Ý nghĩ hai thế hệ

Đặng Duy Hưng

Cho đến đúng hơn 2 năm bên nhau, chia sẻ bao nụ hôn cùng vòng tay ấm áp yêu thương nàng mới mở rộng con tim tâm sự với Hùng:

“Ba em là người đàn ông phân biệt chủng tộc. Ông không phải là loại cuồng bạo như đám KKK thù hận dân thiểu số, đốt thánh giá treo ngược. Ông chỉ thuộc loại thiển cận con cóc nằm đáy giếng, không chấp nhận phải chia sẻ sống chung với sự tiến hóa thay đổi xã hội. Em không bao giờ oán trách ông bởi thời thế tạo ra những người như ông ấy. Không biết bản tính đó do ông cha dạy dỗ hay do sợ sệt mà ông tự khóa cứng bản thân mình trong khu phố sắc dân đa số da trắng theo Thiên Chúa giáo cùng giai cấp thượng lưu giàu có như ông. Tất cả con cái của ông đều vào học trường tư thục dòng tên đậm chất tôn giáo. Ông giải thích: ‘Ba  làm vậy để tụi con khỏi giao tiếp xúc với chủng tộc tôn giáo khác biệt dẫn đến sự lúng túng bối rối đặt nhiều câu hỏi về tín ngưỡng.’”

Nàng cầm tay Hùng: “Anh có biết những năm tiểu học nhìn chung quanh bạn bè đều có một khuôn mặt giống nhau; nói chuyện bàn thảo học hành không được ý kiến hay đặt câu hỏi về Thánh kinh.”

Hùng chia sẻ: “Giống như tụi anh sau 1975 đâu có dám phàn nàn hay công kích nhà nước mới. Ai cũng sợ bị ảnh hưởng đến cha mẹ có thể bị bắt vào tù bất cứ lúc nào! Nhất là ba anh đi cải tạo hơn 4 năm. Lúc thả về đủ thứ bệnh nếu bị bắt lại sợ chôn xác trong tù.”

Nàng thắc mắc: “Thế hệ ba mẹ anh ở Việt Nam có gì khác biệt với anh không!?”

Hùng tâm sự: “Người Mỹ đến Việt Nam thổi luồng gió tự do âm nhạc sách báo cho tuổi trẻ mới lớn. Tuy vậy tư tưởng cổ hủ phong kiến vẫn còn tồn tại dù 80 người Pháp đô hộ. Già trẻ hai thế hệ luôn bất đồng ý nghĩ nhưng giống như em suy nghĩ vậy nhưng nào dám cãi lại đấng sinh thành!”

Nàng gật đầu: “Đúng rồi! Thuở ấy tụi em học trong trường đồng tình luyến ái là tội lỗi sẽ bị đày xuống địa ngục. Nhưng sau này lên trung học ra ngoài đời gần gũi bạn bè mới nhiều hơn. Em bắt đầu hiểu mỗi chủng tộc màu da đều có kẻ tốt, xấu, gian hay thành thật. Những người hệ phái khác dân tộc nào cũng có ít hay nhiều! Đâu có phải lỗi của họ. Họ sanh ra đã là như vậy! Thật sự họ đâu có sự chọn lựa phải không anh?”

Hùng gật đầu: “Cũng như anh sau này không còn giữ cái oán hận từ cuộc chiến tranh anh em tương tàn. Anh may mắn có người cha ít tâm sự nỗi lòng của người thất trận bị đày đọa rừng sâu nước độc. Ông không dạy con cái hận thù vì lý do khác biệt niềm tin tư tưởng. Ông làm tất cả cho con cái có cơ hội ở tương lai. Ông để con cái tự phán xét quyết đoán chọn lựa cuộc đời của bản thân mình.”

Nàng hỏi thân tình: “Em cũng may mắn lớn lên tâm tư thay đổi nhiều khi va chạm vào cuộc sống. Mới đầu hơi sốc về sự khác biệt lối sống ăn uống của mỗi chủng tộc màu da văn hóa. Nhưng dần dần hiểu càng thấy thân tình gần gũi!”

Hùng cầm tay nàng: “Anh cũng như em khi chập chững đến định cư ở đây. Từ cách đối xử người với người về quan hệ tình yêu tình bạn. Phải tốn gần 3 năm mới gọi là đoán được cách giao tiếp hàng ngày.”

Nàng âu yếm: “Cho em hỏi anh một câu hỏi chân tình. Nếu bây giờ là thập niên 70 anh đang du học gặp em rồi chúng ta yêu nhau, anh nghĩ cơ hội tụi mình tiến tới hôn nhân được bao nhiêu phần trăm?”

Hùng nhìn thẳng vào khuôn mặt yêu kiều vầng tóc bạch kim: “Chắc chắn là rất thấp. Gia đình hai bên ba má anh và em chắc chắn sẽ không bao giờ chịu đi chung một con đường! Bên anh quá cổ hủ, nhà em quá đặt nặng về chủng tộc tôn giáo.”

Nàng đồng ý: “Anh có biết tại sao em yêu anh không? Là do bản tính thành thật, hiểu biết và chịu cân bằng trong thỏa hiệp.”

*****

Và mãi gần 15 năm sau, có một lần con gái hỏi nàng về ông ngoại. Người cha đã xóa tên nàng trong gia phả dòng họ một ngày trường trung học gửi thư thông báo đuổi học bởi nàng đặt quá nhiều câu hỏi không ai giải thích được từ thánh kinh. Dù đã bị cảnh cáo nhiều lần nhưng nàng cứng đầu tìm hiểu:  

“Tại sao 12 vị tông đồ theo chúa Jesus đều có tên tiếng anh như Peter, James, Simon… không phải Tarig, Hanna, Youseff, hay Abbulah…?”

Lần sau cuối, nàng gặp ba gần hai tuần trước. Và cũng là lần cuối cùng nàng cầm tay ông trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Ba xin lỗi con!”

Nàng ngồi nhìn đứa con gái vô tội chỉ một lần gặp ông ngoại giờ phút cuối:  

“Ông ngoại, ba và mẹ cũng như con sanh ra từ những thế hệ khác biệt. Mãi mãi ông là người cha tốt luôn muốn làm tròn trách nhiệm, bổn phận cha ông truyền dạy. Mẹ chỉ khác về lối giảng dạy dỗ về tôn giáo. Mẹ luôn trau dồi lý thuyết nhà Chúa Phật dạy dỗ con người sống thánh thiện yêu thương người như chính bản thân mình.”

Con gái ngây thơ:

“Nhưng ông ngoại đã đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ không giận sao?”

Nàng hôn vào trán con gái:

“Cũng nhờ vậy mẹ được về ở với ông bà ngoại. Họ tuy không giàu có nhưng luôn luôn để cho mẹ tự quyết định cuộc đời. Mẹ đi học trường công gần gũi, học hỏi mở mắt hiểu nhiều hơn về mọi khía cạnh cuộc đời.”

Nàng ngồi sát ôm con gái:

“Mẹ học sự tha thứ từ ông nội con qua lời tâm sự của ba. 

Thế giới thay đổi từng ngày người xấu tốt ở chủng tộc tôn giáo nào cũng có. Ông ngoại con sanh trong thế hệ gia cảnh đó nên phải như vậy không thể khác được. 

Hãy dung hòa lối sống mới đi chung với những gì đáng giữ của thế hệ cũ. Hãy nhìn ba con dù bao năm sống trên đất nước này. Ông vẫn giữ truyền thống ngày Tết Việt Nam. Bánh tét bánh chưng, dĩa củ kiệu rước ông bà ngày Tết. Nhưng ông không bao giờ bắt buộc con phải làm vậy. Giống như tuổi trẻ tụi con hôm nay chỉ thích nhắn tin qua điện thoại dù đang ngồi cạnh nhau. Nếu có thể mẹ khuyên con hãy cố gắng đàm thoại với nhau bằng tiếng nói yêu thương.”

Nàng cầm tay con gái đứng dậy: 

“Ba con chắc là sắp đi làm về. Tối nay nhà mình phải đưa ông Táo về trời.”

Con gái hỏi:

“ Có phải cúng hai ông một bà câu chuyện thần thoại về nhà bếp ba kể mấy năm trước?”

Nàng gật đầu:

“Hãy nhớ con nhé! Mỗi thế hệ con người có khá nhiều suy tư mới cũ. Hãy tôn trọng, đừng bài bác sự khác biệt của người khác con nhé!”

Ngoài kia tuyết rơi phủ cây hoa anh đào đang chuẩn bị chào đón xuân. 

Đặng Duy Hưng

Related posts