về thị trường rộng lớn của Trung Quốc, hiện đang phải vật lộn với những thay đổi chính sách khó lường của Bắc Kinh. Sự không chắc chắn này, cùng với việc chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp quay trở lại Nhật Bản, đã dẫn đến việc tái cấu trúc chiến lược chuỗi cung ứng, với nhiều công ty mở rộng sang Đông Nam Á và các khu vực khác.
Những thay đổi đáng chú ý của công ty phản ánh xu hướng này. Teijin, công ty vật liệu hàng đầu của Nhật Bản, đã rút khỏi lĩnh vực vật liệu ô tô của Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái, chuyển hướng tập trung sang Bắc Mỹ. Tương tự, Mitsubishi Motors đã thoái vốn tại Trung Quốc, bán cổ phần cho Tập đoàn ô tô Quảng Châu vào tháng 10. Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Isetan Mitsukoshi Holdings cũng tuyên bố đóng cửa hai cửa hàng bách hóa ở Trung Quốc, bao gồm cả Isetan Thiên Tân, vào tháng 2/2024.
Quá trình “phi Trung Quốc hóa” này diễn ra trùng hợp với thời điểm Đài Loan có người lãnh đạo mới, Tổng thống đắc cử William Lai (ông Lại Thanh Đức), thúc đẩy kỳ vọng về việc tăng cường mối quan hệ kinh tế Nhật Bản – Đài Loan. Nhà phân tích Shi Ping ủng hộ việc củng cố mối quan hệ này, nhấn mạnh đến góc nhìn kinh tế toàn cầu.
Chiến thắng bầu cử của ông Lại nhanh chóng được nối tiếp bằng sự chủ động tiếp xúc với các đại diện Nhật Bản. Trong cuộc thảo luận với ông Keiji Furuya, người đứng đầu nhóm nghị sĩ hữu nghị Đài Loan của Nhật Bản, ông Lại đã nêu rõ cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường trao đổi kinh tế và văn hóa. Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực hợp tác quan trọng, bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư và thương mại.
Một ví dụ rõ ràng về mối quan hệ hợp tác đang phát triển này là việc nhà máy JASM của TSMC sắp được hoàn thành ở tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Khoản đầu tư trị giá 1 nghìn tỷ JPY (Yên Nhật) (khoảng 7,69 tỷ USD) này nhấn mạnh cam kết của Đài Loan trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản, đặc biệt là về công nghệ và đổi mới.
Trong những năm gần đây, Đài Loan đã tích cực theo đuổi hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả ngoại giao và kinh tế. Sự liên kết này phản ánh sự xoay trục chiến lược trong khu vực khi các doanh nghiệp và chính phủ tìm cách thích ứng với bối cảnh địa chính trị đang thay đổi.
Ấn Độ thay thế Trung Quốc trở thành điểm đến ưa thích nhất của công ty Nhật
Vào ngày 14/12/2023, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã công bố báo cáo khảo sát thường niên năm 2023 về các công ty sản xuất Nhật Bản. Cuộc khảo sát nói về các quốc gia và khu vực mà các công ty Nhật Bản hy vọng sẽ đầu tư và mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới. Tổng cộng có 534 công ty Nhật Bản đã trả lời cuộc khảo sát.
Theo kết quả khảo sát, Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia mà các công ty Nhật Bản muốn đầu tư trong năm thứ hai liên tiếp; Việt Nam nhảy lên vị trí thứ 2 từ vị trí thứ 4; và Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 3 từ vị trí thứ 2 vào năm trước đó, với tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1992.
So với năm trước đó, tỷ lệ phiếu bầu của Ấn Độ trong cuộc khảo sát đã tăng 8,3% lên 48,6%; Tỷ lệ phiếu bầu của Việt Nam tăng 1,2% lên 30,1%; và tỷ lệ phiếu bầu của Trung Quốc giảm 8,7% xuống còn 28,4%. Thị trường Mỹ cũng giảm 5,1% xuống 27,1%. Lạm phát cao và chi phí sản xuất tăng cao có thể đã khiến Mỹ bị tụt hạng.
Theo phân tích trong báo cáo, Ấn Độ nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao như vậy và đứng đầu danh sách năm thứ 2 liên tiếp vì thị trường Ấn Độ trong tương lai được đánh giá cao.
Báo cáo cũng giải thích rằng dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Ngoài ra nước này còn có tiềm năng rất lớn để mở rộng nhu cầu nội địa trong tương lai, điều này mang lại giá trị lớn cho các công ty Nhật Bản. Ngoài ra, Ấn Độ có kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, điều này sẽ giúp các công ty Nhật Bản đầu tư vào đó dễ dàng hơn.
Về lý do Trung Quốc tụt hạng, báo cáo cho biết, mặc dù thị trường Trung Quốc vẫn quan trọng nhưng bản thân nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại do những quy định khó lường của Trung Quốc đối với hoạt động kinh doanh và cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Kết quả khảo sát cho thấy các công ty Nhật Bản rõ ràng đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Sự thay đổi thái độ và mất niềm tin trong các công ty Nhật
Thống kê cho thấy từ năm 1992 đến năm 2023, mối quan tâm về đầu tư vào Trung Quốc của các công ty Nhật Bản đã thay đổi đáng kể. Nói một cách tóm tắt, từ năm 1992 đến năm 2012, Trung Quốc thống trị cuộc khảo sát với trung bình khoảng 70% tổng số công ty chọn Trung Quốc, với mức đỉnh cao hơn 90% vào năm 2003. Xu hướng này giảm xuống dưới 40% vào năm 2013 và sau đó tăng lên 47,6% vào năm 2021. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, con số này đã rơi tự do.
Có nhiều lý do khiến các công ty Nhật Bản muốn rời khỏi Trung Quốc, như cuộc đối đầu Mỹ – Trung dẫn đến kiểm soát xuất nhập khẩu chặt chẽ hơn ở cả hai nước, kinh tế Trung Quốc suy giảm, chế độ Trung Quốc không bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ, khó khăn của các công ty Nhật trong việc cạnh tranh với các công ty Trung Quốc về giá cả, chi phí lao động ngày càng tăng, sự mơ hồ trong hệ thống pháp luật và việc kiểm soát chặt chẽ ngoại tệ, cùng nhiều vấn đề khác.
Ngoài lý do kinh tế, còn có nhiều lý do chính trị. Dưới ảnh hưởng của sự tuyên truyền của ĐCSTQ, tâm lý bài Nhật vẫn lan rộng trong người dân Trung Quốc, và chế độ này thỉnh thoảng thao túng người dân tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Gần đây cũng có những cuộc đối đầu xung quanh việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra đại dương. Thái độ ngày càng quyết đoán của Nhật Bản đối với ĐCSTQ làm trầm trọng thêm mối quan hệ Nhật – Trung.
Sự mơ hồ trong hệ thống pháp luật của Trung Quốc được các công ty Nhật Bản coi là một trở ngại lớn khác. Việc Trung Quốc thực thi luật “chống gián điệp” mới đã dẫn đến việc bắt giữ một nhân viên Astellas người Nhật với cáo buộc gián điệp. Một môi trường không thân thiện như vậy đã gây ra mối lo ngại sâu sắc cho các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.
Đóng góp to lớn của Nhật đối với phát triển kinh tế của Trung Quốc
Cuối tháng 3/2022, Nhật Bản kết thúc hơn 40 năm Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Trung Quốc. Trong 4 thập kỷ này, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho Trung Quốc khoảng 3,3165 nghìn tỷ JPY (23,3 tỷ USD) viện trợ cho vay (các khoản vay bằng đồng JPY), 157,6 tỷ JPY (1,1 tỷ USD) viện trợ không hoàn lại và 185,8 tỷ JPY (1,3 tỷ USD) trong hợp tác kỹ thuật.
Hỗ trợ ODA của chính phủ Nhật Bản cho Trung Quốc bắt đầu từ năm 1979, với các dự án lớn bao gồm sân bay, nhà máy điện, bệnh viện, cơ sở hạ tầng, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, v.v.
Vào tháng 8/1978, Trung Quốc và Nhật Bản đã ký kết Hiệp ước Thương mại và Hữu nghị Trung – Nhật. Cùng năm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản và đi trên tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản và tham quan các trung tâm công nghiệp lớn của Nhật Bản. Khung cảnh hiện đại hóa nền công nghiệp Nhật Bản đã giúp ông Đặng mở rộng tầm mắt, người sau đó đề xuất Trung Quốc nên thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” và khẩn trương yêu cầu viện trợ nước ngoài.
Khi đó, Trung Quốc vẫn đang trong cơn dư chấn của Cách mạng Văn hóa, ngay cả Ngân hàng Thế giới cũng không cho Trung Quốc vay tiền. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp cho Trung Quốc các khoản vay và hỗ trợ phát triển.
Từ năm 1979 đến năm 2022, Nhật Bản là nguồn hỗ trợ phát triển lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 66,9% tổng viện trợ của thế giới dành cho Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết người dân Trung Quốc đều không biết điều này do tuyên truyền chống Nhật của ĐCSTQ.
Cùng với chính sách “cải cách mở cửa” của Trung Quốc và sự hỗ trợ phát triển của Nhật Bản, hầu hết các công ty lớn của Nhật Bản đều đã mở chi nhánh tại Trung Quốc. Đến tháng 6/2022, đã có 12.706 công ty Nhật Bản ở Trung Quốc, hoạt động trên nhiều ngành công nghiệp bao gồm sản xuất, thương mại, hậu cần, thiết kế, tư vấn, CNTT, v.v.
Trong 40 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đang đảo ngược các cải cách kinh tế đã diễn ra hàng thập kỷ, khiến các công ty Nhật Bản phải tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc do sự bất ổn của chế độ.
Mối quan hệ ‘lạnh về chính trị, nóng về kinh tế’ giữa Nhật và Trung Quốc đang thay đổi
Trong những năm gần đây, các công ty Nhật Bản lần lượt rời khỏi Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, mối quan hệ “lạnh lùng về chính trị nhưng nóng bỏng về kinh tế” giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thay đổi. Các chuỗi cung ứng quan trọng của Nhật Bản sẽ dần tách khỏi Trung Quốc, giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn và tách rời khỏi Trung Quốc về lâu dài.
Ông Li Shihui, Chủ tịch Viện Nhật Bản tại Đài Loan và là giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Chengchi, nói với The Epoch Times: “Các quy định lao động cũng như chính sách hoặc hệ thống trong nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiếu minh bạch nghiêm trọng, khiến các công ty Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề chính trị và khiến họ gặp các vấn đề và khó khăn trong hoạt động”.
Bà Wang Xiuwen, chuyên gia tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, đã chỉ ra một quy luật lịch sử quan trọng: “Khi các chính sách của chính phủ Nhật Bản xúc phạm lợi ích chính trị của ĐCSTQ, ĐCSTQ thường dùng đến việc khuấy động chủ nghĩa dân tộc ‘chống Nhật’ và nhắm mục tiêu vào các công ty Nhật Bản hay thường dân Nhật Bản ở Trung Quốc. Đã có một số bài học trong thập kỷ qua”.
Ông Li cũng nhấn mạnh rằng người Nhật nhận thấy ĐCSTQ đã không tuân thủ các quy định của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, đặc biệt là về quyền sở hữu trí tuệ. Về thương mại quốc tế, Nhật Bản tin rằng ĐCSTQ không phải là quốc gia tuân thủ luật lệ.
Bà Wang cho biết, ngoài những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài nhiều năm, môi trường kinh doanh của Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ.
“ĐCSTQ tùy tiện bắt giữ người nước ngoài [đặc biệt là người Nhật] với lý do vi phạm an ninh quốc gia hoặc Đạo luật chống gián điệp, khiến hầu hết các công ty và nhà sản xuất Nhật Bản cảm thấy rằng an toàn cá nhân của họ không được đảm bảo và họ phải sơ tán nhân viên Nhật Bản khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt”, bà Wang nói.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra, mặc dù Nhật Bản đứng về phía Mỹ nhưng mối quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc lại gần gũi hơn so mối quan hệ kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.
Ông Li nói: “Hướng đi hiện tại mà Nhật Bản và châu Âu đang nhắm tới có lẽ là tách rời trong dài hạn và giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn [từ Trung Quốc]”.
Ông nói: “Giảm rủi ro có nghĩa là chuyển dần một số chuỗi cung ứng quan trọng khỏi Trung Quốc, những đối tượng Nhật Bản coi là nhạy cảm”.
Bà Wang nói: “Chính sách của chính phủ Nhật Bản là đẩy nhanh việc sơ tán các nhà sản xuất Nhật Bản khỏi Trung Quốc”.
“Với việc có ít công ty Nhật Bản có thể bị ĐCSTQ bắt làm con tin hơn, chính phủ Nhật Bản có thể không còn khoan dung với ĐCSTQ nữa”.
Ông Li Shihui cho biết, trong ba mươi năm qua, Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều xung đột chính trị, bao gồm sách giáo khoa, đền Yasukuni, các vấn đề lịch sử, v.v., nhưng sự phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản tương đối mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa hai nước thường được mô tả là “lạnh lùng về chính trị nhưng nóng bỏng về kinh tế”.
Ông nói: “Trước đây, người ta tin rằng Trung Quốc và Nhật Bản thường xoa dịu xung đột chính trị thông qua tương tác kinh tế, nhưng giờ đây điều đó thật khó khăn”.
“Ở Nhật Bản hiện có một tư duy khác. Theo quan điểm hoặc cấu trúc an ninh kinh tế, chính trị và kinh tế không thể tách rời”.
Bảo Nguyên tổng hợp