Trương Nhân Tuấn
26-7-2024
Nền “ngoại giao cây tre” của Việt Nam bắt nguồn từ đâu? Người ta có thể phân tích dông dài để có thể có câu trả lời. Nhưng nếu cho rằng nền “ngoại giao cây tre” là sáng kiến riêng của ông Trọng, như ý kiến của nhiều chuyên gia đăng trên báo chí quốc nội lẫn quốc tế, kiểu BBC, RFA… Kết luận này theo tôi là sự phủ nhận lịch sử và “bẻ cổ” thằng tên gọi là logic.
Theo tôi, nguồn gốc của nền “ngoại giao cây tre” đến từ hai tư tưởng: “lạt mềm buộc chặt” về ngoại giao của Hồ Chí Minh và chính sách “đu dây” của Lê Duẩn trong thời kỳ chiến tranh Quốc-Cộng 1954-1975. “Lạt mềm” nói về sự mềm dẻo của cây tre cũng như tính “ngả qua, ngả lại” cây tre trong chính sách “đu dây”.
Hôm kia tôi có nói về di sản Biển Đông của ông Trọng. “Ngoại giao cây tre” của ông Trọng đã không giúp cho Việt Nam giữ được quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông như bình luận của các chuyên gia. Chính sách của ông Trọng về Biển Đông thay đổi 180° dưới thời 10 năm “quyền lực nhà nước lấn lướt quyền lực đảng” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trọng, chỉ 10 tháng sau khi lên ngồi ghế Tổng bí thư, đã ký kết với Trung Quốc văn kiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, tháng 10 năm 2011.
Văn kiện này quy định rằng, mọi tranh chấp của hai bên về Biển Đông sẽ được giải quyết bằng thương lượng tay đôi. Việt Nam cam kết không thực hiện bất kỳ hành vi đơn phương nào làm thay đổi lập trường về Biển Đông mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.
Văn kiện này nguy hiểm, có hại cho Việt Nam vì hiệu quả của nó là loại trừ mọi khả năng của Việt Nam về giải pháp giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài, đúng theo các quy định của Luật biển 1982.
Hệ quả của văn kiện này, qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông của Việt Nam đệ trình LHQ ngày 17-7-2024. Việt Nam buộc phải ghi hồ sơ được thành lập vào tháng tư năm 2009. Điều này trước quốc tế công pháp rõ ràng là vô lý. Anh làm đơn ngày nào thì phải gởi đơn đi tức khắc. Việc chậm trễ có thể khiến cho đơn từ mất giá trị (do hệ quả ratio temporis). Việt Nam làm vậy vì lo ngại Trung Quốc quy kết Việt Nam “bội ước”.
Tôi có viết hôm kia, thời ông Trọng, Việt Nam nhượng bộ “toàn diện” cho Trung Quốc trên những yêu sách phi lý của họ về Biển Đông. Việt Nam phải rút các giàn khoan (đặc biệt giàn khoan của Repsol) theo yêu cầu của Trung Quốc, bất chấp phải bồi thường cho các chủ giàn khoan hàng trăm triệu đô la. Ông Trọng có ký “Tuyên bố chung”, cam kết khoản “khai thác chung” với Trung Quốc ở các vùng tranh chấp (đặc biệt vùng Tư chính) …
Rõ ràng những nhận định của các chuyên gia là “bẻ cổ thằng logic”, đổi trắng thành đen. Cái gọi là “ngoại giao cây tre” không hề giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông, trước các yêu sách ngang ngược của Trung Quốc.
Các chuyên gia quốc tế và quốc nội đặt ông Trọng dưới ông Hồ và Trường Chinh nhưng ngang tầm Lê Duẩn, như bài báo trên BBC News Tiếng Việt.
Đây là một nhận định “sổ toẹt” vào lịch sử.
Lý do hiện hữu của Đảng Cộng sản Việt Nam (trước đó là Đảng Lao động và Đảng CS Đông dương) là gì? Xin thưa với các chuyên gia hàng đầu, lý do hiện hữu của đảng CS Việt Nam là thực hiện mục tiêu “độc lập dân tộc và thống nhứt đất nước”.
Ai đã thực hiện được mục tiêu “độc lập dân tộc” và “thống nhứt đất nước”? Xin thưa là ông Hồ đạt được mục tiêu “độc lập dân tộc” và ông Lê Duẩn đã đạt được mục tiêu “giải phóng miền Nam và thống nhứt đất nước”.
Theo tôi, đứng trên phương diện phán xét của sử gia, công lao của Lê Duẩn lớn hơn công lao của ông hồ. Công cuộc “đánh Pháp giành độc lập” của ông Hồ tuy khó khăn nhưng không thể khó hơn công cuộc “chống Mỹ cứu nước”.
Từ tọa độ này ta so sánh chính sách “đu dây” của Lê Duẩn với cái gọi là “ngoại giao cây tre”. Rõ ràng “ngoại giao cây tre” không là “cây đinh” gì so với chính sách đu dây của Lê Duẩn. Ngả qua Trung Quốc lấy tiền và vũ khí của Trung Quốc. Ngả qua Liên Xô lấy tiền và vũ khí của Liên Xô. Ngay cả lúc hai bên Trung Quốc và Liên Xô cơm không lành canh không ngọt, Việt Nam vẫn lấy tiền và vũ khí đều đặn của cả hai bên.
“Ngoại giao cây tre” đã đem lại lợi ích gì cho Việt Nam? Không có gì cả!
Việc nâng tầm ngoại giao với Mỹ và các quốc gia Úc, Nhật v.v… đã có từ thời Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng đoạn tuyệt với di sản của Nguyễn Tấn Dũng trên nhiều mặt, như về ngoại giao hướng Tây và hòa giải hướng nội.
Ông Trọng đã làm mất thời gian 15 năm để Việt Nam tiến gần với Mỹ.
Điều quan trọng hơn hết là ông Trọng đoạn tuyệt với di sản hòa giải quốc gia của Nguyễn Tấn Dũng. Ta nên biết là hồ sơ chủ quyền biển đảo của Việt Nam dựa trên sự liên tục quốc gia, qua thủ tục kế thừa di sản Việt Nam Cộng hòa. Mà việc kế thừa di sản Việt Nam Cộng hòa chỉ có thể thực hiện qua chính sách “hòa giải quốc gia”. Chuyện này tôi đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần.
Anh gọi người ta là “ngụy” thì lấy tư cách gì để kế thừa người ta? Đây không phải là câu nói của tôi mà là của học giả Joel Duy Tan Nguyen, một giáo sư Quốc tế công pháp lỗi lạc bên Pháp.
Theo tôi, di sản lớn nhứt của ông Trọng là “công cuộc đốt lò”. Nhân cách của ông Trọng vượt trội lên trên ông Hồ. Cá nhân tôi đề cao “công cuộc đốt lò” của ông Trọng. Tôi cũng kính trọng nhân cách của ông Trọng, trên cương vị một lãnh đạo tối cao.
Theo tôi di sản “đốt lò” của ông Trọng cần được kế thừa và phát huy. Không có quốc gia nào phát triển mà nạn tham nhũng tràn lan hết cả. Tôi cũng đề cao di sản ngoại giao “hướng Tây” và chính sách “hòa giải quốc gia” của ông Dũng. Nếu các di sản này được tiếp nối và phát huy, Việt Nam sẽ phát triển mạnh về mọi mặt. Không bao lâu Việt Nam sẽ có thể đạt mức “tự lực tự cường”.