Mary Hong
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) CCTV đưa tin, Trung Quốc sẽ đóng cửa hàng chục sàn giao dịch tài sản tài chính trên toàn quốc trong nỗ lực chống lại rủi ro tài chính và các hoạt động gây quỹ bất hợp pháp do “các sàn giao dịch tài chính giả” gây ra. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân thực sự của việc đóng cửa là do tình trạng mất khả năng thanh toán sau nhiều năm hoạt động tồi tệ.
Hôm 25/03, các cơ quan quản lý tài chính ở Hồ Nam, Liêu Ninh, Tây An, và Trùng Khánh đã tuyên bố đóng cửa các sàn giao dịch tài sản tài chính địa phương, gọi những nơi này là “các sàn giao dịch tài chính giả” gây rủi ro cho thị trường tài chính.
Theo hãng truyền Trung Quốc Tài Tân (Caixin), việc đóng cửa bốn sàn giao dịch này đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc trấn áp toàn quốc đối với các sàn giao dịch tài sản tài chính đã “tạo thuận lợi cho hoạt động tài chính bất hợp pháp,” một người thân cận với cơ quan quản lý cho biết.
Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư kinh doanh tại Đại học South Carolina Aiken, nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ rằng việc thiếu thanh khoản giao dịch trong thời kỳ kinh tế suy thoái là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đóng cửa.
Ông Điền cho biết: “Khách hàng cũng thiếu tự tin do có nhiều vụ lừa đảo liên quan đến trái phiếu và sản phẩm tài chính của các sàn giao dịch tài sản tài chính này cũng như sự phổ biến của giao dịch nội gián trong các giao dịch.”
Ông tin rằng việc đóng cửa trở thành lựa chọn duy nhất khi giao dịch trên thị trường bị giao dịch nội gián lấn át, kinh tế suy thoái, và các thị trường chứng khoán và nhà ở sụp đổ.
Nhà kinh tế độc lập Củng Thắng Lợi (Gong Shengli) cho rằng các sàn giao dịch tài sản tài chính là nền tảng tài chính cho chính quyền địa phương. Ông nói, “Quý vị có thể làm gì khác ngoài việc đóng cửa những sàn giao dịch này khi chúng không còn có thể cung cấp các khoản cho vay nữa?”
Một quan chức cấp cao trong lĩnh vực địa ốc Trung Quốc muốn ẩn danh nói với The Epoch Times rằng các hoạt động bất hợp pháp trên các sàn giao dịch tài sản tài chính địa phương đang gia tăng, đặt ra thách thức cho sự giám sát của chính quyền trung ương. Ông cho biết, “Quyết định đóng cửa tất cả các tổ chức không phải do chính quyền trung ương trực tiếp thành lập phản ánh một cuộc chơi quyền lực phức tạp giữa các chính quyền địa phương và chính quyền trung ương.” Ad
Nhà kinh tế học sống tại Hoa Kỳ Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) giải thích rằng trong những năm qua, các sàn giao dịch tài sản tài chính này đã chuyển đổi một cách hiệu quả thành công cụ kiếm lời cho các doanh nghiệp liên quan. Ông nhận định, “Họ được ủy quyền phát hành trái phiếu thay mặt cho các tập đoàn, nhưng không có sự giám sát nào cả.”
Tài Tân đưa tin cho biết, sau khi được khởi xướng bởi các doanh nghiệp nhà nước, các sàn giao dịch này đã phát triển thành “nền tảng phổ biến để giao dịch các tài sản tài chính phi tiêu chuẩn như tài sản tài chính khó khăn, trái phiếu phát hành riêng lẻ, kế hoạch tài trợ có mục tiêu và các khoản trả trước cho người bán” và đóng vai trò là “kênh tài trợ quan trọng cho các tập đoàn mắc nợ như China Evergrande Group, Zhongzhi Enterprise Group, và Tomorrow Holding.”
Ông Lý cho rằng cuộc đàn áp hiện nay của chính quyền đối với các sàn giao dịch này cho thấy họ ít quan tâm đến số tiền mà người dân bình thường đã mất; đúng hơn, cuộc đàn áp này là về việc bảo tồn quyền lực chính trị.
Ông Lý cho rằng, “Đó là vấn đề chọn cái ít xấu hơn trong hai cái xấu. vì họ không thể quản lý được một cách hữu hiệu, nên việc nhắm mắt làm ngơ có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho sự ổn định của toàn bộ chế độ này.”
Theo bản tin của Tài Tân, kể từ khi Trung Quốc thành lập các sàn giao dịch tài sản tài chính địa phương đầu tiên ở Thiên Tân và Bắc Kinh vào năm 2010, số lượng các tổ chức như vậy đã mở rộng nhanh chóng, đạt đỉnh điểm là 80.
Sau đó, nhiều doanh nghiệp và công ty quản lý tài sản thuộc bên thứ ba được cho là đã tham gia vào các sản phẩm tài chính bất hợp pháp và cuối cùng đã sụp đổ.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Lý Vân, và Lạc Á
Vân Du biên dịch