Mai Quỳnh
13-12-2024
Ngày 10/12/2024, tôi có gửi email đến Nhà xuất bản (NXB) Trẻ để hỏi về cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” vừa được tái bản. Trước câu hỏi của tôi rằng sách có bổ sung, cắt bỏ gì không và nếu có thì vì sao và ở chỗ nào, email trả lời của NXB Trẻ vào ngày hôm sau có viết:
“Bản tiếng Việt “Tại sao các quốc gia thất bại” không có bổ sung thêm, nhưng sẽ có các chỗ biên tập cắt bỏ so với bản gốc. Do các phần điều chỉnh nhỏ này nằm rải rác, chúng tôi không thể liệt kê chi tiết ở đây, mong bạn thông cảm”.
Theo đó, NXB Trẻ xác nhận, sách không có thêm nội dung nào mới, nhưng có một số chỗ bị “cắt bỏ” do biên tập. Cũng theo NXB, các chỗ cắt bỏ này chỉ là “điều chỉnh nhỏ”, không tập trung mà nằm phân tán trong sách nên họ không nêu chi tiết qua email trả lời được.
Như vậy, đầu tiên NXB Trẻ có trả lời thư của bạn đọc. Hai là, dù không nói rõ vì sao, ít nhất họ cũng trả lời thẳng vào câu hỏi. Đây là điều tôi ghi nhận.
Sau đây, tôi nêu ra bốn chỗ có nội dung bị cắt bỏ, trong đó ba chỗ viết về Việt Nam và một chỗ viết về Trung Quốc. Liệu đây có phải là “điều chỉnh nhỏ” hay không? Xin bạn đọc tự đánh giá.
***
Trong cuốn sách gốc “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty”, hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson nhắc đến “Vietnam” ở trang 233 (chương 8), trang 441 và 458 (chương 15). Trong khi đó, bản tiếng Việt “Tại sao các quốc gia thất bại” hoàn toàn không có chữ “Việt Nam” nào xuất hiện ở các trang tương ứng là trang 283 (chương 8), trang 551 và 571 (chương 15).
Cụ thể, trang 233, chương 8, bản gốc tiếng Anh viết như sau. Tôi in đậm những chữ đã bị cắt bỏ trong bản tiếng Việt.
“In 1661 the emperor Kangxi ordered that all people living along the coast from Vietnam to Chekiang—essentially the entire southern coast, once the most commercially active part of China—should move seventeen miles inland. The coast was patrolled by troops to enforce the measure, and until 1693 there was a ban on shipping everywhere on the coast”.
Trang 283, chương 8, bản tiếng Việt của NXB Trẻ viết:
“Năm 1661, Hoàng đế Khang Hy ra lệnh cấm vận chuyển tàu thủy mọi nơi dọc bờ biển, và lệnh này được áp dụng mãi đến năm 1693”.
Ở chương 15 trong nguyên tác tiếng Anh, trang 441, hai tác giả viết như sau:
“As our theory highlights, particularly in societies that have undergone some degree of state centralization, this type of growth under extractive institutions is possible and may even be the most likely scenario for many nations, ranging from Cambodia and Vietnam to Burundi, Ethiopia, and Rwanda. But it also implies that like all examples of growth under extractive political institutions, it will not be sustained”.
Bản dịch tiếng Việt mà độc giả nhận được từ NXB Trẻ ở trang 550-551, chương 15 là:
“Như lý thuyết của chúng tôi nhấn mạnh, sự tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là đối với những xã hội đã ít nhiều trải qua tình trạng tập trung hóa nhà nước, và thậm chí có rất nhiều khả năng xảy ra ở nhiều quốc gia, từ Campuchia cho đến Burundi, Ethiopia và Rwanda. Nhưng lý thuyết của chúng tôi cũng hàm ý rằng mọi ví dụ điển hình về sự tăng trưởng trong các thể chế chính trị chiếm đoạt đều có thể không bền vững”.
Trang 458, chương 15, bản gốc tiếng Anh viết:
“Alas, the outcome was the opposite, and much more repressive and extractive institutions replaced those of the government the Bolsheviks overthrew. The experiences in China, Cuba, and Vietnam were similar. Many noncommunist, top-down reforms fared no better.”
Trang 571-572, chương 15, độc giả chỉ thấy nội dung tương ứng sau ở bản dịch tiếng Việt:
“Than ôi, kết quả thì ngược lại, và thay thế cho những thể chế mà Bôn-sê-vich đã lật đổ là những thể chế thậm chí còn chiếm đoạt hơn và đàn áp hơn. Nhiều cuộc cải cách từ trên xuống dưới ở những nước không theo chế độ cộng sản cũng không khả dĩ hơn”.
***
Vừa rồi là ba chỗ cắt bỏ có nhắc trực tiếp đến Việt Nam. Sau đây là một chỗ mà biên tập viên của NXB đã cắt bỏ về Trung Quốc.
Trang 549, chương 15, bản dịch tiếng Việt có viết: “Nói cách khác, tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt diễn ra dễ dàng hơn khi không cần có đột phá sáng tạo. Các thể chế kinh tế Trung Quốc chắc chắn là có tính dung hợp nhiều hơn so với Liên bang Xô viết, nhưng các thể chế chính trị Trung Quốc vẫn giữ như vậy.
[…]
Ngày nay, sự kiểm soát đối với các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm mạng Internet, lên đến mức nghiêm ngặt chưa từng thấy”.
Trang 440, chương 15, bản gốc tiếng Anh viết tương ứng như sau:
“Growth under extractive institutions is easier when creative destruction is not a necessity. Chinese economic institutions are certainly more inclusive than those in the Soviet Union, but China’s political institutions are still extractive. The Communist Party is all-powerful in China and controls the entire state bureaucracy, the armed forces, the media, and large parts of the economy. Chinese people have few political freedoms and very little participation in the political process.
Many have long believed that growth in China would bring democracy and greater pluralism. There was a real sense in 1989 that the Tiananmen Square demonstrations would lead to greater opening and perhaps even the collapse of the communist regime. But tanks were unleashed on the demonstrators, and instead of a peaceful revolution, history books now call it the Tiananmen Square Massacre. In many ways, Chinese political institutions became more extractive in the aftermath of Tiananmen; reformers such as Zhao Ziyang, who as general secretary of the Communist Party lent his support to the students in Tiananmen Square, were purged, and the party clamped down on civil liberties and press freedom with greater zeal. Zhao Ziyang was put under house arrest for more than fifteen years, and his public record was gradually erased, so that he would not be even a symbol for those who supported political change.
Today the party’s control over the media, including the Internet, is unprecedented”.
Những chỗ cắt bỏ trên thực tế không chỉ dừng lại ở con số 4. Phần References (Tài liệu tham khảo, từ trang 483 đến trang 510) và Index (Chỉ mục/ Mục từ tra cứu, từ trang 511 đến trang 529) trong bản gốc cũng bị cắt bỏ khỏi bản dịch tiếng Việt. Và có lẽ số lượng chỗ cắt bỏ còn nhiều hơn nữa nếu bạn đọc có thời gian so sánh kỹ bản tiếng Việt do NXB Trẻ vừa tái bản với bản gốc tiếng Anh.
NXB Trẻ cho rằng các chỗ biên tập cắt bỏ trong sách chỉ là những “điều chỉnh nhỏ”. Trong lời nhà xuất bản ở đầu sách, NXB này nói họ “tôn trọng đầy đủ quan điểm của các tác giả”. Nếu những ví dụ trên là chưa đủ để bạn thấy “điều chỉnh” của họ có thật sự “nhỏ” và họ có thật sự “tôn trọng đầy đủ” quan điểm của hai tác giả hay không, xin mời bạn đọc cùng so sánh thêm để tiếp tục trao đổi với họ.
Bạn đọc có thể liên hệ với NXB Trẻ qua các email được công khai trên website của họ nxbtre.com.vn như:
hopthubandoc@nxbtre.com.vn (trụ sở chính);
chinhanhhanoi@nxbtre.com.vn (chi nhánh Hà Nội);
chinhanhdanang@nxbtre.com.vn (chi nhánh Đà Nẵng);
chinhanhdongnambo@nxbtre.com.vn (chi nhánh Đông Nam Bộ);
chinhanhdongthap@nxbtre.com.vn (chi nhánh Đồng Tháp).