Hungary đang bị Ukraine chặn dần nguồn cung dầu giá rẻ từ Nga

Thiên Vân

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh chụp từ video)

Từ lâu, Hungary đã được hưởng lợi từ mức giá dầu rẻ từ Nga. Nhưng những lệnh trừng phạt mới từ Ukraine đang làm thay đổi tình thế, và Budapest đang vô cùng tức giận.

Không có dầu giá rẻ từ Nga, dân chúng Hungary sẽ chết đói. Ít nhất, đó là một thông điệp mà Ngoại trưởng Hungary, ông Péter Szijjártó, đã đưa ra khi ông đặt chân đến St. Petersburg, Nga vào đầu tuần này.

“Chúng tôi sẽ không thể nuôi sống đất nước” nếu nguồn cung dầu bị gián đoạn, ông tuyên bố.

Tuy nhiên, theo mọi đánh giá, điều đó không bao giờ xảy ra. Sự thật là Hungary không thiếu hụt dầu như ông Szijjártó tuyên bố, theo Liên minh Châu Âu (EU). Các quốc gia láng giềng thậm chí còn đang đề nghị bán thêm dầu cho Budapest nếu được yêu cầu.

Điều gì đang thực sự diễn ra: Thủ tướng Hungary ông Viktor Orbán đang dần mất đi mức giá ưu đãi dầu từ Nga.

Trong suốt hai năm qua, Hungary đã được hưởng miễn trừ đặc biệt từ EU, cho phép Budapest tiếp cận dầu Nga với giá rẻ hơn nhiều giá thị trường. Tuy nhiên, vào tháng Sáu, Ukraine đã làm lung lay thỏa thuận đó khi họ ngăn cản tập đoàn năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga vận chuyển các sản phẩm qua Ukraine đến EU.

Hungary và Slovakia, một quốc gia khác vẫn nhập khẩu dầu Nga, đã nhanh chóng cảnh báo rằng họ có nguy cơ thiếu hụt năng lượng và yêu cầu EU can thiệp.

Nhưng trong những tuần kể từ đó, dầu thô Nga vẫn tiếp tục chảy vào hai quốc gia này. Dữ liệu từ dịch vụ tình báo năng lượng Argus Media cho thấy Hungary và Slovakia đã nhận được tổng cộng 720.000 tấn dầu thô vào tháng Tám, so với 792.000 tấn vào tháng Bảy và 610.000 tấn vào tháng Sáu. Ủy ban Châu Âu cũng đã đưa ra đánh giá tương tự trong tuần này.

Có thể có nhiều lý do khiến phần lớn nguồn cung dầu không thay đổi. Mặc dù công ty Lukoil bị chặn, các nhà sản xuất dầu khác của Nga không bị chặn, và họ vẫn tiếp tục vận chuyển dầu thô qua Ukraine vào EU. Thêm vào đó, Lukoil vẫn có thể bán dầu của mình tại biên giới Ukraine cho một nhà buôn dầu, sau đó thương nhân này sẽ bán lại cho EU. Nếu điều đó không hiệu quả, Croatia cũng đã sẵn sàng đề nghị sử dụng đường ống dẫn dầu của mình làm tuyến đường ống cung cấp dầu thay thế.

Tuy nhiên, có một vấn đề: Hungary đều thấy tất cả các giải pháp này đều đắt đỏ hơn. Điều này gây ra khó khăn cho ông Orbán. Chính phủ của ông Orbán tận dụng mức giá dầu ưu đãi để tăng lợi nhuận chính phủ và kiềm chế giá nhiên liệu trong nước.

Hiện tại, thỏa thuận này “mang lại lợi nhuận rất lớn cho Hungary,” bà Ilona Gizińska, một nghiên cứu viên và chuyên gia về Hungary tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu, cho biết. “Dầu Nga được bán với giá rẻ hơn so với dầu không phải từ Nga — sự chênh lệch giá giữa mỗi thùng dao động từ 5 đến 30 USD kể từ khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt”.

Mua rẻ, bán đắt

Mối quan hệ thân Nga của Hungary đã mang lại lợi ích không chỉ cho cả dân chúng mà còn cho ngân sách quốc gia.

Ưu đãi giá dầu đã giúp người dân Hungary được hưởng mức giá nhiên liệu thấp nhất trên toàn châu Âu, trong khi chi phí năng lượng ở những quốc gia khác tăng cao. Hungary cũng bán lại nguồn cung dư thừa thu về lợi nhuận lớn — một yếu tố quan trọng nhằm thu hút cử tri khi ông Orbán đang phải vật lộn để cân đối ngân sách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp, nguyên nhân chính thúc đẩy một phong trào đối lập.

Bà Gizińska cũng lưu ý rằng tập đoàn năng lượng MOL của Hungary đã ghi nhận lợi nhuận kỷ lục vào năm 2022.

“Ngân sách quốc gia của Hungary cũng được hưởng lợi từ điều này, nhờ áp thuế lên lợi nhuận vượt mức của công ty”, bà Gizińska lưu ý.

Theo ông Mykhailo Gonchar, chủ tịch của tổ chức tư vấn CGS Strategy XXI ở Kyiv, ước tính lượng dầu thô mà Hungary mua từ Lukoil có mức ưu đãi thấp hơn 20% so với giá thị trường.

“Lệnh trừng phạt của Ukraine đối với Lukoil là đòn giáng vào nguồn thu nhập ngầm của các nhóm lợi ích liên quan đến Orbán,” ông Gonchar nhận định. “Những nguồn thu nhập này rất quan trọng với ông Orbán vì chúng mang lại lợi nhuận tối đa, được tạo ra từ sự chênh lệch giữa giá dầu [ưu đãi] rẻ nhất và giá thị trường của các sản phẩm dầu mỏ“, ông Gonchar nói tiếp.

Những thay đổi đang diễn ra sẽ khiến giá chi phí tại Hungary tăng lên. Mua bán thông qua các kênh trung gian — hoặc trả thêm phí vận chuyển cho Ukraine — sẽ đắt đỏ hơn. Và chuyển sang sử dụng đường ống dẫn dầu của Croatia chắc chắn sẽ tốn kém hơn.

Tuy nhiên, Hungary đã không nhận được nhiều sự cảm thông từ liên minh EU. Quốc gia này đã được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận chung của EU đối với dầu Nga sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. Tuy nhiên, sự miễn trừ này chỉ là tạm thời, nhằm giúp các quốc gia không giáp biển có thời gian tìm nguồn cung dầu thay thế.

Thay vì đa dạng nguồn cung năng lượng, Budapest tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống Druzhba lên 50% so với năm 2021 và đã ký kết các hợp đồng khí đốt mới với tập đoàn Gazprom của Nga. Một nhà ngoại giao EU, được phép phát biểu ẩn danh [nói với báo giới], đã than thở rằng, “[Budapest] đã có đủ thời gian để thích nghi” và khẳng định rằng “đó là vấn đề ý chí“.

Nhà ngoại giao này nói thêm: “Hungary ưu tiên lợi ích quốc gia của mình trước hết“.

Bà Olena Lapenko, chuyên gia về an ninh và khả năng phục hồi quốc gia tại tổ chức tư vấn năng lượng DiXi Group ở Kyiv, tin rằng Ukraine đã mất kiên nhẫn với Hungary và Slovakia.

“Hungary và Slovakia có cam kết đa dạng hóa nguồn cung dầu của họ, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy những bước đi cụ thể”, bà Lapenko nói. “Ukraine không nhìn thấy triển vọng thực sự nào trong việc chấm dứt việc mua dầu Nga của những nước EU này. Điều đó giải thích lý do tại sao chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga”.

Vấn đề đau đầu cho Hungary

Vụ xích mích với Ukraine xảy ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn đối với ông Orbán, chính trị gia lâu nay đã biện minh cho mối quan hệ thân thiện với Kremlin với lý do cần thiết cho nền kinh tế quốc gia.

Các khoản trợ cấp năng lượng, giá nhiên liệu phải chăng và hóa đơn tiền điện giảm đã đóng vai trò quan trọng duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy tại quê nhà của ông — nhưng tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục đạt 17,5% vào năm ngoái, đã khiến một số cử tri phải đặt câu hỏi.

Đầu tuần này, Budapest cũng đã bỏ lỡ thời hạn để trả khoản phạt 200 triệu euro mà Tòa án Công lý Châu Âu áp đặt vì vi phạm quy định về tị nạn của khối. Điều này mở đường cho EU khấu trừ khoản tiền này vào các khoản trợ cấp cần thiết mà Hungary sẽ nhận được trong tương lai.

Hiện tại, ông Orbán, 61 tuổi, chính trị gia đã nắm quyền trong hơn một thập kỷ, đang phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình — sự trỗi dậy của một đối thủ từ trong chính nội bộ đảng của ông.

Cựu thành viên Nghị viện Châu Âu, ông Péter Magyar, từng là thành viên của đảng Fidesz cánh hữu của ông Orbán, đã thành lập một phong trào mới vào tháng Ba với lời hứa sẽ chấm dứt “nhà nước mafia” của Hungary và thậm chí thay đổi hướng ngoại giao thân Nga truyền thống của Hungary để tiến gần hơn với Ukraine.

Theo cuộc thăm dò của POLITICO, phong trào Tisza của ông Magyar hiện đang đạt 32% số phiếu ủng hộ, bám sát nút đảng Fidesz đang được 43%. Đây là đối thủ chính trị lớn nhất mà ông Orbán phải đối mặt kể từ khi liên minh đối lập tan rã vào năm 2022.

Hiện tại, Hungary có lẽ vẫn sẽ tiếp tục mua dầu từ Nga, ngay cả khi họ phải mua dầu với giá cao hơn một chút. Các con số hiện tại cho thấy điều đó vẫn đang diễn ra.

“Chúng tôi tin rằng những gì vẫn đang diễn ra là dầu thô từ các nhà sản xuất Nga khác vẫn đang tiếp tục vận chuyển qua Ukraine“, ông John Gawthrop, biên tập viên của Argus Media, cho biết. “Lukoil không phải là công ty duy nhất cung cấp dầu cho Hungary và Slovakia, vẫn còn nhiều công ty Nga khác vận chuyển dọc theo tuyến đường đó, và chúng tôi nghĩ họ sẽ nhảy vào để lấp đầy khoảng trống đó“.

Vào cuộc bầu cử quốc hội Hungary tiếp theo vào năm 2026, tình hình chắc chắn sẽ thay đổi. Ukraine có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga, trong khi các quốc gia EU có thể tăng cường áp lực nhiều hơn buộc Budapest phải từ bỏ nguồn dầu từ Moscow.

Có lẽ ông Vladimir Putin sẽ không còn đủ khả năng để giúp đỡ ông Viktor Orbán mãi mãi.

Gabriel Gavin và Victor Jack/ Politico

Thiên Vân biên dịch

Related posts