Gần đây, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) ở Trung Quốc Đại Lục vẫn tiếp tục gia tăng. Mới đây, một bác sĩ nhi khoa ở Bắc Kinh đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm họng cao gần đây có thể gây ngạt thở do bị “bít cổ họng” ngay lập tức, với “tỷ lệ tử vong cực cao” và có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.
Một lượng lớn cư dân mạng trên mạng xã hội Đại Lục đưa tin về tình trạng viêm họng, và nghi ngờ có liên quan đến COVID-19. “Chuyên gia phản hồi gần đây nhiều người lớn và trẻ em bị viêm họng” đã trở thành chủ đề tìm kiếm nóng.
Tài khoản Douyin Đại Lục “Thạch Hiệu Bình, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật” đã đăng một video ngắn cách đây một tuần. Bà cho biết, tỷ lệ đau họng cao gần đây có thể gây ngạt thở do bị “bít cổ họng” ngay lập tức, xảy ra ở trẻ em và người lớn, có “tỷ lệ tử vong cực cao”.
Bác sĩ Thạch Hiệu Bình nói rằng triệu chứng ban đầu chủ yếu là đau họng. Hầu hết mọi người đều nghĩ đó là cảm cúm, nên chỉ uống một số loại thuốc chống cảm cúm và kháng viêm. Triệu chứng này rất dễ bị bỏ qua, nhưng nó diễn ra dữ dội, ngoài đau họng còn kèm theo các triệu chứng như cảm giác tắc nghẽn, khó thở.
Theo báo cáo của Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/5, gần đây, nhiều người trên mạng xã hội đã báo cáo các triệu chứng đau họng. Một số người nghi ngờ căn bệnh này có liên quan đến chủng mới của COVID-19.
Bác sĩ Lý Đồng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hựu An Bắc Kinh, từng cho biết trong tháng này, số bệnh nhân mắc bệnh hô hấp nhập viện tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh Truyền nhiễm của bệnh viện này tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng không đáng kể.
Hầu hết họ là những bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên thông thường, tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm và COVID-19 rất thấp.
Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hựu An Bắc Kinh đang điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học, có các triệu chứng về đường hô hấp trên như đau họng, chủ yếu là do sốt ban đỏ.
Đối với người lớn, nguyên nhân chính gây viêm họng hiện nay là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp, như Rhinovirus, adenovirus, streptococcus. Bác sĩ Lý Đồng từng nói: “Các triệu chứng của làn sóng bệnh nhân nhiễm bệnh này không nghiêm trọng như cúm hay COVID-19. Vì vậy hầu hết mọi người có thể không đến bệnh viện điều trị”.
Bài viết bị nghi là bác bỏ tin đồn này đã tràn ngập bình luận trên mạng Internet.
Cư dân mạng Cát Lâm chất vấn: “Hầu hết là những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên thông thường, ‘tỷ lệ bệnh nhân cúm và COVID-19 rất thấp’. Trước hết, điều chắc chắn là COVID-19 có tồn tại! Thứ hai, trừ khi COVID-19 không tồn tại, nếu không thì sao chúng có thể ít đi. Trong tình huống không có bất kỳ sự bảo vệ nào, làm sao có thể ít bệnh hơn?”
Cư dân mạng ở An Huy cho rằng đây là một biến chủng mới của COVID-19: “Cứ nửa năm lại xuất hiện một biến thể mới, vào tháng 5, tháng 6 năm nay, và tháng 11, tháng 12 cuối năm.”
Nhiều cư dân mạng cho rằng không được phép nhắc đến COVID. Một cư dân mạng ở Hà Bắc cho biết: “Từ ‘COVID-19’ không còn được phép nhắc đến trong các bệnh viện”.
Lần đầu tiên quan chức Trung Quốc thừa nhận, chủng đột biến KP.2 mới được phát hiện vào tháng Ba
Ngày 3/5 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê biến thể phụ KP.2 là một chủng đột biến đang được giám sát. WHO đang theo dõi chặt chẽ sự tiến hóa của chủng virus mới này.
Theo báo cáo, KP.2 là nhánh phụ thế hệ thứ 3 của biến thể Omicron JN.1 của COVID-19. Nó có lợi thế lây truyền mạnh mẽ và được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào ngày 2/1 năm nay.
Ngày 14/5, tài khoản WeChat chính thức của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Quốc gia Trung Quốc đã công bố thông tin về biến thể KP.2 của COVID-19.
Bài báo đề cập, trong giai đoạn này, 3 chủng phổ biến nhất ở Trung Quốc là JN. 1, JN.1.16 và JN.1.4. Ngày 11/3, lần đầu tiên, chủng đột biến KP.2 được phát hiện từ các ca bệnh tại địa phương ở Quảng Đông. Tính đến ngày 12/5, ĐCSTQ đã phát hiện 25 trình tự KP.2 trong các ca bệnh ở Trung Quốc.
Lý Mộc Tử / Vision Times