Bắc Kinh kiểm duyệt phát biểu về kinh tế của thủ tướng Trung Quốc

Jessica MaoLynn Xu

Bắc Kinh kiểm duyệt phát biểu về kinh tế của thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab tham dự lễ khai mạc Hội nghị Thường niên của Những Nhà vô địch Mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (AMNC24) tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, vào ngày 25/6/2024. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vì những phát biểu mang tính coi thường của ông về nền kinh tế Trung Quốc, theo một số nhà phân tích Trung Quốc.

Bắc Kinh đã kiểm duyệt bài phát biểu của thủ tướng, mà ông đã trình bày tại Diễn đàn Davos Mùa hè vào tháng trước, nhằm che giấu tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc trong bối cảnh những cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ chính quyền Trung Quốc, các chuyên gia nói với The Epoch Times.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tổ chức Hội nghị Thường niên lần thứ 15 của Những Nhà vô địch Mới, hay Diễn đàn Davos Mùa hè, tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc từ ngày 25 đến ngày 27/6.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lý đã so sánh quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch của Trung Quốc với quá trình phục hồi của một người sau một căn bệnh nghiêm trọng, đồng thời đề xuất một giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc.

“Thay vì dùng thuốc mạnh, cần điều chỉnh chính xác và chậm rãi tuân theo phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc để gốc rễ của nó có thể dần phục hồi”, ông nói.

Ông nói thêm rằng nền tảng của nền kinh tế đang suy yếu cần được “củng cố và tăng cường”.

Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã phản ứng bằng cách kiểm duyệt bài phát biểu của ông Lý. Phần bình luận về việc sửa chữa nền kinh tế Trung Quốc đã bị xóa khỏi phạm vi đưa tin của các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc về sự kiện này. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông tiếng Trung Quốc ở nước ngoài, chẳng hạn như tờ Lianhe Zaobao tại Singapore, đã giữ lại những lời phát biểu của ông Lý.

Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư nhân quyền Trung Quốc, cho biết bài phát biểu của ông Lý đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh tức giận.

“Quyền chỉ huy tối cao của nền kinh tế Trung Quốc nằm trong tay ông Tập. Đối với ông Tập, ông Lý không có quyền quyết định liệu ông ấy có thể đưa ra phương thuốc chữa trị cho nền kinh tế hay không”, ông Lại nói với phiên bản tiếng Trung của tờ The Epoch Times vào ngày 29/6.

Ông lưu ý rằng những bình luận của ông Lý tương tự như những bình luận của người tiền nhiệm khi tiết lộ tình hình kinh tế thực tế – một động thái táo bạo đã thu hút sự tức giận của các thành viên tinh hoa của chính quyền Trung Quốc.

Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công khai tuyên bố vào tháng 5/2020 rằng 600 triệu người Trung Quốc kiếm được dưới 1.000 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 140 USD) một tháng.

Đáp lại, vào ngày 1/7 năm sau, để kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “Trung Quốc đã xây dựng một xã hội tương đối thịnh vượng”.

Một cặp đôi xách túi trên phố mua sắm chính tại Đường Tây Nam Kinh, ở Thượng Hải, vào ngày 11/11/2016. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Quyền lực của thủ tướng suy yếu dưới thời ông Tập

Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng ông Tập muốn hạn chế quyền hạn của ông Lý.

Ví dụ, ông Tập đã bổ nhiệm một quan chức khác thay vì ông Lý để tham dự một hội nghị khoa học và công nghệ quan trọng vào ngày 25/6.

Ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), một thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương, đã tham dự sự kiện này và có bài phát biểu trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương mới thành lập.

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà phân tích tình hình thời sự Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã chỉ ra trong video YouTube của mình rằng việc ông Tập bổ nhiệm ông Đinh thay vì ông Lý làm người đứng đầu ủy ban là không hợp lý.

Ông cho biết: “Ông Đinh chưa bao giờ tham gia vào khoa học và công nghệ hoặc kinh tế trong sự nghiệp chính trị của mình và không có kinh nghiệm trong quản lý địa phương. So sánh thì ông Lý có nhiều kinh nghiệm hơn [trong những lĩnh vực đó]”.

Ông Trần cho biết ông Tập có ý định cắt đứt ảnh hưởng của thủ tướng. “Khi cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường là người đứng đầu Nhóm Lãnh đạo Khoa học và Công nghệ Quốc gia, ông đã giành được sự ủng hộ của nhiều học giả. Ông Tập không muốn thấy tình huống tương tự xảy ra”.

Ông Lý là nhân vật quyền lực thứ hai trong chính quyền Trung Quốc. Ông là thành viên của Ủy ban Thường vụ Ủy ban Trung ương và là thủ tướng của Quốc vụ viện.

Bất chấp những chức danh có ảnh hưởng, ông Trần cho biết thủ tướng không được đối xử đặc biệt, và không giống như những doanh nhân sở hữu máy bay riêng, ông Lý đi máy bay thuê khi đi công tác nước ngoài. Ông nói thêm: “Ông Tập muốn hạn chế quyền lực của ông Lý và không muốn thủ tướng thu hút quá nhiều sự chú ý”.

Nhà quan sát tình hình Trung Quốc, ông Lại chia sẻ cùng quan điểm với ông Trần.

“Người lãnh đạo ĐCSTQ đã xác định rõ ràng nhiệm vụ của ông Lý – tức là ông ấy chỉ là một thư ký thực hiện các mệnh lệnh và không được phép tham gia vào vòng tròn ra quyết định”,

ông Lại cho biết. (Từ trái sang phải) Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh doanh bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc ở Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 27/5/2024. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Tước bỏ quyền lực của Quốc vụ viện

Về những cải cách hành chính trong quá khứ của Bắc Kinh, ông Lại lưu ý rằng thủ tướng của Quốc vụ viện chủ yếu chịu trách nhiệm về công việc của chính phủ, trong khi người lãnh đạo của ĐCSTQ chủ yếu phụ trách các vấn đề của đảng. Tuy nhiên, dưới thời ông Tập, Quốc vụ viện đã trải qua một cuộc chuyển đổi đáng kể, và nó đã mất đi phần lớn quyền hành chính trong việc quản lý đất nước và nền kinh tế.

Vào tháng 3/2023, ông Lý đã tiếp quản chức thủ tướng của Quốc vụ viện. Tại phiên họp thường kỳ đầu tiên và phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc vụ viện, ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Quốc vụ viện trước hết và quan trọng nhất là một cơ quan chính trị” và phải “được định hướng theo chính trị” và “kiên quyết duy trì thẩm quyền và sự lãnh đạo tập trung của Ủy ban Trung ương Đảng với ông Tập Cận Bình là nòng cốt”.

Đồng thời, ĐCSTQ đã ban hành kế hoạch cải cách các thể chế của đảng và nhà nước. Kế hoạch này đã thành lập các ủy ban cấp trung ương phụ trách các vấn đề tài chính, khoa học và công nghệ, cũng như các vấn đề về Hong Kong và Ma Cao. Quốc vụ viện trở thành cơ quan thực thi của những ủy ban này, tước bỏ quyền lãnh đạo tài chính của Quốc vụ viện và đặt cơ quan này nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Trung ương.

Ngoài ra, ông Lại cho biết Ban Công tác Xã hội Trung ương giám sát Cục Khiếu nại và Đề xuất Công Quốc gia. Ông nói thêm rằng ĐCSTQ cũng đã thành lập một tổ chức mới khác, Cục Dữ liệu Quốc gia, nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Tất cả những tổ chức này đều hoạt động độc lập với Quốc vụ viện.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts