Chuyện Venezuela bao giờ xong?

Tình hình V”enezuela tuần này đang căng thẳng với một loạt diễn biến mới nhất cho thấy quốc gia này sắp rẽ sang một bước ngoặt quan trọng.

Hôm đầu tuần, ngày Thứ Hai 18/2 –theo giờ Hoa Kỳ- Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên kêu gọi đích danh quân đội Venezuela hãy thôi ủng hộ Tổng thống Nicolás Maduro ngay lập tức.

Tại trường Đại học quốc tế Florida ở Miami, trong một bài phát biểu trước đám đông di dân –đa số là người từ Venezuela và Cuba-Tổng thống Trump cảnh cáo “cả thế giới đang chú tâm quan sát những người ủng hộ ông Maduro”.

Tổng thống Mỹ phê phán chính quyền Venezuela hiện nay là “chế độ độc tài thất bại”, gọi Tổng thống Maduro là “bù nhìn của Cuba”, cáo buộc một thiểu số “đứng đầu chế độ Maduro” đã “đánh cắp tiền bạc của người dân và tẩu tán, cất giấu ở ngoại quốc”. Tổng thống Trump nói chính quyền Hoa Kỳ có đầy đủ danh tính những viên chức Venezuela này và nơi họ cất giấu hàng tỷ đô la đã đánh cắp của nhân dân.

Ông Trump kêu gọi quân đội Venezuela hãy bảo đảm an toàn cho Chủ tịch quốc hội, Tổng thống tự phong Juan Guaidó, và những người biểu tình chống chính quyền. Ông Trump tin rằng, nếu quân đội Venezuela thức thời, đổi hướng ủng hộ thì chính họ sẽ có “vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi của đất nước”.

Tổng thống Trump cũng mạnh mẽ cảnh cáo giới chức lãnh đạo quân đội Venezuela rằng “sẽ không thể tìm thấy bến bờ nào an toàn, không có lối thoát nào dễ dàng và sẽ mất tất cả” nếu tiếp tục ủng hộ một nhà độc tài đang được một nhóm an ninh vũ trang tư của ngoại quốc bảo vệ”.

Tổng thống Hoa Kỳ tái xác nhận sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với ông Juan Guaidó với tư cách là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước Venezuela.

Và ông Trump tuyên bố “chủ nghĩa xã hội tại châu Mỹ La tinh đã vào thời kỳ suy tàn” và ngỏ ý hy vọng 2 chính quyền tả phái hiện nay trong khu vực là Nicaragua và Cuba “có thể theo bước Venezuela chuyển hướng”.

Giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt của cộng đồng người Venezuela tại Miami, ông Trump một lần nữa nói “Hoa Kỳ có thể phải sử dụng võ lực khi biết chắc không còn lựa chọn nào khác”.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đang gây áp lực lên Tổng thống Nicolás Maduro, trong khi số lượng hàng cứu trợ quốc tế cho Venezuela theo lời kêu gọi của lãnh tụ đối lập Juan Guaidó vẫn bị chặn ở biên giới Venezuela và Colombia.

Hôm Thứ Bảy 16/2 vừa qua, phi cơ vận tải quân sự của Hoa Kỳ đã vận chuyển hàng trăm tấn hàng cứu trợ nhân đạo tới một thị trấn của Colombia giáp ranh Venezuela.

Trong khi mỗi ngày, hàng ngàn người Venezuela vẫn tiếp tục đổ về khu vực biên giới, vượt cầu Simon Bolivar sang Colombia để mua thực phẩm và thuốc men mà bên Venezuela không có thì chiếc cầu biên giới nối hai nước Colombia và Venezuela đang bị chặn bằng các container lớn và cho tới nay Tổng thống Maduro vẫn chưa đồng ý cho phép hàng cứu trợ được nhập cảnh.

Trước đó ông Maduro mạnh mẽ phủ nhận mọi chuyện cáo buộc và lời lên án nhắm vào ông ta và chính quyền, vì theo Maduro thì “không hề có bất cứ cuộc khủng hoảng nào ở Venezuela cả”.

Chưa hết, ông Maduro còn lên án mọi hoạt động viện trợ thuần túy chỉ là một chương trình do Mỹ sắp đặt mà thôi!

Tổng thống đương quyền của Venezuela nói chính quyền Nga đang gửi 300 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến Venezuela

Ông Maduro nói 300 tấn hàng trợ giúp nhân đạo của Nga sẽ đến Venezuela vào ngày Thứ Tư, 20/2, trong đó có những loại thuốc rất đắt giá.

Ông Maduro cho biết thêm là Venezuela đang chờ hàng viện trợ của nhiều nước, theo đó, ngoài Nga còn có Trung Cộng, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác, qua trung gian của Liên Hiệp Quốc.

Theo giới quan sát, Venezuela hiện đang trong tình trạng vô cùng căng thẳng vì Tổng thống tự phong Juan Guaido đã khẳng định “bằng mọi giá, vào Thứ Bảy 23/2 –ngày mai- số hàng viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ sẽ được đưa vào Venezuela bất chấp lời từ chối dứt khoát của chính quyền Maduro”.

Maduro cam đoan sẽ phân phối kho trợ giúp lương thực với giá ưu đãi cho khoảng 6 triệu gia đình.

Chính quyền Maduro cho hay họ sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc ở biên giới Colombia vào cuối tuần để cạnh tranh với cuộc hòa nhạc ở bên kia biên giới – do tỷ phú người Anh Richard Branson tổ chức để hỗ trợ nỗ lực của phe đối lập.

Thủ lãnh đối lập, Chủ tịch quốc hội và Tổng thống tự phong nhậm Guai do cho biết thêm “một kho hàng cứu trợ khác đã bắt đầu được lập ở Ba Tây và dự trù sẽ có thêm một kho hàng thứ ba đặt trên đảo Curacao (của Hoà Lan) ở ngoài khơi bờ biển phía bắc Venezuela.

Theo ông Guaidó, đã có 600.000 người tình nguyện ghi danh để giúp đưa hàng viện trợ vào Venezuela đúng thời hạn mà ông đã đặt ra”.

*

Tính tới nay, theo Liên Hiệp Quốc thì trong những năm gần đây đã có hơn 3 triệu người dân Venezuela đã bỏ nước ra đi vì tình trạng siêu lạm phát và thiếu hụt các loại nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc men.

Tổng thống Nicolas Maduro, nắm quyền từ năm 2013, đã bị chỉ trích nặng nề vì phương cách điều hành kinh tế. Trong cuộc bầu cử năm ngoái 2018, Tổng thống Maduro tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, nhưng cuộc bầu cử này đã gây tranh cãi như đã có rất nhiều ứng cử viên phe đối lập bị cấm tranh cử hoặc bị bắt giam và lãnh án tù vô cớ. Ngoài ra đã có nhiều cáo buộc về chuyện nhà cầm quyền Maduro đã tổ chức gian lận phiếu bầu.

Hiện nay Maduro vẫn còn được sự hỗ trợ của một số đồng minh chủ chốt, những nước đã giúp viện trợ cho nền kinh tế Venezuela, đáng kể nhất là Nga và Trung Cộng.

Bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế, Maduro cương quyết nhất định không từ chức hoặc cho tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Sau khi Chủ tịch quốc hội Juan Guaidó tuyên bố phủ nhận kết quả bầu cử “gian lận” đã tuyên bố phế bổ chức vụ Tổng thống của Maduro mà ông gọi là “tiếm xưng” và nhận chức vụ Tổng thống lâm thời. Tính đến nay ông Juan Guaido đã được khoảng 50 quốc gia -kể cả Hoa Kỳ- công nhận là nguyên thủ lâm thời của Venezuela.

Ông Guaidó tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ các cuộc bầu cử mới vì cuộc bầu cử năm 2018 của ông Maduro có nhiều nghi vấn.

Ngược lại Nicolás Maduro thì lên tiếng chỉ trích Mỹ và các nước Tây phương là “đã can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Venezuela”.

*

Trong lúc hàng cứu trợ nhân đạo từ nhiều nước cho Venezuela đang đổ dồn đến Colombia thì hôm 15/2/2019, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố sẽ điều động quân đội đến vùng biên giới với Colombia.

Tại một cuộc họp với các tướng lãnh cao cấp của quân đội, ông Maduro đã chỉ thị chuẩn bị “kế hoạch đặc biệt điều quân” đến biên giới với Colombia, có chiều dài ước lượng khoảng 2,200km, để bảo vệ đường biên giới của Venezuela “không bị xâm phạm”.

Trong khi đó, công ty cung cấp dịch vụ internet thân chính quyền Venezuela đã chặn một trang web nơi những người tình nguyện có thể ghi danh vào chương trình chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào nước.

Về phần Colombia thì hôm 15/2 vừa qua, Tổng thống nước này, ông Duque đã cho thấy quyết tâm đưa hàng cứu trợ nhân đạo đến người dân Venezuela qua cuộc nói chuyện trực tiếp với Tổng thống tự phong Juan Guaido.

*

Sau lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Miami hôm 18/2, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã giận dữ đả kích Tổng thống Hoa Kỳ là “hèn hạ vu khống khi nói rằng hiện nay quân đội Cuba đang bảo vệ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro”.

Theo ngoại trưởng Cuba, chính nước Mỹ mới đang “chuẩn bị can thiệp quân sự vào Venezuela dưới bình phong cứu trợ nhân đạo”. Cụ thể là nhiều chuyến bay từ Hoa Kỳ đã lên xuống các đảo quốc vùng Carribeans mà không hề thông báo gì cho các chính quyền liên hệ. Vẫn theo Ngoại trưởng Cuba thì “các chuyến bay này không chở hàng cứu trợ và đã lên xuống ở những căn cứ “bí mật của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ”.

Ngoại trưởng Cuba tố cáo, từ ngày 06 đến 10/2, Mỹ đã điều động một số binh sĩ lực lượng đặc nhiệm tới các phi trường ở Puerto Rico (thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ), Cộng Hòa Dominican và nhiều đảo khác trong vùng Carribeans.

Ngoại trưởng Cuba Rodriguez nói, việc điều động quân línhHoa Kỳ nói trên chính là để “chuẩn bị một cuộc xâm lược, một cuộc phiêu lưu quân sự chống lại Venezuela, ngụy trang dưới dạng can thiệp nhân đạo”. Cuba cũng đòi hỏi “Tổng thống Mỹ phải đưa ra bằng chứng cụ thể khi cáo buộc Cuba có quân đánh thuê tại Venezuela”.

Thật ra, theo các chuyên viên về tình hình khu vực thì sự hiện diện của Cố vấn Cuba trong các bộ chỉ huy quân sự của Venezuela không phải là điều bí mật.

*

Giới ngoại giao Tây phương tại Cuba xác nhận về mối lo ngại càng ngày càng tăng của chính quyền Cuba trước nguy cơ Hoa Kỳ sẽ can thiệp để thay đổi chế độ cầm quyền ở Venezuela.

Là đồng minh mật thiết nhất của Venezuela, từ đầu thập niên 2000, Cuba đã được Venezuela bán dầu với giá ưu đãi và đổi lại thì Cuba cử hàng ngàn bác sĩ, huấn luyện viên thể thao và cố vấn quân sự cho Venezuela.

Cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng căng thẳng tại Venezuela khiến Cuba có nguy cơ mất nguồn cung cấp dầu hỏa trong bối cảnh số lượng dầu của Venezuela xuất sang Cuba đã giảm 40% trong những năm gần đây.

Nay, đứng trước nguy cơ ngày càng tăng sẽ bị lâm cảnh khan hiếm xăng dầu vì ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kéo dài ở Venezuela Cuba bắt đầu tìm những nhà cung cấp dầu hỏa thay thế, như Nga, Iran và một số nước khác. Bộ trưởng Ngoại Thương Cuba Rodrigo Malmierca trong tuần này đã đến Qatar và Algeria để tìm nguồn cung cấp dầu lửa mới.

*

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Tổng thống đương quyền của Venezuela Nicolas Maduro kiên quyết không nhận hàng viện trợ nhân đạo quốc tế, mặc dù tình hình cuộc sống người dân ngày càng lâm cảnh thiếu thốn đủ mọi mặt đến mức trầm trọng ?

Chuyện hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela đang trở thành cuộc đấu trí giữa hai người cùng được gọi là Tổng thống Venezuela! Lãnh tụ đối lập, Chủ tịch Quốc hội và Tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido đã liên tục gia tăng áp lực lên chính quyền Maduro, kêu gọi quân đội Venezuela hãy mạnh dạn nhận trách nhiệm mở cửa biên giới để hàng viện trợ nhân đạo được đến tay người dân. Ông Guaido cảnh cáo “việc ngăn cản cứu trợ nhân đạo là một tội ác chống nhân loại”.

Ngược lại, nhà cầm quyền Caracas qua lời đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc khẳng định “không có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela mà thực tế đó là hậu quả của nền kinh tế bị ngăn chặn và vây hãm”. Nói cách khác, như Tổng thống Maduro đã nhiều lần tuyên bố, tình trạng khan hiếm lương thực và thuốc men hiện nay là hậu quả của cuộc chiến kinh tế mà Hoa Kỳ cùng với các đồng minh đã tiến hành chống Venezuela.

*

Đây không phải là lần đầu tiên Venezuela từ chối nhận viện trợ nhân đạo. Năm 1999, khi xảy ra thảm kịch sạt lở đất lớn nhất ở Vargas làm hàng ngàn người chết và mất tích, Tổng thống Venezuela lúc bấy giờ, Hugo Chavez, đã từ chối sự trợ giúp quốc tế khi cho rằng “sự hiện diện của quân đội ngoại quốc tại Venezuela sẽ xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia”.

Vấn đề mà chế độ Maduro lo lắng la “nếu để cho hàng viện trợ quốc tế vào thì đó sẽ là một sỉ nhục, một thất bại chính trị của Maduro trước đối thủ Guaido”, kể cả khi “quân đội quyết định áp tải tiếp nhận hàng cứu trợ thì chính quyền Maduro vẫn sẽ bị mất uy tín và ông Guaido sẽ hiển nhiên được coi như vị Tổng tư lệnh”.

Như thế, tình thế hiện nay đối với Maduro thật là “tiến thoái lưỡng nan” vì bất kể quyết định thế nào đi nữa “mở hay chặn cửa biên giới”, thì ông Maduro đều thấy “bị mất mặt”. Vì thế Maduro nay chỉ biết phản ứng giận dữ nói rằng “Venezuela đang nằm trong tâm bão địa chính trị” và lên án “âm mưu của Hoa Kỳ cùng những quốc gia khác muốn lật đổ mình để chiếm đoạt nguồn dự trữ dầu khí dồi dào nhất thế giới”.

Trong tình thế chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump cho tới nay vẫn chỉ cố đẩy giới tướng lãnh quân đội Venezuela tự lật đổ chế độ cầm quyền trong khi Maduro vẫn còn sự hậu thuẫn của Nga, chưa ai có thể đoán tình hình dằng co đối đầu tại Venezuela bao giờ mới ngã ngũ và kết thúc theo chiều hướng nào, ôn hòa hay đổ máu!

Phạm Thạch Hồng

Related posts