Nguồn tin: Tội chống Tập Cận Bình còn nặng hơn tội chống Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ninh Hải ChungLạc Á

Nguồn tin: Tội chống Tập Cận Bình còn nặng hơn tội chống Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình ở Paris vào ngày 6/5/2024, trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Pháp. (MOHAMMED BADRA/POOL/AFP via Getty Images)

Vì đăng video nhắm vào ông Tập Cận Bình, một nhà bất đồng chính kiến người Hoa ở Úc đã trở thành mục tiêu bị săn lùng của đặc vụ Trung Quốc. Người này tiết lộ, theo quan điểm của chính quyền Bắc Kinh, hiện nay vấn đề chống Tập còn nghiêm trọng hơn chống Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hôm 13/5, chuyên mục báo chí điều tra Four Corners (tạm dịch: Tứ Phương) thuộc trang ABC News của Úc đã công bố video phỏng vấn một cựu cảnh sát mật Trung Quốc – người chạy tới Úc vào năm ngoái. Người này lấy bí danh là Eric và cho hay, từng công tác tại Cục Bảo vệ An ninh Chính trị (Cục 1) thuộc Bộ Công an Trung Quốc từ năm 2008 đến 2023.

Cơ quan an ninh Trung Quốc chuyên săn lùng người bất đồng chính kiến trên toàn cầu

Trước năm 2020, Cục Bảo vệ An ninh Chính trị của Bộ Công an Trung Quốc được gọi là Cục Bảo vệ An ninh Nội địa. Cục này chuyên đàn áp những người chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là lãnh đạo đảng Tập Cận Bình, trên phạm vi toàn cầu. Ông Eric cho biết đây là “cơ quan đen tối nhất” trong chính quyền Trung Quốc và nhân viên của cơ quan này có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với những người phản đối ĐCSTQ.

Theo bài phỏng vấn trên, ông Eric đã tiết lộ những việc làm trong quá khứ của mình cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO).

Ông Eric cho biết, nhiệm vụ của ông là săn lùng những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ ​​​​trên phạm vi toàn cầu. Ông này thường phải ngụy trang danh tính của mình, chẳng hạn như từng là một giám đốc điều hành của một công ty bất động sản, hoặc một người đấu tranh cho tự do chống lại ĐCSTQ, v.v.

Ông Eric dùng những danh tính giả này để dụ những người bất đồng chính kiến người Hoa ​​​​đến những nơi mà họ có thể bị bắt như Trung Quốc, hoặc là các nước khác như Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Canada, Úc và sau đó đưa họ về Trung Quốc.

Ông Eric nêu một ví dụ, vào năm 2018, ông từng được yêu cầu dụ ông Edwin Yin (Yin Ke hay Doãn Khoa) đi từ Úc đến Đông Nam Á nhằm bắt giữ người này.

Các nhân viên an ninh Trung Quốc đứng sau cánh cửa kính bên ngoài Hội trường Tây Tạng ở Đại lễ đường Nhân dân trong thời gian diễn ra cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 6/3/2024. (GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Người Hoa ở Úc bị đặc vụ Trung Quốc tấn công

Ông Edwin Yin là một người nổi tiếng trên mạng vì phản đối ĐCSTQ, có tên tài khoản là “Jiang Wang Zheng”. Một số video của ông Yin nhắm vào ông Tập Cận Bình và con gái của ông Tập.

Ông Yin từng làm trợ lý cho Phó giám đốc kinh doanh bán lẻ của Ngân hàng Bình An Chi nhánh Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và hiện đang sống ở Úc.

Vào năm 2023, Cảnh sát Liên bang Úc đã phát hiện ra một hoạt động của đặc vụ Trung Quốc nhắm vào cư dân Úc ở Sydney. Một trong những người bị nhắm đến là ông Edwin Yin.

Năm 2021, ông Edwin Yin bị tấn công ở Melbourne và bị gãy xương mũi. Ông Yin cho biết, hai người đàn ông tấn công ông và một người đàn ông khác chịu trách nhiệm quay phim là đặc vụ của ĐCSTQ.

Hôm 13/5 vừa rồi, ông Edwin Yin đã xác nhận vụ tấn công kể trên với tờ The Epoch Times.

Ông Yin cho hay, ông đã biết được tin người này (ông Eric) đào thoát từ hồi tháng 9, tháng 10 năm 2023 vì người này phụ trách vụ án của ông. “Vụ án của tôi được họ gọi là vụ án 416 (vì ngày 16/4 là ngày sinh nhật của ông Edwin Yin). Có lẽ [người này] là trưởng nhóm thực thi vụ án 416 ở Úc”. Nhưng ông Yin cho biết ông chưa từng gặp cảnh sát mật này.

Ông Yin trước đó tiết lộ rằng, cậu của ông là ông Diêu Tác Thinh (Yao Zuoting, đã qua đời) từng là Phó giám đốc thứ nhất Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Chiết Giang. Vậy nên ông Yin có mối quan hệ với nhiều thư ký thân cận của các quan chức trong “bang Chiết Giang” (những người thuộc “phe Tập Cận Bình”).

Xử lý ‘3 vụ án lớn’ liên quan đến ông Tập Cận Bình

Ông Edwin Yin nói, sau khi lên làm Bộ trưởng Công an Trung Quốc, ông Vương Tiểu Hồng đã đôn thúc xử lý 3 vụ án lớn có liên quan đến ông Tập. Một là vụ bức tượng châm biếm ông Tập Cận Bình tại Công viên Điêu khắc Tự do ở Mỹ, hai là vụ của Ngưu Đằng Vũ (Niu Tengyu), ba là vụ của ông Yin.

Vào tháng 11/2020, nhà điêu khắc người Hoa, ông Trần Duy Minh (Chen Weiming), đã tham gia tạo dựng tác phẩm điêu khắc cỡ lớn mang tên “Virus ĐCSTQ”, sử dụng vật liệu sợi thuỷ tinh kết hợp với cốt thép để tạo thành phần đầu của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình với khoảng 30 gốc Coronavirus được gắn lên.

Tác phẩm điêu khắc này được đặt tại Công viên Điêu khắc Tự do ở phía nam của tiểu bang California, Hoa Kỳ vào ngày 4/6/2021 và sau đó bị đốt cháy vào ngày 23/7 cùng năm. Một tác phẩm điêu khắc tương tự đã được làm lại và ra mắt vào ngày 5/6/2022.

Ngày 5/6/2022, Công viên Điêu khắc Tự do ở tiểu bang California, Mỹ đã tổ chức lễ giới thiệu tượng “Virus ĐCSTQ II” sau khi bức tượng đầu tiên bị đốt cháy. (Xu Manyuan/The Epoch Times)

Năm 2019, nam thanh niên Ngưu Đằng Vũ, khi đó 20 tuổi, đã bị chính quyền Trung Quốc cáo buộc là chủ mưu trong vụ làm rò rỉ thông tin con gái của ông Tập Cận Bình là cô Tập Minh Trạch, và sau đó bị kết án 14 năm tù. Anh Ngưu Đằng Vũ đã bị tra tấn trong quá trình thẩm vấn và giam giữ.

Ông Edwin Yin cho rằng, hiện nay tội chống Tập Cận Bình còn nặng hơn tội chống ĐCSTQ. “Rất nhiều người trong hệ thống, bao gồm cả [những người trong] ‘bang Chiết Giang’ và ‘bang Phúc Kiến’, đều nói với tôi rằng anh có thể phản đối ĐCSTQ nhưng không thể phản đối Tập Cận Bình, anh có thể sỉ nhục ĐCSTQ nhưng không thể sỉ nhục Tập Cận Bình”.

‘Bang Chiết Giang’ và ‘bang Phúc Kiến’ là tên gọi chung của nhóm các quan chức ở hai tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến thuộc phe của ông Tập Cận Bình. Ông Tập từng là người đứng đầu hai tỉnh này trước khi lên làm lãnh đạo ĐCSTQ.

Ông Yin nói rằng, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu ông xóa tất cả những video có nội dung nhắm vào Tập Cận Bình, đồng thời yêu cầu ông không công bố bất cứ tin gì có liên quan đến người nhà của các quan chức cấp cao khác như ông Thái Kỳ – Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ (tương đương với Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương), một trong những thân tín của ông Tập Cận Bình.

Ông Trần Tư Minh (Chen Siming), một nhà bất đồng chính kiến ​​sống lưu vong ở Canada, cũng từng nói với The Epoch Times vào ngày 2/1 năm nay rằng, việc chỉ trích ông Tập dễ đụng chạm đến chính quyền Trung Quốc hơn là chỉ trích ĐCSTQ: “Vài năm trước khi ở trong nước [Trung Quốc], tôi có chỉ trích ĐCSTQ hay các quan chức trong chính quyền thì cũng không thành vấn đề, nhưng nếu tôi chỉ trích Tập Cận Bình, công an sẽ có phản ứng mạnh ngay lập tức. Họ sẽ ngay lập tức đến tìm gặp tôi”.

Trong những năm gần đây, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thường xuyên trở thành mục tiêu bị châm biếm, chế giễu và chỉ trích của công chúng ở cả trong và ngoài Trung Quốc, và chính quyền Trung Quốc cũng tiến hành truy lùng những người chỉ trích này.

‘Bánh kem sữa’ và ‘gấu Winnie the Pooh’ cũng bị kiểm duyệt vì gây liên tưởng đến ông Tập

The Epoch Times năm ngoái đưa tin, Youtuber @FragileItemsChronicle đến từ Hong Kong đã phải xin tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ vào năm 16 tuổi chỉ vì đăng video làm bánh kem sữa. Youtuber này bắt đầu làm video về bánh kem sữa khi khoảng 14 tuổi, tới năm 15 tuổi thì bị cảnh sát an ninh quốc gia của Hong Kong bắt đi điều tra vì quay video về loại bánh này.

Vào ngày 28/12/2013, ông Tập từng đến thăm cửa hàng Bánh bao Khánh Phong ở Bắc Kinh nên cư dân mạng đã đặt biệt danh cho ông này là “Tập bánh bao”. Trong tiếng Trung, “bánh kem sữa” được gọi là “nhũ bao”, có cùng cách đọc “ru bao” với từ “nhục bao” (nghĩa là sỉ nhục bánh bao).

Ngoài ra, trong lễ Halloween năm ngoái, những người trẻ tuổi ở Thượng Hải đã mặc đồ hóa trang thành gấu Pooh trong phim hoạt hình “Winnie the Pooh” “Hoàng đế Tập”. Về sau, những người này đã bị chính quyền Trung Quốc xử lý.

Một người biểu tình hóa trang thành gấu Pooh (Winnie the Pooh) mặc trang phục của hoàng đế để chế nhạo ông Tập Cận Bình. (Ling Xiao/ The Epoch Times)

Vào khoảng giữa tháng 7/2017, chính quyền Bắc Kinh đã cấm tất cả các bức ảnh của Winnie the Pooh xuất hiện trên bất kỳ trang mạng xã hội nào ở Trung Quốc mà không đưa ra lời giải thích nào.

Giới quan sát cho rằng, có thể là do ngoại hình mới nhất khi đó của gấu Winnie và hổ Tigger giống với tư thế đi bộ của ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một bức ảnh được chụp vào năm 2013.

Từ đó trở đi, hình ảnh gấu Pooh thường xuyên được dùng để chế giễu ông Tập.

Người Trung Quốc ở nước ngoài chỉ trích ông Tập, người nhà ở trong nước ‘bị hỏi thăm’

Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin vào tháng 3 năm ngoái rằng, một người Hoa ở Mỹ tên là “Ning Ning” đã bất ngờ nhận được cuộc gọi của gia đình ở Trung Quốc trước khi anh này đi ngủ.

Cha của anh ở Trung Quốc đã yêu cầu anh xác nhận xem, liệu một trong những kiến ​​nghị ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến ​​​​Trung Quốc trên trang web kiến ​​nghị Change.org của Hoa Kỳ có phải do anh khởi xướng hay không, và yêu cầu anh nghĩ cách xóa hoặc sửa đổi kiến ​​nghị đó đi.

Anh “Ning Ning” cho biết, Cục Bảo vệ An ninh Chính trị từng tuyên bố rằng vì nội dung trong kiến nghị kia có những từ ngữ chỉ trích ông Tập Cận Bình nên động thái này bị coi là “sự cố lớn về an ninh quốc gia”.

Nguồn tin: Bắc Kinh lập riêng một đội để bảo vệ hình ảnh của ông Tập

Đầu năm nay, một nguồn tin giấu tên đã tiết lộ với The Epoch Times rằng Bắc Kinh có một đội đặc biệt để bảo vệ hình ảnh của ông Tập Cận Bình.

Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), người từng hành nghề luật sư tại Bắc Kinh và hiện là một nhà bình luận thời sự ở Canada, nói với The Epoch Times vào ngày 3/1 năm nay rằng việc chế nhạo ông Tập đã trở thành một chuyện phổ biến ở trong và ngoài Trung Quốc, tới mức ông này phải dùng ‘biện pháp mạnh’ để bảo vệ hình ảnh của mình; điều đó cho thấy ông ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cầm quyền chưa từng có.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch và tổng hợp

Related posts