Liên Thành
Sau khi đi thăm Trung Quốc về, ông Putin đã có động thái được đánh giá là không khác gì một cú tát vào mặt đồng minh. Tiến sĩ Vương Hữu Quần (王友群) – cựu quan chức Bộ Giám sát thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc nhận định, động thái của ông Putin đi ngược lại những gì đã nêu trong Tuyên bố chung Trung – Nga vừa ra. Không chỉ có vậy, chuyên gia đã tổng kết, đây không phải lần đầu tiên ông giáng những đòn đau như thế cho ông Tập.
Hôm 16/5, Tổng thống Nga Putin đã đến thăm Bắc Kinh và chính quyền Trung Quốc đã dành cho ông Putin sự tiếp đón với tiêu chuẩn cao nhất. Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo ĐCSTQ, thậm chí còn chủ động ôm ông Putin sau khi gửi nhiều “món quà lớn” cho Nga.
Sau cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Putin, một tuyên bố chung Trung – Nga đã được công bố. Tuyên bố này có nội dung như sau:
“Cả hai bên nhắc lại việc tuân thủ nghiêm ngặt ‘Tuyên bố chung của Lãnh đạo 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang’ ban hành ngày 3/1/2022, đặc biệt là nhắc lại quan điểm rằng chiến tranh hạt nhân sẽ không thể phân thắng bại, và một lần nữa kêu gọi tất cả những nước tham gia tuyên bố chung tuân thủ tuyên bố này”.
Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi Tuyên bố chung Trung – Nga được đưa ra, Nga đã bắt đầu tổ chức giai đoạn đầu của cuộc diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật ở khu vực biên giới Nga – Ukraina.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật, hay còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường và có sức công phá vô cùng lớn. Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (Federation of American Scientists), Nga có khoảng hơn 1.500 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược.
Ngày 21/5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng cuộc tập trận này được tiến hành ở Quân khu phía Nam, nơi giáp Ukraina và bao gồm các phần lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng kể từ khi nước này bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mục đích của cuộc tập trận lần này là để bảo đảm rằng quân đội và các thiết bị quân sự của Nga “sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược để chiến đấu”.
Cuộc tập trận lần này có sự tham gia của hỏa tiễn Iskander và Kinzhal. Hỏa tiễn Iskander là hỏa tiễn chiến thuật tiên tiến nhất được quân đội Nga trang bị. Mỗi một bệ phóng Iskander đều có khả năng mang theo hai hỏa tiễn, những hỏa tiễn này có khả năng mang nhiều đầu đạn khác nhau, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân.
Hỏa tiễn Kinzhal là hỏa tiễn siêu thanh phóng từ trên không do Nga phát triển, được cho là có tầm bắn hơn 2.000 km và có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Theo đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố, xe tải đang vận chuyển hỏa tiễn đến địa điểm nơi hệ thống phóng đã được khai triển, trong khi quân nhân Nga đang chuẩn bị mang đầu đạn hạt nhân lên máy bay ném bom đang đậu tại sân bay.
Cuộc tập trận này được cho là bao gồm nội dung: luyện tập lắp đầu đạn lên bệ phóng, lái xe đến địa điểm phóng được chỉ định và vận chuyển hỏa tiễn Iskander cùng Kinzhal lên máy bay.
Vậy Nga có mục đích gì khi tập trận vũ khí hạt nhân? Tiến sĩ Vương Hữu Quần (王友群) – cựu quan chức Bộ Giám sát thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết, một là để thực hiện răn đe hạt nhân đối với Ukraina và các đồng minh của nước này; hai là chuẩn bị cho các cuộc tấn công hạt nhân trong tương lai.
Động thái của Nga đi ngược lại những gì đã nêu trong Tuyên bố chung Trung – Nga vừa rồi. Theo tiến sĩ Vương, đây lại là một cái bạt tai công khai khác của ông Putin cho ông Tập Cận Bình trong vấn đề vũ khí hạt nhân.
Vào ngày 20/3/2023, ông Tập đến thăm Matxcova sau khi chính thức bước vào “nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp” và giữ ba vị trí cao nhất trong ĐCSTQ và quân đội.
Chỉ ba ngày trước chuyến thăm của ông Tập, vào ngày 17/3/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay, Hà Lan, đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina. Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình vào thời điểm đó được coi là tiếp thêm sức cho ông Putin.
Vào ngày 21/3/2023, ông Tập và ông Putin đã cùng ký kết và đưa ra một tuyên bố chung nêu rõ: “Tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân không nên khai triển vũ khí hạt nhân ở bên ngoài biên giới nước mình và nên rút vũ khí hạt nhân được khai triển ở nước ngoài về”. Ngoài ra, hai bên còn nhắc lại việc tuân thủ nghiêm ngặt “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” và cam kết rằng sẽ tiếp tục hợp tác.
Tuy nhiên, vào ngày 25/3, ngày thứ ba sau khi ông Tập trở về Trung Quốc, ông Putin tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với phóng viên đài truyền hình Nga Russia-24 rằng, Nga đã khai triển 10 chiến đấu cơ có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Bắt đầu từ ngày 3/4, Nga sẽ khởi động việc đào tạo cho toàn bộ nhân viên; đến trước ngày 1/7 sẽ hoàn thành việc xây dựng kho chứa đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Ông Putin cũng nói thêm rằng Matxcova đã bàn giao hệ thống hỏa tiễn Iskander cho Belarus để tái trang bị cho các chiến đấu cơ của Belarus, để chúng mang vũ khí hạt nhân.
Rõ ràng, trước khi ký tuyên bố chung năm 2023 với ông Tập Cận Bình, ông Putin đã quyết định khai triển vũ khí hạt nhân ở Belarus và tham gia vào hoạt động “phổ biến vũ khí hạt nhân” ở Belarus. Khi “Tuyên bố chung Trung – Nga” năm 2023 còn chưa ráo mực, ông Putin đã công khai tuyên bố sẽ khai triển vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, điều này cho thấy tuyên bố của ông Putin trong Tuyên bố chung Trung – Nga năm đó rằng sẽ không khai triển vũ khí hạt nhân ở nước ngoài và tuân thủ “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” là hoàn toàn lừa mình dối người. Đây cũng là một “cái tát vào mặt” công khai khác đối với ông Tập Cận Bình.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, ông Putin không chỉ tát thẳng vào mặt chính quyền Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân mà còn nhiều vấn đề lớn khác.
Ví dụ, Bắc Kinh vẫn luôn vờ giữ thái độ trung lập giữa Nga và Ukraina, và còn nhiều lần bày tỏ ý định làm trung gian để hòa giải cuộc chiến giữa hai nước này. Vào ngày 24/2 năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố “Lập trường của Trung Quốc về chính trị trong giải quyết nguy cơ Ukraina”. Trong đó đề cập cụ thể rằng Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc khởi động các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraina.
Từ ngày 15/5 đến ngày 26/5 năm ngoái, để hòa giải cuộc chiến Nga – Ukraina, đặc phái viên Lý Huy (李辉) của chính quyền Trung Quốc đã đến thăm Ukraina, Ba Lan, Pháp, Đức, trụ sở Liên minh Châu Âu (EU) và Nga. Tuy nhiên, chuyến đi của ông Lý không đạt được kết quả nào mang tính thực chất.
Từ ngày ông Lý Huy đến thăm Kyiv, thủ đô của Ukraina, cho đến ngày ông này đến thăm Matxcova, thủ đô của Nga, Nga vẫn không ngừng các cuộc không kích vào Ukraina.
Theo các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, sau khi ông Lý Huy đến Matxcova, ông này từng đề nghị được gặp Tổng thống Nga Putin nhưng ông Putin đã từ chối. Ông Putin đã không cho Trung Quốc một chút thể diện nào trong việc hòa giải chiến tranh Nga – Ukraina.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nổ ra vào năm 2018, ĐCSTQ vẫn luôn lôi kéo Tổng thống Nga đứng về phe chống Mỹ cùng mình. Tuy nhiên, ông Putin không có cùng một tâm ý với Bắc Kinh và luôn đẩy Trung Quốc lên đầu chiến tuyến chống Mỹ.
Khi ông Tập Cận Bình đến thăm Nga vào tháng 6/2019, một phóng viên đã hỏi ông Putin nghĩ gì về cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Câu trả lời của ông Putin là: “Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”.
Vào ngày 8/2 năm nay, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã phát sóng cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Mỹ Tucker Carlson với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin nói: “Phương Tây sợ một Trung Quốc lớn mạnh hơn một nước Nga lớn mạnh, bởi vì Nga có dân số 150 triệu người, trong khi Trung Quốc có 1,5 tỷ người, mà nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng – hơn 5% mỗi năm, trước kia còn hơn thế.
Tuy nhiên, điều này đối với Trung Quốc mà nói thì đã đủ rồi. Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Đức, Otto von Bismarck từng nói: Điều quan trọng nhất là tiềm lực. Tiềm lực của Trung Quốc rất lớn, xét về sức mua thì hiện nay nước này là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tổng lượng kinh tế của nước này đứng đầu thế giới. Đã sớm vượt qua Hoa Kỳ từ lâu rồi, và tốc độ tăng trưởng vẫn đang không ngừng tăng nhanh”.
Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần chỉ ra rằng, ẩn ý trong lời nói của ông Putin là: Nga không phải là kẻ thù số một của phương Tây mà là Trung Quốc; phương Tây nên nhắm vào ĐCSTQ chứ không phải Matxcova.
Ông Diệp Diệu Nguyên (叶耀元), Giáo sư Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học St. Thomas của Mỹ, thẳng thừng nói rằng, những lời này của ông Putin chắc chắn là một “cú đâm sau lưng” vào chính quyền Trung Quốc.
Vào ngày 6/5, khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ các phóng viên sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp, coi Thế vận hội Mùa hè Paris 2024 như một cơ hội để cùng nhau đề xướng ngừng bắn trên toàn cầu trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Tuy nhiên, ngày 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi đang đi thăm thành phố Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc, đã cho biết rằng Matxcova sẽ không đáp lại lời kêu gọi ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa hè Paris. Một lần nữa, ông Putin lại không để lại chút thể diện nào cho ông Tập.
Tại sao Trung Quốc vẫn hăng hái coi Nga là “người bạn tốt nhất” trong khi liên tục bị Nga “trêu trọc”?
Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần cho rằng có hai lý do chính:
Thứ nhất, Nga đã từng thực hành chủ nghĩa chuyên chế hơn 70 năm nên ông Putin hiểu rõ những chiêu trò gây sức ép và lừa dối của ĐCSTQ.
Thứ hai, từ trong xương cốt, Tổng thống Nga Putin coi thường người lãnh đạo Trung Quốc.
Trong thời hiện đại, quốc gia xâm chiếm và chiếm giữ nhiều lãnh thổ nhất của Trung Quốc là Nga. Trong các cuộc đàm phán biên giới Trung-Nga, ĐCSTQ đã chuyển giao vô điều kiện hơn một triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc do Nga chiếm đóng cho Nga. Bắc Kinh cũng giao một nửa đảo Hắc Hạt Tử của mình do Đảng Cộng sản Liên Xô chiếm đóng cho Nga.
Mạnh Tử có câu: “Người ta tất tự khinh mình, thì sau người khác mới khinh mình được”. ĐCSTQ đã bị Tổng thống nga Putin liên tát vào mặt hết lần này đến lần khác, và chính Bắc Kinh đã tự đánh mất thể diện của mình.