Hoa Kỳ trừng phạt 6 tổ chức Trung Quốc liên quan đến các chương trình khí cầu do thám

Hoa Kỳ trừng phạt 6 tổ chức Trung Quốc liên quan đến các chương trình khí cầu do thám
Các thủy thủ được điều động đến Nhóm Giải quyết Vật liệu nổ 2 trục vớt một khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc nghi là do thám đã bị Hoa Kỳ bắn rơi vào cuối tuần qua trên vùng lãnh hải của Hoa Kỳ ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, South Carolina, hôm 05/02/2023. (Ảnh: Lực lượng Hạm đội Hoa Kỳ/Hải quân Hoa Kỳ/Phát hành qua Reuters)

Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen sáu tổ chức Trung Quốc mà nước này phát hiện đã trợ giúp các chương trình khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh sau khi một khinh khí cầu như vậy bay trên bầu trời Hoa Kỳ trong một tuần để thu thập thông tin tình báo.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 10/02, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định năm công ty và một viện nghiên cứu có liên quan đến nỗ lực trợ giúp “các chương trình hàng không vũ trụ trong đó có khí cầu và khinh khí cầu cũng như các vật liệu và linh kiện liên quan” cho quân đội Trung Quốc, lực lượng được biết đến với tên gọi là Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).

Biện pháp này sẽ hạn chế các công ty Hoa Kỳ bán các sản phẩm và công nghệ cho các công ty và viện nghiên cứu này mà không xin phép chính phủ từ trước.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Don Graves cho biết: “Bộ Thương mại sẽ không ngần ngại tiếp tục sử dụng Danh sách Tổ chức (Entity List) cũng như các công cụ thực thi và quản lý khác của chúng tôi để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.” Ông mô tả danh sách tổ chức là “một công cụ mạnh mẽ để xác định và loại bỏ các tác nhân tìm cách sử dụng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của họ để gây hại và đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.”

Ông Don Graves, Thứ trưởng Bộ Thương mại, trình bày trên sân khấu trong chương trình Paramount On The Vineyard tại Bảo tàng Martha’s Vineyard ở Vineyard Haven, Massachusetts, hôm 17/08/2022. (Ảnh: Adam Glanzman/Getty Images for Paramount)

Cảnh tượng một khinh khí cầu tầm cao xâm phạm không phận Hoa Kỳ hai lần và ngang nhiên bay ngang qua đất nước trong một tuần đã gây phẫn nộ ở Hoa Thịnh Đốn và và làm gia tăng sự chú ý đến mối đe dọa mà chính quyền Trung Quốc đặt ra cho Hoa Kỳ và các đồng minh.

Kể từ khi bắn hạ khinh khí cầu này hôm 04/02, các quan chức đã tiết lộ rằng đây là một chương trình do thám trải dài trên 40 quốc gia trên khắp năm châu lục. Phát hiện mới nhất từ việc thu hồi mảnh vỡ bao gồm khả năng thu thập thông tin liên lạc điện tử của khinh khí cầu. Hôm 10/02, chính phủ Hoa Kỳ cho biết một phản lực cơ của quân đội Mỹ đã bắn hạ một “vật thể tầm cao” khác không rõ nguồn gốc đang bay qua Alaska ở độ cao 40,000 feet (khoảng 12,190 mét).

Sáu công ty nói trên bao gồm Công ty Công nghệ Hàng không Vũ trụ Nam Giang Bắc Kinh (Beijing Nanjiang Aerospace Technology); Sở nghiên cứu 48 thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation, CETC); Công ty Công nghệ Viễn thám Đông Hoàn Lăng Không (Dongguan Lingkong Remote Sensing Technology); Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Ưng Môn (Eagles Men Aviation Science and Technology Group) cùng chi nhánh Sơn Tây của tập đoàn này; cũng như Công ty Công nghệ Hàng không Quảng Châu Thiên Hải Tường (Guangzhou Tian-Hai-Xiang Aviation Technology).

Trong bức ảnh do Chad Fish cung cấp này, những gì còn sót lại của một khinh khí cầu lớn đang rơi xuống Đại Tây Dương, ngay ngoài khơi bờ biển South Carolina, cùng với một chiếc chiến đấu cơ và đường bay của nó được nhìn thấy bên dưới khí cầu, hôm 04/02/2023. (Ảnh: Chad Fish qua AP/Hồ sơ lưu trữ)

Công ty Công nghệ Hàng không Vũ trụ Nam Giang Bắc Kinh là một đơn vị của nhà phát triển Deluxe Family có trụ sở tại Thượng Hải. Năm 2015 Deluxe Family ký hợp đồng với Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh của chính quyền, dùng 480 triệu nhân dân tệ (70.5 triệu USD) để chế tạo khí cầu cận vũ trụ (near-space, vùng gần với vũ trụ nhất, hay còn gọi là ngoại quyển). Một công ty môi giới nhà nước vào thời điểm đó đã ca ngợi đây là một “ví dụ điển hình về sự kết hợp sâu sắc giữa dân sự và quân sự” — chiến lược quốc gia hiếu chiến của nhà cầm quyền, buộc các công ty dân sự Trung Quốc ủng hộ các mục tiêu quân sự của họ — và bày tỏ sự lạc quan vào “tiềm năng rộng rãi cho ứng dụng quân sự trong tương lai” của dự án này. Sự hợp tác này đã mang lại khí cầu quân sự-dân sự đầu tiên của quốc gia mang tên “Viên Mộng” (Yuanmeng), đại khái có nghĩa là “giấc mơ trở thành sự thực” hồi tháng Mười năm đó.

Tọa lạc tại Bắc Kinh, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Ưng Môn chuyên chế tạo phi cơ tàng hình, thiết bị mô phỏng huấn luyện thực tế ảo, và phi cơ không người lái. Công ty này đã tham gia vào khoảng hơn một chục dự án quân sự và hàng không vũ trụ của nhà nước Trung Quốc. Theo trang web của công ty, các sản phẩm của họ đã góp phần bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương năm 2014 được tổ chức tại Trung Quốc, cũng như cuộc duyệt binh hoành tráng đánh dấu kỷ niệm 70 năm giành chiến thắng chiến tranh Trung-Nhật vào năm 2015.

Do một cựu binh Trung Quốc từng phục vụ trong đơn vị pháo phòng không thành lập, Công ty Công nghệ Hàng không Quảng Châu Thiên Hải Tường chuyên sản xuất các xe thiết giáp trinh sát và phi cơ cho cả mục đích dân sự và quân sự. Công ty này đã tham gia một cuộc tập trận hải quân theo lời mời của lực lượng cảnh sát vũ trang, khai triển phi cơ quân sự không người lái để hỗ trợ hải cảnh xác định vị trí và bắt giữ các tàu mục tiêu, trang web của công ty này cho biết.

Về phần Công ty Công nghệ Viễn thám Đông Hoàn Lăng Không có liên kết với Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, thông tin đăng ký công khai của họ cho thấy công ty này đang phát triển khí cầu tầng bình lưu.

Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Nguyễn Lê biên dịch

Related posts