Chuyên gia Gordon Chang: Trung Quốc có thể tùy ý đóng cửa Kênh đào Panama

Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock)

Chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang đã cảnh báo trên Newsmax vào thứ Hai (23/12) rằng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc đối với Kênh đào Panama gây ra rủi ro tiềm tàng đối với thương mại hàng hải toàn cầu và các hoạt động hải quân của Hoa Kỳ.

Ông Chang, một nhà báo nổi tiếng, đã cảnh báo vào thứ Hai (23/12) trong chương trình “Rob Schmitt Tonight” của đài Newsmax rằng Trung Quốc có thể đóng cửa Kênh đào Panama nếu họ muốn. Tuyến kênh đào xuyên biển quan trọng này hiện ngày càng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, từ đó làm dấy lên lo ngại về những tác động chiến lược của nó đối với Hoa Kỳ và thương mại toàn cầu.

Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây tuyên bố rằng Kênh đào Panama là “tài sản quốc gia quan trọng” đối với Hoa Kỳ và đe dọa sẽ tái khẳng định quyền kiểm soát nó.

“Vâng, ông ấy chắc chắn đúng“, ông Chang bình luận khi được hỏi về lời cảnh báo của ông Trump rằng Trung Quốc tìm cách kiểm soát tuyến đường thủy này. “Các cơ sở cảng của Trung Quốc nằm ở cả hai đầu kênh đào. Và khi Tướng Laura Richardson đi trực thăng qua Khu vực Kênh đào, lúc đó là giữa năm 2022; bà cho biết bà đã ‘nhìn xuống và thấy tất cả các cơ sở có mục đích sử dụng kép này’”.

Ông Chang tiếp tục trích dẫn lời giáo sư Evan Ellis, một chuyên gia hàng đầu về Mỹ Latinh, tuyên bố rằng: “Trung Quốc có thể đóng cửa kênh đào nếu muốn“.

Ông Chang giải thích rằng sự phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả các cây cầu, có thể được sử dụng để gây cản trở hoạt động của kênh đào trong một cuộc xung đột.

“Nếu bạn xây một cây cầu bắc qua kênh đào, bạn làm sập cây cầu đó xuống kênh đào, ngăn chặn tuyến đường thủy này. Và đó là những gì tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang thực hiện với dự án cơ sở hạ tầng mới này của họ bởi vì vào thời điểm chiến tranh, họ có thể khiến kênh đào hoàn toàn vô dụng“, ông Chang cảnh báo.

Kênh đào Panama, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, đóng vai trò quan trọng đối với thương mại toàn cầu và chiến lược hải quân của Hoa Kỳ.

Ông Chang nhấn mạnh tầm quan trọng của Kênh đào Panama bằng cách lưu ý: “Họ nói rằng chúng ta có Hải quân hai đại dương. Vâng, chúng ta sẽ có hai lực lượng hải quân riêng biệt. Sẽ rất khó để đưa tàu từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, hoặc ngược lại.” Nếu không có kênh đào này, các tàu hải quân sẽ phải đối mặt với các tuyến đường dài hơn quanh Nam Mỹ, làm tăng thêm những thách thức về hoạt động.

Ông Chang cũng nhấn mạnh đến ảnh hưởng rộng lớn hơn của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, chỉ ra sự thống trị của Bắc Kinh trong các mối quan hệ thương mại và sự hiện diện ngày càng tăng của nước này trong phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.

“Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh không tính Mexico. Và nếu bạn đi từ chính phủ này sang chính phủ khác ở Nam Mỹ, đặc biệt là bạn sẽ nhận thấy Trung Quốc ở đó, còn chúng ta [Hoa Kỳ] thì không“, ông Chang nói.

Ông Chang lưu ý rằng ảnh hưởng này đã được thể hiện rõ ràng tại cuộc họp APEC ở Peru, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được sự chú ý đáng kể, trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phải đối mặt nhiều sự thờ ơ.

“Điều đó cho thấy Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào ở nơi mà chúng ta gọi là sân sau của mình“, ông Chang nhận xét.

Cũng trong hôm thứ Hai (23/12) , phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Trung Quốc luôn ủng hộ người dân Panama trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền đối với Kênh đào.

Phạm Duy, theo Newsmax

Related posts