Ông Trương Hợp Lý là một cựu chiến binh. Ông từng làm việc trong chính quyền của một thị trấn, từng kinh doanh và tham gia bảo vệ quyền lợi cho cựu chiến binh… Ông đã tận mắt chứng kiến tội ác của chính quyền Trung Quốc. Chuỗi trải nghiệm này đã giúp ông nhìn rõ bản chất tà ác của ĐCSTQ, “Nó cực kỳ biến thái, xấu xa và phản nhân loại”.
Quân đội Trung Quốc cũng không sạch sẽ
Ông Trương kể lại rằng, vào năm 1989, ông vốn là người nhạy bén và ở nhà có Ti vi. Ông đã xem vụ việc ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6 và ông đồng tình với các khẩu hiệu “chống tham nhũng” do sinh viên đưa ra. Ông cảm thấy rằng chính quyền đã không làm đúng, không nên khi tấn công vào dân chúng, lúc đó nhận thức của ôn chưa rõ ràng.
Sau khi nhập ngũ, ông được phân công vào đội bảo vệ của một sở chỉ huy Không quân nào đó, ông nhìn thấy hành vi chiêu đãi khách, tặng quà, nịnh nọt, trong lòng rất khó chịu. Một năm sau, ông được chuyển đến một nhà kho quân sự ở Vân Nam, và thấy các quan chức làm ăn, dùng xe công để chở hàng kiếm tiền.
Một lần, khi quân đội phải tiêu hủy một lô thiết bị phế liệu, có người đã tháo máy phát radar ra khỏi xe rồi bán xe.
Ông Trương cảm thấy đây là tài sản công, không thể tùy tiện bán đi nên đối phương đưa hối lộ cho ông, nhưng ông không dám nhận. Sau đó, cấp trên đã không cho ông canh giữ những thiết bị này. “Đây là chuyện rất nhỏ, nhưng tôi có cảm giác: Quân đội này cũng không sạch sẽ”.
Sau khi chứng kiến tình trạng tham nhũng trong quân đội, ông Trương quyết định giải ngũ vào năm 1994. Điều khiến ông chết lặng là một tuần trước khi xuất ngũ, lãnh đạo của ông đã đề nghị ông gia nhập đảng. “Có vẻ như đó chỉ là chuyện bình thường trong mắt họ, nhưng tôi không có hứng thú với việc vào đảng này”.
“Họ nói đó là chuyển công tác, do nhà nước sắp xếp công việc, nhưng đơn vị mà họ bố trí cho tôi thì sắp bị giải thể, đơn vị thậm chí còn không nhận tôi. Lúc đó, chính quyền địa phương chỉ cần tôi có tiền, đưa chút quà tặng là có thể xin được việc làm; còn nếu không có tiền thì họ sẽ bố trí cho tôi những công việc không được tốt. Vì vậy, tôi đã không đi làm mà ở nhà kinh doanh”. Ông nói rằng, cho đến cuối năm 1996, nhờ có người nhà giới thiệu mà ông mới được nhận vào làm việc tại một chính quyền thị trấn.
Ba túi lớn chứa đầy xác trẻ em
Khi làm việc tại chính quyền tại thị trấn, ông Trương đảm nhiệm vai trò nhân viên văn phòng của đảng và ủy ban. Ông cảm thấy rằng văn phòng này cứ đẩy việc của người dân qua lại mãi. Vì ông còn trẻ, cao lớn và khỏe mạnh, nên khi đi giải quyết công việc ở cấp dưới, họ thường đưa ông đi theo.
Những năm 1990 là thời kỳ chiến dịch kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc diễn ra gay gắt nhất và đàn áp người dân. Ông đã tận mắt chứng kiến sự tàn ác của ĐCSTQ đối với dân thường, cái gọi là “bảo vệ tử cung phụ nữ”, ép phụ nữ chuyển dạ và sảy thai; bóc lột người dân, thu tiền thuế địa phương từ họ, lấy lương thực của họ… Ông càng ngày càng ghét công việc này, không còn tâm trạng để làm nữa.
“Khi dân làng đang gặt lúa, họ (chính quyền) lại tiến hành kế hoạch hóa gia đình, dùng lý do giấy tờ không đầy đủ để ép buộc những phụ nữ sắp sinh con phải phá thai. Tôi đứng nấp ở cửa phòng phẫu thuật, thấy họ dùng những túi rác đen lớn chất đầy ba túi xác sơ sinh. Tôi nhìn thấy cảnh tượng đó mà không ăn được cơm suốt mấy ngày… Tôi đã tận mắt thấy rất nhiều xác trẻ sơ sinh bị họ quăng vào đống rác, đầy cả ba túi lớn!”
“Tôi cũng tận mắt chứng kiến một người phụ nữ tâm thần, thường xuyên bị người khác cưỡng hiếp. Sau khi cô ấy mang thai và sinh nhiều con, chính quyền dùng biệt pháp triệt sản. Có mấy người đè chân cô ấy xuống để triệt sản… Lúc đó, người dân chẳng khác nào như những con cừu sắp bị giết”.
Thị trấn nào cũng có văn phòng kế hoạch hóa gia đình, tường văn phòng cao ngang tường trại giam, chuyên dùng để đưa các phụ nữ mang thai đưa đến đó để học các lớp học tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch do văn phòng kế hoạch hóa gia đình tổ chức.
“Nếu nhà có tiền, thì có thể đưa tiền cho Đảng ủy viên, cho văn phòng kế hoạch hóa gia đình, hoặc cho những người trong chính quyền xã có thể được cho về nhà. Sau khi phát hiện ra điều này, tôi mới càng ghê tởm công việc này: Tại sao con cái của cán bộ, người thân họ lại được phép sinh thêm, chỉ cần đóng tiền phạt, còn người dân thường (con của họ) thì sao, phải chết à?”
Đến năm 2000, chính quyền Trung Quốc đang tiến hành cải cách thể chế và tỉnh An Huy là một trong những dự án thí điểm đầu tiên yêu cầu phải thi tuyển dụng. Kỳ thi thực ra rất đơn giản, nếu đưa cho bí thư đảng ủy 20.000 Nhân dân tệ thì bạn có thể được tiếp tục làm việc. Ông Trương nói: “Tôi không đưa tiền, tôi không muốn đi làm nữa, tôi không làm nữa.” Và ông đã rời bỏ công việc trong chính quyền địa phương như vậy.
Từ kinh doanh đến bảo vệ quyền lợi cựu chiến binh
Vào tháng 4/2000, ông Trương đến tỉnh Chiết Giang để kinh doanh bán buôn và ở Hàng Châu trong 8 năm.
Năm 2008, ông Trương trở lại tỉnh An Huy. Lúc đó, ông Trương có một số tiền tiết kiệm từ việc kinh doanh ở Hàng Châu và ông xây nhà một ngôi nhà nhỏ vừa ở vừa kinh doanh. Năm 2016, hai ngôi nhà của gia đình ông thuộc diện phải di dời, sau đó, ông được cấp nhà ở tái định cư, cuộc sống của gia đình ông khá ổn định.
Nhưng khi tiếp xúc với những chủ đề chính trị, xã hội thời sự, ông luôn cảm thấy chán nản. Người khác hỏi ông: Ông có tiền, có xe, có nhà, có gia đình êm ấm. Tại sao ông lại không hạnh phúc? Ông Trương luôn cho rằng những đau khổ mà ông chứng kiến khác với những gì người khác nhìn thấy.
Vào khoảng năm 2017, thường xuyên xảy ra trường hợp cựu chiến binh bảo vệ quyền lợi của mình ở Trung Quốc, yêu cầu chính quyền giải quyết các vấn đề như bố trí việc làm. Hàng nghìn cựu chiến binh bao vây tòa nhà văn phòng Ủy ban Quân sự, gây sốc cho chính quyền Trung Quốc, và vào tháng 4/2018 chính quyền Trung Quốc đã thành lập Bộ Cựu chiến binh.
Ông Trương Hợp Lý cho biết, ban đầu ông không muốn đi đòi quyền lợi, vì nếu chỉ vì chút lợi của bản thân, vì một công việc mà đòi quyền lợi, ông cảm thấy không cần thiết. Ông không thích đi làm tay sai cho chính quyền đó, cũng không muốn ăn miếng cơm này.
Vào năm 2018, phong trào đòi quyền lợi của cựu binh đã trở nên vô cùng mạnh mẽ. Vào giữa tháng 6, hàng loạt cựu binh ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô đã tập trung tại cơ quan chính quyền tại thành phố Trấn Giang để đòi quyền lợi, nhưng bị đánh đập, tấn công và trấn áp. Sau đó, hàng nghìn cựu binh từ khắp nơi trên cả nước đã tề tựu về Trấn Giang để ủng hộ đồng đội của mình, nhưng chính quyền đã điều động hàng chục nghìn cảnh sát đến giải tỏa khu vực một cách thô bạo.
Ông Trương Hợp Lý lúc đó có ý định gây rối cho chính quyền Trung Quốc, lần đầu tiên tham gia phong trào đòi quyền lợi của cựu binh. Vào tháng 8/2018, những cựu binh đến Chính quyền tỉnh, tìm Đoàn kiểm tra, Ủy ban giám sát Trung ương để phản ánh vấn đề, nhưng bị chính quyền địa phương ngăn cản. Vào tháng 9/2018, ông lại đến Bộ Quân nhân sự vụ ở Bắc Kinh.
Vào tháng 10/2018, liên tiếp xảy ra các hoạt động biểu tình đòi quyền lợi của cựu binh ở thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, bị cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui để giải tán khu vực một cách thô bạo.
“Vụ việc ở Bình Độ là trận chiến cuối cùng”. Khi ông Trương cùng đồng đội đến Từ Châu, nghe nói Bình Độ không được phép vào thành phố nữa, nên họ đã quay về. Lúc đó, cơ quan tiếp dân và Ủy ban chính pháp vì muốn duy trì ổn định, không có ẩu đả, đã bố trí cho ông làm việc tại văn phòng phòng chống ma túy trên đường phố, nhưng lần này không có biên chế.
Sau 2 tháng, vụ việc cựu binh đòi quyền lợi này đã bị xác định là một vụ án hình sự nghiêm trọng, và được cho là do một số người sử dụng danh nghĩa “cựu chiến binh” để tổ chức tập hợp. Ở Trấn Giang, tỉnh Giang Tô và Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, có 18 cựu binh bị truy tố và bị kết án.
“Họ chỉ là tự ý quy kết những tội danh. Mọi người khá quan tâm đến những vấn đề liên quan đến quyền lợi của cựu binh, nên thường hay tạo nhóm, khóa nhóm, hiện tại tài khoản WeChat của họ đã bị khóa”. Ông Trương Cho biết, đến năm 2019, môi trường ở Trung Quốc đã xấu đi nhiều hơn, bạn bè trên WeChat của ông liên tiếp bị kết án với tội “gây rối, kích động”, thường bị phạt 2 năm tù, nếu không nhận tội thì bị phạt 4 năm.
Bị bắt giữ vì tưởng niệm ngày 4/6
Vào đầu tháng 4/2019, xảy ra vụ hỏa hoạn ở Lương Sơn, Tứ Xuyên, 30 lính cứu hỏa đã thiệt mạng. Mọi người trên mạng đều nói rằng, những người chết là con em của các gia đình nông dân. Ông Trương cũng đưa ra quan điểm của mình, cho rằng chính phủ không có hành động. Chỉ vài ngày sau, cảnh sát an ninh quốc gia đã tìm đến ông, quở trách ông, giữ ông từ 9 giờ sáng đến tận 10 giờ tối mới cho về.
Cục An ninh Quốc gia đã cảnh báo ông rằng họ đã nhắm vào ông từ lâu và yêu cầu ông phải trung thực, cẩn thận và không được nói bất cứ điều gì. Họ chưa từng có hành động gì với ông, chính vì ông tham gia vào phong trào đòi quyền lợi của cựu binh, nên họ không thể dùng lý do này để tấn công ông.
Vào ngày 3/6/2019, ông Trương đã thay đổi hình đại diện trên WeChat của mình thành một ngọn nến và đăng một bông hoa cúc, chia sẻ với bạn bè của mình. Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 4/6, ông đã đăng ảnh người lái xe tăng và video sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng thu hồi lại và chỉ gửi cho hai cư dân mạng.
Vào khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, cảnh sát an ninh quốc gia đã gọi điện thoại bảo ông phải nhanh chóng về nhà. Vào khoảng 10 giờ, sau khi ông đến nơi làm việc, cảnh sát đã đến bắt ông và lục soát cửa hàng của ông, lấy đi máy tính. Họ đưa ông về trụ sở điều tra, giữ ông suốt đêm không cho ông ngủ, bắt ông sao chép Điều lệ Đảng và những thứ khác. Cảnh sát an ninh đe dọa ông: “Chúng tôi có thể khiến ông biến mất bất cứ lúc nào, gia đình ông sẽ không bao giờ tìm thấy ông”.
Sáng hôm sau, ông được đưa đến nhà tạm giam, bị thẩm vấn hàng ngày. Lúc đầu, họ cáo buộc ông “đăng tải video về sự kiện Thiên An Môn”. Vào ngày 20/6, ông được chuyển sang trại giam hình sự, và bị giam giữ tại trại tạm giam liên tục 11 tháng.
“Ban đầu, họ (chính quyền) định buộc tôi tội lật đổ chính quyền.” Ông Trương Hợp Lý nhận ra rằng môi trường trong tù còn đen tối hơn, ông bị bệnh và chẳng ai quan tâm đến ông… Lúc này, niềm tin vững chắc nhất của ông chỉ là sống sót và ra khỏi nhà tù.
Vào ngày 30/4/2020, ông Trương được phóng thích có điều kiện, nhưng trong 3 năm tới ông không được phép rời khỏi phạm vi huyện.
Vụ án của ông Trương Hợp Lý được đưa vào danh sách các sự kiện trong tù của văn học Trung Quốc. Theo bản án, ông Trương Hợp Lý đã bị kết án 2 năm tù, hưởng án treo 3 năm, vì đã đăng các bình luận, văn bản, hình ảnh và videos “tấn công chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng cầm quyền và các cựu lãnh đạo quốc gia” trên các nhóm WeChat.
Ông nói rằng, trong những lần gặp gỡ bạn bè, đồng đội, thường có người hỏi ông: “Cuộc sống của ông tốt như vậy à? Tại sao ông lại nói những chuyện đó?”
Ông Trương đáp: “Cuộc sống tốt đẹp của tôi là do tôi phải vất vả kiếm sống. Nhưng xã hội này quá bất công, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phạm tội, phạm tội phản nhân loại, tại sao tôi không được nói? Làm sao tôi có thể cảm thấy hạnh phúc được? Tôi thấy những người đồng trang lứa ở nông thôn không đủ tiền chữa bệnh, họ tự tử, bị chết vì say nắng trên công trường, mệt lả mà chết, làm sao tôi có thể ca ngợi, khen ngợi và hài lòng với điều đó?”
Chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh của ĐCSTQ
Sau đó, chiến dịch kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc xảy ra, điều này khiến ông càng cảm thấy lo sợ hơn. Lúc đầu, việc phong tỏa thành phố và khu dân cư ở địa phương không quá nghiêm trọng, nhưng đến sau Đại hội lần thứ 20 vào năm 2022, chiến dịch phong tỏa ‘điên cuồng’ đã bắt đầu. Mọi người phải test PCR hàng ngày, những người không test và không tiêm vaccine sẽ bị bắt và giam giữ.
Ông Trương nói: “Điều này quá kinh khủng, khiến người ta không thể thở nổi. Chính quyền đang cố gắng kiểm soát người dân, để người dân không thể di chuyển, chỉ ở trong nhà. Nếu họ nói bạn dương tính, thì bạn sẽ bị coi là dương tính. Một số khu vực cao cấp thì họ nói phong tỏa là phong tỏa, nhưng với các khu nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, họ không dám phong tỏa, vì ở đó toàn là người nghèo, nếu phong tỏa họ sẽ nổi loạn”.
“Việc phong tỏa thành phố và trấn áp nhân dân như thế này chính là Cách mạng Văn hóa, là phiên bản 2.0 của Cách mạng Văn hóa của Trung Cộng. Họ đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ người dân, người dân càng ngày càng không còn sự tự do”.
“Ban đầu tôi chưa từng tiêm một mũi vaccine nào, cũng không bao giờ đi xét nghiệm PCR. Nhưng sau đó càng ngày càng kinh khủng, tôi sợ bị bắt và phải đi tù. Vì vậy mỗi sáng lúc 5 giờ, tôi là người đầu tiên đến chỗ xét nghiệm PCR, mở miệng ra, họ chọc que bông vào và tôi suýt phải nôn… Tôi biết một số người trong ngành y tế, tôi biết họ đang gian lận, và tôi cũng biết họ đang đàn áp người dân”.
Như vậy, từ trẻ nhỏ đến người lớn phải đi xét nghiệm PCR hàng ngày, nhiều tháng trời liền. Cho đến khi xảy ra vụ cháy chết người ở Tân Cương, khiến phong trào “Giấy Trắng” bùng nổ, chính quyền phải nhượng bộ trước áp lực dư luận quốc tế, và bắt đầu nới lỏng từ ngày 5/12/2022.
Vào mùa xuân năm 2023, ông thấy những đoạn video trên mạng về những người tham gia biểu tình. Ông nói với bạn bè: “Tôi muốn ra ngoài! Tôi muốn tham gia biểu tình! Nếu tôi cứ ở lại đây, nếu phong trào bùng nổ, thì chắc chắn họ sẽ nhằm vào tôi trước. Họ lấy cái gì mà gọi là pháp luật? Họ chẳng qua là một chế độ chuyên chế, bạo ngược”.
Vợ của ông Trương rất đức hạnh và hiểu tâm trạng và tính cách của chồng mình, bà không muốn ông cảm thấy chán nản hay sợ hãi mà đã khuyên ông mang theo đứa con trai út của mình tránh để đứa trẻ không thể phát triển được ở trong nước. Nghĩ đến việc biểu tình quá nguy hiểm, vào tháng 7 năm ngoái, ông Trương đã đưa con trai sang New Zealand.
Ông Trương cho biết, Cục An ninh Quốc gia nói rằng, ông có tội về tư tưởng, và yêu cầu ông viết bản tự thú. Ông nói: “Tôi không có phản bội đất nước này, tôi rất yêu đất nước này. Tại sao tôi lại chỉ trích chính quyền này? Tại sao tôi lại nghi vấn về chính quyền này? Bởi vì tôi muốn làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn, để bầu trời ở đây xanh hơn, để nước ở đây trong sạch hơn, tôi có tội gì chứ?“
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch