Nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho các nguồn silicon tại Trung Quốc đã đạt được động lực trong những tháng gần đây ở cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU). Mối lo ngại rộng rãi về các tác động nhân quyền và địa chính trị của việc kinh doanh với các nhà xuất cảng do chính quyền Trung Quốc kiểm soát đã gây ra phản ứng dữ dội và một chiến dịch đưa hoạt động sản xuất pin quang năng về quê nhà.
Khi nhà cầm quyền ở Bắc Kinh chính thức bị kết luận là đã phạm tội diệt chủng đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, bị phơi bày ra ánh sáng vì thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, và trước những lo ngại về việc đàn áp tự do ngôn luận, cưỡng ép kinh tế các quốc gia khác, quản lý kinh tế yếu kém ở quốc nội, gây sự ở Biển Đông, và có tham vọng xâm lược Đài Loan, thì dễ hiểu được là các nhà nhập cảng năng lượng ở các quốc gia phương Tây muốn có nhiều chuỗi cung ứng độc lập khỏi Trung Quốc hơn.
EU đang nỗ lực tìm những cách hạn chế sự phụ thuộc sâu rộng của họ đối với silicon nhập cảng từ Trung Quốc để sử dụng trong việc chế tạo pin quang năng, vốn là yếu tố chủ đạo trong tầm nhìn của EU về một tương lai năng lượng xanh. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây vẫn phải đối mặt với một bất lợi nghiêm trọng khi cạnh tranh với Trung Quốc — đó là chi phí năng lượng.
Ông Alexander Stevens, giám đốc chính sách và truyền thông tại Viện Nghiên cứu Năng lượng có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times, “Cần một nhiệt độ rất cao để sản xuất pin quang năng, để tạo ra đa tinh thể và silicon. Việc đó gần giống như quá trình chế tạo vi mạch bán dẫn. Quý vị cần nhiệt độ rất cao để tạo thành silicon trong quá trình này, và đó là đặc điểm mà Trung Quốc, với năng lượng rẻ, có thể giảm được chi phí. Họ có lợi thế kinh tế về quy mô.”
Do đó, lĩnh vực năng lượng của các quốc gia phương Tây đang đứng trước ngã ba đường, với một lượng năng lực sản xuất đáng kể trong nước bị triệt tiêu bởi các quy định gây tê liệt khiến cho thiếu khả năng cạnh tranh về năng lượng giá cả phải chăng. Chi phí năng lượng chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất pin quang năng.
Ông Stevens nói: “Tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực này rất chậm. Những đổi mới dễ dàng đã bị loại bỏ, và những cải tiến thực chất về công nghệ thì đang ngày càng khó đạt được hơn.”
Mặc dù việc khai thác và gia công silicon không khó nhưng Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc tạo ra nhiệt lượng cao một cách hiệu quả và chế tạo pin quang năng với giá rẻ. Ông Stevens cho biết, khai thác silicon ở châu Âu không phải là thách thức, nhưng năng lượng giá rẻ của Trung Quốc khiến việc cạnh tranh trên phương diện này trở nên khó khăn.
Được hưởng trợ cấp hậu hĩnh, các công ty khai thác mỏ, sản xuất, và xuất cảng trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc đã tận dụng năng lượng giá rẻ một cách khôn ngoan và hoạt động hầu như không tuân theo các quy định về môi trường vốn đã làm cản trở sự độc lập về năng lượng ở các quốc gia phương Tây. Các chuyên gia phân tích ngành năng lượng đã nói với The Epoch Times rằng những quy định đó quá cồng kềnh và thiếu cân nhắc đến mức khiến việc hiện thực hóa sự độc lập về năng lượng trong tương lai gần trở thành một nhiệm vụ khó khăn.
Ông Stevens lưu ý rằng tại Hoa Kỳ, việc tạo ra nhiệt công nghiệp để sản xuất pin quang năng silicon là một quá trình phụ thuộc nhiều vào than đá và khí đốt tự nhiên.
Nhưng để tái tạo lại thành công của Trung Quốc thì phải quay trở lại chủ đề khai thác bằng phương pháp thủy lực cắt phá (fracking) gây tranh cãi và đầy tính chính trị, mà các chính trị gia Hoa Kỳ như Thượng nghị sĩ John Fetterman (Dân Chủ-Pennsylvania) đã bàn tới bàn lui về việc này như một vấn đề chính trị.
Những bước tạm thời
Hôm 15/02, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết Hạ viện 7176 (H.R. 7176), Đạo luật Khai mở Tiềm năng LNG Nội địa của Chúng ta năm 2024, với số phiếu 224–200, mang lại niềm hy vọng cho những người ủng hộ độc lập về năng lượng.
Trong số các điều khoản khác, đạo luật này làm rõ một số ngôn ngữ trong Đạo luật Khí đốt Tự nhiên (15 USC 717b), đặt ra các tiêu chí sửa đổi để Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) phê chuẩn địa điểm, mở rộng, và vận hành cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). FERC sẽ cấp phép khi đáp ứng được các tiêu chuẩn hợp lý phục vụ lợi ích cộng đồng.
Đối với một số người, cuộc bỏ phiếu về H.R. 7176 là một chiến thắng cho ngành năng lượng Hoa Kỳ cũng như cho các nhà sản xuất và các nhà phân phối đang hy vọng sở hữu khả năng cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ ở Trung Quốc của họ.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ vài tuần sau khi bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ — ông Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), ông Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio), ông John Ossoff (Dân Chủ-Georgia), và ông Raphael Warnock (Dân Chủ-Georgia) — hôm 30/01 kêu gọi Tổng thống Joe Biden tăng thuế đối với các nguyên liệu nhập cảng từ Trung Quốc sử dụng trong sản xuất pin quang năng.
Bốn nhà lập pháp này đặc biệt xác định việc sản xuất pin quang năng là lĩnh vực mà các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho ngành công nghiệp nội địa của họ mang lại cho các công ty Trung Quốc lợi thế so với các nhà sản xuất và các nhà phân phối Hoa Kỳ. Họ lưu ý rằng vào năm 2023, giá sản xuất pin quang năng ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 0.15 USD mỗi watt. Mức giá này thấp hơn 60% so với chi phí tương đương ở Hoa Kỳ.
Các thượng nghị sĩ viết, “Đến năm 2026, Trung Quốc sẽ có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hàng năm trong 10 năm tới. Công suất này là mối đe dọa hiện hữu đối với ngành quang năng của Hoa Kỳ và an ninh năng lượng của người Mỹ.”
Đối với các công ty Mỹ đang tìm cách cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc, tâm lý ác cảm lan rộng đối với các nhiên liệu hóa thạch đang khiến tình hình vốn đã khó khăn nay lại càng trở nên tệ hại hơn.
Ông Stevens cho biết, thép được sử dụng để làm tháp đỡ cho tuabin gió và xi măng được sử dụng để xây đập thủy điện đòi hỏi các quy trình sử dụng nhiều carbon và khoảng 20% lượng than trên thế giới được dùng để sản xuất thép.
Ông nói thêm, “Tất cả những thứ đó đòi hỏi một loại quy trình công nghiệp nhiệt độ cao nào đó, thường được thực hiện với nhiên liệu cháy cơ bản, nhiên liệu hóa thạch của quý vị. Hạt nhân cũng có thể được sử dụng nhưng hiện tại chúng ta chưa sử dụng hạt nhân.”
Do đó ở thời điểm hiện tại, bất kỳ kế hoạch thực tế nào nhằm tăng cường sản xuất năng lượng trong nước và thoát khỏi cái bẫy phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc hiện nay đều gặp phải những trở ngại chính trị lớn.
Bộ trưởng tài chính của Ủy ban Âu Châu, bà Mairead McGuinness, hồi đầu tháng này đã ca ngợi những gì bà xem là tiến bộ đáng kể của EU trong việc khai triển quang năng. Bà nói thêm, quang năng chiếm 8% tổng năng lượng được sản xuất tại EU vào năm ngoái.
Bà McGuinness cho biết: “Nguồn cung của thị trường EU phụ thuộc nhiều vào nhập cảng, vì hơn 97% tấm pin quang năng khai triển ở châu Âu được nhập cảng, chủ yếu là từ Trung Quốc.”
Bà cùng các bộ trưởng Âu Châu khác và các nhà lãnh đạo ngành không hài lòng về một thỏa thuận thúc đẩy năng lượng xanh bằng cách làm giàu cho các công ty nhà nước ở một quốc gia có một trong những hồ sơ nhân quyền có vấn đề nhất trên hành tinh này. Nhưng trừ phi có sự thay đổi rõ rệt trong các quy định ở các quốc gia phương Tây, thì sự thống trị này sẽ không giảm bớt, các chuyên gia năng lượng cho biết.
Các quy định trở thành trợ lực cho Bắc Kinh
Ông Stevens nói với The Epoch Times rằng mục tiêu mới của EU là đưa khả năng sản xuất năng lượng mặt trời 30 GW (gigawatt) trở lại bên trong nội khối vào năm 2023, và sản xuất năng lượng độc lập phần lớn với Trung Quốc hoặc bất kỳ cường quốc ngoại quốc nào khác là không thực tế. Ông tin rằng, các công ty khai thác, nhà sản xuất, và nhà xuất cảng có trụ sở tại Trung Quốc khó có thể mất vị thế thống trị của họ nếu các khung pháp lý và quy định hiện hành vẫn có hiệu lực. Ad
Ông nói, “Đáng buồn là, tình huống đó sẽ thực sự khó khăn vì Trung Quốc là nước sản xuất silicon lớn nhất. Họ sản xuất 6 triệu tấn mỗi năm và cả thế giới chỉ sản xuất 8.8 triệu tấn.”
Ông Stevens cho biết, ngành công nghiệp silicon Trung Quốc được hưởng lợi từ quy định về môi trường lơi lỏng hơn và nguồn điện giá rẻ dồi dào. Ông nói, với nỗ lực có tổ chức, Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu có thể cạnh tranh hiệu quả hơn. Nhưng hiện tại, các mục tiêu về môi trường của họ đang cản trở việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Ông Stevens xem đây là một vấn đề đang cản trở các sáng kiến ở cả Mỹ và châu Âu.
Trong thập niên qua, sản lượng silicon của Hoa Kỳ tăng khá ổn định, đạt đỉnh vào năm 2018, sau đó bắt đầu giảm mạnh vào năm 2019. Sản lượng 265,000 tấn silicon của Hoa Kỳ vào năm 2022 đánh dấu một mức giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục 430,000 tấn vào năm 2018, ông Stevens lưu ý.
Trong khi có một số yếu tố hạn chế việc sản xuất năng lượng hiệu quả ở Mỹ, ông Stevens đã chỉ trích quy trình cấp phép mà có thể dễ dàng mất 10 năm hoặc lâu hơn từ khi phát hiện ra các mỏ trong lòng đất đến khi có một mỏ được cấp phép đầy đủ để đi vào hoạt động.
Ông Stevens cho biết: “Việc khai thác mỏ sẽ không thành công sớm trừ phi có những cải tổ đáng kể đối với quy trình cấp phép ở Hoa Kỳ.”
Ở nhiều khu vực, sự thận trọng vẫn tồn tại quanh việc bật đèn xanh cho các dự án khai thác mỏ. Đây là một trở ngại lâu dài đối với việc khai thác silicon theo tốc độ và cách thức có thể giúp các quốc gia phương Tây cạnh tranh hơn và ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Sau tất cả những lo ngại về mặt đạo đức và địa chính trị mà sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc gây ra, các quốc gia chỉ trích Bắc Kinh và nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ vẫn mãi không học được bài học này.
Ông Stevens nói: “Ở Na Uy, Pháp, và các quốc gia Âu Châu khác, họ cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Hầu hết, các quy định về môi trường và giá năng lượng cao đang cản trở họ sản xuất một cách kinh tế. Khai thác mỏ, hoặc bất kỳ hình thức phát triển và sản xuất nào ở châu Âu hiện nay chỉ đơn giản là không khả thi.”
“Vì vậy, nếu họ đang tìm kiếm một nơi nào khác ngoài Trung Quốc để có thể làm được điều này thì có lẽ điều đó sẽ không xảy ra.”
Ông Brent Bennett, giám đốc chính sách tại Life:Powered, một sáng kiến của Tổ chức Chính sách Công cộng Texas chuyên phân tích các vấn đề và thị trường năng lượng, đồng tình rằng thái độ không sẵn lòng tiến hành các bước để phát triển năng lực về năng lượng nội địa là phổ biến trên khắp châu Âu.
Ông Bennett nói với The Epoch Times, “Yếu tố khiến EU ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc là phát triển nguồn khí đốt tự nhiên của riêng mình. Họ chỉ chưa thực hiện nhiều cuộc thăm dò cho việc đó. Phần lớn, quý vị không thể khai thác bằng phương pháp thủy lực cắt phá ở châu Âu, các quy định nói rằng quý vị không thể làm điều đó.”
Nhật Thăng biên dịch