Ngày Thứ Bảy 16.03.2019 tại Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng Đồng thuộc Vùng Tây Nam Thủ phủ Sydney, một buổi Ra Mắt Sách (RMS) đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị và Nạn Nhân Cộng Sản Việt Nam / NSW.
Có lẽ ít khi mà một buổi RMS thu hút được cử tọa đông đảo và diễn tiến xảy ra nhịp nhàng, thành đạt về mặt hình thức cũng như nội dung. Đây là lần đầu tiên mà hai cựu phóng viên chiến trường Việt Nam đã từ Houston, Hoa Kỳ đến thăm Úc Châu. Vào Chủ Nhật tuần trước, một buổi RMS tương tự cũng đã được tổ chức tại Melbourne.
Tên tuổi của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy không xa lạ đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhưng không phải ai cũng có dịp gặp gỡ và nhất là có trong tay quyển Hồi Ký (dài khoảng 700 trang) mà hai đồng tác giả đã dành cả 40 năm để biên soạn: “Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu – Ngục Tù và Vượt Biển”, ấn bản lần thứ ba tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh lần đầu tiên “Surviving the Vietnam War & Its Aftermath – War Correspondents Memoir of Love & Terror”.
Chương trình RMS kéo dài 3 tiếng đồng hồ và được đúc kết qua các cuộc thảo luận giữa Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Trưởng ban Tổ Chức, anh Trần Xuân Quang và Chị Đoan Trang, thành viên.
Như thường lệ, Buổi RMS bắt đầu với phần nghi thức chào Quốc Kỳ Úc-Việt và một phút mặc niệm, với MC Trần Xuân Quang. Trong thành phần cử tọa, có rất nhiều đại diện các đoàn thể và tổ chức, kể cả Ông Chủ Tịch CDNVTD/NSW, Chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn & Giám Sát, Chủ tịch Tổng Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH và Chiến sĩ Võ Đại Tôn.
Trong bài diễn văn khai mạc, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến chào mừng quan khách đồng hương và đặc biệt là hai tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. Ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyển Hồi Ký, nhất là phiên bản tiếng Anh đối với tập thể thế hệ trẻ gốc Việt sinh trưởng ở nước ngoài. Kế tiếp, Ông Paul Huy Nguyễn bày tỏ cảm tưởng sau khi đọc qua Hồi Ký nầy. Là một hậu duệ, ông nói rằng ông đã học hỏi và mở rộng kiến thức về cuộc chiến Việt Nam và đồng ý là phiên bản tiếng Anh sẽ giúp thế hệ trẻ gốc Việt ở nước ngoài hiểu được sự thật về cuộc chiến Việt Nam.
Trong phần Giới Thiệu Tác Giả, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cho biết ông đã là bạn của Dương Phục lúc hãy còn 19 tuổi và hai người là bạn nối khố từ trên nửa thế kỷ qua. Theo nhận xét của ông, Dương Phục là người “khác thường”. Ông mô tả Vũ Thanh Thủy là “con gái nhà lành” nhưng cũng không kém “khác thường”. Hai nhân vật khác thường nầy đã bắt đầu cuộc đời phóng viên chiến trường chuyên nghiệp một cách riêng rẽ để rồi họ gặp nhau một cách khác thường tại mặt trận. Và như người ta thường nói, phần còn lại là lịch sử – của cuộc chiến, cuộc tình, đời sống lứa đôi trước và sau Tháng Tư Đen, vượt biển và thảm trạng thuyền nhân.
Phần chuyển mục là 4 ca khúc phù hợp với 4 giai đoạn cuộc đời của hai tác giả, do nam ca sĩ Hoàng Phương và hai nữ ca sĩ Thanh Thúy và Nga-Uyên trình bày. Một phần của diễn tiến xuyên suốt là do sự nhanh nhẹn tháo vát của hậu duệ trẻ VNCH, anh Minh Trí trong vai trò floor manager.
Một điểm đáng chú ý khác là Chị Ái Minh và Chị Nhất Giang đã có mặt từ sớm nhưng phải ngồi ngoài hội trường để phát hành sách trên 3 tiếng đồng hồ. Nhiều đồng hương chỉ đến để mua sách và phải ra về vì bận rộn việc khác, nên Anh Nhất Giang nhiều lúc đã phải mang sách vào hội trường để hai tác giả ký tên rồi lại trở ra để trao cho họ. Đấy cũng là diễn tiến ít khi xảy ra tại một buổi Ra Mắt Sách.
Kỷ niệm của những người “Số 2 bis đường Hồng Thập Tự Sài Gòn”:
Ngồi: Dương Phục, Đứng (từ Trái): Ông Bà Nhất Giang, Ls Lưu Tường Quang, Ngọc Hân, Vũ Thanh Thủy, Ái Minh và Bs Nguyễn Mạnh Tiến
Buổi RMS tiếp tục với phần giới thiệu tác phẩm do Ngọc Hân và Ls Lưu Tường Quang phụ trách. Tuy nhiên, chúng tôi đã tóm gọn vài nhận định chính, vì bản văn Điểm Sách đã được phổ biến trên Tuần báo Việt Luận (ngày 08.03.2019) và Tập san Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long số 13 (Tháng 3/2019). Ngọc Hân chỉ nhắc lại một cuộc chiến lịch sử tại An Lộc hồi đầu năm 1972 mà Dương Phục đã được trực thăng vận đến hiện trường để làm phóng sự. Cũng như những chuyến công tác khác, anh đã sống sót bom đạn cộng sản và trở về hậu cứ tại Số 2 bis Đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn để trao phóng sự thu thanh và viết tin cho Xướng ngôn viên tin tức chúng tôi trình bày trên làn sóng của Đài Phát Thanh Quân Đội và Đài Truyền Hình Quân Đội, trực thuộc Cục tâm Lý Chiến. Đây là cơ hội mà anh Dương Phục và tôi gặp lại nhau vì cả hai chúng tôi đã làm việc dưới quyền Trung Tá Văn Quang. Khi “Số 2 bis Hồng Thập Tự” được nhắc đến là hai tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đều tỏ ra xúc động vì đây là địa điểm thiêng liêng của tập thể giới truyền thông quân đội, kể cả Đài Tiếng Nói Tự Do (một đài “xám” phát thanh về Miền Bắc) mà Chị Vũ Thanh Thủy là một phóng viên chiến trường xuất sắc của Đài nầy.
Theo Ls Lưu Tường Quang, quyển Hồi Ký nầy là vũ khí lịch sử đem lại Sự Thật cho cuộc chiến Việt Nam và cũng là vũ khí Sự Thật: Bản Cáo Trạng chế độ cộng sản và Thảm trạng thuyền nhân Việt Nam. Trong suốt cuộc hành trình nầy, hai tác giả là chứng nhân trước năm 1975 và là tác nhân sau ngày 30 tháng 4 oan nghiệt ấy. Vì thời gian có hạn, Ông Lưu Tường Quang chỉ nêu hai sự kiện trong số rất nhiều sự kiện nổi bật: Đó là cơ hội mà Vũ Thanh Thủy đồng hành với ký giả nổi danh Oriana Fallaci (1929-2006), người ký giả phương Tây đầu tiên đã phỏng vấn Võ Nguyên Giáp và đánh tan ‘huyền thoại giải phóng’.
Sự kiện thứ nhì là khi Dương Phục phỏng vấn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Mặt Trận Khe Sanh về kế hoạch Việt-Nam-hóa chiến tranh. Theo Ông Lưu Tường Quang, với tư cách Tổng Thống và tại mặt trận, Ông Nguyễn Văn Thiệu đã phải bênh vực kế hoạch này, nhưng với tư cách là một nhà thương thuyết mặt-đối-mặt với Tổng Thống Richard Nixon tại căn cứ hải quân Mỹ Midway ngày 09 tháng 6 năm 1969, thì đó là một vấn đề sống còn của VNCH mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không thể nhượng bộ. Nhìn lại hai nền Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều đặt quyền lợi quốc gia của Việt Nam trên hết đối với đồng minh Hoa Kỳ.
Phần quan trọng và lý thú nhất là khi Dương Phục và Vũ Thanh Thủy lên bàn chủ toạ để tâm tình với quan khách và đồng hương qua sự điều hợp của Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến.
Hai tác giả nói tóm tắt về kinh nghiệm chiến trường mặc dầu họ chưa hề cầm súng mà vũ khí chỉ là máy ghi âm và ngòi bút, về cuộc tình thơ mộng trong hoàn cảnh quê hương khói lửa, về thảm trạng thuyền nhân mà họ đã trải qua tại Đảo Koh Kra trong Vịnh Thái Lan và những công tác cứu trợ, đánh động lương tâm thế giới mà họ đã làm.
Trả lời rất nhiều câu hỏi, nhưng tựu trung hai tác giả cũng như cử tọa đều chia sẻ nhiều “giấc mộng con” và một “giấc mộng lớn”: Đó là nhìn thấy Quê Hương Việt Nam trở thành một quốc gia tự do dân chủ và phú cường.
Ông Võ Đại Tôn đã đóng góp vào phần đối thoại nầy với một bài thơ đấu tranh, khi ông trả lời một câu hỏi của Dương Phục về nếp sống gia đình trong thời gian ông tranh đấu cho quê hương.
Một câu hỏi được nêu là là tại sao Hồi Ký độc đáo nầy chưa được biến thành một phim truyện. Hai tác giả đã nhắc lại, trong những năm đầu định cư tại Mỹ và trong hoàn cảnh thiếu thốn tài chánh, đã có công ty phim ảnh đề nghị việc nầy, nhưng dự án đã không thể tiến hành vì hai tác giả đã thẳng thắn dành quyền quyết định nội dung để tránh trường hợp cuộc đời của họ nói riêng và nhân dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản cũng như thảm trạng thuyền nhân nói chung, bị thương mại hóa.
Quyển Hồi Ký nầy – nhất là phiên bản tiếng Anh, ngoài đối tượng độc giả trẻ gốc Việt, còn là tài liệu nguyên thủy có thể đóng góp đáng kể vào các công trình nghiên cứu tương lai, khi thế hệ học giả mới tại các nước phương Tây nhìn lại cuộc chiến Việt Nam một cách khách quan hơn và không bị ảnh hưởng bởi các quyền lợi thương mại, theo nhận xét của Ông Lưu Tường Quang. Nhìn từ góc cạnh nầy, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã tiết lộ một dự án mới đang hình thành tại Mỹ nhằm phản bác lại những phim ảnh và sách báo có nhiều dữ kiện sai lạc về cuộc chiến Việt Nam chẳng hạn như The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick.
Đây là dự án phim ảnh mà hai tác giả có quan hệ với nhà làm phim có tiếng là Ông Fred Koster qua chương trình gọi là “Through Our Eyes –The Vietnam War”.
Fred Koster đã từng là đạo diễn và người viết kịch bản (Director and Screenwriter) cho cuốn phim “Ride The Thunder – A Vietnam War Story of Victory and Betrayal”.
Trong dự án mới này, vấn đề cần được lưu ý hiện nay là tài chánh. Không thể có được tài trợ 30 triệu Mỹ kim như Ken Burns, nhưng Ông Fred Koster hi vọng có thể có đủ phương tiện tài chánh để gây dựng một bộ phim mới về Chiến Tranh Việt Nam trên căn bản Sự Thật Lịch Sử.
Dương Phục và Vũ Thanh Thủy mong mỏi cộng đồng người Việt tại Úc sẽ tiếp tay và Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến đã hứa là ông sẽ góp phần vận động gây quỹ tại Úc Châu.
Ngoài những nỗ lực tranh đấu cho quê hương cội nguồn, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy – với tư cách nhà báo chứ không phải là nhà văn – đã thành lập và phát triển cơ sở phát thanh phục vụ cộng đồng người Việt tại Tiểu bang Texas: Đó là cơ sở Radio Saigon Houston.
Buổi Ra Mắt Sách đã phải chính thức chấm dứt vào 5 giờ chiều. Nhưng cử tọa và tác giả vẫn quyến luyến tiếp tục trò chuyện thân mật thêm một tiếng đồng hồ nữa. Người sau cùng rời khỏi Hội Trường Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng Đồng cũng chính là hậu duệ trẻ tuổi Minh Trí, Floor Manager cho Buổi Ra Mắt Sách rất sinh động nầy.
Ngọc Hân
(Sydney 18.03.2019)