Kỳ họp Lưỡng Hội (Quốc hội và Mặt trận tổ quốc) kéo dài một tuần của Trung Quốc đã kết thúc vào hôm 11/3. Các nhà phân tích cho rằng, giờ đây, rõ ràng hơn bao giờ hết, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ đặt vấn đề sinh kế của người dân lên vị trí ưu tiên. Trước một nền kinh tế suy thoái liên tục, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng kích thích phục hồi kinh tế. Các động thái của Trung Nam Hải đã làm mất lòng dân.
Chuyên gia: Bắc Kinh không sẵn sàng dành nguồn lực để thúc đẩy người dân chi tiêu
Ông Jeremy Mark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ và là chuyên gia về kinh tế châu Á, nói rằng, cuộc họp kéo dài một tuần của Quốc hội Trung Quốc đã không tiết lộ cách thức các lãnh đạo của nước này sẽ lên kế hoạch ứng phó như thế nào với các vấn đề nổi cộm trong nước.
Những vấn đề này bao gồm: cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc, số nợ trị giá hàng nghìn tỷ USD của các chính quyền địa phương, mức tiêu dùng yếu, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt, sự mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, và xã hội đang già đi nhanh chóng.
Ông Mark chỉ ra, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng dành nguồn lực để thúc đẩy chi tiêu trong các hộ gia đình Trung Quốc, mà đây lại là một bước cần thiết để vực dậy nền kinh tế.
Chuyên gia này nói: “Nếu không có mức tiêu dùng cao hơn, những nỗ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế sẽ [chỉ] giống như việc không ngừng siết chặt dây thừng”.
Báo cáo: Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh không phải là giải quyết các vấn đề sinh kế của người dân
Trong báo cáo công tác chính phủ vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã lần đầu tiên đặt việc “thành lập hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại hóa” lên vị trí thứ nhất, đồng thời sử dụng thêm thuật ngữ mới là “lực lượng sản xuất chất lượng mới”; ở vị trí thứ hai là “thực hiện chuyên sâu chiến lược phục hưng đất nước thông qua khoa học và giáo dục”; còn việc “mở rộng nhu cầu trong nước” chỉ được xếp ở vị trí thứ ba.
Rất nhanh sau đó, Mao Đài Quý Châu (Kweichow Moutai), thương hiệu rượu nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã quảng cáo và thổi phồng rằng họ sẽ không ngừng bồi dưỡng “lực lượng sản xuất chất lượng mới” thông qua đổi mới công nghệ.
Phóng viên cấp cao của tờ Wall Street Journal Lingling Wei giải thích rằng, thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” mà chính quyền Trung Quốc đưa ra tại Lưỡng Hội là bình mới rượu cũ và chỉ là hô hào khẩu hiệu.
Bà Wei nói, sự thực đã chứng minh, khẩu hiệu này không có gì mới cả. Đó là một cách khác để người lãnh đạo hàng đầu truyền đạt tới các cấp chính quyền rằng cần tập trung vào việc xây dựng thực lực sản xuất chế tạo và công nghệ cao của Trung Quốc, điều mà họ coi là chìa khóa giúp Trung Quốc có khả năng vượt qua Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, mục tiêu trên lại không phải là điều mà người dân Trung Quốc mong muốn nhất. Phóng viên Lingling Wei nói rằng, đối với rất nhiều người dân Trung Quốc, việc Trung Quốc có vượt qua Hoa Kỳ hay không không quan trọng, điều quan trọng là họ đạt được thành công nhờ làm việc chăm chỉ và có chí tiến thủ – điều này giống với ‘Giấc mơ Mỹ’, đó là chăm chỉ làm việc, làm việc, làm việc.
Hôm thứ Hai (ngày 11/3), “Báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Thường niên năm 2024” do Văn phòng Giám đốc Tình báo Hoa Kỳ công bố đã nêu rõ, ưu tiên hàng đầu của người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là an ninh và sự ổn định của đảng này, thay vì giải quyết các vấn đề sinh kế của người dân trong nước, cũng như tập trung vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tình báo Mỹ: Bắc Kinh hiểu vấn đề nằm ở đâu, nhưng đang né tránh cải cách vì ông Tập
Mặt khác, các ngành công nghiệp mới được chính quyền Trung Quốc thúc đẩy hoàn toàn không thể hỗ trợ thị trường việc làm.
Một phân tích năm 2023 của Goldman Sachs cho thấy, 3 ngành công nghiệp chính được Đảng Cộng sản Trung Quốc ưu tiên – xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo – chỉ chiếm khoảng 3,5% GDP của Trung Quốc.
Quy mô của cả ba ngành công nghiệp lớn này còn lâu mới có thể thay thế được ngành bất động sản truyền thống. Trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, ngành bất động sản của Trung Quốc chiếm tới 1/4 nền kinh tế nước này.
Ngoài ra, ba ngành công nghiệp lớn này cũng chưa đủ lớn để tạo đủ cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động nhập cư và sinh viên tốt nghiệp đại học.
Báo cáo mới nhất của cộng đồng tình báo Mỹ cho biết: “Bắc Kinh hiểu vấn đề nằm ở đâu, nhưng họ đang né tránh cải cách, bởi vì như vậy sẽ là đi ngược lại với phương châm nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất chế tạo và đầu tư công nghiệp – điều đang được ông Tập ưu tiên cân nhắc”.
Báo cáo này chỉ ra rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng người lãnh đạo đảng vẫn duy trì các chính sách kinh tế theo dân tộc chủ nghĩa, hướng dòng vốn đến các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tiến hành hiện đại hóa quân đội.
Nhà bình luận: Bắc Kinh đang xa lánh chính người dân của mình
Nhà bình luận Shuli Ren của Bloomberg cho rằng, cuộc họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc là một màn trình diễn được kiểm soát chặt chẽ, nhưng không ngờ, hiện nay ngay cả cuộc họp báo của Thủ tướng cũng đã bị hủy bỏ.
Bà Ren nói: “Khi các mục tiêu kinh tế của chính phủ ngày càng xa rời thực tế và công chúng ngày càng có ít cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các chính trị gia hàng đầu, thì rõ ràng hơn bao giờ hết, Đảng Cộng sản [Trung Quốc] hiện đang xa lánh chính người dân của mình”.
Bà Ren đã dùng các thường thức để bác bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 mà Trung Quốc đặt ra. Bà cho rằng, nếu mức thâm hụt tài chính mà Bắc Kinh đề xuất cho năm 2024 giống hệt như năm 2023 thì làm sao Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như năm 2023 khi tình hình kinh tế đã xấu đi?
Nhà bình luận này viết: “Những con số này tự mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với thực tế”.
Ông Lý Cường tuyên bố tại Quốc hội rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 là “khoảng 5%”, tương đương với năm 2023. Nhưng điều khác biệt so với năm 2023 là, khi đó Bắc Kinh vừa bất ngờ chấm dứt toàn bộ chính sách phong tỏa Covid-19 và điều này đã thúc đẩy hoạt động kinh tế tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023, còn trong năm 2024 này sẽ không thể nào lại có cơn gió thuận chiều như vậy.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đã không còn tìm kiếm các biện pháp kích thích kinh tế “bazooka” của Bắc Kinh . Bởi vì họ nhận ra rằng những kế hoạch kích thích khổng lồ như vậy đã không thể tạo ra tác động tương tự đối với nền kinh tế Trung Quốc nữa. Trước đây, Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều vào tài sản cố định và hiện nay lợi nhuận trong mảng này đang giảm dần, đồng thời Trung Quốc đã tích lũy quá nhiều nợ trong quá trình này và hiện nó đang cắn trả nền kinh tế.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đông Phương biên dịch