ĐCSTQ thí điểm cho phép thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, bị cho là cạm bẫy

Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 29/10/2022. Bên ngoài phòng khám của Bệnh viện Thụy Kim (Ruijin). Bệnh viện Thụy Kim là bệnh viện được xếp hạng cấp 3A, xếp hạng cao nhất trong hệ thống y tế Trung Quốc. (Ảnh: Robert Way / Shutterstock)

Trong bối cảnh rút vốn đầu tư nước ngoài trên quy mô lớn, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết có kế hoạch cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập các bệnh viện với vốn đầu tư độc lập tại 9 khu vực, bao gồm cả Bắc Kinh và Thiên Tân. Mục đích và tác dụng đằng sau kế hoạch của ĐCSTQ là gì, điều này cũng thu hút những cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Các chuyên gia cho rằng ĐCSTQ có những cân nhắc về chính trị và kinh tế trong việc mở các bệnh viện 100% vốn nước ngoài. Tất nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng lo lắng về rủi ro chính trị.

ĐCSTQ có kế hoạch cho phép thành lập các bệnh viện 100% vốn nước ngoài ở 9 khu vực

Theo tin tức đăng trên trang web của Bộ Thương mại ĐCSTQ vào Chủ nhật (ngày 8/9), thì Bộ này và Ủy ban Y tế Quốc gia, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước, đã cùng ban hành thông báo về việc mở rộng thí điểm mở cửa trong lĩnh vực y tế.

Thông báo cho biết, cơ quan chức năng có kế hoạch mở rộng thí điểm mở cửa trong lĩnh vực y tế và cho phép thành lập các bệnh viện 100% vốn nước ngoài (không bao gồm y học cổ truyền Trung Quốc, ngoại trừ việc sáp nhập và mua lại bệnh viện công) tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu, Phúc Châu, Quảng Châu, Thâm Quyến và Hải Nam. Các điều kiện, yêu cầu và thủ tục cụ thể thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài sẽ được thông báo riêng.

9 địa điểm nói trên đều là các thành phố và tỉnh tương đối giàu có ở miền Đông hoặc miền Nam Trung Quốc.

Ông Lại Vinh Vĩ (Lai Jung-wei ), Giám đốc điều hành của Hiệp hội truyền cảm hứng Đài Loan (TIA), nói với tờ Epoch Times rằng vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nghiêm trọng, ĐCSTQ muốn mở cửa các doanh nghiệp nước ngoài để kiếm thêm tiền. Y tế là thị trường được ĐCSTQ coi là có lợi nhuận cao. Ngoài ra, về mặt công nghệ sinh học, Trung Quốc vẫn còn tương đối tụt hậu so với các nước khác. Chính quyền hy vọng các doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc, sử dụng công nghệ sinh học tiên tiến để thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề của Trung Quốc.

Ông Đường Tĩnh Viễn, một nhà bình luận thời sự ở Mỹ có chuyên môn về y tế, nói với tờ Epoch Times rằng ĐCSTQ đột ngột mở cửa một số khu vực phát triển và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mở các bệnh viện thuộc sở hữu hoàn toàn của nước ngoài, có thể có các nguyên nhân sau:

“Thứ nhất là nhằm tạo hiệu ứng cá da trơn để kích hoạt thị trường y tế trong nước.

Thứ hai là thiếu tiền và hy vọng huy động vốn nước ngoài để giảm bớt khó khăn kinh tế. Những bệnh viện 100% vốn nước ngoài đầu tiên nằm ở những khu vực tương đối phát triển về kinh tế, có thể sẽ bị tính thuế tương đối cao.

Thứ ba là để tạo ảo tưởng cho thấy ĐCSTQ vẫn đang cải cách, mở cửa chứ không hề khép kín”.

Chính sách này cho phép các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động trong 4 khu vực thí điểm tự do thương mại ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và Hải Nam, để phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc con người, chẩn đoán và điều trị gen. Văn kiện cho biết, tất cả các sản phẩm đã được đăng ký và phê duyệt sản xuất có thể được sử dụng trên toàn quốc.

Ông Đường Tĩnh Viễn nói rằng ĐCSTQ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào việc phát triển và ứng dụng tế bào gốc của con người cũng như các công nghệ chẩn đoán và điều trị di truyền, là vì những công nghệ tiên tiến này cần thiết cho các cán bộ ĐCSTQ, những người được hưởng các đặc quyền y tế. Nhưng mặt khác, một khi ĐCSTQ có được những công nghệ tiên tiến như vậy từ các nước phát triển, họ không loại trừ việc sử dụng chúng trong lĩnh vực quân sự, chẳng hạn như vũ khí hóa chúng. “Về mặt lý thuyết, công nghệ y tế tiên tiến này có thể trở thành một loại vũ khí đặc biệt”.

Ông Lại Vinh Vĩ cũng nói: “Chỉ là một cái bẫy, trước tiên cho bạn vào, cho bạn nếm chút vị ngọt, sao sau đó gài bẫy và yêu cầu chuyển giao công nghệ, đánh cắp nhãn hiệu của bạn, đánh cắp công nghệ của bạn, đánh cắp bí mật kinh doanh của bạn, tất cả đều phải ở lại Trung Quốc, và thậm chí trở thành quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, và cuối cùng mở rộng từ công nghệ sinh học đến cải thiện khả năng chiến tranh của Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị rút đáng kinh ngạc

Các tài liệu của ĐCSTQ đề cập rằng một trong những mục đích cho phép thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài là thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi các hạn chế đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực này được gỡ bỏ, tâm lý chán nản của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những vấn đề đe dọa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ngày 16/8, số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc giảm 29,6% so với năm ngoái. Năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đạt 33 tỷ USD, giảm 82% so với năm 2022, lập mức thấp kỷ lục kể từ năm 1993.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, mức sử dụng đầu tư nước ngoài thực tế của Trung Quốc vào năm 2023 là 163,3 tỷ USD, giảm 13,6% so với năm 2022 (từ mức 189,1 tỷ USD).

Dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối của ĐCSTQ cho thấy, nợ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc chỉ còn 42,7 tỷ USD vào năm 2023, mức giảm đáng kinh ngạc so với cùng kỳ năm trước đó.

Bloomberg trích báo cáo cán cân thanh toán mới nhất từ ​​Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của ĐCSTQ cho biết, trong quý 2 năm nay, nợ đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã giảm gần 15 tỷ USD. Kể từ khi có hồ sơ thì đây là lần thứ hai xuất hiện giá trị tiêu cực, hơn nữa lượng tiền chảy ra cao hơn 12,1 tỷ USD trong quý 3 năm ngoái.

Con số này nhấn mạnh sự dịch chuyển đáng kể của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc. Nếu nợ đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tiếp tục giảm trong thời gian còn lại của năm nay, nước này có thể lập kỷ lục lịch sử về “dòng vốn chảy ra hàng năm” lần đầu tiên kể từ khi hồ sơ bắt đầu vào năm 1990.

An ninh chính trị cao hơn phát triển kinh tế

Khi Bộ Thương mại ĐCSTQ đưa ra thông báo về việc mở cửa đầu tư y tế đã nói rằng chính sách mới này là một dự án thí điểm, nhằm thực hiện cam kết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của ĐCSTQ vào tháng 7.

Thông cáo chính thức của cuộc họp này đã chính thức đưa ra kế hoạch tuyên bố thúc đẩy “cải cách sâu rộng” và “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Phương tiện truyền thông của ĐCSTQ là tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài viết tâng bốc “cải cách mở cửa vĩ đại”, nhưng thông cáo của Hội nghị Trung ương 3 của ĐCSTQ cũng nói cụ thể về “an ninh quốc gia”, nói rằng “cải thiện các cơ chế an ninh quốc gia liên quan đến nước ngoài”, và cuối cùng nhấn mạnh cần kiên trì sự “lãnh đạo thống nhất tập trung” của đảng để cải cách sâu rộng toàn diện.

Ông Lại Vinh Vĩ nói với tờ Epoch Times rằng trước đây, nhiều công ty công nghệ nước ngoài đã đến Trung Quốc và ký được những hợp đồng tốt. Cuối cùng, công nghệ đã bị đánh cắp và chính quyền lần lượt cho phép các ngành công nghiệp địa phương cạnh tranh. “Hầu hết các công ty có vốn nước ngoài có liên hệ với Trung Quốc đều từng nếm trải qua đau thương. Vì vậy, tôi không lạc quan về tình hình hiện nay khi các doanh nhân nước ngoài thành lập bệnh viện ở Trung Quốc”.

Ông Đường Tĩnh Viễn tin rằng vì vẫn chưa có điều khoản cụ thể về việc mở bệnh viện 100% vốn nước ngoài, nên rất khó để đánh giá liệu các công ty nước ngoài này có thể tiếp tục hoạt động hay không. Tuy nhiên, uy tín của ĐCSTQ ở phương Tây đã bị phá sản, chính quyền đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ mở rộng sự cởi mở với công ty nước ngoài, nhưng cũng lại nhấn mạnh đến an ninh chính trị nên các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn rất lo ngại.

Trên mạng xã hội X, nhiều cư dân mạng không mấy lạc quan về việc ĐCSTQ cho mở các bệnh viện 100% vốn nước ngoài:

“Hai mươi năm trước thì vẫn có thể gian lận, nhưng bây giờ chỉ có những kẻ ngốc mới để cho việc đó xảy ra.”

“Các nhà đầu tư nước ngoài không phải là những kẻ ngốc. Các nhà đầu tư Đài Loan sẽ nói cho họ biết những chiêu trò của ĐCSTQ.”

“Thượng Hải từ lâu đã có ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Có thể mở ngân hàng không có nghĩa là bạn có thể làm các nghiệp vụ ở Trung Quốc! Tương tự, một bệnh viện 100% vốn nước ngoài là bệnh viện tư nhân, và không có nghĩa là bạn có thể sử dụng bảo hiểm y tế, và các bệnh viện do nước ngoài tài trợ sẽ tính thuế cao cho bạn! Vì vậy, tiền đề chính là nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ĐCSTQ, chỉ cần ĐCSTQ vẫn còn tồn tại thì không được coi là mở cửa!”

“Bài ngoại và chủ nghĩa dân túy đang thịnh hành, mọi người đều bị bắt vì tội gián điệp và bị kết án vì phát ngôn, bảo mật dữ liệu, kiểm soát ngoại hối, thành lập đảng ủy, v.v. Nếu không có thay đổi, thì cần suy nghĩ kỹ.”

“Quanh một vòng lớn thì vẫn là tiếp tục duy trì cạm bẫy cho đến khi có được công nghệ cao cấp thực sự. Haha, không biết lần này đã lừa được bao nhiêu công ty phương Tây tham lam.”

“Vốn nước ngoài ám chỉ những quan chức thế hệ thứ hai đã thay đổi quốc tịch, chứ không phải vốn nước ngoài theo nghĩa thông thường.”

“Các bệnh viện có vốn nước ngoài cũng phải thành lập chi bộ đảng.”

“Hơn 100 năm trước, người nước ngoài đã mở bệnh viện và trường học ở Trung Quốc. Nhưng ngày nay, hơn 100 năm sau, liệu việc cho phép người nước ngoài mở bệnh viện 100% vốn sở hữu nước ngoài có được coi là một kiểu cởi mở và tiến bộ?”

Theo Hải Chung, Epoch Times

Related posts