Ngày 13/3 Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Dự luật trí tuệ nhân tạo (EU AI Act) để quản lý công nghệ mới này, bảo vệ cộng đồng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây được cho là cột mốc quan trọng đầu tiên trên thế giới hướng đến chuẩn mực hóa trong hoạt động công nghệ AI.
Các thành viên Nghị viện châu Âu tại Strasbourg hôm qua (13/3) đã bỏ phiếu về Dự luật AI, kết quả là 523 phiếu thuận và 46 phiếu phản đối, giúp dự luật được thông qua và mở đường cho dự luật chính thức có hiệu lực. Sau đó, 27 nước EU dự kiến sẽ phê duyệt chính thức vào tháng 4, các quy định cuối cùng sẽ được công bố trên Công báo EU (OJEU) vào tháng 5 hoặc tháng 6, sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ khi trở thành luật chính thức.
Dự luật AI nhằm mục đích quy phạm hóa toàn diện hoạt động AI, bảo vệ quyền lợi các bên liên quan và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc dự luận này được thông qua trở thành luật là cột mốc quan trọng đầu tiên trên thế giới hướng đến chuẩn mực hóa trong hoạt động công nghệ AI.
Luật này quy phạm hóa việc các công ty và tổ chức sử dụng AI, chủ yếu quy định hai khía cạnh chính: một là cấm một số công nghệ sinh ra bởi AI mà được coi là “không chấp nhận được”, chẳng hạn như cấm hệ thống đánh giá xã hội được điều khiển bởi AI; khía cạnh khác là bảo vệ nghiêm ngặt đối với các ứng dụng được xem là “rủi ro cao”, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và tiếp nhận dịch vụ từ chính phủ, cần phải đánh dấu rõ văn bản, hình ảnh và video được tạo ra bởi AI.
Ủy ban châu Âu đã đệ trình Dự luật AI vào tháng 4/2021.
Như đã biết, cuối năm 2022 OpenAI được gã khổng lồ viễn thông Mỹ Microsoft hỗ trợ đã ra mắt ChatGPT – công nghệ AI có khả năng viết đoạn văn hoặc dịch văn bản trong vài giây. Tiềm năng to lớn về công nghệ AI này đã thúc đẩy cạnh tranh gay gắt trong nghiên cứu và phát triển giữa các công ty lớn trên thế giới. Nhưng công nghệ AI cũng tiềm ẩn một số rủi ro như tạo ra hình ảnh và video giả mạo hoặc không phải sự thật.
Một trong những người soạn thảo dự luật quản lý AI được EU đưa ra lần này là Nghị sĩ Tudorache cho biết, công tác quy phạm hóa đối với hoạt động AI này chỉ là bước khởi đầu, vì AI vẫn đang phát triển nhanh chóng.
Theo RFI
Mỹ trình dự thảo đầu tiên về AI ra LHQ
Bản dự thảo do Mỹ trình lên Đại hội đồng LHQ hướng đến thu hẹp khoảng cách số giữa các nước, bảo đảm tất cả các bên đều có vị thế bình đẳng trong thảo luận về AI cũng như có được công nghệ và tiềm lực để tận dụng lợi ích mà AI đem lại, trong đó có khám chữa bệnh, dự báo lũ lụt và huấn luyện nhân công lao động thế hệ mới.
Trao đổi với hãng tin AP ngày 12/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ hướng đến Đại hội đồng LHQ là vì muốn có một bước thảo luận thực chất tầm toàn cầu về cách thức quản lý tác động của công nghệ AI vốn đang biến đổi rất nhanh.
Dự thảo nghị quyết sẽ cho thấy toàn cầu ủng hộ bộ nguyên tắc cơ bản về phát triển và sử dụng AI, đưa ra con đường để phát huy tác dụng tích cực của các hệ thống AI đồng thời quản trị nguy cơ từ AI.
Theo ông Jake Sullivan, nếu được thông qua, nghị quyết sẽ là bước tiến lịch sử nhằm phát triển AI an toàn, an ninh và tin cậy trên toàn thế giới.
Mỹ bắt đầu khởi động đàm phán với 193 quốc gia thành viên LHQ từ ba tháng trước đây, với hàng trăm giờ đàm phán riêng và trực tiếp với các nước, nhận được phản hồi, đóng góp từ 120 nước. Dự thảo đã được chỉnh sửa nhiều lần và nhận ủng hộ đồng thuận của tất cả các nước thành viên trong tuần này. Dự thảo sẽ sớm được xem xét thông qua vào cuối tháng 3.
Khác với Nghị quyết của Hội đồng bảo an, Nghị quyết Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng là một thông số quan trọng thể hiện quan điểm của thế giới.
Phan Anh