Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm Thứ Sáu yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc hỗ trợ Nga trong chiến tranh Ukraine, nói rằng trợ giúp của Trung Quốc là một phần thiết yếu khiến chiến tranh Ukraine có thể kéo dài. Chưa biết Bắc Kinh sẽ trả lời thế nào cho lần này, nhưng trong vụ tương tự hồi tháng 7, Bắc Kinh nói lập luận đó của NATO là “thâm hiểm” và bất bình đẳng.
“Trung Quốc đã trở thành nhân tố quyết định giúp Nga tiến hành chiến tranh chống Ukraine,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở Oslo, thủ đô Na Uy. “Trung Quốc chính là tác nhân cho phép hoạt động sản xuất nhiều loại vũ khí mà Nga đang dùng trở thành khả thi.”
Ông Stoltenberg cảnh báo Trung Quốc rằng, nếu mà Trung Quốc vẫn tiếp tục tiếp tế cho chiến tranh ở Ukraine, thì Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng to lớn về cả lợi ích và danh tiếng.
“Tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh phi pháp này,” ông nói.
Hiện chưa biết phản ứng của Bắc Kinh sẽ như thế nào trước yêu sách và nhận định này của NATO.
Hồi tháng 7, đã có một sự vụ tương tự. Tại lần đấu khẩu ngoại giao ấy, Bắc Kinh gọi tuyên bố của NATO là “thâm hiểm” và bất bình đẳng.
“Chúng tôi hối thúc NATO hãy nhìn kỹ vào nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng [ở Ukraine] và về những gì mà [NATO] làm, và hãy xuống thang [chiến tranh] thay vì tìm cách đổ lỗi [cho Trung Quốc],” người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói hồi tháng 7.
Đó là Bắc Kinh đáp trả việc Trung Quốc bị miêu tả là tác nhân then chốt đảm bảo Nga có thể tiếp tục chiến tranh ở Ukraine, theo như một kết luận của NATO vào lần họp thượng đỉnh tại Washington lúc bấy giờ.
NATO, đứng đầu bởi Mỹ, là khối liên minh quân sự lớn nhất thế giới, và vẫn đang không ngừng mở rộng dù đã tròn 75 tuổi vào tháng 4 năm nay. Trong chiến tranh Ukraine, NATO đã đưa vào chiến trường hàng trăm tỷ đô-la vũ khí và đạn dược, là phe cung cấp lớn nhất súng đạn vào chiến trường này.
Còn vai trò của Trung Quốc? Một phát ngôn viên của Trung Quốc lúc bấy giờ đã lập luận “Vị trí cơ bản của Trung Quốc về vấn đề chiến tranh Ukraine, đó là xúc tiến hòa bình, và điều đó được thừa nhận một cách rộng rãi.”
Khoảng hơn 1 năm về trước, Trung Quốc có đưa ra một phương án hòa bình cho Ukraine trong một văn bản công thức 12 điểm. Trong công thức này có đề xuất một số nguyên tắc mang tính định hướng chung chung, để dẫn tới hòa đàm song phương. Nhưng không có đưa ra bất kỳ chi tiết nào về việc phải làm những gì cụ thể để cho hòa đàm có thể diễn ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ rằng ông không cần cái vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc. Thay vào đó, ông hối thúc Trung Quốc —quốc gia đã cùng Nga cam kết quan hệ đối tác “không giới hạn”— hãy dùng sức ảnh hưởng của mình để gây sức ép lên Nga sao cho Nga sớm chấm dứt chiến tranh.
Hiện nay, tình hình chiến sự Ukraine hơi có phần bất lợi cho phe Ukraine ở chiến tuyến phía Đông, khi quân Nga tiến bước chậm nhưng khá vững.
Đầu tháng trước, Kiev đã bất ngờ mở cuộc đột kích vào tỉnh Kursk của Nga, mong muốn phân tán lực lượng quân Nga ở chiến tuyến phía Đông, đồng thời kỳ vọng sẽ đem lại lợi thế cho Kiev trong đàm phán, nếu có.
Tuy nhiên thực tế cho thấy Kiev không đạt được mục đích đã đề ra cho chiến dịch này. Quân Nga không xóa bỏ hay giảm bớt áp lực ở chiến tuyến phía Đông, đồng thời Kremlin nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng chính hành động quân sự tấn công vào lãnh thổ Nga đã phá vỡ cơ hội đàm phán hòa bình.
Thắng lợi ban đầu cùng nhân tố bất ngờ qua đi, Kursk trở thành một chiến tuyến giằng co.
Đối với Kursk, một tỉnh thôn quê thưa dân và không có giá trị lớn lao về mặt chiến lược, Nga đường như lựa chọn chủ trương đặt trọng tâm tiêu diệt binh lính Ukraine và phá hủy vũ khí do NATO cung ứng cho Ukraine ở Kursk, thay vì nỗ lực tìm cách chiếm lại đất trong thời gian ngắn.
Tình hình quân sự không khả quan, trong khi bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng tới gần, phe chủ chiến của phương Tây hối thúc việc đưa vũ khí tầm xa vào chiến trường Ukraine và bắn chúng vào lãnh thổ Nga. Nga tuyên bố phương Tây không nên đùa giỡn với ‘lằn ranh đỏ’ của Nga.
Dự kiến trong tháng này, ông Zelensky sẽ tới Mỹ để báo cáo với Tổng thống Mỹ Joe Biden về “kế hoạch chiến thắng”. Trong tuần này, trước khi đi Mỹ, ông đã triển khai cực nhanh một vòng tẩy bài nội bộ, trong đó 1/2 nội các của ông với cả chục bộ trưởng được thay thế, kể cả ngoại trưởng Dmytro Kuleba. The Ecomonist phân tích rằng ông Zelensky muốn tập trung quyền lực khi cảm thấy tầm ảnh hưởng của mình đang bị phai nhạt.
“Họ (phe Zelensky) vốn đã [tập trung] những ai trung thành ở quanh họ rồi,” theo nhận định của một đại biểu quốc hội phe đối lập, ông Yaroslav Zhelezhnyk. “Bây giờ là họ muốn trung thành ở cấp độ cao hơn nữa.”
Nhật Tân (theo Reuters)