Milton Ezrati
Những nỗ lực của Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản nhằm phá vỡ sự phụ thuộc của họ vào thương mại Trung Quốc dường như đang tiến triển.
Một loạt dữ liệu gần đây cho thấy một mức độ thành công dễ hiểu được của những nỗ lực từ Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Nhật Bản nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng khỏi Trung Quốc. Tầm quan trọng của thương mại Trung Quốc đối với mỗi từng thị trường trong số các khu vực trọng yếu này đã giảm đi đáng kể.
Để phán đoán một cách chuẩn xác, thì phải khẳng định rằng các số liệu có thể đã phóng đại mức độ thành công. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tái định vị sang các quốc gia thứ ba và chuyển tải hàng hóa bằng tàu của các quốc gia khác để tránh thuế quan cũng như các hạn chế khác mà các quốc gia giàu có kể trên áp đặt, và những hoạt động thương mại đó không được tính vào dữ liệu thương mại của Trung Quốc. Mặc dù cách làm như vậy có thể làm xáo trộn các bằng chứng thống kê, nhưng trên thực tế biện pháp đó có thể cũng không tạo ra được nhiều khác biệt vì mục đích của việc tách rời khỏi Trung Quốc — hay “giảm thiểu rủi ro”, như cách mà người dân Âu Châu muốn gọi quá trình này — là giảm bớt những tổn thương trước sự bắt nạt của Bắc Kinh, mà việc các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang các quốc gia thứ ba cũng khởi tác dụng y như vậy theo cách riêng.
Có lẽ thực tế nổi bật nhất trong hàng loạt dữ liệu gần đây là Trung Quốc đã mất đi danh hiệu nước xuất cảng lớn nhất sang Hoa Kỳ mà họ vẫn tự hào. Danh hiệu đó giờ đây thuộc về Mexico. Phần lớn kết quả này là do nhiều nỗ lực độc lập khác nhau của các bên nhập cảng Hoa Kỳ nhằm đa dạng hóa sản phẩm khỏi Trung Quốc. Những nỗ lực đó cũng đã nâng cao tầm quan trọng tương đối của các quốc gia khác. Nhập cảng điện thoại thông minh của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm khoảng 10% từ năm 2023 tính đến hết tháng 11/2023, khoảng thời gian gần đây nhất mà dữ liệu như vậy có sẵn, trong khi nhập cảng máy điện toán xách tay đã giảm 30%. Nhập cảng điện thoại thông minh từ cả Ấn Độ và Việt Nam đều đã tăng gấp bốn lần, dù là tăng từ một mức thấp.
Nhìn chung, dữ liệu của châu Âu còn chưa đầy đủ, nhưng Berlin cho hay khối lượng nhập cảng từ Trung Quốc của Đức đã giảm khoảng 13% trong năm qua. Các báo cáo sơ bộ cho thấy, mặc dù mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Đức đã phát triển trong một thời gian dài, nhưng Hoa Kỳ có thể đã vượt qua Trung Quốc với tư cách là một nước xuất cảng sang Đức. Ad
Nhật Bản và Nam Hàn cũng thể hiện sự rút lui khỏi Trung Quốc. Bằng chứng thống kê phản ánh bản chất phức tạp của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế này và Trung Quốc. Phần lớn thương mại giữa Trung Quốc, Nam Hàn, và Nhật Bản xoay quanh các hoạt động mà Nhật Bản và Nam Hàn thiết lập tại Trung Quốc. Nhật Bản và Nam Hàn xuất cảng các bộ phận, linh kiện, và vật tư cho các hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc và nhập cảng thành phẩm trở lại thị trường nội địa của họ. Dữ liệu về nhập cảng từ Trung Quốc có thể vẫn chưa có. Tuy nhiên, dữ liệu về xuất cảng của Nhật Bản và Nam Hàn sang Trung Quốc đã giảm, cho thấy hai quốc gia này đang giảm bớt sự chú trọng vào hoạt động tại Trung Quốc. Dữ liệu cũng cho thấy rằng vào cùng thời kỳ, xuất cảng của Nhật Bản và Nam Hàn sang Hoa Kỳ đã tăng lên và hiện đã vượt qua xuất cảng của họ sang Trung Quốc.
Các khu vực duy nhất mà thương mại của Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng là ở các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất cảng nguyên liệu thô và hàng nông sản. Vì vậy, thương mại của Brazil với Trung Quốc đã tăng mạnh. Xuất cảng từ Brazil sang Trung Quốc đã tăng trong năm ngoái lên mức cao hơn khoảng 60% so với mức trước đại dịch, trong khi nhập cảng của Brazil từ Trung Quốc đã tăng 50%, cả hai lĩnh vực này đều tăng từ một mức thấp.
Úc cũng đã chứng kiến thương mại với Trung Quốc tăng lên. Xuất cảng của Úc sang Trung Quốc đã tăng 17% trong năm 2023. Con số này có thể phóng đại tiềm năng trong tương lai, và thay vì cho thấy một tiềm năng lớn như vậy thì khối lượng hàng hóa này có thể chỉ đang phản ánh sự bắt kịp với mức độ thương mại cũ khi Bắc Kinh dỡ bỏ các mức thuế quan trừng phạt áp lên hàng nhập cảng của Úc từ năm 2020.
Nga cũng chứng kiến sự gia tăng thương mại với Trung Quốc, với xuất cảng chủ yếu là năng lượng và nhập cảng phần lớn là hàng tiêu dùng. Mối liên kết của Nga với Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục phát triển chừng nào phương Tây vẫn duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với thương mại của Nga được áp dụng sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow. Ad
Kết quả của những chuyển dịch này là sự thay đổi rõ rệt trong cấu trúc thương mại của Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan của Bắc Kinh, tỷ trọng thương mại của Trung Quốc — cả nhập cảng và xuất cảng — với Hoa Kỳ đã giảm 2.5 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2023. Tỷ trọng của Nhật Bản đã giảm gần 2%, và của Nam Hàn là khoảng 1.5%. Tỷ trọng của châu Âu đã giảm khoảng nửa điểm phần trăm. Ngược lại, tỷ trọng của Nga đã tăng 2%, trong khi tỷ trọng của Brazil và Úc mỗi quốc gia tăng nửa điểm phần trăm. Tỷ trọng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng khoảng 2.5%, nhưng con số này ít xuất phát từ nguyên nhân thay đổi thái độ hơn là do ASEAN đang có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Đây có thể chỉ là những thay đổi nhỏ, nhưng nhìn chung những con số như vậy thường cho thấy, đây là một bước chuyển đáng chú ý trong thời gian tương đối ngắn.
Bức tranh này, theo như những gì mà dữ liệu gợi ý, chắc chắn nói lên mức độ tách rời khỏi Trung Quốc đáng kể của một số nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Sự tách rời đó cũng không có khả năng đảo ngược sớm. Sự tách rời đó đã dồn tích trong nhiều năm. Sự tách rời đó đã bắt đầu từ Hoa Kỳ vào năm 2018 khi Tổng thống đương thời Donald Trump áp đặt các mức thuế quan cao đối với hàng Trung Quốc nhập cảng vào Hoa Kỳ. Ông đã tăng các mức thuế quan đó vào năm 2019.
Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên tất cả các mức thuế quan này và còn bổ sung các lệnh cấm bán vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn cao cấp cho Trung Quốc, cũng như cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào công nghệ Trung Quốc. Gần đây hơn, chính phủ Tổng thống Biden đã đề ra ý tưởng áp thuế 25% đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản đã cố gắng dẫn đầu một nỗ lực quốc tế về mua các mỏ đất hiếm để quyền sở hữu không rơi vào tay Trung Quốc. Brussels đã thực hiện các bước để áp đặt hình phạt đối với Trung Quốc vì khiến xe điện giá rẻ ngập tràn thị trường Âu Châu.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục, như họ đã từng hành động kể từ đợt thuế quan đầu tiên của ông Trump, né tránh những hạn chế như vậy bằng cách thiết lập hoạt động ở các quốc gia thứ ba, như Mexico và Việt Nam, hoặc chỉ đơn giản là bốc dỡ và chuyển tải hàng hóa Trung Quốc bằng tàu của các quốc gia khác. Những hành động này có thể giúp né tránh được thuế quan, mặc dù Hoa Thịnh Đốn đang tiến hành các bước để ngăn chặn cách làm đó. Các bước này chắc chắn sẽ làm xáo trộn những cách diễn giải dữ liệu có sẵn. Nhưng dù sao thì các bước đó cũng sẽ làm suy yếu sức mạnh của Bắc Kinh trong việc tác động đến dòng sản phẩm, mà suy cho cùng thì đây chính là mục tiêu của việc tách rời ngay từ đầu. Mô hình tách rời hoặc giảm thiểu rủi ro rõ ràng đang khởi sắc.
Thăng biên dịch