An Chi
Sau khi nhắc nhở Bắc Kinh nếu muốn lấy lại đất quê hương, thì thay vì “thống nhất Đài Loan”, sao không lấy lại đất đã bị cắt cho Nga, Tổng thống Đài Loan lại có một câu nói thu hút sự chú ý khác. Và lần này, cũng chỉ bằng một lý lẽ rất đơn giản, dễ hiểu, xúc tích, ông đã khiến vấn đề trở nên rất dễ hiểu.
Sau ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mùng 1/10, chính là ngày thành lập Trung Hoa Dân Quốc ngày 5/10, trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Bắc, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã có một câu nói được lan truyền và thảo luận sôi nổi trên mạng.
Ông Lại Thanh Đức cho biết, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vừa mới kỷ niệm 75 năm thành lập, và chỉ vài ngày nữa, Trung Hoa Dân Quốc sẽ kỷ niệm 113 năm thành lập. “Vì vậy, về tuổi tác, rõ ràng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa không thể trở thành tổ quốc của nhân dân Trung Hoa Dân Quốc, mà ngược lại, Trung Hoa Dân Quốc có thể là tổ quốc của những công dân trên 75 tuổi của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”. Ông cũng nhắc nhở: “Nếu có ai muốn chúc mừng sinh nhật ĐCSTQ, thì lời chúc phải chính xác, tuyệt đối không được dùng từ ‘tổ quốc’”.
Đây là một lần nữa khẳng định quan điểm của ông Lại Thanh Đức về việc “duy trì hiện trạng” trong quan hệ qua lại giữa hai bờ eo biển, nhấn mạnh rằng “Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thuộc về nhau”.
Rõ ràng, những lời của ông Lai Thanh Đức có ý chỉ đến một điều gì đó. Bởi vì mỗi dịp kỷ niệm 1/10 của ĐCSTQ, một số nghệ sĩ Đài Loan hoạt động tại đại lục thường chúc mừng Quốc khánh Trung Quốc trên mạng xã hội, và gọi đó là “tổ quốc”. Tự nhiên, những gì ông Lại nói không chỉ là lời cảnh báo dành cho những nghệ sĩ này, mà còn là thông điệp gửi đến những người Đài Loan và đại lục đang mơ hồ, và cũng là để ĐCSTQ nghe thấy. Ông Lại Thanh Đức là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Đài Loan xếp ngang hàng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc, và gọi Trung Hoa Dân Quốc mới là tổ quốc.
Cho đến nay, chưa thấy phản ứng nào từ chính quyền đại lục đối với phát biểu của ông Lại. Hơn nữa, các video liên quan từ cộng đồng mạng, bao gồm những lời chửi bới về “Đài Loan độc lập” từ cư dân mạng Trung Quốc, đã bị gỡ bỏ trong chưa đầy một giờ trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, nghi ngờ bị kiểm duyệt.
Ở bên ngoài đại lục, có không ít cư dân mạng khen ngợi lời nói của ông Lại Thanh Đức, cho rằng “đây là sự thật đơn giản”, “lời nói không có vấn đề, logic rõ ràng”, “nói rất hay, ĐCSTQ hãy làm rõ ai mới là cha!”
Có lẽ những người quan tâm sẽ nhớ rằng, vào cuối tháng 5 năm nay, trước và sau cuộc tập trận kiểu “sấm lớn nhưng mưa nhỏ” của quân đội Trung Quốc tại eo biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc cũng đã phối hợp tuyên truyền trên mạng xã hội. Chẳng hạn, trước cuộc tập trận, chiến khu phía Đông đã đăng bài trên Weibo với câu hỏi: “‘Đứa trẻ hư’ cần trải qua những gì để có một tuổi thơ hoàn chỉnh?”
Trong quá trình tập trận, chiến khu phía Đông lại đăng bài nói rằng: “Chỉ khi trải nghiệm, mới có thể trưởng thành. ‘Đứa trẻ hư’ khi lớn lên chắc chắn sẽ cảm ơn cha mẹ đầy yêu thương và trách nhiệm”. Sau đó, chiến khu phía Đông của Trung Quốc lại đăng bài rằng: “Mỗi ‘đứa trẻ hư’ không nghe lời, không tiếp thu bài học, đều là gánh nặng mà cha mẹ không thể buông bỏ”.
Những “đứa trẻ hư” không biết điều, không nghe lời và chưa trưởng thành mà ĐCSTQ nhắc đến, rõ ràng ám chỉ đến Đài Loan, trong khi ĐCSTQ chính là “người mẹ”, “không thể buông bỏ” và “đầy yêu thương, trách nhiệm”. Trong mắt ĐCSTQ, việc mẹ đánh “đứa trẻ hư” là điều hợp lý.
Khi đó, Đài Loan không phản ứng gì, nhưng giờ đây, bài phát biểu mới nhất của ông Lại Thanh Đức có thể được xem là phản hồi đối với lập luận “đứa trẻ hư” của ĐCSTQ. Theo chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Chu Hiểu Huy (周晓辉), dựa theo lời của ông Lại, “đứa trẻ hư” đã gần 113 tuổi, trong khi “người mẹ” chỉ mới 75 tuổi, cho thấy “đứa trẻ” còn lớn tuổi hơn “mẹ,” điều này chứng minh rằng lập luận của ĐCSTQ hoàn toàn không có cơ sở. Nếu ĐCSTQ thực sự muốn thiết lập một mối quan hệ mẹ con, thì chỉ có ĐCSTQ 75 tuổi công nhận Trung Hoa Dân Quốc 112 tuổi là “mẹ,” điều này mới hợp lý.
Ai cũng biết, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập chính thức vào ngày 1 tháng 1 năm 1912 tại Nam Kinh, lúc đó ĐCSTQ còn chưa thấy bóng dáng. Vài tháng sau, Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh đã ban lệnh thoái vị, Trung Hoa Dân Quốc chính thức kế thừa quyền lực từ nhà Thanh. Trung Hoa Dân Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn, bao gồm thời kỳ chính phủ Bắc Dương và thời kỳ chính phủ Quốc dân trên đại lục.
Thành tựu lớn nhất của chính phủ Quốc dân trên đại lục là đã trải qua cuộc chiến đẫm máu và giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Nhật, nhận được sự tôn trọng từ thế giới, và trở thành một trong những quốc gia sáng lập Liên Hợp Quốc, cũng như là một trong năm nước thường trực của Hội đồng Bảo an.
Còn ĐCSTQ, trong thời gian kháng chiến đã ẩn mình ở tây bắc, lợi dụng cơ hội để phát triển, đồng thời bí mật cấu kết với quân Nhật, âm thầm tấn công quân đội Quốc dân. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ĐCSTQ nhanh chóng phát động nội chiến, cướp lấy thành quả chiến thắng, được sự hỗ trợ của Liên Xô, đã cướp chính quyền, thành lập “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” trên đại lục, trong khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thất bại và di tản về Đài Loan, vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền toàn bộ Trung Quốc, bao gồm cả đại lục, và đại diện cho Trung Quốc trên trường quốc tế, nhưng quyền đại diện này đã mất hơn năm mươi năm trước.
Vào thập niên 1990, Trung Hoa Dân Quốc đã thừa nhận sự thực rằng ĐCSTQ đang thực hiện quyền thống trị trên đại lục, trong khi Trung Hoa Dân Quốc quản lý khu vực Đài Loan, duy trì quan hệ với đại lục mà không công nhận chủ quyền của ĐCSTQ trong khuôn khổ pháp lý.
Chuyên gia Chu Hiểu Huy chỉ ra rằng, nhờ vào việc rải tiền ra nước ngoài để có được sự ủng hộ của các nước thế giới thứ ba, ĐCSTQ đã giành được ghế “Trung Quốc” tại Liên Hợp Quốc vào thập niên 1970, nhưng nghị quyết 2758 mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào thời điểm đó không có nghĩa là thế giới công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Vào ngày 16/5 năm nay, thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jim Risch, đã công bố rằng ông cùng với thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jeanne Shaheen đã đồng đưa ra một nghị quyết, trong đó ông cho biết: “Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1971 không có nghĩa là thế giới công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan. Hơn nữa, ‘chính sách Một Trung Quốc’ của Mỹ khác với ‘nguyên tắc Một Trung Quốc’ của Trung Quốc”.
Ông nói thêm: “Các lãnh đạo Trung Quốc biết điều này, nhưng họ vẫn phát tán loại tuyên truyền này, phủ nhận khả năng tiếp cận của Đài Loan với các tổ chức quốc tế. Nghị quyết này làm rõ sự thật. Mỹ có thể và nên phản bác lại những tuyên bố sai trái của Trung Quốc mỗi khi có cơ hội”.
Vào tháng 4, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan, Mark Baxter Lambert, cũng đã rõ ràng phát biểu tại một sự kiện think tank ở Washington rằng: “Thứ nhất, nghị quyết 2758 không công nhận, không đồng nghĩa và không phản ánh sự đồng thuận về ‘nguyên tắc Một Trung Quốc’ của Trung Quốc. Thuật ngữ này chỉ đề cập đến lập trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Đài Loan. Thứ hai, nghị quyết 2758 không liên quan đến sự lựa chọn chủ quyền của các quốc gia trong quan hệ với Đài Loan. Thứ ba, về vấn đề địa vị chính trị cuối cùng của Đài Loan, nghị quyết 2758 không đại diện cho lập trường của hệ thống Liên Hợp Quốc. Thứ tư, nghị quyết 2758 không loại trừ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào hệ thống Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương khác”.
Ngoài Mỹ, vào tháng 9, Quốc hội Úc và Hà Lan cũng lần lượt thông qua các nghị quyết khẳng định “nghị quyết 2758 không liên quan đến Đài Loan”.
Việc cộng đồng quốc tế phủ nhận nghị quyết 2758 của Đại hội đồng liên quan đến chủ quyền Đài Loan có nghĩa là không công nhận chủ quyền của ĐCSTQ đối với Đài Loan. Khi điều này trở thành sự đồng thuận của ngày càng nhiều quốc gia, Bắc Kinh sẽ mất đi cơ sở để “giải phóng” Đài Loan, thì làm sao Bắc Kinh không tức giận?
Vấn đề là, ĐCSTQ tức giận sau khi bị Mỹ, Hà Lan, và Úc chỉ trích, nhưng tại sao lần này lại chọn im lặng trước lời nói về “tổ quốc” của ông Lại Thanh Đức? Có lẽ ĐCSTQ cũng cảm thấy lời của ông Lại là sự thật, bản thân không có lý lẽ gì để phản bác, và nếu họ phản ứng, thì lại trở thành trò cười cho cộng đồng quốc tế và người dân trong nước.