Cuộc chiến chip có thể diễn biến thế nào dưới thời Trump?

Nguồn: Chris Miller, “How the chip war could turn under Trump,” Financial Times, 06/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Từ thuế quan đến nhu cầu AI, các công ty Mỹ đang cân nhắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Sự trở lại của Donald Trump có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến chip toàn cầu? Ông không phải là người bắt đầu cuộc đua trợ cấp công nghệ – người phát động là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – nhưng chính quyền đầu tiên của ông đã khiến Mỹ tập trung vào cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc. Sau đó, Biden đã mở rộng các chính sách thời Trump liên quan đến thuế quan, trợ cấp, và kiểm soát xuất khẩu. Và giờ đây, Trump đã trở lại ngay khi trí tuệ nhân tạo làm tăng nhu cầu về sức mạnh tính toán.

Đối với ngành công nghiệp chip, trọng tâm trước mắt là thuế quan. Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã thúc đẩy ngành này trải qua một đợt tái cấu trúc chuỗi cung ứng tốn kém, với việc lắp ráp thiết bị điện tử được chuyển từ Trung Quốc sang Mexico và Đông Nam Á. Chắc chắn sẽ có thêm nhiều mức thuế đối với Trung Quốc. Nhưng một số quốc gia Đông Nam Á có thặng dư thương mại xuất khẩu điện tử cao hơn với Mỹ cũng nằm trong tầm ngắm.

Tuy nhiên, không phải mọi công ty sản xuất chip của Mỹ đều phản đối mọi loại thuế quan. Để bảo vệ các phân khúc công nghiệp bị ảnh hưởng bởi các đối thủ cạnh tranh được trợ cấp mạnh mẽ từ Trung Quốc, Washington đang xem xét “thuế quan linh kiện” – tức là đánh thuế nhập khẩu không dựa trên địa điểm lắp ráp cuối cùng, mà dựa trên các linh kiện bên trong thiết bị. Hiện tại, một thiết bị được lắp ráp tại Việt Nam có chứa chip Trung Quốc đang phải trả mức thuế quan dành cho Việt Nam, chứ không phải mức thuế dành cho Trung Quốc. Nhưng chế độ thuế quan dựa trên linh kiện sẽ nhắm vào chip Trung Quốc, bất kể khâu lắp ráp cuối cùng diễn ra ở đâu. Một chính sách như vậy sẽ phù hợp với mong muốn của Trump là giải quyết các khoản trợ cấp của Trung Quốc với chi phí thấp hơn cho các công ty và người tiêu dùng so với một mức thuế chung.

Kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty Mỹ vận chuyển chip AI và công cụ sản xuất chip đến Trung Quốc là một sự mở rộng khác của Biden đối với chính sách mà Trump khởi xướng. Chính Trump là người đầu tiên nhắm vào Huawei. Và từ đó đến nay, chính quyền Biden đã cắt giảm xuất khẩu cho hơn một trăm công ty mà họ cho là có liên kết với Huawei. Cũng chính Trump là người đã làm việc với chính phủ Hà Lan để cấm bán máy in thạch bản tiên tiến cho Trung Quốc, và Biden đã mở rộng những hạn chế đó.

Các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có mà chính quyền mới có thể tìm cách khắc phục. Các đồng minh có thể phàn nàn, nhưng một số lại âm thầm ưa thích các biện pháp đơn phương của Mỹ, vì chúng giúp họ không phải đưa ra quyết định khó khăn trước áp lực trong nước và sự trả đũa từ Trung Quốc. Dù thế nào đi nữa, thì liên minh hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc tuy không hoàn hảo, nhưng sẽ tiếp tục được duy trì.

Còn ngành sản xuất trong nước của Mỹ thì sao? Sự ra đi gần đây của giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger, nhấn mạnh những thách thức mà công ty – vốn đóng vai trò trung tâm trong chiến lược chip của Biden – phải đối mặt, dù họ đã đàm phán nhận hàng tỷ đô la tiền tài trợ theo Đạo luật Chip năm 2022.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã gợi ý rằng, thay vì trợ cấp cho các công ty sản xuất chip, thuế quan có thể có tác dụng khuyến khích sản xuất trong nước nhiều hơn. Nhưng việc áp thuế đối với các đối tác như Đài Loan, nơi xuất khẩu sang Mỹ đã tăng vọt nhờ Nvidia, cũng sẽ gây hại cho Thung lũng Silicon. Khoản đầu tư vào Arizona của nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan, TSMC, đã được chính quyền Trump đầu tiên công bố. Không khó để tưởng tượng ra một vòng đầu tư thứ hai nhằm tăng cường an ninh chuỗi cung ứng.

Với các cơ sở đang được xây dựng tại nhiều tiểu bang, Đạo luật Chips hiện đang nhận được sự ủng hộ sâu sắc của lưỡng đảng. Chủ tịch Hạ viện – thành viên Đảng Cộng hòa – Mike Johnson gần đây đã nhận ra mức độ ủng hộ sâu sắc đến thế nào. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã đề xuất bãi bỏ đạo luật này và gây ra một cuộc nổi loạn trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Giờ đây, ông hứa sẽ “tinh giản và cải thiện” đạo luật bằng cách loại bỏ “các quy định tốn kém.” Các công ty sản xuất chip – những công ty đã phàn nàn về lao động, chăm sóc trẻ em, và các quy tắc cấp phép – sẽ hoan nghênh điều này. Quốc hội mới thậm chí có thể gia hạn khoản tín dụng thuế đầu tư hào phóng cho các nhà máy sản xuất chip.

Bất ổn lớn nhất đang bao trùm ngành công nghiệp chip là tương lai của nhu cầu AI. Các công ty từ Nvidia đến TSMC đã được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư vào các trung tâm dữ liệu AI. Các cố vấn của Trump cho biết họ muốn đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm dữ liệu bằng cách hợp lý hóa việc cấp phép và khuyến khích sản xuất điện. Sự hiện diện của Elon Musk trong nhóm những người thân tín với Trump – công ty xAI của Musk hiện điều hành một trong những cụm chip AI lớn nhất thế giới – cho thấy AI sẽ là trọng tâm. Washington đang xôn xao với những ý tưởng để đẩy nhanh phát triển AI, từ việc phân vùng lại các khu đất do liên bang sở hữu để xây dựng trung tâm dữ liệu đến việc thành lập “Dự án Manhattan” cho AI.

Nhưng Đạo luật Chips cũng đã tạo ra một Dự án Manhattan mini bằng cách phân bổ hơn 10 tỷ đô la cho các chương trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thông qua Đạo luật Chips. Phần lớn số tiền này vẫn chưa được chi. Phải mất nhiều năm để xây dựng một nhà máy sản xuất chip, và thậm chí còn lâu hơn nữa để thấy được thành quả từ R&D. Nếu chính quyền Trump mới muốn thiết lập lại chính sách chip – và nếu muốn thu được kết quả rõ ràng trong vòng bốn năm – thì tốt hơn hết là nên bắt đầu sớm.

Chris Miller là tác giả cuốn “Chip War” (Cuộc chiến vi mạch).

Related posts