Bắc Kinh nỗ lực hiện đại hóa quân sự vì bị Mỹ làm ‘bẽ mặt’ năm 1996?

Hải Lam

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và các tướng lĩnh trong quân đội (ảnh: Từ video Youtube/Wall Street Journal).

Chuyên gia nhận định, sự kình địch kéo dài hàng thập niên giữa Bắc Kinh và Washington, cùng một sự việc làm chính quyền Trung Quốc “bẽ bàng” cách đây hơn 20 năm, đã trở thành động lực cho Quân đội Trung Quốc hiện đại hóa.

Trong khi Bắc Kinh từ lâu đã xác định kẻ thù chính của họ là Mỹ – quốc gia cam kết bảo vệ Đài Loan – thì một sự cố trong vụ bắn thử tên lửa ở eo biển Đài Loan năm 1996 đã thúc đẩy chính quyền Trung Quốc hiện đại hóa hải quân và “học hỏi” từ đối thủ.

Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, nhận định: “Trung Quốc không chỉ muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ mà còn tận dụng một số lợi thế đi sau để tập trung vào việc phát triển vũ khí thế hệ tiếp theo. Là người đến sau, Bắc Kinh đã nhận ra sự cần thiết phải tập trung vào phát triển công nghệ vũ khí thế hệ tiếp theo”.

Ông cũng cho rằng: “Mục tiêu cuối cùng của Quân đội Trung Quốc không chỉ là hiểu các chiến lược và chiến thuật tác chiến của Mỹ mà còn tránh để đối thủ hiểu rõ về kế hoạch của họ”.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để “thống nhất”.

Trong khi Bắc Kinh đã chuẩn bị trong nhiều thập niên cho khả năng phải sử dụng quân sự để “đánh chiếm” Đài Loan, họ đã phải chịu một thất bại vào năm 1996. Trong năm đó, Mỹ đã cử một hạm đội hải quân đến eo biển Đài Loan khi Trung Quốc tiến hành vụ thử một tên lửa ở vùng biển gần căn cứ quân sự Keelung của Đài Loan. Trong quá trình thử nghiệm, hai tên lửa của quân đội Trung Quốc đã biến mất khỏi hệ thống theo dõi. Có nhiều ý kiến ​​cho rằng trục trặc đó là do quân đội Hoa Kỳ cố tình làm gián đoạn Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của phía TQ.

Các nguồn tin quân sự cho biết sự bẽ mặt từ vụ việc đó đã trở thành động lực để Bắc Kinh phát triển hệ thống định vị vệ tinh của riêng mình. Hệ thống định vị Bắc Đẩu đã được hoàn thành với việc phóng tàu thăm dò cuối cùng vào tháng 6 năm ngoái.

Quân đội TQ hiện có thể sử dụng hệ thống này để dẫn đường cho tên lửa mà không sợ bị đối thủ làm gián đoạn.

Ngoài hệ thống Bắc Đẩu, TQ cũng phát triển các chương trình không gian, máy bay thế hệ tiếp theo, tàu chiến, tên lửa siêu thanh và máy bay không người lái.

Hải quân TQ là lực lượng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Lực lượng này có khoảng 350 tàu và tàu ngầm, trong đó có hơn 130 chủ lực tác chiến mặt nước. Trong khi đó, hải quân Hoa Kỳ có 293 tàu.

Trung Quốc có hai tàu sân bay được đưa vào hoạt động – Liêu Ninh và Sơn Đông – cả hai đều dựa trên tàu lớp Kuznetsov thời Liên Xô. Ban đầu, tàu được trang bị hơn 10 hệ thống tên lửa chống hạm P-700 Granit, nhưng các tên lửa này đã bị loại bỏ để nhường chỗ cho các máy bay.

Andrei Chang, tổng biên tập của Tạp chí Quốc phòng Kanwa có trụ sở tại Canada, cho biết điều này là do quân đội TQ quyết định học hỏi từ Mỹ.

Ông nhận định:
“Ngày nay, các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông chỉ là dành cho những bay cất và hạ cánh thuần túy giống như các tàu sân bay của Mỹ, nhưng thiết kế ban đầu của tàu lớp Kuznetsov là một tàu tuần dương có khả năng tấn công biển đối hải và đối không.

Căng thẳng về vấn đề Đài Loan vẫn tiếp diễn kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Hôm thứ Hai, 25 máy bay của quân đội TQ đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đánh dấu cuộc xâm nhập lớn nhất từ trước tới nay. Vào ngày 7/4, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS John S. McCain đã đi qua eo biển Đài Loan chỉ vài giờ sau khi một máy bay phản lực do thám Ep-3E của Không quân Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay kéo dài hai giờ tại khu vực nơi eo biển Đài Loan tiếp giáp với Biển Đôn.

Vào tháng 3, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Finn thuộc nhóm tấn công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong hạm đội bảy đang hoạt động ở Thái Bình Dương, cũng quá cảnh eo biển Đài Loan.

Ông Lu cho biết các cuộc diễn tập tạo cơ hội cho quân đội hai nước quan sát lẫn nhau.

Ông nói: “Cả quân đội Mỹ và TQ đều đang sử dụng đối đầu như một cuộc huấn luyện thường lệ, vì họ đang cố gắng kiểm tra điểm mấu chốt và sức mạnh thực chiến của nhau”.

Song Zhongping, một cựu huấn luyện viên của quân đội TQ, cho biết cuộc giao tranh giữa quân đội TQ và quân đội Mỹ ở eo biển Đài Loan có thể được coi là sự phản ánh cuộc đối đầu về công nghệ và quân sự của hai nước.

Ông Song nói: “Người Mỹ đang gây áp lực nhiều hơn lên Trung Quốc, không chỉ về vấn đề Đài Loan, mà còn vì trong các tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, Tân Cương và các khu vực khác, thúc đẩy quân đội tăng cường khả năng quân sự của mình. Quân đội TQ sẽ sử dụng cách hiệu quả nhất và rẻ nhất để giải quyết vấn đề Đài Loan, và chi phí đó sẽ giảm xuống khi lực lượng này trở thành một lực lượng vũ trang hiện đại sẵn sàng chiến đấu thực sự”.

Andy Tian, chủ tịch Viện nghiên cứu quản trị toàn cầu ở Bắc Kinh, cho biết việc Mỹ thúc đẩy sự phát triển chung của công nghệ và quân đội của họ đã cung cấp cho Trung Quốc một mô hình để bắt chước.

“Sự cạnh tranh của họ với Mỹ tiếp tục thúc đẩy quân đội TQ xem xét lại các phương pháp và hướng hiện đại hóa quân đội của mình”.

Related posts